Menu Đóng

Con Cút Cụt Đuôi….

Nó lầm lũi đi về phía lộ đình, phía sau lưng vẫn văng vẳng đuổi theo tiếng hát bài đồng dao.

Cúc cụt đuôi
Ai nuôi mày lớn
Dạ thưa thầy
Con lớn mình ên…

Những lần đầu nó chạy về nhà, ra sau hè mở nắp lu dội lấy dội để, vừa tắm vừa xoá dấu vết để ngoại không biết nó khóc… bây giờ thì nó lì trơ rồi, cho nên đám bạn cũng bớt chọc phá hơn trước

Nhớ hồi đầu nó bị con Ánh, bự con nhất nhóm, ăn hiếp hoài

Đầu mày có rơm có rác
Kêu tao bằng bác
Tao phủi dùm cho
Kêu tao bằng cô
Tao cho cái… “cốc”

Sau tiếng “cốc” là nó lảnh đủ cái cốc thiệt đau của con Ánh. Sau vài lần biết khôn khi 2 đứa đứng đối diện nhau, tay đứa này để lên đầu đứa kia, nó yêu cầu con Ánh phài rùn chân xuống gần bằng với nó. Khi vừa hết câu, trong khi con Ánh lo xuống tấn lấy thế, nó nghiêng đầu né và con Ánh lảnh đủ cú cốc trả thù …

… “Cúc ơi, nạo dừa chưa con ?” Tiếng Ngoại nó trong nhà vẳng ra
“ Dạ tắm xong con nạo liền” Nó vừa vắt bộ đồ phơi lên sào, vừa nói

Con Cúc mới 8 tuổi, gầy và đen nhẻm, kết quả của một cuộc tình theo mùa gặt đi qua. Nó không biết mặt ba nó là ai, chỉ biết là một anh thợ gặt mướn từ miệt Châu Đốc . Mẹ nó cũng bỏ đi sau khi dứt sữa nó lúc còn chưa thôi nôi… Trong cơn khóc ngằn ngặt vì thiếu hơi mẹ, nó ngậm vú da bà ngoại và rồi lớn lên với nước cơm pha đường, thỉnh thoảng cũng được lon sữa bò bú dặm…

Những lần đầu tập nạo dừa phụ bà ngoại, được thưởng cho mấy muỗng dừa đen sát gáo, nó khoái lắm. Mấy ngày sau thì nó ngán tới cổ, chỉ lâu lâu nhúm mấy nhúm để dành chơi nhà chòi…

“Con nạo mịn nên vắt ngợi nước cốt lắm” Nó nhìn Ngoại túm vải mùng vắt nước cốt dừa
“ Khi rải xôi hay bắp mới nạo sợi to, phải hông ngoại” Con Cúc bưng mâm xác dừa đổ vào thau thức ăn cho vịt.

Những ngày mùa gặt, Ngoại nó thêm một gánh bán buổi chiều, không bán dạo quanh xóm mà ngồi ở chân cầu, cạnh bến Đình. Con Cúc phụ rửa chén thu tiền, tiếng đồng dao “ Cúc cụt đuôi…” như thôi thúc nó co giò chạy ra với đám bạn…

Tết năm rồi mẹ nó về thăm bà cháu, con Cúc gồng mình trong vòng tay ôm siết của bà ấy. Nó chịu không nỗi cái mùi dầu thơm lạ lẩm, nó đã quen mùi của Ngoại, mùi khói bếp hăng hăng, mùi chè ngòn ngọt…Nó cứ tìm cách xô nhẹ mẹ nó ra để đứng lẩn quẩn bên bà ngoại.

Xóm có 2 y tá, nhưng chỉ có Út Vũ là sẵn sàng chạy tới tận nhà. Bộ đồ pyjama và chiếc xe Honda 67 đã trở thành quen thuộc trong ấp. Tuổi trạc trung niên, thôi vợ, ở trọ nhà gần chợ, rất thương trẻ con, cho nên đối vợi tụi con Cúc , chú Út Vũ là thần tượng. Lần chạy sấp ngửa ra gọi chú Út vô chích thuốc cho Ngoại, con Cúc được chú Út chở về bằng xe 67, nó ôm eo bộ đồ pyjama vạm vở, hít hơi ấm nồng mà ước gì đây là ba nó…

Cây gáo sân đình to cao sừng sững đối diện miếu ông Hổ, cạnh miếu có cây bàng cũng rất bề thế. Dưới gốc gáo là nhóm con trai, dưới gốc bàng là nhóm con gái, có khi chán món nhảy cò nhảy dây đánh đủa tụi nó cũng bắt chước đám con trai chơi tạt lon. Cái lon sữa bò móp méo vì những miếng chàm bằng gạch tàu , gạch bông, dép guốc… Mùa gáo trổ bông, những quả bông gáo vàng tròn xoe như quả chôm chôm vàng hực rơi đầy sân đình, bọn con gái nhặt và gở cụm bông để chơi nhà chòi, bán hàng, con trai thì chọc trái bàng già đập lấy hột, hột bàng non chan chát bùi bùi

Trong nhóm con trai, thằng Huấn là bự con với gương mặt ông địa, nó thiệt tình hệch hạc, chuyện gì nặng nhọc kể cả oánh lộn tụi con trai đều đùn cho nó. Lần con Cúc giữ lon bị đừ, lảnh nguyên chiếc guốc của con Ánh vô mắc cá chân, thằng Huấn cũng được phân công cõng con Cúc về .

…Thùng thùng…thùng
Beng ben…ben

Tiếng trống di quan đám tang trong xóm văng vẳng. Con Cúc ngồi đò dọc về thăm Ngoại

“ Tội nghiệp thằng hiền hậu lại bị trời đánh” bà bạn hàng ngồi cuối đò chép miệng
“ Ai vậy dì” Cúc buột miệng
“Thằng Huấn con Ông Lý Bốn, ba nó nằm liệt giường vì ho lao, mình nó lo nuôi em, bị sét đánh lúc đi soi ếch, tội nghiệp, ngay ruộng sau nhà gần mộ má nó” Vừa nhổ cổ trầu xuống sông bà bạn hàng nói một hơi

Con Cúc nổi da gà xúc động sững sờ nhớ lại gương mặt hiền hậu của thằng Huấn, nó muốn chạy đi đưa tang nhưng đò đang giữa dòng, tiếng trống cũng đã nhỏ dần…Bây giờ con Cúc đã gần 13 tuổi rồi, mấy năm qua nó được một người bà con đem lên tỉnh, vừa phụ việc nhà, vừa được cho đi học, vài tháng nó về thăm Ngoại một lần. Mẹ nó vẫn xa biền biệt, nghe đâu nó đã có thêm đứa em một mẹ khác cha…

Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại ai dại thì qua
Đêm nằm nhớ chúa nhớ cha
Đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn
Linh hồn phải giữ linh hồn
Đến khi gần chết được lên thiên đàng…

“ Cúc ơi ra đình chơi” tiếng Ánh réo ngoài lộ. Tụi nó giờ lớn rồi chỉ còn đóng vai 2 thiên sứ căng tay làm cổng cho đám nhỏ rồng rắn luồn qua vòng lại theo bài hát. Đến cuối bài thì hai cánh cổng tay hạ xuống thật nhanh để bắt đứa nào bị chặn lại…Tiếng cười nắc nẻ cũng làm vui lây tụi nó.

Nhìn qua gốc gáo nhóm con trai trạc tụi nó chẳng còn đứa nào, nó nhớ gương mặt ông địa của thằng Huấn và tiếng trống di quan hôm nào…

“Gánh nước đầy 2 lu nghe con, ngày mai chủ nhật đông người lắm” Cô Thu đẩy xe đạp ra cửa dặn ngoái lại. Cúc vừa bế em bé vừa chay theo đóng cửa rào.

Cô Thu làm nhân viên Bưu điện, cháu họ xa bà ngoại của Cúc. Gần bốn năm qua nó sống xa Ngoại, ngày làm việc nhà và giữ em, tối đi học trường bán công. Cô có 2 đứa con , đứa trai lớn 11tuổi, con bé gái nhỏ 4 tuổi, cô tốt với nó lắm, chỉ có thằng con trai thỉnh thoảng hay bắt nạt …

“ Con cua luộc phần con cô để trên bếp” Cô Thu dặn Cúc lúc nó đi học về . Nó dạ rồi đi thẳng xuống bếp, mở nắp vung, chỉ còn sợi dây buộc cua trong nồi nước đục lờ. Cúc lặng lẻ bới cơm chan nước lạnh ăn với muối hột, nó không lạ gì trò chơi khăm của thằng Hải con lớn của Cô. Sau mấy năm ở với Cô nó như khôn lên trước tuổi, biết im lặng xử sự…

…Có lần nó bắt gặp Hải đốt đèn cầy ngồi sau bếp lén chép phạt, Em không làm bẩn tập vở, em sẽ học thuộc bài ( 50 lần ) Cúc nhìn thằng Hải nằm ngủ gục bên tờ giấy chép phạt mới được 20 câu, nó lặng lẻ ngồi chép lại dùm từ đầu ( vì sợ 2 tuồng chữ thì cô giáo biết ). Sau lần đó Hải bớt “chèn gây” với Cúc, nó biết dành đưa võng em cho Cúc rửa chén hoặc học bài. Cuộc sống cứ thế dần trôi, lâu lâu xin chạy về thăm ngoại, thỉnh thoảng Ngoại nó gửi lên chục bánh ích, nải chuối…Bé Hiền cứ quấn lấy nó như là người chị cả, người mẹ thứ hai

…Ai thổn thức ngoảnh trông về cố quận
Nâng chén quỳnh tương mà lòng dạ bâng khuâng …

Cúc cắn bút suy nghĩ tìm ý viết 2 câu vọng cổ cho buổi liên hoan cuối năm, phải chi còn chú Út Vũ để nó hỏi…

“Thằng Út Vũ nghe nói chết ở trên tỉnh, chết một mình trong nhà trọ, khi về thăm vợ con” Ngoại nó chép miệng “ Tội nghiệp chết cù bơ cù bấc, nghe nói nằm khoanh tay trên đầu như ngủ”Cúc chỉ được biết khi về thăm Ngoại, vậy là Chú mất ở trên tỉnh, gần chổ nó vẫn đi học hàng đêm mà có biết gì đâu “ Vậy chôn chú ở đâu hả ngoại” “ Ghe chở về ghé bến đình chừng một tiếng để từ giả rồi nghe nói chở về quê”. Cúc thẫn thờ nghe âm vang tiếng trống báo tang ở sân đình, hình ảnh những nén nhang thắp vội của những người xóm chợ, tang quyến lạy tạ thành hoàng …Không biết con chú bao lớn, có giống chú không…Cúc ngồi lựa đậu mà cứ ngân ngấn nước mắt, một nỗi buồn khó tả, cứ nhớ lại niềm ao ước năm nào lúc còn chạy rông ngoài sân đình, lúc được xoa đầu thăm hỏi…lúc úp mặt vào lưng chú trên chiếc 67 mà ước đó là cha…

Hết đệ tứ, Cúc được chuyển vào trường công lập. Bạn bè trong lớp đã phổng phao trong khi nó vẫn chai ngắt như đứa bé 13, 14 tuổi. Bây giờ tối tối nó vừa học bài thi tú tài 1, vừa dạy cho bé Hiền, tiếng radio hàng xóm vọng sang bài vọng cổ ruột của Vệ vẫn hay hát trong lớp

Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản,
cởi long bào giả dạng một thường dân,
vác cần câu ra ngồi dựa thạch bàn,
lòng vương giả mơ màng theo sóng nước…

Cúc không bị hấp dẩn bởi câu chuyện ẩn dụ cua cái cua đực của bài hát, nó đơn giản chỉ bị bâng khuâng với giọng ca ngọt như mía lùi của Vệ , tay đánh cờ tướng hay nhất trường, người vẫn hay dành cho nó nhiều ánh mắt trìu mến, chỉ tụi nó cảm nhận được với nhau

Sau kỳ thi Tú Tài một, Vệ bị động viên đi sĩ quan Thủ Đức. Ngày phép quân trường, nó đứng ở cổng trường nhờ thằng bạn vào nhắn Cúc ra, lời nhắn như lời tỏ tình chính thức trước cả lớp…trong khi Cúc đã chuyển vào học sư phạm tiểu học, lớp cấp tốc, ở xa !

Ba tháng sau… Cúc lặng người khi nghe tin Vệ chết, ngay lúc mới chân ướt chân ráo về nhậm chức ở một đồn hẻo lánh. Vậy là mãi mãi nợ anh hai câu vọng cổ dở dang rồi Vệ ơi !! Cúc nhòe lệ khấn thầm trước di ảnh của Vệ…

Cút cụt đuôi cút vẫn lớn lên, nhưng có những cái mất đi không bao giờ tìm lại được…Tiếng đồng dao vẫn ê a hồn nhiên qua năm tháng, Cúc sẽ lại về gần gũi với đám học trò tiểu học ở làng quê, nhưng những đồng vọng vô âm vẫn thoảng khi thổn thức dội về…

NTL 03/2012
Nguon:thnlscantho

Posted in Truyện ngắn

Bài tham khảo