Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất tiềm năng về nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng của vùng này chưa được khai thác hiệu quả, gây ra tình trạng sản xuất tự phát ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến hải sản. Cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế
Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực nằm ở châu thổ sông Mekong với diện tích gần 4 triệu ha. Nơi đây chiếm 12% diện tích của cả nước và chủ yếu là đất nông nghiệp. Nó sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực của cả nước và đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu trong toàn quốc, thu được khoảng 1,5-2 tỷ USD/năm.
Sản xuất thủy sản chiếm hơn 70% sản lượng của cả nước và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu, thu ngoại tệ hơn 2,5 tỷ USD/năm. Khu vực này được coi là nơi sản xuất nhiều nhất trong cả nước về lúa gạo, cây ăn trái và thủy sản. Tuy nhiên, đời sống của người dân vẫn còn nghèo, chất lượng nguồn nhân lực và giáo dục thấp ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nông nghiệp của toàn vùng.
Phát triển kinh tế ở ÐBSCL chủ yếu dựa trên khai thác tiềm năng tự nhiên hiện có, trong khi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi còn hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu là dạng thô và sơ chế chiếm tỷ trọng lớn. Nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản ở khu vực này đang tăng do tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng.
Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh gần biển như Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… đang phải đối mặt với nguy cơ xâm nhập nước biển sâu vào đất liền, đe dọa 31% tổng diện tích đất nông nghiệp và ngư nghiệp của vùng châu thổ này khi mực nước biển dự kiến dâng cao thêm một mét vào năm 2100. Nét nổi bật của sản xuất nông nghiệp trong vùng ÐBSCL là sự mở rộng diện tích.
Hướng đến phát triển bền vững
Dựa vào tiềm năng và lợi thế của ÐBSCL, Nhà nước đã ưu tiên phát triển bền vững nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, nuôi trồng và chế biến thủy sản, góp phần vào xuất khẩu của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL cũng có vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống và các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Chính phủ đã và đang đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa ra nhiều chương trình đầu tư lớn, chẳng hạn như khánh thành cầu Cần Thơ, chuẩn bị xây dựng cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, đầu tư nâng cấp các sân bay và tuyến đường sắt. Hệ thống cảng biển cũng đang được hoàn chỉnh để mở rộng thương mại quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp bền vững, các địa phương và ngành cần có quy chế phối hợp hành động trong quản lý, quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường.
Phan Huy Hiền và Tuấn Vũ (Nhân Dân)