Menu Đóng

Đa dạng sinh học tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Đa dạng sinh học tại Đồng bằng Sông Cửu Long

Nằm ở miền Nam đất nước, Đồng Bằng Sông Cửu Long được coi là vùng châu thổ hình thành từ sự bồi tụ liên tục của dòng chảy và phù sa của sông Mekong, cùng với quá trình biển lùi trong quá khứ.

Viện Sinh học Nhiệt Đới TP.HCM cho biết, từ năm 1997 đến nay, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã phát hiện 1.068 loài sinh vật mới tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm 519 loài cây cỏ, 279 loài cá, 88 loài ếch nhái và 88 loài nhện, cùng nhiều loài khác.

Các chuyên gia cho rằng khu vực này sở hữu hệ sinh thái đa dạng và độc đáo từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đến đất ngập nước, rừng ngập mặn, và cù lao châu thổ. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, và khu bảo tồn thiên nhiên tại đây có độ đa dạng sinh học cao, bao gồm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau); Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Vườn Quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang); Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu Bảo tồn Thiên Nhiên Đất Ngập Nước Láng Sen (Long An), và Khu Bảo tồn Thiên Nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang).

Bên cạnh đó, khoảng một trăm loài thuộc nhóm ốc núi, động vật không xương sống, sống trong hang động, thực vật núi đá vôi và sinh vật biển đã được phát hiện tại các khu vực núi đá, núi đá vôi, vùng biển và đảo trong khu vực này. Quỹ Quốc Tế Bảo Vệ Thiên Nhiên (WWF) cho rằng, kết quả khám phá này là “chưa từng thấy” so với các vùng có cảnh quan đất ngập nước tương tự trên thế giới.

Đồng thời, ĐBSCL còn có hệ núi đá vôi Kiên Lương (Kiên Giang), được WWF đánh giá là có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tại đây, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loài động thực vật đặc hữu và loài mới, bổ sung cho danh mục các loài sinh vật thế giới. WWF cũng cho biết, ĐBSCL là nơi đa dạng về mặt sinh học với khoảng 20.000 loài cây cỏ, 1.300 loài cá, 1.200 loài chim, 800 loài ếch nhái và 430 loài động vật có vú.

Posted in Đa dạng sinh học

Bài tham khảo