Menu Đóng

Tính Bao Dung Của Người Việt Miền Tây

Vì sự tồn tại và phát triển của loài người, bao dung là đức tính mà nhân loại từ khi bước vào xã hội loài Người đến nay, luôn đề cập và kêu gọi phát huy. Không thể xác định cực đoan rằng, tính bao dung là đặc tính chỉ riêng có ở dân tộc Việt Nam, càng không thể xác định nó là đặc tính chỉ riêng có của người Việt miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, một trong số những tính cách nổi trội của người Việt Nam là tính bao dung. Cùng chung dòng máu dân tộc Việt, tính bao dung của người Việt miền Tây Nam Bộ cũng đậm nét, bởi vừa được thừa hưởng truyền thống dân tộc tự ngàn xưa, vừa được vun bồi trong bối cảnh tự nhiên và lịch sử xã hội riêng của vùng.

Bắt con cá lóc nướng trui.Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa
Bắt con cá lóc nướng trui.Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa

1.  Khái niệm và cơ sở hình thành tính bao dung

1.1. Khái niệm

Theo nghĩa từ nguyên, “bao” có nghĩa là bao bọc, “dung” chỉ sự chứa đựng, dung nạp, “khoan” có nghĩa là rộng, ngoài ra còn chỉ sự tha thứ. Từ điển Từ Hải giải thích: “khoan dung” chỉ rộng lượng tha thứ, có thể dung nạp người. Đào Duy Anh khái niệm “bao dung” là người có đại độ (tolérance) và “khoan dung” là rộng lòng bao dung (générous) (Từ điển Hán Việt). Hoàng Phê định nghĩa: “bao dung” (tính từ) là rộng lòng cảm thông, thương yêu với mọi người, trái nghĩa với bao dung là hẹp hòi; “khoan dung” (động từ hoặc tính từ) là rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm, trái nghĩa với khoan dung là hẹp hòi (Từ điển Tiếng Việt, xuất bản năm 2009).

Như vậy, tính bao dung được hiểu là một đức tính của con người, trên nền tảng lòng nhân hậu và tình thương, biểu hiện thành các lối ứng xử dung nạp và điều hòa, rộng lượng tha thứ, thông thoáng châm chước và quan tâm trợ giúp trong mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với xã hội, với tự nhiên và với thế giới. Các lối ứng xử hẹp hòi, ích kỷ là trái với lối ứng xử của tính bao dung.

Vì sự tồn tại và phát triển của loài người, bao dung là đức tính mà nhân loại từ khi bước vào xã hội loài người đến nay, luôn đề cập và kêu gọi phát huy. Không thể xác định cực đoan rằng, tính bao dung là đặc tính chỉ riêng có ở dân tộc Việt Nam, càng không thể xác định nó là đặc tính chỉ riêng có của người Việt miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, một trong số những tính cách nổi trội của người Việt Nam là tính bao dung. Ý chí và hành động của dân tộc Việt trong lịch sử hàng ngàn năm nay, có không ít những dẫn chứng cho khẳng định này, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn; Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) có thể nói là biểu hiện cao nhất trên thang đo của tính bao dung. Cùng chung dòng máu dân tộc Việt, tính bao dung của người Việt miền Tây Nam Bộ cũng đậm nét, bởi vừa được thừa hưởng truyền thống dân tộc tự ngàn xưa, vừa được vun bồi trong bối cảnh tự nhiên và lịch sử xã hội riêng của vùng.

1.2. Cơ sở hình thành tính bao dung của người Việt miền Tây

Cơ sở truyền thống ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát huy mạnh mẽ tính bao dung của người miền Tây, đó là lối nhận thức truyền thống âm dương chuyển hóa, lối ứng xử tình cảm từ cộng đồng làng và tinh thần “thương người” được nhuốm từ đạo Phật hơn hai ngàn năm.

Với lối nhận thức truyền thống âm dương chuyển hóa, người Việt tin rằng mọi việc luôn có sự luân chuyển hợp lý, con người luôn có sự bù đắp xứng đáng, niềm tin đó giúp họ có thể trang trải tấm lòng một cách tự nhiên, không tính toán. Nhận thức trong âm có dương, trong dương có âm, người Việt có cái nhìn bao quát hơn, không rơi vào phiến diện, rằng trong ác có thiện, trong xấu có tốt, trong cái sai có cái đúng, trong nhược điểm có ưu điểm, trong cái vô lý có chỗ hợp lý, trong cái khác có cái giống, v.v.. Quan điểm sâu rộng đó giúp con người đủ bình tĩnh, thông thoáng để đánh giá lại vấn đề, nó là đầu mối của lòng bao dung. Tồn tại ở Việt Nam trên hai ngàn năm, đạo Phật với những bài học và niềm tin về “lòng từ bi”, “phổ độ chúng sanh”, “luân hồi nghiệp báo”, “tha thứ để thoát khỏi vòng ân oán”, v.v. có thể nói đã thấm vào máu của người Việt. Kết hợp với chữ “tình” sẵn có trong cộng đồng làng, tất cả ảnh hưởng đến lối ứng xử của con người.

Những yếu tố mới trên vùng đất mới góp phần quan trọng cho việc phát huy tính bao dung của người Việt miền Tây rõ nét hơn. Đó là môi trường tự nhiên, bối cảnh lịch sử xã hội và con người miền Tây.

Môi trường tự nhiên là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến tính cách con người. Khác với vẻ cổ xưa của sông Hồng, vẻ trữ tình thơ mộng của sông Hương, sông Cửu Long chào đón những con người “chân ướt chân ráo” một cách nồng hậu với sự trù phú của mình. Hình ảnh dòng sông trong tâm trí của họ rất bình dị, gần gũi, đời thường và cũng rất thiết thực vì mang đến cái ăn cho họ trong hoàn cảnh sống còn. Tấm lòng của người miền Tây cũng rộng mở như dòng sông đã đón nhận họ vậy.

Môi trường tự nhiên miền Tây ưu đãi con người cũng nhiều mà khắc nghiệt cũng lắm. Ứng xử với hai mặt khắc nghiệt và ưu đãi của môi trường tự nhiên góp phần khắc sâu thêm tính cách của con người. Để đối phó với khắc nghiệt, họ phải đoàn kết lại, dung nạp, chấp nhận lẫn nhau, thậm chí chia sẻ những tổn thất. Sự ưu đãi của môi trường giúp họ có cuộc sống không thiếu hụt về vật chất, không sợ đói cho ngày mai, không cần thắt lưng buộc bụng, không cần hẹp hòi. Đời sống vật chất một phần quy định nên cách sống của họ. Lâu dần thói quen “rộng mở” trở thành đặc trưng. Đó cũng là điểm khởi đầu sinh lòng bao dung. Lối sống giản dị cũng ảnh hưởng đến cách nghĩ rộng thoáng của người dân miền Tây.

Trong làng miền Tây, thay vào hiện tượng co cụm truyền thống, họ sẵn sàng vui vẻ, thân thiện trong những cuộc tiếp xúc mới. Tư duy của họ không chỉ bó hẹp trong “suy tư về ta”, “ta về ta tắm ao ta” mà mở ra thế giới. Tính mở của làng, của xã hội tạo cách sống mở của cư dân.

Hệ thống các đặc tính được hình thành trong con người miền Tây, như chất nghĩa hiệp bất khuất, chất phiêu lưu giang hồ, dũng cảm, ngang tàng, phóng khoáng, tiêu xài rộng rãi, trọng nghĩa khinh tài, thích nghe nói thơ, bộc trực, ăn nói thẳng thắng, ít nói hoa văn, rào đón, chất phác, sống giản dị, lạc quan yêu đời, hiền lành, cởi mở, chân tình,v.v. đều ẩn chứa tấm lòng vị tha, rộng lượng của họ.

2. Những biểu hiện của tính bao dung

2.1. Dung nạp và điều hòa

2.1.1. Dung nạp và điều hòa các thành phần xã hội: tầng lớp, cấp bậc, cư dân mới và cũ, tộc ta và khác ta

Những người Việt đến miền Tây dù là tầng lớp nào, nhìn chung, khi thoát khỏi môi trường cũ, họ đã phần nào thoát khỏi chủ nghĩa hình thức xơ cứng của Nho giáo, những luân lý đạo đức giáo điều, những câu nệ thân phận người trên kẻ dưới, những cách ứng xử khuôn sáo miễn cưỡng. Càng về sau, các thế hệ con cháu của họ càng lạ lẫm với những điều đó. Hơn nữa, trên đường mở cõi gian khổ, lúc gắn kết giúp đỡ dìu dắt nhau lúc nguy nan, “không kịp” để họ nghĩ đến chuyện “anh là ai” và “tôi là ai”. Lâu dần, hiện tượng trọng tình nghĩa, không câu nệ thân phận, không phân biệt sang hèn, nghề nghiệp,… trong giao tiếp trở thành một đặc trưng của cư dân nơi này. Sự dung nạp đó đương nhiên phải chấp nhận bỏ qua những khác biệt, hơn nữa phải có sự điều hòa tốt. Các thành phần nhà giáo, thợ sửa xe, anh cắt cỏ mướn, kéo xe, kỹ sư, v.v. cùng ngồi chung bàn nhậu, hoàn toàn có thể vui vẻ với nhau đến tàn tiệc. Những người khi thành đạt (có công danh hoặc tiền tài) thì vẫn sống hòa mình cùng gia đình, bà con dòng họ, hàng xóm, vẫn cứ tiếp tục là “thằng ba”, “con hai” thuở hàn vi, nếu không là tự loại mình ra khỏi cộng đồng, bị cho là “ông cống ông nghè gì mà làm phách!”. Sơn Nam cũng ghi nhận: trong buổi ca hát, thú vui đờn ca quy tụ nông dân, thợ hớt tóc, lơ xe đò, con cái điền chủ, giáo viên; đã chơi thì không câu nệ giai cấp [7: 134]. Lối ứng xử dung hòa các cấp bậc của người miền Tây xuất phát từ “lòng rộng mở”. Mối quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa các cấp bậc trong xã hội phương Tây hoàn toàn không xuất phát từ “lòng rộng mở” mà xuất phát từ “chủ nghĩa cá nhân”, “quyền cá nhân”, quyền của họ phải được đối đãi như thế.

Không  sống co cụm sau lũy tre và cổng làng, người miền Tây trong cuộc sống hằng ngày có điều kiện giao tiếp thường xuyên với “người lạ”, cách ứng xử tự nhiên là người đến trước người đến sau nương nhau mà sống, mở rộng lòng để cùng sinh tồn.

Giữa các tộc người ở miền Tây không sống biệt lập hoàn toàn. Người Chăm ở Tân Châu, An Giang tuy có sống tập trung trong một làng, cư dân quen gọi là “làng Chăm”, nhưng trong làng cũng có không ít người Việt sinh sống, họ cùng sống chung trong làng, cùng họp chợ cùng mua bán, tuy tục ai nấy giữ, thần ai nấy thờ, nhưng phần hội trong các buổi lễ hội thì sinh hoạt vui chơi lẫn nhau, hình như cách nghĩ của họ là “vui là chính”. Người Khmer cũng sống như thế, tuy có phum, sóc của họ, nhưng cũng không biệt lập. Người Khmer ở Cà Mau thậm chí còn không hình thành phum sóc riêng, sống bình thường trong làng với người Việt. Người Hoa càng không có biệt lập, vì phần lớn họ sống bằng nghề buôn bán, nên tập trung ở các chợ. Các tộc người sống chan hòa, dung nạp và điều hòa lẫn nhau giữa cái chung và cái riêng, giữa cái “của ta” và cái “khác ta”, chẳng những họ thừa nhận và tôn trọng phong tục tập quán của nhau, mà còn hấp thu lẫn nhau. Người Việt ăn mì sủi cảo, trang trí nhà ở bằng chữ Hán,… của người Hoa; ăn bún cá, choàng khăn rằng, vận xà rông, lạy ông Tà,… của người Khmer; ăn lạp xưởng bò của người Chăm; … Ngày tết của người Khmer, ngày hội chùa, đêm hát dù kê, lễ “đưa nước” thu hút đông đảo người Việt, cùng nhau ăn uống, xem đua ghe ngo, đua xe bò, thưởng thức mùi nếp mới. Giới lao động, tiểu thương người Hoa, người Việt, người Khmer sống quây quần, vui buồn có nhau về kinh tế.

Không chỉ trong mối giao tiếp với các tộc người khác trong vùng, khi tiếp xúc với nền văn hóa hoàn toàn xa lạ như các nước Đông Nam Á khác và phương Tây, hầu như cũng không có vấn đề gì trở ngại, vẫn cởi mở và tiếp nhận các yếu tố văn hóa ngoại sinh một cách tự nhiên.

2.1.2. Dung nạp và điều hòa về mặt tôn giáo tín ngưỡng

Việt Nam vốn có truyền thống đón nhận các luồng tôn giáo bên ngoài, trước là Nho, Phật, Đạo, sau là Công giáo, tất cả đều được dung nạp và cùng sống hòa bình trong suốt chiều dài lịch sử. Ở Việt Nam, chưa từng có chiến tranh tôn giáo. Ở miền Tây nói riêng, sự dung nạp này phát triển đến mức cao nhất. Nguyễn Đức Lữ nhận xét, “phải ngót 1000 năm ông cha ta mới chấp nhận và dành cho Phật giáo chỗ đứng xứng đáng, phải gần 15 thế kỷ nhân dân ta mới tiếp nhận và coi Khổng giáo như là quốc đạo thời Lê – Nguyễn”. Còn quá trình dung hợp tôn giáo, tín ngưỡng ở miền Tây thì sao? Tính tổng thời gian lịch sử miền Tây chỉ vài trăm năm. Việc dung nạp các tín ngưỡng, tôn giáo một cách cởi mở ở vùng đất mới này không ai có thể xác định từ lúc nào, nhưng có thể đã diễn ra ngay từ buổi đầu của quá trình cư dân cộng cư mở đất. Nội dung của việc dung nạp thì rất phong phú.

– Dung nạp các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau

Theo nhiều nghiên cứu và điều tra, miền Tây là vùng đất tồn tại nhiều tôn giáo tín ngưỡng nhất cả nước, ngoài những tôn giáo được tiếp thu là đạo Phật (Bắc tông và Nam Tông), đạo Tin Lành, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài, nơi đây còn là nơi ra đời vô số các đạo mang tên khác như Phật Giáo Hòa Hỏa, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, v.v.

Ngoài ra, các tín ngưỡng dân gian trong vùng còn có vô số các “ông Đạo”, như Đạo Dừa, Đạo Chuối, Đạo Gò Mối, Đạo Ngồi, Đạo Nằm, v.v.. Các Ông “mạnh ai nấy hoạt động”, không ai quấy nhiễu bài xích ai. Người dân có người tin có người không tin. Người tin thì tìm đến các Ông để chửa bệnh, trừ tà ếm ma, làm bùa giải tai ương vận hạn, coi bói, lên đồng, xem ngày giờ cho việc làm ăn, đám ma, đám cưới, v.v.. Hoặc họ lắng nghe, bàn tán về những lời nói, hành vi với thái độ sùng bái như nghe lời sấm giảng. Người không tin đôi khi có vài lời chế nhạo, nhưng nhìn chung cũng không can dự đến. Nếu các “Ông Đạo” có những hành vi kỳ quái làm mất an ninh khu phố thì chính quyền địa phương can thiệp nhắc nhỡ.

Tín ngưỡng của các tộc người khác cũng được người Việt dung nạp, dành cho lòng thành kính không kém phần. Họ chấp nhận sự tồn tại, tham gia và giúp đỡ lẫn nhau. Sơn Nam viết, “Khi lạc quyên xây cất, trùng tu, cúng kiến, người Việt, người Hoa, người Khmer giúp đỡ qua lại, không kỳ thị, “nếu linh thiêng, mình hưởng được may mắn, bằng không, cũng tạo được cái gì lạ và vui cho thôn xóm”.

– Dung nạp các đối tượng thờ cúng khác nhau:

Câu chuyện ông Tà kiện ông địa thể hiện đậm nét tinh thần hợp tác, cùng chung sống của hai tộc Việt và Khmer:

Ông Tà vốn là tín ngưỡng của người Khmer, là vị thần phù hộ của họ. Ông Địa là thần phù hộ cho người Việt. Thấy đất đai lãnh thổ khai phá của dân ông Địa ngày một trù phú, mở rộng, mà đất đai mình ngày càng thu hẹp, ông Tà bèn đi kiện lên ông Thần Thành Hoàng. Thần phán ông Địa thắng kiện vì biết siêng năng lo cho dân, còn ông Tà chỉ biết lêu lổng không chăm sóc dân. Ông Tà chẳng những bị thua kiện mà còn bị xử làm dân tùng ngụ. Ông Địa thắng kiện nhưng không kêu căng, không lấn lướt ông Tà, mà ngược lại còn an ủi và chia phần cho ông Tà nữa. Ông Địa khuyên ông Tà đừng phân biệt giống nòi, nên cùng nhau hợp sức. Họ chia việc cai quản theo sở trường, ông Tà vì thích thanh vắng nên coi giữ chỗ đồng ruộng, ông Địa thích náo nhiệt nên coi giữ nơi chợ búa. Vì thế tục ngữ có câu “Ông Địa canh nhà, ông Tà giữ ruộng”. Xử theo lý thì ông Tà chẳng còn tấc đất nào, chẳng có quyền thế nữa (chỉ là dân ở nhờ mà thôi). Nhưng theo tình, thì ông Tà được phần ruộng đồng mênh mông, lại trở thành vị thần của người Việt. Như vậy, chẳng phải ông Địa của người Việt bao dung lắm sao.

Trên thực tế, người Việt cũng dung nạp tục thờ cúng Neákta của người Khơme (đây là dấu vết của tín ngưỡng thờ đá của cư dân Nam Đảo). Ông Tà trong tâm thức của họ là phúc thần, họ cầu khấn Ông Tà những chuyện lớn nhỏ khác nhau trong đời sống thường ngày như tìm được của bị mất, mau hết bệnh, gặp may mắn, mua may bán đắt, thậm chí là cầu trúng số đề.

Chùa khắp miền Tây phổ biến hiện tượng thờ Quan Công, Thiên Hậu, Ông Bổn, v.v. thuộc tín ngưỡng của người Hoa. Rắn Naga bảy đầu, thân rắn làm chỗ ngồi đầu rắn làm mái che cho đức Phật thuộc tín ngưỡng của Khmer cũng được tìm thấy trong chùa người Việt. Chùa tháp cổ ở xã Tân Kiều huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp hiện nay thờ chung cả Như Lai, La Hán của Phật giáo đại thừa lẫn các ngẫu tượng linh phù (linga), nhưng các linga này không mang ý nghĩa sùng bái sinh thực khí nguyên thủy thời Phù Nam trước kia mà đã mang ý nghĩa là một loại thần thánh của người Khmer bản địa trước khi bước vào văn hóa Việt [5: 65]. Trong Hải Phước An tự (Sóc Trăng) có tượng thờ bà Mã Châu, Bắc đế, miếu ông Tà, Ngũ hành, bà Hỏa, bà Thủy, bà Chúa xứ. Chùa Vĩnh Khánh (huyện Vĩnh Châu) thờ địa mẫu, vua, bà Chúa xứ, Thất sơn chư vị, thần tài, Anh linh thiên cổ, ông Tà, v.v… Các đạo Phật Giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ nhiều đối tượng như Phật, tổ tiên, đất nước, trời đất, núi sông.

Về việc thờ các anh hùng cứu dân hay đứng về phía dân khẩn hoang cũng không có sự phân biệt của tộc người nào. Nguyễn Văn Hầu nhận xét: năm 1757, đạo Tân Châu và Châu Đốc được dựng lên, đánh dấu điểm sau cùng của sự hình thành toàn vẹn của bức địa đồ miền Nam nước Việt. Đó là công lớn của tập thể lưu dân vô danh, họ đã đấu tranh không mệt mỏi trước biết bao trở lực và kiến tạo không ngừng để đáp ứng vô lượng nhu cầu. Nhưng không bao giờ ta thấy họ kể công. Bà Chúa Ngọc, ông Sát Cá, Ông Hùng Dõng, ông Chưởng, ông Mạc Tiên Công, ông Tả Quân, ông Điều Bát, ông Bảo Hộ là những người trong số người được họ nhắc đi nhắc lại cho lọt vào tai nhau, dù có khi chỉ là cái tên, để mà soi gương, để mà đấu tranh cầu tiến. Họ cũng có tinh thần khoáng đạt, không hề phân biệt chia rẽ: ông ấy là người Tàu, ông nọ là người Miên! Bởi vì ông Mạc Cửu ở Hà Tiên, ông Thổ Duồn ở Trà Ôn đều đâu phải là người Việt! [4: 217, 218].

Việc thờ cúng trong gia đình cũng mang tính dung hợp lớn, cùng xuất hiện các đối tượng thờ cúng như Phật (gia đình đạo Phật), tổ tiên (có khi thờ cả hai bên nội và ngoại), bàn ông Thiên, tran Ông (Quan Công), tran Bà (Bà Mẹ Sanh), ông Địa ông Thần Tài, ông Táo, thủy thần (những nhà bè trên sông nước thờ thủy thần phía trước cửa nhà).

Đình ở Nam Bộ ngoài thờ thần Thành Hoàng, những bậc tiền hiền hậu hiền mở đất, còn thờ rất nhiều các vị thần linh khác như các thần tự nhiên (thủy thần, sơn thần), Bà Chúa Xứ, Ngũ hành nương nương, v.v.. Đôi khi không phân biệt chính xác giữa đình, chùa, miếu. Đình xã Bình Thủy (tỉnh Cần Thơ) mang màu sắc Lão giáo, cầu cơ bút (thờ Đinh Công Chánh, Trầm Hương công chúa, Huệ Cô công chúa) .

Chẳng những họ dung nạp các vị thần không phân biệt của tín ngưỡng nào, không phân biệt của tộc người nào, họ cũng không quan tâm đến xuất xứ của các thần là nhân thần hay nhiên thần, thần nam hay thần nữ. Với tinh thần cởi mở, rộng lượng, có lẽ họ tin rằng các thần cũng “sống với nhau” hòa bình. Tinh thần đó biểu hiện rõ qua sự xuất hiện của “Miếu hội đồng”.

Họ còn thờ cúng vong linh vô chủ. Một bài văn tế cô hồn làng Mỹ Trà, Cao Lãnh như sau: “Đã thương kẻ thịt xương chôn bụng sấu, lại đau người hồn phách gửi răng hùm. Ngơ ngẩn chân trời mặt bể, dầu sớm trưa ít kẻ quải đơm. Cửa nhà nhờ hoa cỏ ngụ nương, cơm nước cậy gió mưa lần lựa” .

Trong bài viết Người Việt Nam Bộ từ góc nhìn tôn giáo, Phan An cũng nhận xét: Sự chấp nhận, hoặc dung nạp một lúc nhiều hình thái tín ngưỡng, tôn giáo trong cá nhân hay cộng đồng người Việt Nam Bộ đã cho thấy một nét riêng của văn hóa Việt Nam Bộ, một tính cách của người Việt Nam Bộ. Đó là sự cởi mở, thân thiện, là sự không cố chấp để tìm kiếm một chỗ dựa tâm linh rộng rãi và hiệu quả nhất. Cái chuyện “có kiêng có lành”, “có cầu, có được”, vái bốn phương tám hướng .v.v.. vốn đã được biết đến, nhưng đến vùng đất phía Nam này người Việt mới thực hành một cách triệt để và sáng tạo.

2.2. Khoan Thứ

Trong cuộc sống, những hành động thể hiện lòng rộng lượng vị tha của người miền Tây xuất phát một cách rất tự nhiên, bình dị.

Sẵn lòng “bỏ qua” theo cách nghĩ “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Câu nói này vốn đã được truyền miệng từ xưa, thể hiện bản chất khoan thứ của người Việt. Thế nhưng thể hiện ở mức độ cao nhất thì phải nói đến miền Tây. Đa số không vượt qua được dư luận, danh dự và sĩ diện, để chấp nhận, tha thứ, che chở cho thành viên trong gia đình bị phạm lỗi, nhất là những lỗi liên quan đến thuần phong mỹ tục. Chuyện con gái chửa hoang là điều bất hạnh và sĩ nhục của gia đình. Cách đối xử của một số người là khinh bỉ tột độ, sử dụng những biện pháp lăng nhục, không chấp nhận là thành viên trong gia đình, trong cộng đồng. Gia đình người miền Tây cũng xem đây là điều bất hạnh và sĩ nhục, nhưng phần lớn họ đặt “tình thương” lên trên sĩ diện, không “nở lòng” để con gái chịu cực khổ trong lúc mang thai, họ có thể giận dữ, la mắng nhưng vẫn đem về cưu mang. Thái độ của hàng xóm tuy cũng coi thường, nhưng không xem là cái gì ghê gớm lắm, càng không có những hành động can dự phỉ bán, đôi khi còn nghe được những lời khuyên can gia đình “bụng mang dạ chửa không cho về nhà thì đi đâu bây giờ”.

Sẵn sàng “bỏ qua” theo cách nghĩ có trước có sau. Ngày xưa có lẽ các thế hệ người lớn đã từng sống chết có nhau, nghĩ cái tình xưa mà bỏ qua chuyện nay, “Tao mà không nghĩ tình ba mày, thì mày biết tay tao”.

Sẵn sàng “bỏ qua” theo cách nghĩ nghĩa khí, như trên đã nói, một vài đặc tính của người miền Tây ẩn chứa lòng bao dung. Lời can gián một cuộc xích mích thường là khích tướng “Thôi, bỏ qua cho cháu nó nhờ”, “lớn mà tính toán với con nít làm chi”, “Thua đủ với nó giang hồ coi ra gì” hay tự biện luận “Tao như vầy mà đi thua đủ với nó à!”. Cách nghĩ “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng; Đấng anh hùng đừng oán mới hay” hoàn toàn trái ngược với cách nghĩ “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”. Sơn Nam nhận định “Sĩ khí hiên ngang còn có nghĩa là máu anh hùng, không giết người té ngựa, mặc dầu người ấy về sau có thể giết lại mình. Ai cũng như ai, tài năng cần thi thố ở việc phá rừng, làm ruộng giỏi, đức độ phải biểu lộ ở lối cư xử vị tha, không ích kỷ”. Hoặc “người khẩn hoang thường là ‘chữ nghĩa không đầy lá me’, không rành cách ngôn thánh hiền, tánh khí nóng nảy, bộc trực, lắm khi đến mức thô bạo, nhưng sau khi giải thích thì vui vẻ, thông cảm .

Nhường nhịn theo cách nghĩ thiết thực chỉ cần không thiệt hại hoặc thiệt hại không lớn, chứ không cần hơn hoặc thắng thiên hạ. Trong hoàn cảnh “ra đi là sự đánh liều”, họ ý thức rõ rằng hợp tác nhau thì cùng sống, hơn thua nhau thì cùng chịu thiệt, có câu “Chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà biết nhẫn rộng đàng dễ đi” (Ca dao). Câu chuyện Cóc kiện trời trong hành trang của họ, đến miền Tây lại thành Cóc đòi mưa. Họ không cần kiện, không cần thắng, chỉ cần đòi được cái họ cần. Cái thể hiện “đáng mặt” của người nghĩa khí là bao dung rộng lượng không tính toán, không báo thù, và đặc biệt là đứng về phía yếu đối kháng với phía mạnh. Nhường nhịn theo cách nghĩ công bằng, cùng làm cùng hưởng, hoặc tội nghiệp. Chuyện kế thừa hương hỏa, gia tài không còn thuộc trách nhiệm và quyền lợi của duy nhất người con trai trưởng. Có câu “giàu út ăn nghèo út chịu”. Người anh lớn sớm có được bản lĩnh lập nghiệp, khi lập gia đình ra riêng thì thường không về “giành” gia tài với các em nhỏ. Không chỉ các anh em trai được hưởng gia tài, mà chị em gái cũng có phần. Vấn đề khinh trọng trai gái đặt sau vấn đề cùng làm cùng hưởng, bởi chuyện làm ăn hay đồng án của gia đình là do anh chị em cùng chung sức phụ giúp cha mẹ. Vấn đề khinh trọng trai gái cũng đặt sau vấn đề thông cảm và chia sẻ. Cha mẹ đối với con cái “đứa nào nghèo thì giúp đỡ nó nhiều hơn, đứa nào khá thì bớt phần lo lắng”.

Trong kho tàng chuyện kể dân gian miền Nam, chỉ xuất hiện những chủ đề giúp đỡ lẫn nhau, chung sức chung lòng đối phó nguy hiểm để sinh tồn, không thấy hằn lên chủ đề về những mối hận thù, mưu mô, trừ khử lẫn nhau.

Những biểu hiện trên có thể được lý giải như sau: thứ nhất, những ràng buộc luân lý nguyên tắc khắc khe đã được tháo gỡ, người miền Tây rất thoáng trong việc đánh giá cách cư xử, nhân phẩm, … nên họ cũng dễ dàng bỏ qua những lỗi lầm của người khác. Thứ hai, cái đặt lên hàng đầu trong cuộc sống của họ là cái ăn, cái mặc, chống chọi với rừng thiêng nước độc, bao nhiêu nỗi lo lắng khiến họ không còn đủ thời gian và sức lực để giải quyết “đến nơi đến chốn” những mối quan hệ “không phải” lẫn nhau. Thứ ba, với tâm lý “tạm bợ qua ngày”, “tới đâu hay tới đó”, “sống bữa nay không cần tính trước ngày mai” trong đời sống vật chất, chắc chắn họ cũng không khắc khe “bắt lỗi bắt phải” hay để sự giận dỗi, thù hận chất chứa trong lòng dài ngày dài tháng làm gì. Thứ tư, đã từng trải qua cuộc sống khó khăn chồng chất, hơn ai hết, tấm lòng cảm thông của họ rất sâu sắc, đồng thời họ cũng biết quý trọng những ngày tháng yên ổn trong tình thân thương gia đình, hàng xóm.

2.3. Thông thoáng “châm chước”

Chữ “kệ” của người miền Tây không phải là “mặc kệ, bỏ mặc” mà là “kệ đi, thôi vậy cũng được”. Người dân miền Tây thường không “bắt lỗi bắt phải” về hình thức, họ cốt ở tấm lòng. Quý mến nhau, thật lòng nhau thì mời ăn bằng cái chén mẻ cũng vui. Đám cưới tổ chức đơn giản về nghi lễ, nặng về ăn uống, không thể thiếu đờn ca tài tử. Chàng rễ lạy bàn thờ ông bà rất vụng về, vì mới học lạy đâu từ hôm trước, cử tọa ít khi câu chấp. Tục cưới Ở miền Nam thì tùy theo cung cầu: nhà hiếm gái thì lấy sự đón dâu làm quý, còn nhà không trai là coi sự bắt rễ là cần. Trong lễ nghi chào nhau không câu nệ ai trước ai sau, ở  Nam, cả chủ lẫn khách đều cùng lúc chào nhau. Lễ đón dâu, ở miền Tây, người chủ hôn và cha mẹ chồng dẫn đầu đoàn đón dâu sang nhà gái. Họ cũng quen dùng từ “rước dâu” thay cho “đón dâu”. Con dâu mà cha mẹ chồng phải hạ mình đi “rước” thì là điều không thể chịu nỗi đối với người khác. Nhưng trong ý thức của người miền Tây không có điều này, đối với họ, thể hiện tình cảm và vui mừng trong ngày cưới của đôi trẻ là điều quan trọng.

2.4. Bao bọc trợ giúp

Với quan niệm thông cảm người cùng cảnh ngộ là chỗ dựa của mình, người miền Tây sẵn sàng thông cảm và chia sẻ về vật chất và tinh thần lẫn nhau vượt ra khỏi ranh giới “máu mũ” mà không tính toán công ơn. Chủ nhà cho khách ở trong nhà thời gian dài không tính toán, không xem là người ngoài là hiện tượng thường thấy. Ngược lại, người khách miền Tây ở nhà chủ cũng rất tự nhiên, trong thời gian ăn ở cũng chung sức chung tay không giống như “người khách”. Bởi cách sống của họ rất rộng rãi, dường như đúng với nghĩa gốc của từ “bao dung”: sức chứa đựng lớn.

Nguyễn Văn Hầu viết: Thuở ấy người ta biết thương yêu nhau dữ lắm. Đêm hôm đau ốm, chuyển bụng đẻ, không cần cậy mướn, miễn có một người hay được là cả xóm đều rộ lên. Việc tìm thầy, rước mụ, việc chèo ghe chở bịnh dầu phải phí mất nhiều công, vẫn không thấy ai biết so đo câu nệ. Không bao giờ có chuyện khiêng đám ma mà ăn tiền. Những việc làm không sanh hợi như lợp nhà, đẩy ghe, lấy đất đắp nền mả, đều làm dùm, gọi là tiếp tay nhau vậy thôi. Những câu ca của họ là “Gặp người lâm nạn đua chen giúp dùm”, “Ông Tà nương xác cục đá, cục đá mượn danh ông Tà”.

Đến miền Tây, dãy nhà hai bên đường thường thấy cách khoảng không xa có một lu nước và cái gáo hoặc cái ca đặt dưới hiên nhà. Ngày nay tuy không còn nhiều như trước nữa, nhưng vẫn còn. Những người qua lại có thể ghé vào hiên nhà uống gáo nước mát, nghỉ mệt, lau mồ hôi, tránh cái nắng vài phút rồi tiếp tục đi. Họ không cần phải hỏi xin, người chủ cũng không quan tâm ai ghé vào hiên nhà, ai đến uống nước, cũng không cần lời cảm ơn.

Chẳng những họ giúp đỡ người khác không quản công, mà đôi khi còn không quản cả nguy hiểm của bản thân. Có bài: “Dấn mình vô chốn chông gai, Kề lưng cõng bạn ra ngoài thoát thân. Lao xao sóng bủa dưới lùm, Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng”.

3. Kết luận

Tính bao dung (khoan dung) là giá trị nằm trong hệ thống “chân – thiện – mỹ” mà nhân loại toàn cầu đánh giá cao, đã và đang hướng tới. Người Việt Nam cũng hiểu rất rõ chân lý “dây chùn khó đứt”, rất mở rộng tấm lòng để cùng chung sống trong hòa bình, về đối nội lẫn đối ngoại.

Nếu so sánh cụ thể qua trường hợp và mức độ, nhận thấy, tinh thần bao dung này phát huy cao nhất trong điều kiện ở đất miền Tây. Thứ nhất, lối ứng xử của con người chịu ảnh hưởng bởi sự tồn tại của nhiều tâm lý sinh ra từ cộng đồng làng, như thói đố kỵ, óc tư hữu ích kỷ, óc bè phái địa phương, nhận thức sự khác biệt giữa “của ta” và “của người” quá mạnh (“ta về ta tắm ao ta”, “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “của mình thì giữ bo bo, của người thì bỏ cho bò nó ăn”, v.v.). Thứ hai, lối ứng xử của họ cũng chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều ràng buộc luân lý đạo đức và dư luận, nguyên tắc đạo đức và bệnh sĩ diện quá cao lấn ác cái “chân tình”, cái “tình người”, làm cho nó không được bộc phác một cách tự nhiên, mà bị kèm theo hàng loạt những đắn đo, cân nhắc. Thứ ba, lối ứng xử trọng tình chỉ được phát huy trong giới hạn nội bộ cộng đồng làng “tối lửa tắt đèn có nhau”, chưa rộng mở thật sự như ở miền Tây. Thứ tư, tấm lòng bao dung  sao cũng được nảy nở trên môi trường sống tương đối ổn định và tâm lý vững vàng, an bình sau cổng làng khép kín, nó phát huy tác dụng để giữ hòa khí và thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm. Người miền Tây được tôi luyện trong môi trường sống bất ổn, bấp bênh, xa lạ và chông gai, giá trị cao nhất của việc mở rộng lòng là để cùng sinh tồn. Như một quy luật của triết lý âm dương, cảm giác bơ vơ, sợ hãi trước môi trường sống mới lớn bao nhiêu, thì “tấm lòng”, “tình người” rộng mở lớn bấy nhiêu.

Tính bao dung cùng với một số tính cách khác làm nên nét đặc trưng của người miền Tây là những giá trị vô giá, tiếp tục duy trì và phát huy để tạo một môi trường sống chan hòa cùng thiên nhiên, đậm tình người cùng cộng đồng, hòa bình cùng thế giới, để tạo một vùng phát triển cao hơn với khả năng thích ứng và hội nhập nhanh.

Tuy nhiên, cần nâng cao trình độ dân trí để lòng bao dung không bị lợi dụng và để “biết cách” bao dung. Bao dung trong nhận xét phán đoán đúng vấn đề.

Ths. Trần Phú Huệ Quang
Nguồn: vanhoahoc.edu.vn
Tài liệu tham khảo
Huỳnh Khái Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn 2004: Bàn về khoan dung trong văn hóa. – HN: NXB Chính trị Quốc gia, 324 tr.
Huỳnh Lứa và nnk 2002: Nam Bộ đất và người. – Tp. HCM: Hội Khoa học lịch sử Tp. HCM, NXB Trẻ, 474 tr.
Nguyễn Đức Lữ 2007: Tính khoan dung của tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. 
Nguyễn Văn Hầu 2004: Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ (tập 1). Tp. HCM: NXB Trẻ, 361 tr.
Nhiều tác giả 2000: Văn hóa Nam Bộ trong không gian xã hội Đông Nam Á. – Tp. HCM: NXB Đại học Quốc gia, 316 tr.
Phan An 2008: Người Việt Nam Bộ từ góc nhìn tôn giáo. – Website VHH
Sơn Nam 2005: Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. – Tp. HCM: NXB Trẻ, 423 tr.
Trần Ngọc Thêm 2008: Tính cách văn hóa người Việt Nam Bộ như một hệ thống. – Website VHH

Posted in Phong tục - Tập quán