Nghệ sĩ Giọng ca vàng Hữu Phước – ông có tên thật là Henry Trần Quang, mang quốc tịch Pháp do cha của ông từng làm trong ngành tư pháp trước năm 1954. Nghệ sĩ Hữu Phước sinh ngày 1932 tại quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng và đã qua đời vào ngày 21 tháng 2 năm 1997 tại Paris, nước Pháp.
Henry Trần Quang bắt đầu khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được nhạc sĩ Trần Hữu Lương dạy ca. Nhạc sĩ Trần Hữu Lương là chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ. Ông đặt biệt danh cho người học trò cưng của ông tên là Hữu Phước thay cho Henry Trần Quang.
Hữu Phước bắt đầu sự nghiệp bằng việc hát ca cổ nhạc tại quán Họa Mi do cô Năm Cần Thơ quản lý, nằm trong khu Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Giọng hát của Hữu Phước ngọt ngào, rõ ràng với âm sắc đậm chất bi ai, mượt mà và sâu lắng, khiến anh nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong giới đờn ca tài tử.
Anh liền được các hãng dĩa cổ nhạc và đài phát thanh Sài Gòn mời thu thanh. Trong năm 1955, Hữu Phước thu 3 bộ dĩa vọng cổ Mặt Trận Tình Ái, Tình Huynh Ðệ, và Tỉnh Mộng của hãng dĩa Huỳnh Sơn. Nghệ sĩ Hữu Phước đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1960.
Hữu Phước đã tiếp nhận tư tưởng tích cực, không ngừng rèn luyện kỹ năng diễn xuất để củng cố vị thế của mình, quyết tâm không bị tụt hậu. Anh không cần học xa xôi, mà tìm thấy sân khấu Thanh Minh là nơi hội tụ nhiều nghệ sĩ tài năng như Năm Châu, Ba Vân, Tám Vân, Phùng Há, Kim Cúc, Ba Thanh Loan, Năm Sa Đéc, cùng với những vở diễn và vai diễn kinh điển. Điều này giúp Hữu Phước và các diễn viên trẻ có cơ hội học hỏi nhiều hơn. Sự tiến bộ của Hữu Phước được thể hiện rõ nét qua những vai diễn như Công trong “Nửa Đời Hương Phấn” và Hà Lâm trong “Người Đẹp Bạch Hoa Thôn”. Sự diễn xuất nội tâm trong các tình huống kịch phù hợp, hợp lý đã hỗ trợ đắc lực cho phần ca của anh.
Diễn và ca đã hòa tan vào máu thịt, tâm não nghệ sĩ đậm đặc đến độ mỗi khi vận dụng để hành nghề, vốn quý tự nhiên hiển thị thành tuyệt kỹ “diễn trong ca, ca trong diễn”. Những vở diễn đặc sắc của đoàn Thanh Minh được thu hình, thu dĩa đều có ghi tên Hữu Phước đứng đầu danh sách diễn viên đã đành ; mà cả đến nhiều vở khác khi thu dĩa cũng ít khi thiếu vắng tên anh.
Khó có thể thống kê hết, nhưng có thể kể đến một số vở diễn nổi tiếng của Hữu Phước như: Ảo Ảnh Châu Bích Lệ, Nửa Bản Tình Ca, Nắm Cơm Chan Máu, Con Gái Chị Hằng, Nửa Đời Hương Phấn, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Hoa Mộc Lan, Ni Cô Diệu Thiện, Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn, Tình Cô Gái Huế, Nắng Chiều Trên Sông Dịch, v.v… Cùng với đó, anh còn có những ca khúc đặc sắc như Nhớ Mẹ, Đội Gạo Đường Xa, Ánh Trăng Sau Mành Trúc (song ca cùng Thanh Hương), Tình Là Dây Oan (cùng Thanh Nga), Tàu Đêm Năm Cũ, Trang Tử Thử Vợ,…
Ngoài ra, nghệ sĩ Hữu Phước đã đóng góp cho hầu hết các hãng đĩa hát lớn như Asia, Hoàng Sơn, Tứ Hải, Continental… và hợp tác với nhiều ban tổ chức cũng như chương trình của đài truyền hình và đài phát thanh.
Hơn nữa, nghệ sĩ Hữu Phước còn là cha của nghệ sĩ Hương Lan – một nữ nghệ sĩ tài danh trong cả tân nhạc và cổ nhạc. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, do có quốc tịch Pháp, cả gia đình Hữu Phước đã định cư tại Paris. Tuy nhiên, anh vẫn giữ mãi tình yêu với nghề nghiệp, và đã thành lập một đoàn cải lương để trình diễn, góp phần mang lại niềm vui cho khán giả người Việt không chỉ tại Pháp và các nước Âu Châu, mà còn đến Hoa Kỳ (Mỹ Châu), và tiếp tục hoạt động cho đến cuối đời.