Menu Đóng

Lúa Nở Ngầm

Cấy xong một chục công lúa sa-mo trời cứ đổ mưa hoài, làm cho bác Ba Phi ngồi khoanh tay rầu rĩ. Bác cứ nhấp nha, nhấp nhổm, uống trà, đi ra hàng ba đứng treo tay nhìn những cơn mưa mờ mịt ruộng đồng, rồi trở vô ngồi vấn thuốc hút, uống trà. Thật là sống ở thời buổi nầy một khi bị tai nạn thiên nhiên giáng xuống thì sức người đành vô phương khả đảo. Đêm nằm trăn trở lắng nghe từng cơn mưa rơi lộp độp trên mái lá mà bác Ba cứ thở vắn than dài! Bác hay lặp đi lặp lại với bác gái cùng thằng Đậu một câu:
– Từ hôm xuống nọc cấy đến nay tính đã… Ơi, sao mưa mãi là mưa ! Cái điệu nầy chắc “bà Thủy cắt hộ tịch” mười công lúa sa-mo của mình rồi.

tumNhưng từ sau cái đêm than thở não nuột của bác Ba, dường như động lòng trời, sáng ra có mây ráng đỏ chen vào giữa buổi bình minh. Triệu chứng này báo hiệu cho một ngày quang đãng. Quả như vậy. Mặt trời ló dạng vàng óng như chiếc mâm thau được chùi thuốc tẩy, chiếu ra nhiều tia sáng kỳ diệu. Chim chìa vôi cất tiếng hót líu lo ngoài tàn cây xoài. Những con cúm núm lai gà tàu ở đầu bờ ruộng gù lên hai giọng: “ò ó o… ò, cúm núm, cúm !…” Và con bò lai nai nửa tháng trời bị thằng Đậu niệt miết trong chuồng cho ăn toàn những rơm khô, bây giờ thấy trời ấm áp, nghếch cái đầu có chà gạc lên, nhìn đám cỏ non bên ngoài bằng cặp mắt trong veo, thèm thuồng rồi cất tiếng rống như mừng rỡ: “Um bò ! Bét, bét !”. Mặt trời càng lên cao, những tia nắng sớm càng soi óng ánh qua từng kẽ lá trong khu vườn cây tổng hợp của bác Ba Phi.

– Nắng hồng tươi soi bóng các em đến trường…”

Trong lúc bác Ba Phi lắc nước chiếc xuồng ba lá sau mương, để chuẩn bị đi thăm ruộng, thằng Đậu trong nhà cứ ca hát và nhảy nhót tựa con chim trao trảo.
– Đậu à ! Sửa soạn đi thăm ruộng với ông nội!
Nghe ông nội kêu, thằng Đậu vội lấy chiếc nón vải màu xanh cũ mèm có một lỗ rách trên chóp đội lên đầu và xách cây sào nạng chạy ra. Đến bên xuồng. Thằng Đậu bị bác Ba bảo quay trở lại:
– Bỏ hờ theo một chiếc liềm hái, coi có cỏ rác gì mọc theo bờ mà cắt vén cho lúa.
Sau đó, ông lái, cháu mũi chống xuồng qua mấy mương liếp, ra tới mé ruộng. Qua đợt mưa chum, nước đồng lênh láng như biển. Từng đợt sóng của ngọn gió nồm bỏ vòi trắng đã bổ xồng xộc vào mạn xuồng. Ông cháu bác Ba lái xuồng thả trôi theo sóng. Xuồng chạy te te trên mặt đồng, hướng mũi về phía đám lúa sa-mo. Trên mặt đồng, những nơi cỏ bắp hoặc cỏ chỉ đều bị nước ngập láng te. Những đám sậy, đám điên điển bị cỏ mục của giồng cào trôi đùn, chất lên nhau, mang theo hàng hà sa số là gián nước và kiến riệng. Sóng đánh sì soạp vào be xuồng. Gió thổi rì rào qua đám sậy. Gió đùa lất phất hàm râu lưa thưa dưới cằm bác Ba. Gió vuốt mơn man qua món tóc trán thòi ra chỗ nón rách trên đầu thằng Đậu. Cảnh thôn quê dịu dàng làm dễ chịu lòng người. Gió êm đềm mát mẻ tâm hồn người ta đến nhớ nhung mông lung vời vợi ! Hai ông cháu bác Ba cứ thả xuồng và thả hồn mình trôi vào mơ mộng.
Họ cứ mê mải mỗi người tham gia vào “câu lạc bộ” của quá khứ, của tương lai riêng biệt, không ai lái xuồng kềm cho nó đi ngay ngắn. Xuồng trôi tấp vào một con giồng cỏ cạnh miếng ruộng lúa sa-mo mà họ định đến thăm tự hồi nào. Khi nhìn thấy một khu vực mặt đồng nước sôi tim mẳn tựa có một bầy cá ròng ròng khổng lồ đang ăn mống, họ mới giật mình. Bác Ba gò xuồng lại, trở ngược ngọn sào xốc xuống đất, cột xuồng. Mở gói thuốc bánh giồng ra quấn một điếu lớn bằng ngón tay cái, ngồi bập khói, đôi mắt cứ hấp háy như còn tiếc ngẩn cơn mơ, bác Ba rầm rì phàn nàn:
– Nước ngập láng te thế này, ba cái lúa “đi ông Yẹm” hết rồi, thật toi công.
Nhìn mặt nước sôi tim mẳn, bác Ba càng chua xót trong lòng. Nhưng dù sao bác cũng thăm dò xem đám lúa còn mất thế nào. Bác Ba uể oải ném điếu thuốc đánh xèo và chậm rãi xắn quần lội xuống ruộng. Điều trước hết làm cho bác Ba ngạc nhiên là khi hai chân vừa chạm tới đất dường như dẫm phải những bụi cỏ tươi còn đang căng sức sống ngầm mãnh liệt. Bác Ba chựng người, kêu lên một tiếng nhìn thằng Đậu rồi khom người dùng tay sờ thử. Lại một ngạc nhiên kế tiếp: tai bác nghe rõ ràng những tiếng rào rào dường như tằm đang ăn lá dâu dưới lòng nước. Kinh ngạc quá, bác Ba mò quýnh quáng trên mặt đất để tìm xem chuyện gì. Chốc sau, khi mọi việc được xác định rõ ràng, bác Ba ngẩng người lên thở ra một hơi dài, và vui vẻ báo tin với thằng Đậu:
– Lúa vẫn sống! Lúa đang nở ngầm trong dòng nước. Mầy nghe tiếng lúa vặn mình nở rào rào đó không?
Suốt mười ba năm sống trên thế gian nầy, thằng Đậu chưa hề nghe thấy điều kỳ quặc vậy. Nó liền nhảy ùm xuống đồng nước mò thử để kiểm nghiệm lời nói của ông nội.
Tất bật thế nào, khi phóng xuống ruộng, ống quần của nó vướng vào mũi xuồng, giật một cái đập đầu vào tấm lô, mắt đổ lửa:
– Trời đất ơi!
Nghe tiếng kêu thảm thiết của đứa cháu, bác Ba Phi vội chồm đến đỡ nó dậy. Bác vuốt ve, xuýt xoa cho nó. Cái quần vải tám của thằng Đậu tét dọc từ ống lên tới háng. Một tay túm ống quần, một tay thằng Đậu mò tìm thử xem cái chuyện lúa nở ngầm ông nội vừa nói. Quả thật ! Những bụi lúa đang vặn mình lên đâm ngạnh trê, xé bẹ nở ra lách tách nghe tựa hàng ngàn con tép rộn rã búng nhảy. Thằng Đậu mê quá, nắm gọn vào tay một bụi nghe thử sức nở của lúa. Lúa cứ xạo xự vươn mình chỉ chốc sau đó là đầy cứng một nắm tay.
– Làm sao hở ông nội? Cứ để như vầy lúa sẽ nở đặc gật, tới chừng trổ bị lốp hết, không có một hột nhổ râu cho mà xem.
Bác Ba đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi ra lệnh cho thằng Đậu:
– Phải đi cắt tranh về bó từng bụi lúa lại để hạn chế sức nở của nó.
Ông cháu bác Ba chống xuồng như bay lên vạt đất gò Kinh Ngang cắt chở về một xuồng cọng tranh. Từ đó cho tới chiều tối, hai người mò mẫm bó lại từng bụi lúa đang có tốc độ nở ngầm dưới nước. Đêm ấy về nhà, bác Ba Phi chống xuồng lên đầu trên, xóm dưới kêu bà con đi “bó lúa” với ông cháu bác vào ngày mai.
Sáng hôm sau già, trẻ, bé, lớn, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, trẻ con cả xóm rầm rộ chống xuồng ra ruộng bác Ba Phi để “bó lúa” vần công. Dĩ nhiên xuồng của ông cháu bác Ba chống tiên phuông. Lúc dắt đoàn đi gần tới miếng ruộng lúa, chợt trông thấy một hiện tượng kỳ lạ, vội hô bà con dừng lại. Những chiếc xuồng ba lá khẳm mẹp người ta dồn lại thành cục, tiếng sào khua rột rạt, tiếng người xôn xao bàn tán rì rầm nổi lên. Thấy hàng ngũ nhốn nháo mất trật tự, bác Ba hô lớn cho họ yên tâm:
– Cũng chẳng phải có chuyện gì lạ lùng lắm đâu. Dường như có kẻ nào đem lưới đại quàng lại giăng trên miếng ruộng của tôi. Bà con trông kìa, những hàng phao lưới trắng trắng, đen đen đang nổi bập bềnh đầy mặt ruộng đó.
Tất cả nhìn theo tay bác Ba Phi. Chỗ miếng ruộng, ngay khu vực bác Ba với thằng Đậu “bó lúa” hôm qua, có hàng dọc xâu chuỗi phao lưới của ai đang giăng, phao lưới màu đen có, xám có cái nào cũng bự bằng trái dừa khô. Tất cả bà con nổi giận thét lên:
– Lưới quàng sao không giăng ngoài khơi mà bắt cá đao, cá dống lại đem giăng bừa lên trên lúa ngập nước của người ta?
Thét xong, bà con ào ào tới, không cần phải làm thông lệ là ăn trầu, hút thuốc trước khi bước xuống ruộng. Thằng Đậu đứng trước mũi, bác Ba Phi chống sau lái của chiếc xuồng đi đầu. Xuồng vượt lên ao ào, mũi lòa nước trắng dã. Bỗng nhiên thằng Đậu kêu lên:
– Coi kìa! Mỗi chiếc phao sao lại có hai chân chòi đạp sáng nước?
Bác Ba vội vã chống sào nạng nhún liền mấy cái, chiếc xuồng vọt tới nơi. Bác đã biết rõ những cái thứ trước mặt là giống gì rồi, vội thét lên:
– Xúm lại bắt chim bà con ơi!
Nghe bác Ba Phi kêu, tất cả xuồng ùn ùn chống tới, vây quanh khoảnh ruộng có những hàng “phao lưới” nổi. Khi nhìn tận mắt họ mới vỗ tay rần rần, cười nói vang dậy trên đồng nước:
– Thật là chuyện lạ trên đời, thế gian hi hữu!
Chim ơi là chim! Chàng bè, le le, giăng sen, cồng cộc không rõ can cớ gì mà chúng cứ chổng mông, cắm đầu xuống nước, giơ hai chân chỏi ngược lên trời? Bà con nhảy ùm xuống ruộng mò thử xem. Rốt ra họ mới hiểu rõ nguyên nhân: Chim đang mắc kẹt đầu trong giữa bụi lúa. Đây là những loài chim ăn đêm, mò nước, bị lúa nở ra, kẹp mắc đầu vào giữa kéo không lên được. Bà con xúm lại “nhổ” chim lên, dùng dây tranh bó lúa trói chúng lại, mỗi xuồng bỏ đầy một khoang.

Posted in Bác Ba Phi

Bài tham khảo