Menu Đóng

Tết Của Người Miền Tây

Năm hết xuân về, người dân miền Tây lại tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán trong cái se lạnh của tiết trời và rộn ràng, náo nức của lòng người. Những ngày cuối năm Âm lịch, không khí đón Tết tràn ngập từng thôn xóm. Người người, nhà nhà bắt tay vào chuẩn bị các thứ để đón chào năm mới. Dọn dẹp lại nhà cửa, mua sắm các thứ để dùng trong những ngày Tết, chuẩn bị các loại bánh mứt truyền thống,… là những công việc quen thuộc mỗi năm vào những ngày giáp Tết.

mai vàng

Không khí Tết bắt đầu từ giữa tháng Chạp Âm lịch, đặt biệt là từ sau ngày Hai mươi ba, ngày làm cỗ tiễn Ông Táo về trời. Đó là ngày Ông Táo tổng kết những công việc của các thành viên gia đình trong một năm đã qua để về “tâu” với Ngọc Hoàng theo quan niệm của người Á Đông. Vào ngày này, mỗi nhà đều làm một mâm cỗ để tiễn Táo Quân về trời, và nếu ở miền Bắc, người dân có tục thả cá chép, ở miền Trung người dân cúng một con ngựa bằng giấy với đầy đủ yên cương thì ở miền Tây, giản dị hơn, người ta cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Với người miền Tây, sẽ không là Tết nếu không có sắc rực rỡ của Mai vàng, cũng như sẽ không là Tết nếu không có sắc hồng của hoa Đào với người miền Bắc vậy. Một cành mai với những nụ hoa vàng rực rỡ sẽ tô điểm thêm cho vẻ đẹp ngày xuân. Người ta sẽ tìm cho mình một cành mai thật đẹp hoặc một chậu mai bonsai nhỏ với những nụ hoa vừa mới chớm ở chợ hoa vào những ngày cận Tết cuối năm. Còn đối vối những nhà có trồng mai trước sân, để có được những cánh hoa mai khoe sắc vào đúng những ngày Tết, người ta phải ngắt hết lá của cây mai từ trước Tết khoảng hai mươi ngày, có khi sớm hơn, và tưới nước đầy đủ ngày hai buổi cho cây. Theo quan niệm của người dân, gia đình sẽ gặp nhiều mai mắn trong năm mới nếu những cành mai rộ nở vào đúng ba ngày Tết. Mai nở sớm từ trước Tết, nở muộn sau Tết hay khoe sắc đúng vào ba ngày Tết là do kinh nghiệm của người chăm sóc và một phần cũng là do may mắn. Người trồng mai phải ngắt lá đúng thời điểm và tưới tiêu, chăm bón hợp lí cho cây. Tuy nhiên, đôi khi khí hậu thay đổi cũng làm cho hoa nở không đúng lúc, vì vậy, không dễ để có một cành mai khoe sắc vàng trong nhà vào những ngày Tết.

Năm mới mọi thứ đều phải mới, phải sạch sẽ và tươm tất. Những ngày giáp Tết, mọi người tất bật dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Nhà cửa, sân vườn được quét dọn sạch sẽ. Những ngôi nhà xây tường được quét vôi lại như mới bằng những màu sơn tươi sáng. Các vật dụng trong nhà đều được lau chùi và cọ rửa. Từ bàn ghế, giường tủ đến những bộ lư đồng, những chồng xoong, nồi, chén bát đều được lau rửa sạch sẽ. Chăn màn, gối nệm cũng được giặt giũ, phơi và sắp xếp tươm tất. Trẻ con cũng được người lớn giao việc, cũng hối hả và tất bật với việc dọn dẹp nhà cửa, những ngày này, chúng không đi chơi mà ngoan ngoãn ở nhà phụ cha mẹ và người lớn. Mỗi người mỗi việc, ai cũng vui vẻ, náo nức trong không khí ngập tràn hương vị Tết.

Ở miền Tây, cũng giống như những nơi khác, cũng có tục tảo mộ vào tiết thanh minh, thường là vào ngày Hai mươi lăm tháng Chạp Âm lịch. Con cháu sẽ sửa sang lại phần mộ của ông bà và người thân, làm cỏ, quét dọn xung quanh và kì cọ những ngôi mộ cho sạch hết rêu và đất bám, sau đó sơn lại bằng một lớp sơn mới, thường là màu trắng. Tảo mộ thể hiện truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn, luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội của người Việt Nam.

Những loại bánh mứt truyền thống luôn là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người dân miền Tây. Những chiếc bánh bông lan vàng tươi, thơm và mềm mịn, những sợi mứt dừa ngào ngọt lịm với nhiều màu bắt mắt, những miếng mứt chuối đậm đà với vị ngọt của chuối ép phơi khô và đường chảy, vị cay của gừng và vị béo của đậu phộng quyện cùng những lát dừa khô xắt mỏng, những viên kẹo me ngọt ngọt, chua chua, và những khoanh bánh Tét được gói khéo léo trong lớp vỏ bằng lá chuối, những thứ mà từ bao đời nay đã làm nên hương vị của ngày Tết cổ truyền, những thứ mà bánh kẹo trên thị trường dù có đa dạng, có bắt mắt, có ngon thế nào cũng không thể thay thế được.

nau bánh tét

Bánh mứt thường được chuẩn bị vào trước Tết vài ngày. Những gia đình họ hàng có nhà ở gần nhau thường tập trung lại để làm bánh bông lan và gói bánh Tét vào một ngày, rồi chia ra mỗi nhà một ít để cúng và ăn vào dịp Tết. Những ngày này thường rất vui, các bà, các cô vừa nướng bánh, gói bánh vừa chuyện trò rôm rả, các chú, các anh thì được phân công khuấy bột, lột và nạo dừa. Trẻ con thì thích lắm, chúng vừa được ngồi nghe chuyện, thường là những câu chuyện vui khiến mọi người cười nghiêng ngả, vừa được ăn bánh, những chiếc bánh nướng vừa mới ra lò thơm phức và nóng hổi nhưng bị nát hay bị cháy đôi chút. Bánh Tét được nấu muộn nhất, thường là vào chiều ngày Ba mươi Tết, bánh được nấu đến tận khuya, những đòn bánh chín đầu tiên sẽ được cắt ra để cúng vào lúc Giao thừa. Các loại bánh mứt khác được chuẩn bị sớm hơn. Ngoài các loại tự làm như bánh bông lan, bánh Tét, mứt chuối, mứt me, mứt dừa, mứt gừng… người ta còn mua thêm một số loại bánh kẹo khác, trong đó thường có kẹo thèo lèo, hạt dưa và một số loại bánh hộp.

Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả cũng là thứ được chuẩn bị khá công phu cho ngày Tết. Từ việc chọn quả cho đến việc bày sao biện chúng sao cho đẹp và bắt mắt. Ngũ quả thường là mãng cầu, dừa, đu đủ, thơm, xoài, với tên gọi của chúng ghép lại giống như ước muốn “cầu thơm vừa đủ xài”, cầu cho mai mắn, hạnh phúc và sung túc “vừa đủ”, một ước muốn giản dị và chân chất, đúng với cái thật thà, chất phát của những con người miền sông nước. Ngoài ra, người ta còn có thể bày lên mâm ngũ quả một số loại quả khác vừa đẹp và tên gọi cũng mang lại sự mai mắn, tốt lành như sung, cam… cùng một loại quả không thể thiếu cũng được bày biện vào ngày Tết, đó là dưa hấu.

ngũ quả ngày xuân

Đêm Ba mươi, mọi người quây quần bên ánh lửa tí tách của nồi bánh Tét, vừa đợi bánh chín vừa đợi đến thời khắc Giao thừa, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Mười hai giờ, những đòn bánh Tét đầu tiên ra lò được cắt ra và bày lên bàn thờ tổ tiên để cúng và rước ông bà, sau đó là rước Ông Táo về nhà và bắt đầu một năm mới nhiều hoạt động. Không có tiếng nổ của những tràng pháo vào lúc Giao thừa như trước kia, đêm Giao thừa khá yên tĩnh ở miền quê. Đón giao thừa xong, mọi người trong nhà lì xì nhau bằng những phong bì đỏ thắm và chúc nhau mọi điều may mắn, hạnh phúc trong năm mới, sau đó, mọi người thường đi chùa để xin lộc đầu năm, và trẻ con đi ngủ để lấy sức đi chơi Tết ngày hôm sau.

Vào những ngày Tết, người ta đi thăm bà con, họ hàng gần xa để thăm hỏi và chúc nhau những điều tốt đẹp. Những người con xa quê trở về thăm gia đình sau một năm xa cách, quây quần bên bữa cơm đoàn viên ấm áp với những món ăn truyền thống, đậm đà “vị quê hương” với thịt kho, dưa cải, hành xào… Tết cũng là dịp để mọi người đi thăm thầy cô để tỏ lòng tri ân với người đã dày công dạy dỗ. “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp bao đời nay của cha ông ta, và qua từng thế hệ, nó được kế thừa và tiếp bước. Tết là lúc bạn bè gặp gỡ, kể cho nhau nghe về một năm đã qua và những điều dự định của năm mới trong câu những chuyện đầu năm. Vào những ngày Tết, người ta chỉ làm và nói những điều tốt đẹp, không to tiếng hay cãi vã.

Phong bao lì xì

lì xì
Trẻ con thích Tết vì những ngày này chúng được mặc quần áo mới, được vui chơi và ăn uống thoả thích, lại còn được lì xì. Niềm vui khi nhận những phong bao lì xì đỏ thắm đi vào tiềm thức chúng và trở thành một hồi ức đẹp về tuổi thơ, về Tết và về quê hương miền Tây yêu dấu khi chúng lớn lên và đi xa. Để mỗi lần về quê vào dịp Tết, chúng lại khao khát được sống lại những hồi ức ấy, được quây quần bên mâm cơm gia đình, được ngồi canh nồi bánh Tét đêm Giao thừa đến ngủ quên lúc nào chẳng biết, được ăn vụng những chiếc bánh vụn bị cháy đôi chổ vừa mới ra lò, được mặc quần áo mới và…được lì xì.

Nguyễn Văn Hải
Nguồn: www.sangtacsv.com

Posted in Phong tục - Tập quán

Bài tham khảo