Menu Đóng

Nghĩ Về Phát Triển Đê Bao Đồng Bằng Sông Cửu Long

Từ khi ra đời Quyết định số 99 về việc “phát triển thủy lợi, giao thông, xây dựng nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, đê bao và bờ bao ở ĐBSCL được xây dựng một cách nhanh chóng.

Mặc dù lũ được coi là lợi thế, nhưng việc hình thành bờ bao triệt để vẫn tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trong vùng ngập lũ ĐBSCL. Một trong những động cơ cho việc xây dựng đê bao triệt để là để hình thành những vùng sản xuất lúa vụ 3 nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu để cải thiện đời sống nông dân, phục vụ giao thông nông thôn. Hơn 50% sản luợng gạo được xuất khẩu hàng năm là từ ĐBSCL.

debaoGần đây nhất là sự hỗ trợ của Chính phủ 93 tỉ đồng trong nỗ lực tăng diện tích lúa vụ thu đông cho các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, các tỉnh vùng ngập lũ sâu được nhận với mức cao hơn vùng ít ngập lũ. Điều đó chứng tỏ nhiều diện tích đê bao triệt để 3 vụ sẽ được hình thành trong vùng thường xuyên ngập lũ.

Liệu có nên tăng diện tích đê bao 3 vụ như hiện nay chăng?
Thực tiễn ở các nước cho thấy nhiều nơi trên thế giới có xu hướng chuyển một số vùng đê bao có nguy cơ bị ngập lụt cao trở về trạng thái tự nhiên. Điển hình là ở Hà Lan, một đất nước có hơn 2/3 diện tích đất nằm dưới mực nước biển. Số liệu khảo cổ học cho thấy đê bao đầu tiên được xây trên đất nước Hà Lan vào khoảng 500 năm trước Công nguyên. Kể từ sau đó, phong trào khai hoang mở đất được phát triển và đê được hình thành.

Vào thế kỷ thứ 11, đê được xây dọc các bờ sông Rhine, Maas, và Waal. Mãi đến năm 1932, nhiều đê bao được hình thành. Tuy nhiên, trong lịch sử hình thành đê bao (dikes), bờ bao (polders) của Hà Lan có những thành công và cũng có những thất bại cần được xem xét.

Quan niệm về rủi ro trong quản lý lũ ở Hà Lan không chỉ dựa vào xác suất lũ xuất hiện, thay vào đó rủi ro được xác định bởi một hàm số gồm xác suất lũ xuất hiện (như lũ 100, 1.000, 10.000 năm) x hệ quả của lũ (thiệt hại do lũ rây ra). Đặc biệt, khi đê bao và bờ bao được hình thành, đầu tư vào nông nghiệp, nhà ở, công nghiệp càng nhiều, do đó rủi ro thiệt hại sẽ càng cao. Vì sao đê bao và bờ bao dẫn đến lũ càng lớn hơn? Hai học giả Ying và Li (2001) nghiên cứu cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến mực nước lũ ngày càng cao hơn trên sông Yên Tử của Trung Quốc.

Nguyên nhân thứ nhất là chặt phá rừng ở thượng nguồn làm nước không giữ được, dẫn đến lũ hạ nguồn. Nguyên nhân thứ hai là sự khai hoang đất kèm theo sự bồi lắng ở các hồ chứa làm thiếu không gian chứa nước trong mùa lũ, dẫn đến lũ cục bộ. Nguyên nhân thứ ba là việc xây dựng các con đê, bờ bao ven sông ngòi, kênh rạch làm phù sa bị bồi lắng ở đáy sông, kênh, rạch qua nhiều năm, dẫn đến dòng chảy bị yếu đi nên thoát lũ rất chậm. Các nguyên nhân trên cho thấy việc xây đê bao, bờ bao sẽ làm tăng khả năng xảy ra lũ lớn cục bộ, và cả diện rộng.

Vậy làm sao sống chung với lũ?
Các giải pháp phi kỹ thuật được chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) áp dụng như chia sẻ thiệt hại thông qua các hình thức bảo hiểm nhằm sống chung với lũ.

Một trong những nguyên nhân chính làm mực nước lũ ngày càng cao là do nhiều bờ bao được xây dựng, thiếu không gian tự nhiên để chứa nước lũ, dẫn đến lũ cục bộ và ngập ở diện rộng ở Hà Lan. Chính quyền Hà Lan đã nhận ra được giải pháp kỹ thuật dùng đê bao, bờ bao khép kín không hiệu quả về lâu dài, đặc biệt là trong những trận lũ lớn.

Từ đó, chính sách nới rộng không gian cho sông “rooms for river” được ra đời vào đầu thập niên 2000. Chính sách này là giải pháp thay thế cho giải pháp truyền thống như nâng cao các đê bao và bờ bao, nhằm tạo nhiều không gian để chứa nước trong trường hợp lũ lớn, đồng thời là giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục đích của chính sách này là nới rộng không gian để chứa nước lũ bằng việc chuyển đổi một số vùng đất nông nghiệp không hiệu quả, ít dân cư trở về trạng thái nguyên thủy (đất ngập nước), đồng thời khai thác du lịch sinh thái trên các vùng đất trên.

Chính sách này đã giúp Hà Lan kết hợp cả giải pháp kỹ thuật và sinh thái để quản lý lũ. Trong khi các nước có truyền thống lâu đời trong quản lý lũ điển hình là Hà Lan và Trung Quốc có xu hướng đẩy mạnh sang giải pháp phi công trình, thì ở ĐBSCL có xu hướng đi ngược lại. Hà Lan từng xây đê bao, bờ bao qua nhiều thế kỹ, nhưng nay lại trở về điều kiện tự nhiên cho một số vùng, nhằm tạo thêm không gian để chứa nước trong điều kiện biến đổi bất thường của khí hậu.

Việc xây dựng nhiều công trình bờ bao, đê bao tiểu vùng để sản xuất vụ 3 ở ĐBSCL có thể đạt mục tiêu ngắn hạn như tăng sản lượng lúa, nhưng về lâu dài cần phải phân tích, tính toán sao cho thích ứng với bối cảnh biến đổi khí hậu. Nên dành nhiều không gian đê chứa lũ, chỉ làm vụ 3 ở những vùng ngập nông, không phát triển đê bao khép kín ồ ạt như hiện nay. Một khi đê bao đã hình thành, cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đầu tư cho nông nghiệp tăng thì thất thoát do lũ gây ra sẽ là cấp số nhân.

NGUYỄN VĂN KIÊN (giảng viên Đại học An Giang, nghiên cứu sinh Đại học Quốc gia Úc)
Theo: TTO

Posted in Kinh tế

Bài tham khảo