Menu Đóng

Đá Cá Lia Thia

Mùa mưa đến, trẻ con ở thôn quê không còn nhiều trò chơi như mùa nắng hạn. Nhưng điều ấy không quan trọng lắm, bởi mùa nào cũng có thể tìm ra được cách vui chơi phù hợp. Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người thì đá cá lia thia có thể xem là trò chơi thú vị nhất, mê nhất

mekongliathiaNhững chú cá màu sắc sặc sỡ, gặp mặt nhau là phùng mang, trợn mắt xông vào quyết chiến, đem lại sự hồi hộp, hào hứng cho tuổi thơ và kể cả người lớn. Nhưng, để tìm được những chú cá đá hay là cả một quá trình kỳ công từ đi bắt đến chăm sóc chúng.

Khi đồng ruộng, ao mương bắt đầu ngập nước mưa thì cũng là lúc cá lia thia nhả bọt làm tổ giống như cá sặc, nhưng tổ của chúng rất nhỏ chỉ lớn hơn đầu ngón tay cái một chút. Chúng làm tổ bất cứ nơi đâu, tùy theo điều kiện hiện có. Trong lúa, cỏ, lá sen, bông súng hay trong trái dừa chuột khoét rụng xuống nước, hoặc trong bẹ của những bụi dừa nước.v.v

Tùy theo địa hình mà người ta có nhiều cách bắt cá lia thia khác nhau. Thông thường, ở những nơi lung bào hay mương vườn cỏ mọc nhiều không xác định nơi nào chúng làm tổ thì người ta dùng rổ tre chận xuống nước trước rồi lấy chân giậm vào mé cho cá sợ chạy ra và chiu vào rỗ. Bắt được cá chỉ cần cho một ít nước vào chiếc lá môn cột túm lại là xong. Tuy nhiên, cá lia thia bắt đại trà theo cách này rất ít tìm được những chú cá đá hay.

Người có kinh nghiệm hơn thì tìm những trái dừa chuột khoét rụng xuống nước mà có bọt cá lia thia thì chắc chắn đó là con cá hay vì nó phải chiến đấu với những con cá khác để chiếm giữ lãnh địa ngon lành nhất trong vùng. Những bẹ lá dừa nước cũng là nơi lý tưởng để lia thia chọn làm nơi xây tổ của mình. Thường thì những con vào được bẹ lá dừa nước là cá lớn, cá hay. Chỉ cần chen lách qua những bụi dừa nước và tinh mắt nhìn vào khe hở của bẹ dừa nước nếu thấy có bọt trắng xóa là chắc chắn có cá lia thia trong đó. Một tay chận miệng khe hở, tay kia tướt cọng lá dừa nước để thọc nhẹ vào trong tổ để cá chạy ra và ốp nhẹ tay lại là bắt được chúng dễ dàng.

Sau khi bắt cá lia thia về có người bỏ chúng ngay vào chai hay hủ keo chao để nuôi luôn. Có người kỹ hơn thì dưỡng sức cho cá bằng cách bỏ chúng vào những lu, khạp bị hư hỏng không còn chứa nước dùng được nữa. Những vật dụng này những người nuôi cá lia thia gọi là “gắm”. Trong những chiếc gắm người ta để vào vài cọng môn nước hoặc lục bình cho cá có chỗ ẩn nấp khi bước sang môi trường sống mới. Người ta thăm chừng lúc nào thấy cá khỏe mạnh trở lại thì mới vớt lên cho vào chai, keo để nuôi.

Trẻ con ngoài thời gian đi bắt cá thì cũng dành không ít thời gian đi tìm mồi cho đàn cá lia thia cưng của mình. Nếu muốn cho cá no lâu, đở công tìm mồi thường xuyên thì cho chúng ăn trùn chỉ. Loại trùn nhỏ màu nâu đỏ khá dễ tìm ở những đống phân mục. Còn loại thức ăn khoái khẩu, quen thuộc nhất của lia thia là lăng quăng. Ở quê, mùa mưa trong những lu chứa nước thường có lăng quăng sinh sống. Chỉ cần hớt chúng cho cá ăn được no bụng vừa giảm được muỗi, quả là một công đôi việc.

Trẻ con thôn quê khi đã nuôi cá thì đi đâu, làm gì cũng mong chạy về nhà thăm nom những con cá thân yêu của mình. Chỉ cần lấy những miếng giấy chặn từng chai lọ nuôi cá ra là chúng thấy mặt nhau liền sáp lại ngay – gọi là đá bóng – tức thấy hình bóng của đồng loại là xông vào chiến đấu, loài cá lia thia là vậy! Trong một đàn cá mới bắt về chưa biết con nào đá hay hơn nên chủ nhân của nó thường âm thầm cho chúng thử sức nhằm tìm ra con cá chiến nhất trước khi rủ bạn cùng xóm thách đấu.

Học giả Vương Hồng Sển – Người con của đất Sóc Trăng – ông cũng có nhiều khảo cứu, ghi chép lại các sự tích về vùng đất và con người Nam bộ xưa, giống như nhà văn Sơn Nam . Học giả Vương Hồng Sển cho rằng, đá cá lia thia là thú tiêu khiển tao nhã của người nông dân Nam bộ xưa. Đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện vài trường đá cá lia thia cá độ ăn tiền. Lúc ấy, cá lia thia chính gốc ở Việt Nam nhỏ con, có hàm răng sắc, đá có nhiều thế rất linh hoạt, nhưng rất nhau chạy khi thấy yếu hơn đối thủ.

Thời ấy đã có giống cá lia thia Xiêm (tức cá chính gốc của Thái Lan) nhập vào Việt Nam. Loài cá này có đặc tính rất hung dữ, có khi chúng đá nhau cho đến chết, chứ không chịu chạy. Vì vậy, những người đá cá độ đã cho lai giống giữa cá lia thia bản địa và cá Xiêm, để thế hệ sau hình hài giống cá lia thia Việt Nam, nhưng khi đá thì hiếu chiến và gan dạ bởi mang giòng máu của cá Xiêm. Học giả Vương Hồng Sển còn có câu lục bát nói về việc này và cũng như lời thức tỉnh cho những người mê đá cá mang tính cờ bạc:

Lia thia đá bóng trong keo
Ham vui trước mặt, quên nghèo sau lưng.

Dù cho có những biến tướng rất gần từ thú chơi làng quê đến chuyện đỏ đen, nhưng bản thân con cá lia thia chưa bao giờ gây nên tội! Còn trẻ con ở thôn quê vẫn hồn nhiên bắt cá lia thia và chơi cá lia thia theo cách riêng của mình. Luật chơi đá cá cũng tự nghĩ ra sao cho công bằng nhất. Thường thì bọn trẻ hẹn nhau đến một điểm nào đó để hai đứa có đoạn đường mang cá đến tương đương nhau, theo cách nghĩ là hai con cá mệt như nhau. Lúc cho cá vào chậu để đá cả hai cũng phải đổ nước ra bớt cũng bằng nhau và cùng trút vào chậu đá một lượt. Tất nhiên đó là cách đá thông thường khi hai con cá có thể trạng tương đương nhau. Còn khi chênh lệch lớn nhỏ thì tùy theo thỏa thuận miễn sao thấy hợp lý và công bằng.

Chơi đá cá lia thia là thú tiêu khiển thanh lịch của người dân quê và của những đứa trẻ con thích trò chơi không ồn ào, hiếu động. Mùa mưa đến, trẻ con ở thôn quê vẫn háo hức kiếm tìm từng bọt trắng li ti trong từng đám cỏ, từng bụi dừa nước mà quên mệt, quên đói. Bắt được vài chú cá lia thia đồng là vui lắm; tất tả chạy về nhà, sang keo, sớt chai dù bị mẹ la rầy vẫn lục đục suốt ngày bên đàn cá của mình. Đó mãi là kỷ niệm khó phai mờ đối với những ai từng chơi trò đá cá lia thia của một thời tuổi nhỏ!

 Nguyễn Thường

Posted in Ký Ức Miền Tây

Bài tham khảo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *