Menu Đóng

Bút ký: Đặt Trúm Rừng U Minh

Bút ký: Đặt Trúm Rừng U Minh

Dưới làn nước đỏ đặc biệt của U Minh là những bầy cá táp mồi, ăn mống nghe như có kẻ quẫy nước nhát ma người lạ. Tay lưới kéo lên khiến tôi sững sờ, gồm ba con rắn ri tượng to bằng bắp tay và vô số cá rô, lóc, trê, sặt bổi…

Đang là mùa nước lụt, rắn hổ đất bò lên các thềm đìa, gò đất lúc nhúc. Lời khuyến cáo của Ban chỉ huy cho những người mới đến là: ngủ phải chèn chân mùng cho kỹ. Đã thế mà một thanh niên xung phong khi ngủ thức dậy giũ mền còn lọt ra một con rắn hổ.

Nhà Chín Đẹt là một căn nhà lá nằm ven sông Biện Nhị – một con sông đỏ chẻ giữa ruột U Minh. Sau hậu đất nhà là nơi tiếp giáp với rừng tràm.

Đó là một cánh rừng nguyên sinh, cây tràm to và dày đặc, chúng thẳng thóm như đũa vắt trong ống. Hôm tôi đến nhà cũng là lúc Chín Đẹt chống chiếc xuồng ba lá từ cánh đồng năn xanh rì ven rừng tràm về. Trên xuồng chất đầy những ống trúm. Anh cười: “Chiều mình đi nghen!”.

Chiều mưa lâm thâm, rừng chuyển màu đen sạm. Chín Đẹt chống xuồng chở tôi vào cánh đồng năn ven rừng tràm. Thỉnh thoảng, anh dừng xuồng lại rồi nhảy xuống đồng năn dọn dẹp một khoảng trống, sau đó lấy mồi lươn được gói như chiếc bánh lá dừa bỏ vào ống trúm và đặt xuống.

Đặt hơn một tiếng đồng hồ thì xong. Chúng tôi cắm xuồng trên cánh đồng năn, muỗi bay như trấu. Chín Đẹt đốt con cúi xua muỗi, thảy cho tôi một chiếc nóp, rồi bảo: “Chú chui vô nóp đi, không muỗi nó lôi chú vô rừng U Minh bây giờ!”.

Âm thanh của đêm U Minh thật lạ và buồn, tiếng rừng lao xao pha lẫn với tiếng vo ve của muỗi. Chín Đẹt giải thích: “Lươn là thứ sống trong đất bùn, con mắt không nhìn thấy. Thế nhưng người có kinh nghiệm đặt trúm thì giống như nhà ngoại cảm, cảm được chỗ nào có lươn.

Nếu chiều đó mà trời gầm, đêm có mưa to thì phải đưa trúm lên các gò cao mà đặt, bởi lươn có thói quen theo nước lên những vùng đất mới tìm “của lạ”. Nước ở rừng U Minh vốn tĩnh lặng, phải đặt miệng trúm xuôi theo chiều gió để hương thơm của gói mồi trong trúm lan rộng ra mà khuyến dụ lươn chui vào”.

Bí quyết có tính chất thành bại của một đêm đặt trúm còn phụ thuộc vào mồi dụ lươn. “Tay ngang” thì dùng cá sặt, cá lòng tong,… bằm nhỏ, xào cho thơm lên. Tay khá hơn thì bỏ vào một ít dầu cá. Đặc biệt có những tay chuyên nghiệp đặt trúm cả đời chẳng cần xài mồi cá mà dùng thuốc.

Ở kinh Năm Đất Sét có ông Năm Đơn, ổng chết rồi, bị rắn hổ cắn hồi sa mưa năm ngoái. Từ thuở lọt lòng cho đến sáu mươi bốn tuổi, ông Năm Đơn chẳng làm gì cả ngoài nghề đặt trúm mà nuôi cả gia đình.

Công việc đặt trúm của ông sướng hơn người khác nhiều là khỏi đi bắt mồi. Mồi của ông là một gói nhỏ được chế biến bằng một thứ gì là một bí mật không ai được biết. Có lần cánh trẻ ăn cắp ống trúm của ông mở ra xem thử thì thấy gói mồi là một thứ thực vật băm nhỏ, mùi hương giống thảo dược phương Bắc. Cánh trẻ nhiều lần lạy lục xin thọ giáo, nhưng ông Năm tuyệt đối không dạy.

Thế là họ ghét ông, đến khi hấp hối ông Năm mới đau đớn: “Qua không phải là kẻ ích kỷ, giấu nghề. Thứ mồi này rắn hổ rất thích, sơ sẩy là bỏ mạng. Như qua đây sinh nghề tử nghiệp. Qua không dạy là vì qua sợ hại em cháu”.

Sáu tháng mùa khô không đặt trúm được thì dân U Minh chuyển qua cách bắt chúng bằng tay hoặc chĩa.

Hừng sáng Chín Đẹt kêu tôi thức dậy để dỡ trúm. Cái trúm đặt gần mũi xuồng tôi ngồi mà đêm qua anh Chín tiên đoán rằng sẽ có con lươn hơn một ký lô được dỡ lên… Và ngoài con lươn hơn một ký lô mập nung núc thì còn hai con lươn khác nhỏ hơn, vàng nghệ.

Chín Đẹt cười ha hả. Anh chống xuồng lại một gò đất cách đó khoảng ba mét rồi chỉ cho tôi xem: “Ở đây có hang một con lươn, bọt là lươn mới đẻ nằm canh chừng con, đến tối nó mới đi ra. Mà lươn nái thì phải to cả ký lô”.

Tám giờ chúng tôi về đến nhà. Chín Đẹt xổ trúm ra, lươn gần nửa thùng cá. Tôi ước đoán cũng hơn hai mươi ký lô.

Những người xưa khi khai mở đất U Minh – rừng thiêng nước độc, ngoài sự dũng cảm thì còn có sự sáng tạo nữa. Đó là sự sáng tạo nương nhờ, luồng lách vào thiên nhiên mà sống. Tất cả đều không cần phải chăn nuôi, trồng tỉa. Rồi cách làm ăn, sinh sống của xóm ven sông Biện Nhị này đây cũng là một thí dụ về sự sáng tạo ấy.

Dân ở đây không cần làm ruộng, không đi buôn, họ sống chủ yếu vào việc cắm câu, giăng lưới, đặt trúm, đặt lờ, ăn ong… Cuộc đời bình dị đơn sơ nhưng cũng rất yên lành ấy được sản vật của rừng U Minh nuôi dưỡng.

Đời người và đời cây là một sự cộng hưởng hài hòa. Chuyện phá rừng đặt ra trong nỗi giận dữ của người U Minh bởi nó phá đi nồi cơm của họ. Mấy trăm năm trước và cho đến bây giờ những người dân U Minh đã sáng tạo và gìn giữ một nếp sống gắn bó máu thịt với rừng.

Chủ nhà mở cờ trong bụng, rụt rè đến hỏi: “Có ngon không?”, khách vừa nuốt vừa trả lời: “Ngon lắm!”. Chủ nhà lại hỏi: “Thế bên quý quốc có lươn nhiều không?”. Khách trả lời: “Không có, phải nhập khẩu, nhưng đắt lắm. Ngày nghỉ cuối tuần mới dám ăn. Mà cũng chỉ là lươn đông lạnh, mỗi khúc cỡ này là mười đô-la”.

Cứ theo cái ni tay của ông khách “Mặt trời mọc” mà tính thì con lươn 1 kg chặt được ba khúc, nghĩa là 30-40 đô-la. Tính ra tiền Việt Nam… đến những một chỉ vàng thời điểm đó. Hóa ra cái con lươn mà người U Minh nấu canh chua trái giác với bông súng đồng ăn hằng ngày nó quý đến nhường ấy.

Mà ngày nay đâu phải chỉ có bên Tây, bên Nhật, ở Việt Nam ta đây thôi sản vật của rừng U Minh bây giờ cũng quý lắm. Nó được xếp vào cấp phẩm đặc sản đối với đô thị. Trên bàn của các nhà hàng sang trọng, đĩa thức ăn chế biến từ sản vật của rừng U Minh đã có một ngôi thứ chễm chệ, có khi còn lấn lướt cả những món sơn hào hải vị của Tây, Tàu. Đó cũng chỉ là một điều tất nhiên thôi, thời đại công nghiệp hóa, con người cảm thấy hụt hẫng, nên muốn tìm về cái hoang dã vốn là gốc rễ của mình.

Đột nhiên tôi nhớ tới Chín Đẹt, với giá lươn bây giờ chắc “chả” đã giàu nứt đố đổ vách rồi. Thế là tôi quyết định tách đoàn đi thăm anh.

Tàu đã ghé đúng chỗ rồi nhưng tôi không nhìn ra cái xóm ven sông Biện Nhị ngày cũ. Nhà cửa đã chật hai bờ sông, hàng quán dày đặc. Tiếng nhạc từ các quán “karaoke nửa mùa” chát chúa xập xình. Chín Đẹt bây giờ như già đi hơn hai mươi tuổi, răng rụng hết. Anh nhận ra người cũ rồi cười méo mó.

Tôi nói: “Ghé thăm anh và định rủ anh đi đặt trúm một đêm”. Chín Đẹt nói như kẻ có lỗi: “Lươn đâu nữa mà đặt chú, tôi giải nghệ mấy năm nay rồi, sinh sống bằng nghề làm ruộng”. Ngày xưa rừng U Minh kéo dài tới hậu đất nhà anh, giờ như ai làm phép biến mất nhường chỗ cho một cánh đồng lúa xanh rì. Tôi căng mắt nhìn kỹ đến cuối chân trời cũng không thấy rừng tràm ở đâu.

Cánh đồng năn, lác cao tận rốn mà tôi và Chín Đẹt đặt trúm cũng biến khỏi trần gian. Nơi đó biến thành đồng lúa. Đã là vùng sản xuất lúa thì người ta đưa khoa học – kỹ thuật vào, đó là những thứ thuốc diệt cỏ, trừ sâu… nó có tác dụng làm tốt lúa, đồng thời lại có tác dụng hủy diệt lươn, rắn, cá.

Phía bên kia sông Biện Nhị cũng là vùng đồng năn giáp rừng tràm, ngày xưa vốn là nơi làm ăn của xóm này trong việc giăng lưới, đặt lờ… thì nay người ta đã đào kinh xổ nước mặn từ biển vào để nuôi tôm. Các động vật nước ngọt vốn là sản vật của rừng U Minh cũng bị hủy diệt.

Thế nên sản vật của U Minh bây giờ không còn bao nhiêu nữa và do đó các ngành nghề truyền thống xuất phát từ rừng U Minh cũng theo đó mất đi.

Tôi từ giã U Minh trong một tâm trạng buồn, cứ cảm thấy hoài nhớ, tiếc nuối về một vùng đất “cầm thủy” đặc biệt của Nam Bộ và quý hiếm của thế giới không còn nguyên vẹn như xưa.

Posted in Ký Ức Miền Tây

Bài tham khảo