Menu Đóng

Hình Ảnh Con Rắn Trong Truyện Dân Gian Miền Tây

Trong số những hiểm họa mà ông cha ta gặp phải trên bước đường khai phá, ngoài cọp, cá sấu, muỗi… còn phải kể đến rắn. Thuở mà rắn còn “nghênh ngang” ngoài đường, uy hiếp tiền nhân sinh cơ lập nghiệp.

xuân qúi tỵ

Nhân dịp năm Quý Tỵ , nhắc lại một vài câu chuyện về rắn cũng là cách để ghi nhớ công ơn của những người đã khai hoang mở cõi đất Chín rồng.

Mở đầu trong hầu hết các truyện kể dân gian ở ĐBSCL thường miêu tả bối cảnh: âm u, lau sậy, rừng rú vây kín. Cọp rằn, heo rừng và dĩ nhiên không thể thiếu rắn độc, đe dọa đời sống con người. Những cảnh tượng khắc nghiệt khi đặt chân đến vùng đất này đã trở thành một nỗi ám ảnh với những lưu dân.

Hình ảnh con rắn trong truyện dân gian ĐBSCL xuất hiện không nhiều nhưng khá đặc sắc và mang ý nghĩa xã hội. Theo khảo sát trong một số quyển sưu tầm văn học dân gian ĐBSCL tiêu biểu như: “Nghìn năm bia miệng”, “Văn học dân gian ĐBSCL”… có khoảng 10 truyện về rắn và liên quan đến rắn, xoay quanh 3 nội dung chính là: rắn làm ảnh hưởng đến đời sống của tiền nhân thuở khẩn hoang, rắn làm bạn với con người và con người khắc chế được rắn dữ.

Ở mảng nội dung, hình ảnh rắn dữ trở thành “nhân vật phản diện”, trực tiếp xâm hại đến chuyện làm ăn, sinh sống của người dân. Trong truyện “Sự tích rạch Cái Rắn” (Cai Lậy, Tiền Giang), kể chuyện trước đình Phú Nhuận có một hang rắn lớn, tập hợp những loài rắn dữ: “Bọn rắn trong hang đã gây nhiều tai hại cho dân làng Phú Nhuận không kể xiết. Nào chuyện rắn cắn chết người. Nào chuyện rắn đòi hối lộ: mỗi khi làng Phú Nhuận cúng lễ Kỳ yên hàng năm phải hiến cho bọn rắn mấy con heo trắng mới yên chuyện…”. Trong số bầy rắn độc ấy, có một con “rắn chúa” nhỏ bằng ngón tay, mình màu đen, cổ bốn khoang trắng. Chính con rắn này đã giết chết ông thầy thuốc rắn nổi tiếng giỏi nghề. Kết cục của cuộc “chiến đấu sống còn” là ông thầy thuốc rắn bị rắn chúa cắn chết.

Vùng rừng U Minh được biết đến với những loài rắn độc như: rắn hổ mây, rắn mái rầm…, trong đó đất Tân Bằng (một làng nằm dọc bờ sông Cán Gáo, vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) nổi bật hơn cả với rắn và “ma”. Rắn Tân Bằng vừa nhiều vừa độc làm ai nghe qua cũng sợ đặt chân đến đây. Truyện “Mãng xà vương ở Tân Bằng” kể hơn 300 năm trước, ở Tân Bằng xuất hiện một cặp mãng xà vương từ khơi vịnh Thái Lan tìm vào: “Đôi mãng xà vương to như cái khạp da bò. Khi chúng đến, cả khu rừng rung chuyển, nổi giông gió, sập cả nhà cửa…”. Điều đau lòng hơn cả là mỗi năm dân làng Tân Bằng phải nạp cho chúng hai đứa trẻ mới mong làng xóm yên bình. Hết gia đình này đến gia đình khác phải rứt ruột đem con làm mồi cho ác thú…

Trong truyện dân gian ở ĐBSCL, cũng có không ít “nhân vật rắn” trở thành bạn với con người. Khi ấy, hình ảnh rắn trở nên thân thuộc, được bà con nhắc đến với nhiều tình cảm. Nguồn gốc địa danh Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) được giải thích bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, có một cách lý giải khá lý thú là vài trăm năm trước, Xà Phiên còn âm u, rắn độc vào phá hoại nhà dân, giết hại nhiều người nên dân chúng bỏ đi gần hết. Bỗng xuất hiện một đôi mãng xà lớn khiến bà con nản chí vì nghĩ lại phải chịu tai ương. Lạ thay, hai con mãng xà không hại dân làng mà còn đuổi hết thú dữ. Một thời gian, hai con mãng xà không ở cùng một lúc mà thay phiên nhau dữ bình yên cho làng này. Nhờ vậy mà dân làng tề tựu về, dựng làng lập ấp này càng đông đúc, đời sống vui vẻ, ấm no. Ở góc độ bông đùa, bác Ba Phi còn kể chuyện rắn hổ mây tát đìa. Bác Ba Phi kể rằng, hồi ông mới tới đất U Minh khai phá, rắn trong rừng U Minh con nào con nấy lớn lắm. Bữa nọ bác Ba cùng vợ vô rừng tát đìa bắt cá. Gần đi tới cái đìa định tát, bác Ba nghe có tiếng tát nước rào rào. Bác Ba kể: “Đứng ở mé bờ đìa bên này, núp sau một thân cây tràm bự chảng, tui thấy một con rắn hổ mây ở mé đìa bên kia. Cái đuôi nó ngoéo một đầu, cái đầu nó ngoéo một bên, thân hình nó dẹp lại đu đưa. Thì ra nó đang tát nước cạn để bắt cá ăn”. Bác Ba chờ rắn hổ mây tát cạn nước rồi đuổi đi. Vậy là Bác Ba chỉ việc bảo vợ về kêu bà con trong xóm ra bắt về ăn. Tuy nhiên, sự thật không chỉ dừng lại ở chỗ: “Hỏng tin, tụi bây hỏi bác ba gái bây thử coi!” mà theo xác nhận của một số lão nhân kỳ cựu rừng U Minh, thời đó trong rừng hoàn toàn có những con rắn hổ mây lớn hàng trăm ký. Những câu chuyện này không những chứng tỏ sự phong phú, giàu có của thiên nhiên ĐBSCL một thuở mà còn minh chứng ước mơ, khát vọng hài hòa, làm bạn với thiên nhiên của những lưu dân thời mở đất.

Trong mảng nội dung con người khắc chế được rắn dữ, nổi bật là hình ảnh những ông thầy bắt rắn với những bí quyết, thuốc gia truyền để chế ngự những loài ác xà hung tợn. Thầy rắn Bảy Lễ ở vùng Bảy Núi nổi tiếng bởi phương thuốc gia truyền trị rắn cắn nổi tiếng một vùng. Truyện “Ông thầy thuốc gia truyền” miêu tả cách ông thầy Bảy Lễ trị rắn cắn: “Đến chỗ người bị rắn cắn nằm, ông thầy thuốc rắn tự bưng đèn xem kỹ dấu răng. Biết chắc loại rắn gì rồi, ông lặng lẽ ra vườn cây, tìm hái một nhúm cỏ gì đó, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Biểu thân nhân lấy đũa bếp cạy răng người bị nạn, ông nhổ nước cỏ vào miệng người đang hấp hối ngoắc ngoải. Tức khắc đờm hạ, cổ kêu on ót…”. Hay truyện “Người thầy rắn ở Đồng Tháp Mười” có thuật lại chuyện thầy rắn Năm Hơn bị con phi lân xà bắn vảy truyền độc. Theo truyền thuyết, phi lân xà không cần cắn người mà có 8 vảy trên khoang cổ, chỉ cần bắn vảy vào ai mà không được chữa trị kịp thời là vong mạng. Sư phụ Năm Hơn là thầy rắn Lê Huy Nhạc biết học trò mình gặp nguy liền “lấy thuốc hòa rượu đổ vào miệng Năm Hơn. Rồi bảo vợ Năm Hơn lấy chiếu đắp kín người Năm Hơn lại và dùng dây trói chặt vào giường, phía dưới để một lò than cháy rừng rực”. Nhờ vậy mà Năm Hơn thoát nạn. Sau sự cố ấy, thầy rắn Lê Huy Nhạc trở về quê nhà Chợ Gạo theo cụ Thủ khoa Huân kháng Pháp. Còn ông thầy thuốc rắn trong truyện “Mãng xà vương ở Tân Bằng” lại dùng kế “gà nhà bôi mặt đá nhau”: cho chúng ngấm thuốc mê rồi sơn hai con rắn hai màu khác nhau để chúng tự sát hại lẫn nhau.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thắng được loài ác thú này như thầy Lê Huy Nhạc hay thầy Bảy Lễ. Nhiều ông thầy thuốc rắn đã vong mạng vì đấu không lại những con rắn “biết gáy”. Ông thầy thuốc rắn phương xa đến có thiện chí cứu dân làng Phú Nhuận trong “Sự tích rạch Cái Rắn” khi bị con rắn chúa cắn đã buồn bã nói với bà con: “Mạng tôi đến đây là hết! Tôi đã bị con rắn chúa cắn rồi. Bà con ở lại mạnh giỏi!”. Trong cuộc chiến chinh phục thiên nhiên ấy, dẫu có người thắng, người thua, song vẫn sáng ngời cách sống:

“Lao xao sóng bủa dưới lùm
Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng”.

Họ thật sự là những con người vì nghĩa vong thân, mong muốn tìm lại sự an vui cho bà con, làng xóm, dẫu có người không thân quen mà chỉ lần đầu đặt chân đến. Rõ ràng lối sống “Thấy chuyện bất bình chẳng tha” đã có từ  ngàn xưa trong mỗi con người nơi vùng đất mới.

Hò đối đáp Nam bộ có câu đố về rắn rất thú vị:

Nữ đối:
Con gì có cánh không bay
Con gì không cẳng chạy bay năm rừng”.

Nam đáp:
“Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng”

Hình ảnh rắn đã đi vào tâm thức của người dân ở vùng ĐBSCL, chất chứa trong từng câu chuyện kể, từng câu nói, lời ca dao. Nhìn chung, truyện kể dân gian ở Nam bộ có hình ảnh con rắn không nhiều nhưng khá tiêu biểu. Các truyện này đã khái quát được bối cảnh thiên nhiên hoang sơ, ẩn chứa nhiều hiểm họa của thuở khẩn hoang. Để có được một vùng đất Chín rồng xanh tươi với cây lành trái ngọt như hôm nay, các bậc tiền nhân đã có những cuộc chiến sống còn với thú dữ – trong đó có rắn dữ. Qua đó giúp thế hệ hôm nay càng yêu quý và trân trọng những thành quả mà ông cha để lại bằng thái độ tri ân.

Nhân dịp năm Quý Tỵ, ngẫm nghĩ những truyện kể về rắn lúc “trà dư tửu hậu” để thêm tự hào về những điều kỳ thú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng châu thổ Cửu Long.

Tài liệu tham khảo:
1. Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười, Nguyễn Hữu Hiếu, NXB Đồng Tháp, 1988.
2. Nghìn năm bia miệng (2 tập), Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, NXB TP Hồ Chí Minh, 1999.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
Theo baocanthoonline

Posted in Dân gian

Bài tham khảo