Con nước lũ lên chậm, nhiều cánh đồng còn trơ gốc rạ lúa hè thu sớm đã bắt đầu trổ vàng. Những bông lúa chét (lúa tái sinh) trên những mảnh đất màu mỡ đã thực sự giúp cho nhiều hộ nghèo tiếp tục có thêm cái ăn trong mùa nước nổi.
Dân nghèo đã dậy sớm lục đục chuẩn bị đồ đạc để ra đồng gặt lúa chét. Tuy là công việc rất đỗi bình thường đối với nông dân làm ruộng, nhưng đây chính là nguồn lúa quý báu cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là mùa nước nổi sắp về. Bởi, nếu siêng ra đồng gặt lúa chét, dân nghèo sẽ dự trữ được nguồn lương thực, không còn lo thiếu ăn khi nước đã tràn đồng. Trung bình mỗi ngày, một người gặt cũng được vài bao bông lúa chét. Sau khi đem về nhà phơi suốt cũng kiếm được khoảng 2 giạ lúa hạt dự trữ”.
Ông Nam cho biết thêm, hiện cánh đồng xã Núi Voi con nước chỉ mới mấp mé gốc rạ nên lúa đã kịp trổ bông. Nhờ con nước lên chậm nên dân nghèo mới kiếm ăn được trong thời điểm này. Có được nguồn lúa chét, ai cũng cụ bị dụng cụ ra đồng thu hoạch. Lúa chét mọc từ gốc rạ lúa chỉ có sau vụ hè thu. Đặc biệt, năm nào nước nhỏ hoặc lên chậm, lúa chét trổ đầy đồng. Một công lúa chét, có thể thu hoạch khoảng 2-3 giạ. Hiện nay, nhiều cánh đồng nông dân thường gặt bằng máy gặt đập liên hợp nên gốc rạ lúa nhô cao mà không bị đỗ ngã, do đó lúa chét trổ bông mạnh. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm cho biết, lúa chét ăn ngon hơn lúa thường, bởi mọc tự nhiên mà không phun xịt thuốc trừ sâu hoặc bón các loại phân. Do đó, nhiều dân nhà giàu thường tìm kiếm nguồn lúa chét mua để dự trữ ăn dần.
Ngoài ra, lúa chét còn giúp bà con dân tộc Khmer có nguồn thức ăn vỗ béo bò. Vừa cắt đầy bao lúa chét vác về cho bò ăn, ông Chau Sóc ở xã Vĩnh Trung nói: “Năm nay nhờ có nguồn lúa chét, bò nhà tôi ăn no nê. Mỗi buổi sáng bỏ công đi gặt 3 bao lúa chét, sau đó về đập lấy lúa hạt kiếm cũng được khoảng một giạ lúa. Còn lại cọng rơm tươi đem vỗ béo cho bò. Hiện nay, nguồn cỏ đang hiếm, có được nguồn lúa chét nên tôi an tâm”.
Giữa trưa tháng tám, xuôi theo con kênh xáng Vịnh Tre nhà nhà đem bông lúa chét ra phơi lúm khúm sân trước. Đang lấy từng cọng rơm sót lại trong đống lúa chét vừa mới đập xong, bà Lê Thị Dính (58 tuổi, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Lập) cho biết: “Nếu con nước lên chậm như vầy, năm nay tôi mót được khoảng 50 giạ lúa chét là khỏe! Có được nguồn lúa chét nên cũng bớt lo cái ăn trong mùa lũ”.
Gần bước sang cái tuổi lục tuần, nhưng do hoàn cảnh khó khăn bà Dính vẫn cố gắng bươn chải để lo cho gia đình 3 nhân khẩu. Nhà không ruộng rẫy, chồng bà thì chạy xe ôm. Bà Dính chỉ có một đứa con gái đã gần 20 tuổi đầu nhưng bị tật nguyền. Do đó, bà phải oằn lưng gánh vác hết mọi công việc nặng nhọc trong gia đình kể cả cái ăn, cái mặc cho con. Nên vào mùa lúa chét, sáng nào cũng vậy, bà Dính đều ra đồng mót lúa chét để dự trữ ăn suốt mùa nước.
Còn đối với ông Trần Văn Suồl, gia đình có 4 nhân khẩu, sống trên tuyến kênh Đường Cầm, xã Núi Voi sẽ không còn phải lo chạy gạo nữa. Bởi sau hè nhà ông lúc này, cánh đồng lúa chét bạt ngàn đã chín vàng bông. Tất cả các thành viên trong gia đình chỉ việc mang lưỡi hái ra đồng gặt đem về. Hổm rày, gia đình ông đã thu hoạch được 15 giạ lúa. Chỉ tay về cánh đồng lúa chét, ông Suồl cười khà: “Mặc sức mà mót lúa chét. Để tránh “xung đột” trong khi mót lúa chét trên đồng, dân nghèo còn đưa ra cái luật bất thành văn. Tức là, trước khi gặt lúa hè thu xong, mọi người đến chủ đất xin cấm bẹo “xí” phần. Đến khi lúa chét trổ bông thì chỉ việc ra đồng gặt lúa…”.
Nhọc nhằn hạt lúa
Sau nhiều ngày dãi nắng nhặt nhạnh từng bông lúa chét, dân nghèo lấy lúa thu hoạch được cho vào bao ủ. Sau đó họ lấy ra cho vào một tấm lưới cước trải dưới đất, dùng cây đập tách lấy lúa rồi đem phơi nắng cho khô. Lúa khô xong họ lấy đi giê loại bỏ hạt lửng, lép. Dù có cực đến mấy người dân nghèo vẫn cố làm, vì đối với họ lúa chét như những hạt ngọc trời ban để chạy cái đói đe dọa hằng ngày.
Thành Chinh
Theo baoangiangonline