Menu Đóng

Nhớ tiếng nhái kêu

Nhớ tiếng nhái kêu

Vùng quê tôi xưa, sau vụ gặt tháng 10 cánh đồng chỉ còn thuần một màu vàng rơm rạ. Trước đây rơm lên đống, thóc vào bồ, nghỉ ngơi dăm bữa là người ta vào ngay vụ cày ải, lật đất lên phơi cho khô róc. Một hai tháng sau ngả vụ, tháo nước vào đất rã ra như cháo. Nghe bảo đó cũng là cách làm cho đất thêm độ phì.

Nông thôn xưa thiếu phân bón. Ngoài phân trâu phân lợn, gọi chung là phân chuồng, sau này có thêm phân xanh cho ủ cùng với cả trấu. Con trâu vừa là sức kéo, vừa là “nhà máy” sản xuất phân bón, con lợn vừa là nguồn vốn cũng vừa là nguồn phân. Khoản phân xanh ủ thì mới biết làm sau giải phóng Điện Biên. Mà cũng chỉ có ở vùng trung du chứ vùng xuôi không có bờ bãi hoang, lấy đâu ra.

Bây giờ quay trở lại chuyện cánh đồng. Có một thứ rất sẵn thuở ấy bây giờ vắng bóng, đó là con nhái.

Thuở ấy anh tôi buổi tối hay đốt đuốc đi soi nhái. Giỏ giắt thắt lưng, tay trái giơ cao bó đuốc, tay phải cầm cái roi tre, thấy nhái là cứ phát một vụt chết rồi bỏ giỏ.

Tháng 3, nhái nhiều vô kể, một buổi tối hết hai bó đuốc thì bắt gần cân nhái. Những ngày ấm áp tháng 3 bước vào mùa sinh sản của loài lưỡng thê thường có mưa rào, trời ẩm, ban đêm nhái từ kẽ đất, đá chui ra ngồi đầy bờ ruộng tỏ tình râm ran. Đêm đi còn dẫm phải nhái. Loài sinh vật nhỏ bé này tưởng chẳng bao giờ lo mất giống vì chúng sinh sản nhiều hơn ếch. Sau một đêm mưa, những bãi trứng kết màng trong veo rải đầy trên các vũng nước.

Con nhái nhỏ bằng ngón tay cái, da lẫn màu đất, giống như chú ếch thu nhỏ vài chục lần nên thịt chẳng được là bao. Nhưng nhái lại được cho là thịt lành, không độc như ếch. Đem nhái chặt đầu lột da bỏ ruột rồi băm với xương xông lá lốt làm món chả thơm ngậy. Nhưng rồi cũng ít được ăn vì con nhái nhỏ xíu lặt vặt quá, ai cũng ngại làm. Nên cuối cùng nhái cũng chỉ để nuôi gà, ngan, vịt.

Chúng ta có những thứ nói ra như quen miệng, nào rừng vàng, nào biển bạc, nghe mênh mông tưởng chẳng bao giờ hết, thế mà bây giờ rừng cũng mất rất nhiều, còn biển thì gần như không còn cá nếu đánh bắt loanh quanh vài cây số ven bờ. Trên đồng, con nhái vô vàn thế mà chỉ sau nửa thế kỷ đã gần như mất dạng. Bây giờ cần một con nhái tiêu bản làm mẫu trực quan cũng khó tìm. Ngẫm ra con người cứ có bao nhiêu thành tích thì cuốn theo nó bao nhiêu giá trị thiên nhiên, bao nhiêu loài bị tiêu diệt như con nhái vậy. Nửa đời người tôi mới ngộ ra điều đó vì lâu nay cái gì chúng ta cũng một chiều nên kết quả thật nghiệt ngã.

Đồng ruộng hôm nay cũng không còn phẳng mênh mông mà giống cái áo vá, nhiều miếng bị đẽo gọt đi dành cho nhiều mục đích. Nhà cửa lều quán mọc lung tung bên đường. Trước thuần hai vụ lúa, sau vụ gặt tháng 10 chỉ có “gơ” (trồng) thêm vài luống khoai lang kiếm tý rau chăn lợn rồi chờ đổ ải, thì bây giờ sau vụ mùa có thêm vụ ngô “bai ô xít” ngắn ngày cùng với đỗ lạc, bầu bí, khoai Tây, cà chua. Bao nhiêu loài cây trồng mà không có dàn “bác sĩ nhái” đớp hộ bọ rầy và những loài sâu bọ khác thì nông thôn đành dùng thuốc độc phun để rồi vừa ăn vừa lo chết.

Năm nay tôi về quê, vẫn cánh đồng xưa thấy đất như rắn lại vì thiếu phân chuồng phân xanh. Phân hóa học và lân tốt cho cây lúa nhưng làm cho đất rắn lại. Con trâu cũng hiếm vì có máy cày cầm tay.

Đạp chân lên gốc rạ, bỗng chốc tôi lại mang máng nhớ đến sinh vật bé nhỏ quen thuộc đó là con nhái. Cúi xuống vạch vài khe đất thử tìm, nhưng rồi chẳng thấy con nào. Ngày xưa thì loài này nhung nhúc, dưới một kẽ đá bên bờ ruộng là có vài ba con trú ngụ. Một sinh vật có ích sống khiêm nhường ở bờ bụi mà đến bây giờ cũng bị tuyệt diệt.

Đông Ngàn

Posted in Ký sự

Bài tham khảo