Menu Đóng

Đò Chợ Miền Tây

Không phải những chuyến đò ngang, đò chợ miền Tây mới chính là phương tiện giao thông độc đáo, đặc trưng nhất của vùng sông nước. Mặc dù rất nhiều những tuyến đường quốc lộ, những cây cầu mang tầm châu lục cùng các phương tiện giao thông hiện đại đã được hình thành nhưng những chuyến đò chợ, dấu tích từ thời mở cõi đến nay vẫn còn, vẫn gắn bó thân thiết với những con người miền sông nước này, như nét gạch nối quá khứ và tương lai, hàng trăm năm qua.

đò chợ miền tây

Cùng mục đích như những chuyến xe chợ, tàu chợ (thuộc ngành đường sắt), các chuyến đò chợ cũng nhắm đến lượng hành khách là các lao động nghèo, thu nhập thấp. Rất nhiều chuyến đò chợ đã thân thuộc và là phương tiện giao thông chủ yếu nối liền các vùng từ trung tâm thành phố về các xóm làng xa xôi hay thậm chí ngược lên cả mạn Mỹ Tho, Sài Gòn, Đồng Nai. Mặc dù đã hiện đại hóa rất nhiều nhưng do điều kiện địa chất, thổ nhưỡng, tuyến đường bộ huyết mạch quốc lộ 1A nối từ Lạng Sơn chỉ có thể chạy tới trung tâm huyện Năm Căn (Cà Mau) mà thôi, người dân ở nhiều nơi xa quốc lộ này nếu muốn đi chuyển cũng thường phải đi đò chợ. Và đấy chính là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đò chợ vẫn còn hoạt động, đưa khách từ trung tâm thàng phố đi về khắp miệt đồng bằng.

Chia sẽ cảm giác của những người đi đò chợ:” Ngồi trên đò còn có võng nằm, có thể ngó ra ngoài boong ngắm sông nước, không khói bụi, đi đò chợ ít tai nạn mà lại rất tiện lợi vì dù sao với người dân miền Tây, sông ngòi cũng gần gủi thân thiết hơn.Từ bé, mình đã quen với cuộc sống sông ngòi rồi, bao năm ở thành phố thấy bức bí, mỗi lần về quê đều tranh thủ đi đò chợ để ngắm cảnh, lên boong nhậu lai rai cùng mấy người bạn. Ngoài ra, việc đi đò cũng là cơ hội để mình giới thiệu với vợ, chồng hay bạn phương xa về vùng sông nước quê mình. Thế nên, những lần đi đò chợ về quê, qua mỗi bến sông, mỗi ấp chợ, mỗi ngã ba anh/chị đều chỉ tay, kể chuyện về những nơi trước đây cha từng đi buôn trái cây với bạn trong ấp, chỗ kia cha từng theo ông ngoại đi đánh lưới đêm hay khúc sông này, cha từng chèo thuyền đi học…”

Có lẽ, ý nghĩa lớn lao của những chuyến đò chợ miền Tây không chỉ đơn giản là đưa đón hành khách và chuyên chở hàng hóa mà còn là để nối liền những dòng sông, mang những vùng đất xa lạ, những cù lao, ốc đảo riêng biệt lại gần nhau. Khi mùa nước nổi tràn ngập mênh mông vùng đồng bằng và cả những tuyến đường bộ nông thôn thì ý nghĩa thực sự của đò chợ mới được thể hiện một cách rõ nét nhất.

Có thể nói, với đặc điểm tự nhiên cùng phong tục tập quán, thói quen đi đò nên những chuyến đò chợ như thế vẫn là nhu cầu không thể thiếu, chiếm một phần quan trọng trong đời sống giao thông của người dân miệt đồng bằng. Nó chính là nét chấm phá đặc sắc nhất về bức tranh giao thông muôn màu cũng như tập quán sinh hoạt của người miền Tây sông nước, từ bao đời nay

Nguồn daidoanket.vn

Posted in Phong tục - Tập quán

Bài tham khảo