Nước lũ đã phá vỡ nhiều tuyến đê bao bảo vệ lúa vụ 3, làm sập cầu, tràn qua Quốc lộ 30 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; nước tràn vào nhiều trường học, hàng ngàn học sinh phải nghỉ học. Đó là những diễn biến của lũ vào cuối tháng 9-2011. Nhận định trong vài ngày tới, mực nước tiếp tục lên nhanh từ 0,05-0,13 m/ngày. Dự báo đến đầu tháng 10-2011, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,9 m, cao hơn mức báo động 3 là 0,4m. Chính quyền các địa phương đang nỗ lực gia cố, nâng cấp đê bao bảo vệ lúa vụ 3. Lũ lớn đã quay lại sau gần 10 năm.
*Mưu sinh mùa nước nổi !
Một ngày cuối tháng 9-2011, lão nông Thái Văn Dũng (Ba Dưng), 75 tuổi ở ấp Tân Hòa B, xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Đồng Tháp thức sớm tự nấu cơm. Người con Út đã chạy xuồng ra đồng nước nổi để đăng bắt cá. Với kinh nghiệm của người đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Ba Dưng biết lũ sẽ rút trong tháng 10-2011. Giờ là lúc ông Ba Dưng “o bế” lại chiếc chẹt đã theo ông qua 5 mùa nước nổi chạy rong làm dịch vụ bơm rút nước lũ, xuống giống lúa Đông xuân. Ông Ba Dưng có hơn 4 ha đất, chia đều cho 8 người con, dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn “ôm” chiếc chẹt để tự kiếm kế sinh nhai trong mùa nước nổi. Ông cho biết, khi lũ rút, chiếc chẹt và máy bơm là hai phương tiện để ông làm dịch vụ bơm rút nước, kiếm mỗi ngày ba đến bốn trăm ngàn đồng. Theo ông Ba Dưng, tuyến đê mà người dân ở ấp Tân Hòa B đang sinh sống đã được tôn đắp lên 2m so với cách đây 10 năm. Nhờ vậy sinh hoạt của người dân đã ổn định, không còn phải “chạy lũ”! Đứa con trai Út của ông cũng kiếm được 100.000 – 200.000 đ/ngày nhờ đánh bắt cá. “Năm nay lũ lớn nhất trong gần 10 năm qua, cá trắng, cá đồng về nhiều gấp hai lần những năm trước”.
Gần xóm của ông Ba Dưng là ông Trần Văn Nô (Ba Nô), 59 tuổi, ở ấp 3 xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình chuyên sống nhờ nghề đặt xà di, trúm trong mùa nước nổi. Như để minh chứng sống khỏe nhờ nghề này, ông Ba Nô cúi xuống dở lên một xà di, một con cá rô đồng lớn gần 3 ngón tay nhảy rột rẹt. Ông Ba Nô cười tươi và trút con cá rô vào giỏ cá! Dùng xà di bắt cá rô, đặt trúm bắt lươn, câu ếch… là những mô hình hiệu quả trong mùa nước nổi của nhiều người dân huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Như vợ chồng anh Út Đường, với gần 100 ống trúm, qua mỗi đêm thu hoạch được gần 3 kg lươn, thu nhập từ 300.000 – 500.000 đ. Chuyện mỗi mùa nước nổi, những gia đình như ông Ba Nô, Út Đường kiếm khoảng 10 triệu đồng đã trở nên phổ biến ở vùng lũ Thanh Bình.
Mô hình khai thác mùa nước nổi ở Đồng Tháp hiện nay là sự tiếp nối và học tập kinh nghiệm từ An Giang. 8 năm trước (năm 2003), An Giang đã triển khai Đề án 31, giải quyết việc làm cho người mưu sinh trong mùa lũ. Ban đầu chỉ khoảng 5.000 chiếc xuồng, tay lưới hỗ trợ cho hộ nghèo nhưng nhanh chóng thành “chiếc cần câu” hiệu quả. Các phương tiện này đã giúp người dân giăng lưới, hái bông điên điển, bắt ốc… mưu sinh trong mùa lũ. Cái quan trọng của đề án không chỉ tạo ra việc làm mà giúp người dân nhìn nhận được nguồn lợi quý giá từ lũ. Trong 3 năm trở lại đây, An Giang đã hình thành hơn 40 mô hình phát triển sản xuất mùa nước nổi. Trong đó, chủ yếu là các mô hình nuôi trồng thủy sản và dịch vụ mùa nước nổi. Các mô hình này thu hút hơn 160.000 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 350.000 lao động ở nông thôn. Tổng giá trị sản xuất của các mô hình này trên 5.000 tỉ đồng. Mô hình này đã được tỉnh Đồng Tháp học tập để giúp người dân vùng lũ phát triển sản xuất và được đa dạng thêm bằng cách trồng các loại cây thủy sinh như ấu, rau nhút, rau muống, điên điển, sen… Ngoài ra, mô hình nuôi nhiều loại cá sinh thái trong mùa nước nổi được phát triển bền vững, bảo vệ được nguồn tài nguyên đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.
*Nỗi lo lại quay về !
Hiện tại đã có hàng ngàn héc ta lúa ở ĐBSCL bị nước nhấn chìm và phải thu hoạch “non” để chạy lũ. Cách đây hơn 10 ngày, UBND tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu ngưng thi công các công trình không trọng yếu để tập trung các thiết bị như máy cô-be, xáng cạp tập trung gia cố cho hệ thống đê bao chống lũ. Hiện, nhiều xã ở Đồng Tháp huy động gần 600 người từ nhiều lực lượng để bảo vệ đê. Trong những ngày qua, nhiều hình ảnh như nước lũ ngập sân trường, học sinh nghỉ học, nước tràn qua nhiều tuyến đường nông thôn, đê bao bảo vệ lúa bị sạt lở nghiêm trọng lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nước lũ sẽ tràn qua một vài tuyến đê bao trong những ngày tới là điều khó tránh khỏi vì dự báo nước lũ sẽ tiếp tục lên. Ít nhất có 2 trẻ em đã chết vì lũ, 4 người may mắn ở Đồng Tháp được cứu thoát khi chìm ghe ở vùng lũ xung yếu!
Những ngày này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự Nguyễn Trạng Sư đang tất bật chạy đôn, chạy đáo trên các tuyến kênh, đêm lại thao thức cùng với dân và những người lính để gia cố các tuyến đê xung yếu bảo vệ lúa vụ 3. Có lẽ gần 10 năm rồi, tâm lý nơm nớp lo âu vỡ đê mới quay lại với ông. Tâm trạng này đang “lan nhanh” ra cộng đồng dân cư ở Long An, An Giang, Đồng Tháp… khi nước lũ ngày càng dâng cao, nhiều nơi vượt mức báo động III và sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới do hiệu ứng triều cường. Phải thừa nhận, lũ lớn đã mang lại nhiều nguồn lợi khi người dân tận dụng đánh bắt thủy sản. Phần lớn các công trình chống lũ ở ĐBSCL đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên nỗi lo hiện nay chủ yếu dồn vào diện tích sản xuất lúa vụ 3 (lúa Thu đông). Có lẽ chính Bộ NN&PTNT cũng khó ngờ lũ năm 2011 lại lớn như thế! Lúa vụ 3, vụ lúa ẩn chứa nhiều rủi ro khi diện tích gieo sạ thường bị mưa và lũ chụp đang còn tranh luận. Nhưng năm 2011, Bộ NN&PTNT đã quyết định tăng diện tích sản xuất lúa vụ 3, nhằm tăng thêm sản lượng khoảng 500.000 tấn. Bộ NN&PTNT chỉ khuyến cáo các địa phương sản xuất lúa vụ 3 ở những vùng có đê bao vững chắc.
Tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn chủ quan “nghĩ rằng” lũ nhỏ nên gia tăng diện tích sản xuất. Số lượng “đăng ký” xuống giống ở nhiều địa phương “vượt kế hoạch”, đưa diện tích lúa vụ 3 ở ĐBSCL lên khoảng 600.000ha. Hàng ngàn hộ dân ở Kiên Giang, Đồng Tháp đã ôm hận khi xuống giống lúa vụ 3 ở những vùng không được khuyến cáo, bị lũ chụp mất trắng. Và nhiều diện tích lúa vụ 3 sản xuất lần đầu ở những vùng mới hình thành đê bao đang được nước lũ “khảo nghiệm”, mà nguy cơ các tuyến đê trụ lại không bị vỡ hoặc ngăn nước tràn qua là rất mong manh. Các nỗ lực của nhiều địa phương huy động phương tiện, sức người bảo vệ các tuyến đê, giữ lúa vụ 3 hiện nay là đáng trân trọng và cần được động viên. Sẽ là quá sớm để “kiểm điểm” tâm lý chủ quan ở một số địa phương muốn “vượt kế hoạch” sản xuất lúa vụ 3. Nhưng chắc rằng, sẽ có nhiều bài học đắt giá được rút ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu: đem lúa vụ 3 “đong đưa với lũ” là một điển hình!
Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG
Nguồn:Hậu Giang Điện tử