Menu Đóng

Lễ Hội Gò Tháp

Khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 4 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp, cách huyện lỵ Tháp Mười khoảng 11km về phía Bắc, cách thị xã Cao Lãnh về hướng Ðông Bắc 28 km theo đường chim bay), 43 km (theo đường bộ và đường thủy).Vào ngày 16/3 và 16/11 âm lịch.Ở Xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Lễ Hội Gò Tháp
Lễ Hội Gò Tháp
Quần thể di tích Gò Tháp gồm có 5 di tích tiêu biểu, tính từ con lộ Mỹ Hòa đi vào: Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ cụ Ðốc Bình Kiều, gò Minh Sư, miếu Bà Chúa Xứ. Các di tích trong Gò Tháp mang nhiều giá trị văn hoá – lịch sử. Tháp Cổ Tự cách gò Tháp Mười 100 m về phía Bắc, tương truyền có từ thời Thiệu Trị (1841 – 1847), trước đó là ngôi tháp thờ Chân Lạp. Qua khỏi chùa là đến khu căn cứ Ðồng Tháp Mười của cụ Ðốc Bình Kiều, mộ và đền thờ cụ còn ở nơi đây. Ði tiếp là đến miếu Bà Chúa Xứ, gò Minh Sư. Hàng năm, khách thập phương kéo về dự lễ vía Bà rất đông. ….Với giá trị văn hóa lịch sử phong phú, di tích Gò Tháp đã được Bộ Văn Hoá xếp hạng và trong tương lai sẽ được phát triển thành khu du lịch hấp dẫn của vùng Ðồng Tháp.
Lễ hội Gò Tháp là một lễ hội lớn và quy mô nhất của người dân vùng Đồng Tháp Mười. Lễ hội Gò Tháp đã trở thành một lễ hội tầm cỡ ở các tỉnh Nam Bộ. Cứ mỗi độ lễ hội, dường như nhịp sống của người dân huyện Tháp Mười cũng khác đi, cũng hối hả, nhộn nhịp theo từng đoàn khách thập phương từ các nơi lũ lượt kéo về với đủ mọi phương tiện : tàu, ghe, xe lam, xe khách… bình quân trên, dưới năm mươi nghìn người mỗi kỳ.Về dự lễ hội đặc sắc Gò Tháp, trước hết bạn có thể thăm các di tích cổ : Gò Tháp Mười, Tháp Cổ tự, miếu Bà Chúa Xứ… sau đó còn được hoà mình vào không khí lễ hội dân gian, được thưởng thức các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Hai lễ hội đầu và cuối năm ở Gò Tháp đều tấp nập hàng chục ngàn du khách từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về đây cầu tài, cầu lộc và hành hương đi lễ. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 3 âm lịch là lễ hội tưởng niệm Bà Chúa Xứ, tương truyền là nguời có công lao khai phá, tạo dựng và phát triển vùng này. Từ chiều 14 đến rạng sáng 16 tháng 11 âm lịch là lễ tưởng niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), những thủ lĩnh nghĩa quân đã kiên cường chống thực dân Pháp đến xâm lược hồi nửa cuối thế kỷ 19.
Lễ hội ở Gò Tháp có hai phần rõ rệt: phần nghi thức cúng lễ và phần hội hè. Ngoài các lễ cúng chính trong mỗi kỳ hội như cúng bà Chúa Xứ, cúng Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều còn cử hành một số lễ phụ khác như: lễ cầu an, cúng Thần nông, lễ thỉnh sinh… Mỗi nội dung lễ cúng có nghi thức hành lễ không giống nhau nhưng có nét chung nhất là đều có bài văn tế do bô lão chánh bái vừa đọc vừa diễn. Kèm theo là các tiết mục lễ nghi phụ họa như: dàn nhạc lễ réo rắt, dâng trà, rượu, hương. Nội dung văn tế là ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân hay cầu khẩn đất trời, cho “quốc thái, dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Trong phần hội hè, những tiết mục như múa hát, trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật rất phong phú làm cho con người quên đi những vất vả của cuộc sống thường nhật để tìm đến với nhau trong nỗi đồng cảm hướng về cái thiện.
Tiền công đức của khách thập phương được quản lý chặt chẽ, sử dụng vào trùng tu và tôn tạo các di tích hiện có. Cùng với kinh phí Nhà nước, nhân dân đã đóng góp nhiều công sức và tiền bạc để hoàn thành các công trình trong khu di tích. Con đường từ thị trấn Mỹ An vào khu di tích đã được trải nhựa đến Mỹ Hòa. “Khu du lịch văn hóa lịch sử Gò Tháp” với vốn đầu tư khoảng hai triệu USD khi triển khai  hoàn thiện căn bản cơ sở hạ tầng và tạo thêm những điểm sinh hoạt bổ ích, lý thú.Điều lý thú ở lễ hội Gò Tháp là bạn có thể được ăn cơm chay miễn phí trong nhà chùa nhờ có đội ngũ tình nguyện viên phục vụ và hàng tấn gạo, rau quả do khách thập phương mang đến. Điều này đã tạo điều kiện cho rất nhiều bà con nghèo và ở những nơi xa về đây tham dự. Ngoài ra, tại khu hội chợ, bạn còn có thể mua được nhiều đặc sản hay hàng hoá của địa phương về làm quà cho gia đình, bè bạn…Đáp ứng được nhu cầu tâm linh của mọi tầng lớp, du lịch văn hoá tín ngưỡng tại lễ hội Gò Tháp là hình thức du lịch hấp dẫn, độc đáo mà bạn không nên bỏ qua. Đến với lễ hội Gò Tháp là bước vào hoạt động văn hoá tổng hợp, đan xen và hòa lẫn vào nhau : giữa vật chất và tinh thần, giữa tín ngưỡng và văn hoá, giữa cái thiêng liêng và cái đời thường, giữa cổ xưa và đương đại… Lễ hội Gò Tháp mang đậm tính chất dân gian và in dấu ấn một thời mở cõi, phản ánh những khát vọng và ước mong tha thiết của người nông dân Đồng Tháp Mười. Được đến thăm các di tích kiến trúc, được cầu nguyện, được chứng kiến các sinh hoạt văn hoá văn nghệ truyền thống, đó chính là nguyên nhân cuốn hút ngày càng đông khách đến tham dự lễ hội Gò Tháp từ xưa đến nay.
Nguồn:dongthap.gov.vn
Posted in Lễ hội

Bài tham khảo