Menu Đóng

Những Mùa Cà Na

Xóm làng trong đồng tứ giác Long Xuyên là miền quê buồn. Sáu tháng mùa khô đất nẻ, sáu tháng mùa nước kéo dài, chỉ có những loại cây hoang dại như tre, me nước, cà na, gáo, điên điển mới sống nổi. Cà na là loại trái nhỏ tròn độ lóng tay, còn sống ăn chát, trái chín ăn chua lòm… nhưng có vị trí đặc biệt với trẻ con.  Chẳng ai hái, cà na chín rụng trôi đầy sông, nên mùa nước còn gọi là mùa cà na.

Xứ đâu là xứ quê mùa
Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na

ca-naBan đầu tôi cũng tưởng đây là câu ca vui ngạo quê nghèo, nhưng bất ngờ câu ca lại biến thành sự thật với ngay cuộc đời tôi. Lần ấy gió chướng thổi rao rao, một bà già lụ khụ xuất hiện trước cửa nhà tôi, tay xách giỏ cà na. Tôi nhìn ngẩn ngơ một lúc rồi ôm chầm lấy bà trước ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên của con tôi. Vẫn trong cơn xúc động tôi thúc giục con: Thưa bà,.. bà Năm đi con!

Ngày xưa ở Nam bộ những gia đình khá giả ngoài người ăn, kẻ ở có nhà còn nuôi những vị khách gọi là  ở bạn. Người đi ở bạn phần nhiều là người nghèo nhưng có người nhà cửa hẳn hòi, lại có trình độ kiến thức, tuy nhiên do hoàn cảnh riêng họ thích sống lang thang. Hôm nay họ ở nhà người này, vài tháng sau chuyển đi nơi khác. Bạn có vị trí cao hơn người giúp việc, họ cùng ăn, cùng làm, chia sẻ, bàn bạc công việc với chủ nhà. Lúc tôi còn nhỏ, bên nội, bên ngoại có bạn, tôi phải gọi là cô, là dì, là chú thân mật như người họ hàng.

Đặc biệt cô Năm, bà già lụm cụm cho giỏ xách cà na sống với gia đình tôi suốt hai chục năm. Hoàn cảnh cô khá đặc biệt. Cô có gia đình và một đứa con trai. Chồng của cô tài hoa sống lang thang theo nhóm đờn ca tài tử, rồi sinh tật trai gái, cặp với con gái vị điền chủ giàu có. Cô Năm không ghen tuông, lo làm ăn nuôi con. Lúc lên mười tuổi anh Lai con của cô đi thăm ba, thấy ngôi nhà đúc đồ sộ nền cao ngang ngực, cột to cả vòng tay ôm, anh mê mẩn không chịu trở về nhà. Cô đến tìm, năn nỉ mãi nhưng anh Lai ôm cột nhà không chịu buông tay. Cuối cùng cô lạnh lùng nói: con không chê mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo…

canaCô Năm đã bán hết mọi thứ trong nhà, đất đai làm giấy giao hết cho người khác. Cô quen, mến ông nội tôi nên đi theo ông về nhà sống cùng chúng tôi như là đứa con của ông tôi.  Anh em tôi lớn nhỏ đều qua bàn tay cô chăm sóc.

Lớn lên, có vợ con, anh Lai dắt vợ con trở về với mẹ nhưng lòng cô vẫn lạnh lẽo. Ba má tôi lựa lời khuyên nhủ.  Nghe lời nói của ba tôi, gương mặt của cô như đánh mất thứ gì đó nay tìm lại được. Hôm cô về quê, trong nhà ai cũng bịn rịn.

Mỗi lần muốn thăm chúng tôi, cô Năm phải trải qua một chặng đường xe, một chặng đường đò.

Như thành lệ mỗi năm gió bấc thổi rao rao cô ra thăm chúng tôi mang theo cốm dẹp.

Ba má tôi qua đời, lâu quá tôi cũng không thấy cô ra, không biết cô còn sống hay chết. Bất ngờ cô lụm cụm trở về chốn cũ với giỏ cà na. Hai chữ cháu ngoại trong câu hát gợi nhớ tới tấm lòng, của tình người biến trái cà na quê mùa thành thứ đặc sản. Tôi giải thích cho con tôi nghe điều này và thêm – bà Năm đây là bà nội thứ hai của con.

Ngô Khắc Tài
TheoSGTT

Posted in Truyện ngắn