Menu Đóng

Gió Chướng Mùa Hoa

Có những loài hoa không bao giờ kết trái, hoa nở để rồi tàn, và lau sậy là một loài như thế!

Khi những bông sậy màu nâu đất và bông lau trắng nuốt vươn lên trời cao là báo hiệu đã đến mùa gió chướng thổi sòng, mùa mưa sắp hết và mùa khô bắt đầu ở miền Tây.

Khi mùa gió chướng về lau sậy trên bờ nở rộ, thì dưới kênh mương rau muống cũng nở trắng một mùa hoa.

Hoa rau muống trắng điểm chút tím, giản dị, trông hoa như một cô thôn nữ, dịu dàng, đằm thắm, thủy chung mà ca dao xưa từng nhắc đến:

Chờ anh, em hết sức chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.

Cũng với màu trắng pha lẫn sắc tím và cũng chờ đến mùa gió chướng mới đồng loạt đơm bông – đó là lục bình.

Giữa cái màu tim tím dung dị ấy, giữa cái se lạnh của vùng sông nước phương Nam ấy đã gợi lại trong ký ức của những ai xa quê nhớ về dòng sông kỷ niệm. Nhà thơ Ngọc Hiệp cũng từng có một nỗi niềm như thế!

Em nhận ra dòng sông quen thuộc quá
Hương phù sa châu thổ của quê mình
Mùa gió chướng hoa lục bình nở rộ
Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn…

Không biết mùa gió chướng có điều gì đặc biệt hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà không ít loài hoa nở vào mùa này thường mang sắc tím?

Hoa đậu rồng nở rộ và kết trái khi trời chuyển sang se se lạnh. Dây leo đậu rồng vừa tạo bóng mát cho mảnh sân hay làm hàng rào trước nhà, vừa là rau ăn hàng ngày. Đậu rồng còn đặc biệt hơn so với các loại đậu khác là ăn sống cũng được, ăn chín cũng ngon.

Gần như mọi thành phần của cây đậu rồng đều có thể dùng làm món ăn. Thân và lá là rau xanh; hoa có thể ăn sống, luộc hoặc hấp. Còn trái đậu rồng, ăn sống, nấu canh chua hay xào với thịt bò hoặc thịt heo bằm đều ngon.Mộc mạc, chân quê lắm nhưng những món ăn từ đậu rồng sẽ khó phai trong ký ức của người miền Tây khi mùa gió chướng thổi về!

Nhắc đến món ăn trong tiết trời lành lạnh của đất phương Nam không thể không nói đến món canh chua cơm mẽ nấu cá trê trắng với bông so đũa.

Bước vào mùa khô, khi đồng đất nước bắt đầu rút cạn cũng là lúc cá trê trắng đào hang để ẩn nấp.

Chỉ cần chịu khó tìm ở bờ liếp, mương vườn hay những góc đất sẽ bắt gặp hang của chúng. Người ta chỉ cần bịt kín miệng hang dưới nước rồi đào phần đất bên trên là bắt được cá trê trắng khá dễ dàng…

Trong khi người lớn đi đào hang bắt cá thì bọn trẻ thi nhau trèo hái bông so đũa. Mùa gió chướng về bông so đũa kết từng chùm, lao xao trong chòm lá xanh non.Trẻ con thích hái bông so đũa vì còn một lẽ là được thưởng thức cái vị ngọt ngào của bầu mật chứa ở đài hoa.

Bông so đũa đem về lặt bỏ phần bao xanh ở đầu cuốn, bỏ khúc nhụy vàng ở đầu bông rồi rữa sạch là xong. Cá trê trắng vuột tro bếp, làm sạch rồi chấy mỡ tỏi cho khỏi tanh để chờ bỏ vào lẫu.

Ở quê, nhà ai cũng nuôi sẵn một hủ cơm mẽ. Chỉ chờ nồi nước sôi, lược cơm mẽ và nêm nếm vừa ăn là thành nồi nước lẫu thơm lừng…Khi sắp ăn người ta mới cho bông so đũa vào nồi để nó được tươi giòn, không nhũn. Bông so đũa hơi đắng nhưng dư vị ngọt đậm đà đọng lại – đó là cái hương vị riêng có của loài hoa đồng nội này. Bữa cơm quê có thêm ơ cá kho và mồi cơm gạo mới, sẽ gợi cho ta nhớ về cái thời còn cấy lúa mùa một vụ năm nào!

Cái làng quê ở miền Tây vẫn thế, vẫn hiền hòa, bình dị. Mỗi năm vào dịp giáp Tết tiết trời cũng se se lạnh như thế!

Rồi bông so đũa, hoa đậu rồng cũng nở rộ. Rau muống đồng, lục bình lại đơm bông. Lau sậy cũng đua nhau vươn lên trời cao những chùm bông dù không toả hương nhưng để báo hiệu đất trời đã chuyển mùa!

Mộc mạc thế thôi, nhưng mỗi con người trên vùng đất này đã cảm nhận được từ cái nhỏ nhoi ấy để mà thương, mà nhớ! Có lẽ cái nỗi nhớ ấy đã hằn sâu trong ký ức mình về quê hương, xứ sở – về những loài hoa báo hiệu mùa gió chướng thổi sòng…

Hình ảnh và lời trích từ phim trong Chương trình Ký ức miền Tây
Nguồn : Nguyễn Thường’ s Blog

Posted in Ký Ức Miền Tây

Bài tham khảo