Buổi sáng. Trời bỗng xám xịt tối om om như đang sắp chìm trong màn đêm vần vũ. Mọi người nhốn nháo. Những chiếc xe Honda phóng ào ào bạt mạng để trốn chạy trận mưa sắp tới. Hàng quán thu dọn bàn ghế. Những mái che kéo ra.
Gần ba năm qua, Dũng luôn giữ thói quen mỗi buổi sáng phải nhâm nhi ly cà phê đen đặc quánh như nước màu không để đường trước khi đến cơ quan ở một quán cóc ven bờ hồ Xáng Thổi. Anh muốn hưởng thụ, hít thở không khí trong lành từ mặt hồ phẳng lặng, yên tĩnh, bình thản, vô tư trước nhịp sống náo nhiệt xô bồ của thành phố này. Và Dũng đang chờ một người quen.
Hôm nào cũng vậy, khoảng 6 giờ 30 sáng là cô bé bán báo trạc tuổi con anh xuất hiện với lỉnh kỉnh báo, tạp chí chất đầy trên chiếc rổ xe đạp “cà tàng”. Trong chiếc rổ ấy có cả những quyển sách, hộp viết.
– Con tên gì? Nhà ở đâu? Bộ còn đi học hả? Dũng hỏi khẽ.
– Con tên Liên. Quê Bến Tre. Đang học năm cuối đại học Cần Thơ. Liên lí nhí trả lời.
– Bán vầy sống được hôn? Rồi làm sao đi học?
– Dạ. Con bán buổi sáng sớm rồi tới trường.
– Bữa nào “ế ” rồi làm sao? Dũng trêu chọc. Nói đến đó nhìn thấy đôi mắt đen láy như muốn khóc, anh cảm thấy hối hận vì sự vô duyên lỡ lời của mình.
Trời mưa. Cô bé khoác chiếc áo mưa cũ, đẩy xe xuống đường và đạp đi vội vã trong cơn mưa tầm tã. Bóng Liên xa dần, xa dần.
Riết dần quen. Dũng trở thành “mối quen” của Liên. Có lẽ anh muốn chuộc lại sự vô tình hôm trước và cũng muốn giúp cô bé sinh viên kịp đến lớp. Có hôm bán không hết, Dũng lại xung phong “ôm xô” phần báo còn lại để cô kịp đến giảng đường đại học, anh không muốn nhìn thấy đôi mắt đượm buồn, ưu tư lo lắng của cô trước nhịp sống đô thị: cơm, áo, gạo, tiền.
Có lần Liên hỏi:
– Sao chú mua báo nhiều quá vậy? Hay thấy con mồ côi tội nghiệp nên mua giùm?
– Đâu có. Chú “mê” báo lắm nên mua vậy thôi. À chuyện nhà con ra sao, kể cho chú nghe được hôn?
– Chuyện buồn lắm. Thôi, hôm nào rảnh con kể chú nghe.
Mấy ngày sau, vẫn tại quán cóc ven đường ấy, Dũng chờ mãi, nhưng không thấy bóng dáng cô bé bán báo mồ côi ấy. Linh tính như mách bảo Liên đang gặp phải điều không may. Anh nghe tim mình như thắt lại. Tìm Liên ở đâu bây giờ giữa hàng ngàn sinh viên theo học? Dũng lẩm bẩm. Bốn ngày, năm ngày, thời gian cứ dài đằng đẵng. Đến ngày thứ sáu thì…
– Chú ơi! Phải chú hay mua báo của chị Hai con hôn? Một cô bé xuất hiện lên tiếng. Thoáng nhìn, anh đã đoán ngay là em của Liên bởi hai chị em giống nhau như đúc.
– Ừa. Chú đây. Chị con sao rồi mà không đi bán báo nữa? Dũng sốt ruột hỏi dồn.
– Chỉ bị bệnh tim bẩm sinh. Mấy ngày nay nhập viện rồi. Hôm qua, chỉ mới nhớ ra là quên giao báo cho chú, sợ chú giận nên biểu con tới tìm cho chú hay đó.
– Trời đất! Chị… con… nằm ở đâu? Dẫn chú tới thăm được hôn? Dũng cuống quýt.
Liên nằm đó, nước da xanh mét. Có lẽ sự chịu đựng quá mức đã vắt cạn sức lực của cô bé sinh viên nghèo tuổi hăm hai. Chiếc mền cũ kỹ khâu vá được đắp lên người Liên. Cạnh đó là một hộp sữa bò, một chai nước suối cùng chiếc bình thủy sờn quai nằm trọn lỏn trên chiếc tủ nhỏ trong phòng bệnh. Ngay đôi dép dưới chân cũng sắp đứt quai. Có lẽ nó đã theo cô quá nhiều trên bước đường mưu sinh khốn khó. Đôi mắt buồn bã nhìn vô định lên trần nhà. Không biết Liên đang thức hay đang mơ. Mặc. Cần phải để cô thật yên tĩnh trong lúc này.
Dưới táng bàng xanh mát của khuôn viên bệnh viện, Ngân – em Liên – kể trong nước mắt. Quê của chị em Liên tuốt miệt Ba Tri, Bến Tre. Cha mẹ đều mất sớm nên Liên vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi nấng hai đứa em ăn học trên vùng biển mặn mênh mông. Sau hai cái đám tang cách nhau vài tháng đó, tiền tang ma cùng với các khoản nợ thuốc thang đã trên mười triệu đồng. Cám cảnh với gia đình nghèo nên không ai nỡ đòi, mà có đòi cũng không có gì để trả ngoài chiếc chòi lá bằng dừa nước nhỏ nhoi đang chống chọi từng ngày với các cơn sóng biển tràn lên như muốn nuốt chửng nó. Mỗi ngày sau giờ học cả ba chị em gái lại đi làm thuê làm mướn quanh làng. Ai kêu gì cũng làm. Giá bao nhiêu cũng làm không hề mặc cả một lời. Cả ba chỉ mong có tiền để không phải dở dang chuyện học hành. Vậy là làm cỏ mướn, đánh lá mía, giữ trẻ con, mò nghêu, giặt đồ, rửa chén, xách nước… cho các quán ăn ở thị trấn, cả ba đều làm đủ việc. Bà con chòm xóm thương tình có gì cho nấy, từ bộ quần áo cũ mèm, mấy lon sữa bò gạo, tập vở đến mấy con ba khía, còng gió, cá vụn từ mấy hộ đóng đáy sông cầu… Nhờ trời ba chị em chưa phải bệnh hôm nào. Nói đúng hơn là cố gượng để không đổ bệnh vì nếu có cũng chưa biết xoay xở làm sao.
Chuyện như một giấc mơ. Liên đậu khoa sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ. Vậy là ước nguyện của cha mẹ, của Liên cùng các em đã trở thành sự thật. Liên sẽ là cô giáo đứng trên bục giảng quê nhà. Suốt đêm cả ba chị em không ngủ được vì hạnh phúc. Cái ngày Liên ôm đồ qua Cần Thơ nhập học, ba chị em ôm nhau khóc nức nở. Đốt nén nhang trên chiếc bàn thờ ọp ẹp bằng tre, trước di ảnh ba mẹ. Liên khấn nguyện:
– Ba mẹ có linh thiêng phù hộ cho ba chị em con ăn học thành tài. Tiền nợ người ta chị em con sẽ cố dành dụm trả để vong hồn cha mẹ yên tâm, thanh thản.
– Cha mẹ nhớ phù hộ cho chị Hai đừng bệnh hoạn gì nghen. Ở bển có gì hai đứa con chắc chết theo quá. Ngân khấn tiếp.
Chia tay nhau tại ngã tư đầu xóm trong cơn bão số bảy đang ầm ập kéo về, mưa như trút nước. Sóng biển tràn vào bờ tung bọt trắng xóa. Hàng phi lao dưới bãi biển nghiêng ngả như sắp ngã quỵ. Ba con người nhỏ bé mong manh ấy đang xanh dờn vì lạnh ôm chặt lấy nhau. Mắt đứa nào cũng đỏ hoe hoe. Từ nhỏ đến giờ chúng có phút giây nào rời nhau nửa bước. Cả đến khi ngủ chúng cũng ôm chặt lấy nhau để chuyền nhau hơi ấm. Mồ côi là vậy.
Biết chuyện, thầy giáo chủ nhiệm khoa đã giúp cô số tiền nhỏ làm vốn bán báo dạo buổi sáng rong ruổi khắp thành phố này. Cực, nhưng Liên cố vượt qua để hàng tháng gởi tiền về nuôi các em ăn học. Nhiều lúc đi qua những cửa hàng thời trang, mỹ phẩm đắt tiền, cô cũng len lén nhìn với sự thèm muốn tột độ. Cũng là chuyện thường. Con gái lớn rồi ai mà chẳng vậy. Nhưng rồi hình ảnh hai đứa em lam lũ ở quê nhà hiện lên mồn một. Cô lặng lẽ cúi đầu bước nhanh.
Hai đứa em Liên tiếp tục hành trình vào đại học. Ngôi nhà dừa nước ven sông vắng lặng bóng người. Ngoài bãi biển dưới rặng phi lao, hai nấm mộ song song quạnh quẽ cùng sóng gió.
Cái điệp khúc đứa lớn vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền nuôi đứa nhỏ cứ nối đuôi nhau. Bốn năm qua cả ba chị em đều sống và trang trải mọi chi phí học tập, nhà trọ… từ việc bán báo, dạy thêm. Mỗi tối Liên lại tranh thủ đi giúp việc ở một quán ăn lớn, hai đứa em thì làm gia sư bậc tiểu học. Khi mọi người yên giấc cũng là lúc ba chị em mới quây quần bên nhau trong căn nhà trọ nhỏ đang ù ù tiếng gió, để cùng thao thức nhớ đến đấng sanh thành đang cô đơn ở chốn quê xa, nhớ đến miền quê biển của mình trong nỗi quay quắt nao lòng.
Mấy ngày nay Dũng đi công tác xa nhà. Lòng anh lúc nào cũng như lửa đốt. Không biết bệnh tình con bé ra sao nữa? Về đến nhà Dũng phóng xe như bay vào bệnh viện. Vội vàng đến nỗi anh đã vượt qua mấy cái đèn đỏ ngã tư trong sự ngạc nhiên có, phẫn nộ có của nhiều người đi đường. Liên đã xuất viện.
Sáng nay mới năm giờ, Dũng đã có mặt tại cái quán cóc quen thuộc của mình. Linh tính như bảo rằng hôm nay anh sẽ gặp lại Liên. Quả đúng như anh nghĩ, cô sinh viên nghèo bán báo đã có mặt sớm hơn mọi bữa.
– Sức khỏe con ra sao rồi? Dũng vồn vã.
– Con khỏe rồi, hôm nay là bữa bán báo cuối cùng của con. Liên đáp.
– Sao lại là bữa cuối cùng?
– Ngày mai con thi tốt nghiệp xong sẽ về quê nhận căn nhà tình thương của nhà nước tặng cho. Chắc con ít qua đây lắm. Còn phải đi dạy nữa. Mừng lắm chú ơi. Nhưng… con… con… Nói đến đó cô nín lặng. Có lẽ sự xúc động đã tràn đầy lồng ngực.
– Rồi bệnh của con? Dũng lo lắng.
Liên cười thật tươi, đôi mắt sáng lên niềm hy vọng rất lạ thường:
– Tháng sau con sẽ đi Sài Gòn khám để chuẩn bị mổ tim miễn phí rồi. May mà trường thương nên lo cho con đầy đủ hết. Con chỉ nhờ chú… chú…
– Có gì con cứ nói.
– Con nhờ chú thỉnh thoảng đến chăm sóc dạy dỗ hai đứa em của con. Tội nghiệp. Hổng có con chúng buồn lắm. Chú ráng giúp con. Ơn này con… con. Liên lắp bắp không nói tròn câu.
– Chú hứa. Con cứ an tâm chữa bệnh và công tác tốt nghe.
Liên lại tất tả dẫn xe xuống lòng đường, đôi mắt đăm đăm nhìn Dũng rồi đạp xe đi thật nhanh. Bóng dáng cô bé đã khuất rồi mà thấp thoáng trước mắt Dũng, trong tâm hồn anh cứ đọng lại hình ảnh cô sinh viên nghèo gầy gò thoăn thoắt đạp xe bán báo với tiếng rao thật buồn “… báo đây… báo mới đây…”.
Truyện ngắn: SONG ANH
Báo Hâu Giang