Nhớ quê nhớ tết ngọt ngào
Ơ thịt kho tàu nồi bánh tét xuân
Hiện diện như một nét văn hóa của miền Nam, từ thời khai hoang lập ấp những cư dân đầu tiên của vùng đất Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng đã biết gói bánh tét bằng gạo lúa nổi để cúng tạ ơn trời đất, tạ ơn ông bà tổ tiên. Đối với người dân vùng đất phương Nam đòn bánh tét là thứ không thể thiếu được trong những ngày Tết cổ truyền. Với người dân miền Tây, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác.
Cách làm bánh tét thì không phải nơi nào cũng giống nhau.Ở miền Tây bánh tét trở nên “đa sắc” hơn với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc, ra đảo Phú Quốc thì có bánh tét mật cật… Và góp phần vào sự phong phú đa dạng của bánh tét miền đất Tây Nam Bộ, người Cần Thơ có một loại bánh tét rất nổi tiếng là bánh tét lá cẩm.
Trong ba ngày tết bánh tét trở thành món chủ lực thay cơm, chỉ cần đĩa dưa món, kiệu, rau muống ngâm chua ngọt, vài khoanh bánh tét và dĩa thịt kho hột vịt đã thành bữa ăn ngon miệng. Hết ba ngày tết ngán vị nếp nấu dẻo ngậy, bà nội trợ sẽ chuyển sang món bánh tét chiên nóng giòn cũng hấp dẫn không kém.
Cứ thế hết tết, bánh tét hoàn thành sứ mạng của mình một cách vui tươi, đầm ấm bên mâm cúng ông bà, bữa cơm gia đình. Vì thế, từ bao năm qua người miền Tây dù có thế nào đi chăng nữa vẫn không bao giờ quên hương vị bánh tét trong những ngày đầu năm.
Đặc biệt đành riêng cho các ngày lễ quan trọng. Bánh tét về hình thức to nhỏ khác nhau, có đòn nặng chừng 200g, cá biệt lên tới 1kg thậm chí có những lễ hội lớn các nghệ nhân làm bánh tét nặng tới hàng trăm ký. Về nguyên liệu nhân bánh cũng rất đa dạng: nhân đậu đem, đậu xanh trộn đường, nhân thịt, nhân chuối…dành cho người ăn chay, bánh tét mặn thường có đậu xanh thịt mỡ, tôm khô thịt nạc…nói chung là từ tập quán, sản vật của địa phương nên cách chế biến có khác nhau chút ít theo thói quen khẩu vị.
Gói bánh tét ăn Tết
Chim kêu ba tiếng ngoài sông
Mau lo lựa nếp hết đông tết về
Lo lựa nếp để gói bánh tét trước cúng ông bà tổ tiên, kế biếu bà con lối xóm, sau cùng để ăn cho ba ngày tết. Do vậy, món bánh tét là loại bánh không thể thiếu được vào dịp xuân về, là nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ nói chung và miền Tây nói riêng. Vì thế, một số người mới cho rằng cách gọi bánh tét có thể được đọc trại từ bánh tết mà ra.
Người dân ở miền Tây gói bánh Tét từ rất sớm, nếu gia đình nào chuyên nghề làm bánh Tét, sẽ gói bánh vào độ khoảng 26, 27 Tết Âm lịch để đến ngày 28, 29 Tết bánh Tét đã có mặt khắp các chợ và cửa hàng phục vụ cho nhu cầu mua về hoặc tặng biếu bà con thân thuộc. Nhưng nếu nhà nào khéo tay và có thời gian, sẽ chuẩn bị gói và nấu bánh Tét trong 2 ngày (29 và 30 tết) để kịp bánh chín và đón giao thừa.Ngày gói bánh từ sáng sớm mọi người đã chia nhau công việc của mình, người khéo tay nhất sẽ lo việc xào nếp, làm nhân, những người còn lại kẻ lau lá, xé lạt, người chuẩn bị nồi nước thật to để nấu bánh. Có thể nói hôm ấy là ngày vui nhất trong nhà vì mọi người quây quần bên nhau trò chuyện rôm rả.Gói bánh Tét đã trở thành một tục lệ trong dịp tết cổ truyền ở Nam bộ nói chung và miền Tây nói riêng.
Ai đã từng ngồi canh giữ nồi nước thì chắc không thể quên được hình ảnh bập bùng của lò nấu bằng củi với âm thanh tí tách, cái háo hức mong đợi khi bánh được vớt khỏi nồi nước luộc và cái hơi nóng tỏa ra làm ấm cả gian nhà bếp. Đó là cảm giác của ngày tết sắp về ở từng gia đình. Độ chừng 3 đến 4 tiếng, người ta vớt bánh ra khỏi nồi nước, treo thành từng xâu trên cái đòn dài của nhà bếp để bánh ráo nước và tránh sự dòm ngó của lũ mèo, chuột. Sáng 30 cúng rước ông bà, họ cắt bánh thành từng khoanh rồi đặt vào đĩa để cúng. Bánh cúng xong thì con cháu mới được ăn.
Ngày Xuân, mọi thành viên trong gia đình về đoàn tụ và được thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy hết giá trị của không khí gia đình truyền thống và ý nghĩa Tết cổ truyền của dân tộc. Màu xanh của lá, mùi thơm của nếp, của lá dứa, vị ngọt bùi của nhân đậu, thịt sẽ là hương vị đậm đà khó quên cho mỗi người.
Sưu tầm internet