Quê tôi có rừng tràm U Minh Hạ, thuộc địa phận của 3 huyện: U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Những năm 90 của thế kỷ trước, hàng ngàn hộ nghèo được Nhà nước giao đất giao rừng để an cư. Mỗi cuộc đời đến với rừng có một nguồn cơn riêng, nhưng tất cả cùng chung mẫu số: nghèo, không đất. Hơn hai mươi năm kể từ ngày nhận đất, cuộc sống của bà con đã bén rễ như cây tràm.
Chế Tư tôi – hiện là một chủ nhân ở rừng tràm U Minh Hạ, gọi điện thoại: – Cuối tuần tới, chế gả con Đạt, em ráng về mừng cho cháu nghen.
Dù bận bịu, tôi cũng thu xếp về với má con chế Tư. Một lẽ, ngày ở quê, chế Tư là người dẫn dắt tôi học đủ điều về “nữ công gia chánh” của một thôn nữ đồng nội. Nào là bó chổi, đan rế, may bợ nhắc nồi, nướng bánh bông lan, hấp bánh bò…
Cha của chế Tư – bác Bảy tôi hy sinh ngay trước giờ miền Nam rợp bóng cờ bay. Lúc đó, chế tròn 18 tuổi. Đến năm chế 27 tuổi, bác Bảy gái tôi cũng qua đời. Nhà nghèo, nhưng chế giữ nếp thuần khiết, trắng trong, làm lụng thờ cha mẹ.
Đến khi tuổi gần 40, gặp anh bộ đội phục viên, nửa đường gãy gánh tóc tơ, mới nhận lời xuất giá. Kết quả của cuộc hôn nhân muộn là bé Đạt.
Đạt là con gái, nhưng xuất xứ cái tên này gắn liền với niềm ước mơ được làm chủ một miếng đất của má nó. Đó là vì vợ chồng chế Tư không có một cục đất chọi chim, khoảng năm 1991 được Nhà nước cấp cho 3 ha đất rừng.
Hôm cùng vợ chồng chế Tư vào rừng nhận đất. Trước vạt đất tràm ít, sậy nhiều, hoang vắng, tôi nản lòng, nhưng chế Tư thì rạng rỡ: “Chế ước mơ có một miếng đất, mình làm chủ, nay đã thành sự thật. Vợ chồng chế sẽ ráng cải tạo, em tin đi, vài năm sau, em vô, đất này sẽ xanh lúa, xanh màu…”.
Thế rồi vợ chồng chế tôi chặt cây, gom cỏ, đào đất kê mương. Mỗi năm một ít… Nhẫn nại, kiên trì… mảnh đất rừng ngày nào đã biến thành ruộng lúa.
Bé Đạt được sinh ra giữa cánh rừng U Minh bạt ngàn cỏ sậy, thấm đẫm nước phèn. Trong thư gửi tôi, chế Tư hớn hở: “Chế sanh con gái, nhưng anh Tư quyết định đặt tên là Đạt. Vì ước mơ có đất, có hạt lúa ví bồ. Giờ niềm mong mỏi của ảnh đã đạt thành sở nguyện!”.
Thiệt buồn, khi Đạt chừng 10 tuổi, chồng của chế tôi qua đời vì đi phát cỏ, gặp một con rắn độc chạm vào chân. Đường đến viện quá xa, nên anh mãi mãi nằm lại giữa vạt rừng nhỏ U Minh. Bởi vậy, ngày vui của cháu Đạt, bằng mọi giá tôi phải về.
Gần 20 năm trở lại rừng tràm U Minh, với tôi, quãng thời gian ấy dài vô tận. Vì rằng nơi phố chợ hình như một ngày một mới, còn nơi đây, ngày hai buổi ruộng đồng, rẫy bái, bà con cứ thế lam làm… mặc cho thời gian, mặc mưa nắng lặng lẽ trôi qua.
Đâu chỉ riêng chế Tư tôi, trong số hơn 5.000 hộ dân nghèo, được giao đất giao rừng theo Quyết định 64 năm ấy (1991), nay nhiều hộ đã ăn nên làm ra, xây được nhà, mua được xe máy. Những xóm dân cư hiu hắt ngày ấy giờ trở thành xóm dân đông đúc, có trường học, có cây nước, có điện thắp sáng. Tiếc là, đường về nhà chế Tư còn cách trở đò giang. Tôi đành thuê vỏ lãi chạy vô. Vỏ chạy qua những xóm nhà, tôi thấy nhiều nhà mái tol, cột ăng-ten ti-vi dựng lên.
Hồi trước, báo chí nhiều lần lên tiếng “Cà Mau bỏ con giữa rừng”, thay lời “bỏ con giữa chợ”. Điều đó có cơ sở, vì rằng những hộ nhận đất lúc đó tay trắng, ít học, kinh nghiệm cải tạo đất rừng đâu biết chi. Đã vậy, việc giữ rừng, trồng lúa cùng tồn tại, nên rừng ngày càng nghèo mà ruộng trồng lúa năng suất cũng chẳng đủ ăn.
Nhiều hộ bỏ rừng về lại bến kinh dựng chòi cắm câu, giăng lưới. Cách nay 15 năm, Cà Mau tiến hành sắp xếp dân cư sinh sống tại các làng rừng. Rừng nào là rừng sản xuất, đất nào được trồng lúa được quy hoạch khá rõ ràng.
Việc bố trí dân cư theo tuyến đã hợp lý hơn. Theo đó, đất cấp cho các hộ được xác lập chủ sở hữu, chủ đất đủ tư cách pháp nhân vay vốn ngân hàng… Ngoài ra, các kinh rạch được sên vét, tháo úng, xổ phèn, các cơ quan đoàn thể, ngành nông nghiệp xắn tay vào cuộc giúp dân vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất…
Tất cả những việc làm ấy đã giúp cho những hộ không đất cắm dùi năm xưa giờ trở thành chủ nhân của đất. Về phần mình, nhiều hộ chịu thương, chịu khó, chắt chiu, dành dụm… Sau hơn hai mươi năm, bức tranh làng rừng U Minh Hạ thời hòa bình đã sống động, lung linh hơn.
Nhìn ra ruộng lúa, tôi thấy ngôi mộ của anh Tư nằm giữa bốn bề của màu xanh. Xanh lúa, xanh tràm. Tôi không khỏi tự hào “Đất rừng U Minh đã có biết bao thế hệ nằm lại. Người hy sinh vì đánh giặc. Người vì yêu rừng, yêu đất. Tất cả những hy sinh ấy đã cho thế hệ tiếp theo có được mái nhà, hạt lúa và cây tràm”.
Đám cưới ở rừng thật xôm tụ. Có nhạc sống. Dưới ánh đèn nê-on, mấy người cao niên thì ngâm nga “Tình anh bán chiếu”, “Lưu Bình, Dương Lễ”… Mấy cô cậu choai choai thì nhảy nhót và hát những bài yêu, bài giận của thời nhạc chợ cũng thiệt sôi động. Cô bác ở miệt này chân chất, đôn hậu, ai cũng xoắn xít, lo tôi đi đường xa mệt.
Nhiều anh, nhiều chị tự trách: Về đây mà không có cá lóc nấu cháo rau đắng đãi em thiệt là kỳ. Có người còn thanh minh: Hồi trước mùa này, nhà ai cũng có hũ mắm để dành ăn. Mấy năm nay đâu còn cá nhiều, nên kiếm mắm cũng khó cưng ơi!
Ký ức tôi hoài niệm ùa về. Ngày ấy, chỉ cần bơi xuồng ra mương, câu vài chục phút là một rổ cá. Những con cá rô, cá thác lác múp míp. Đặt một cái lọp xuống kinh, tuần sau dỡ lọp nào cá lóc, cá dầy, nhiều khi những chú rùa nặng cả ký cũng chui vô.
Nghe bà con xuýt xoa, tiếc nuối chuyện hôm qua, tôi nghĩ: Cái này mất đi cho cái mới ra đời. Chắc chắn, bà con làng rừng phải hành động để cho rừng giàu hơn hiện tại.
Đạt, học hết lớp 5, nghỉ ở nhà phụ giúp má. Nước da Đạt rám nắng. Đôi mắt giống y chang má, buồn man mác. Tánh cũng giống má, rất thích ở rừng. Đêm khuya, bên nhau, Đạt thủ thỉ: Chồng con công tác ở trạm kiểm lâm, con tham gia công tác Đoàn, rồi quen ảnh.
Ảnh hứa với con: Có chồng, không làm dâu, ở tại nhà này nuôi má. – Má con cực khổ nhiều, con tính đường xa vậy là tròn đạo hiếu – tôi động viên và nhắc khéo: “Mai này con ráng cho con học cao hơn con đó!”.
Đạt nói: Dì nghĩ coi: Trường xa nhà bốn, năm cây số, tiền sách, tiền thuê đò mỗi tháng cả trăm ngàn, má lo sao nổi. Ngày đó, con học giỏi, nhưng phải nghỉ, tiếc thiệt. Đạt hứa: – Tới phiên con của con chắc là sẽ học đàng hoàng.
Rồi Đạt quay qua chuyện vui: Dì thấy đó, lúa đông xuân con sạ được hơn 10 ngày, xanh mướt. Năm nay chắc mẩm là trúng vụ. Con định qua Tết sửa nhà, mua cho má cái ti-vi mới.
Đạt là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên ở rừng. Rồi đây, con của Đạt sẽ là thế hệ thứ hai… Những chủ nhân của rừng tuy còn nghèo và ít học, nhưng yêu đất, quen dầu dãi nắng sương… Bởi vậy, việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, trong đó có nguồn lợi thủy sản và môi trường cần có những cách làm thiết thực, hiệu quả. Tỷ dụ: xây dựng dự án phát triển làng du lịch, quy hoạch tổ, nhóm nuôi cá, tổ trồng rừng gác kèo ong…
Đêm ở rừng lặng chang, mênh mang. Hương tràm dìu dịu, theo làn gió chướng từ đâu xào xạc thổi về báo hiệu một năm mới sắp đến!
Bút ký của Hồ Trúc Điệp