Menu Đóng

Tình Quê Ngày Cũ

“Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu mà vượn hú biết nhà má đâu,
Sương khuya ướt đọng giàn bầu,
Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai..”

tinh que ngay cuNgọai gả dì Hai lấy chồng về miệt Long-Xuyên khi dì vừa tròn mười tám tuổi. Ðám cưới cử hành trọng thể theo thủ tục ở nhà quê thời xưa. Rước dâu bằng thuyền hoa. Từ cửa nhà Ngoại đi dài xuống bến sông, hai bên treo đầy lủng lẳng những cành lá cây đủng đĩnh được người lối xóm khéo tay tình nguyện đến phụ kết lại thành bông hoa và một chiếc cổng chào khách trông đẹp mắt. Gia đình bên chồng của dì Hai nghe nói làm nghề nông, có vườn đất và điền sản…

Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. “Áo mặc sao qua khỏi đầu”, dì Hai cũng như các thiếu nữ thời đó ai ai cũng thuộc lòng câu nầy như câu niệm thần chú. Vâng lời cha mẹ như vậy mới là đứa con hiếu thảo, trả ơn báo hiếu công sinh thành dưỡng dục như trời biển cho cha mẹ. Nghe kễ lại thì từ lúc có người mai mối cho đến ngày đám cưới dì Hai và người chồng tương lai chỉ gặp nhau có hai lần. Lần đầu tiên là ngày gia đình bên đàng Trai đến làm lễ Hỏi, sau khi hai nhà Trai-Gái đã thỏa thuận, đồng ý cho đôi trẻ nên duyên. Lần thứ hai là ngày cử hành lễ Vu-Quỵ.

Thời đó trai gái đến tuổi thành nhân ít có thanh niên thiếu nữ nào được quyền tự chọn người bạn đường, mà tất cả đều do nơi gia đình xếp đặt. Có nhiều cặp vợ chồng chỉ biết mặt nhau vào ngày cưới. Mập, ốm, cao thấp, xấu đẹp, xứng đôi vừa lứa hay không thì chuyện cũng đã rồi! Từ đó tân lang và tân giai nhân dẫu không vừa ý nhau thì cũng ráng dằn lòng cắn răng mà chấp nhận “định số” của cuộc đời! Nhiều cặp vợ chồng đã tìm được hạnh phúc, sống bên nhau trọn đời, sinh con, có cháu chắt đầy đàn; ngược lại cũng có những tâm tư cô đơn âm thầm nhận chịu khổ đau suốt kiếp…Dì Hai là một trong những nạn nhân của phong tục hôn nhân thời đó.

Dì may mắn được diễm phúc, vợ chồng hoà hợp, xứng đôi vừa lứa. Nhưng vợ chồng dì càng đẹp đôi, yêu thương khắn khích bao nhiêu, thì ngược lại nhận được những sự ganh ghét, cay nghiệt bấy nhiêu từ Mẹ chồng một người đàn bà góa bụa và người chị chồng còn độc thân đang sống chung. Thời đó, đại đa số những gia đình ở thôn quê sống bằng nghề nông có ý nghĩ cưới dâu về để thêm tay phụ giúp công việc đồng áng, lo bếp núc, làm việc nhà và đồng thời sinh con đẻ cái nối dõi dòng họ. Biết bao nhiêu những trách nhiệm, công việc nặng nhọc đè nặng lên đôi vai yếu mềm, đòi hỏi người phụ nữ xuất giá theo chồng phải chu toàn. Làm sao mà gánh vác cho nổi! Vậy mà người phụ nữ Việt-nam ta thời trước đại đa số đã chịu đựng vượt qua thử thách nầy, đã trở thành những người Mẹ đảm đang, những bà Nội, bà Ngoại của đàn con cháu đông đảo.

“Chăn tằm rồi mới ươm tơ,
Làm dâu rồi mới được như mẹ chồng”
Người đàn bà thật đáng kính phục bởi sức chịu đựng bền bĩ dẻo dai để tạo dựng cho thế hệ hôm nay có được. Tuy nhiên cũng không sao tránh khỏi một số bà mẹ chồng tâm tư nhỏ nhoi, ganh tị và thiếu hiểu biết, mà trước đó đã từng chịu “kiếp làm dâu” và đám phụ nữ chị, em chồng mang bệnh “xéo xắc”, thích tỏ ra là mình có bản lỉnh, hay dựa hơi mẹ cha hành hạ nàng dâu để làm niềm vui, mà không thương cảm cho cảnh ngộ cùng là phận gái như nhau và không nhìn thấy được những hình ảnh tương tự của mình trong tương lai.. Dì Hai không may là nạn nhân của họ!

“Làm dâu khó lắm em ơi!
Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha
Nhịn cho nên cửa, nên nhà
Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông
Nhịn cho nên vợ nên chồng
Rồi em coi sóc lấy trong cửa nhà”
Từ khi bước vào ngưỡng cửa gia đình chồng, dì Hai được mẹ chồng và chị chồng đối xử xem như một người giúp việc không công. Làm hết việc đồng án cho đến việc nhà từ mờ sáng đến khuya. Dì đặt mình trong bổn phận dâu con không một lời than thở, hết mực thờ kính mẹ chồng, cùng xem người chị chồng như chị ruột của mình, vì thời con gái ở tuổi mới lớn, dì Hai chưa được sống trọn vẹn với gia đình, chưa được đầy đặng tình chị em thân thương, đã phải vâng lệnh mẹ cha cất bước vu quy, lấy chồng đi xứ lạ …

“Cây khô chết đứng giữa đồng
Nàng dâu khôn khéo mẹ chồng vẫn chê!”
Nhận chịu sự bạc đãi không chút lòng nhân cảm thông cùng là thân phận phụ nữ của hai người đàn bà đang sống chung trong một mái nhà, cùng những trận đòn roi như cắt da xé thịt. Bỏ nhà chồng ra đi thì lại sợ tiếng đời dị nghị cho bản thân và gia đình. Hơn hai năm cắn răng cam phận làm kiếp tôi đoài ngày nầy sang ngày khác, không được một lần nào về thăm cha mẹ chị em. Hành hạ, khổ nhục nàng dâu từ tâm hồn đến thể xác vẫn chưa đủ cho hai người đàn bà độc ác thỏa dạ, họ còn toan âm mưu bán dì vào nhà Thổ để lấy lại tiền của đã bỏ ra làm đám cưới vợ cho con trai đã khiến động lòng người chồng của dì Hai không còn chịu đựng được nữa! Thương cho hoàn cảnh thân gái không may, người chồng của dì Hai sắp xếp kế hoạch dẫn dì trốn khỏi căn nhà điạ ngục, đưa dì Hai trở lại mái ấm gia đình. Ông xin dì tha thứ cho những việc xảy ra ngoài ý muốn gây nên duyên phận lỡ làng..mà vì chữ hiếu ông đành phải bó tay bất lực không bảo vệ được cho vợ.

Ở cùng làng với dì Hai có một thanh niên hiền lành chất phát, nhà nghèo, chăm chỉ làm việc, cư xử tốt với bà con chòm xóm. Chàng để ý thương dì Hai từ thời dì còn con gái, nhưng có lẽ vì mặc cảm gia cảnh nghèo khó cho nên không dám thố lộ, chàng âm thầm ôm mối tình tuyệt vọng, đau nhói con tim, chết cả cõi lòng hôm lén đứng nhìn người mình thương bước xuống thuyền hoa đi về làm dâu nhà người. Tin buồn cho Ngoại và gia đình thân quyến khi dì Hai trở về làng xưa vì duyên phận dang dở. Tin mừng cho chàng thanh niên hàng xóm tràn đầy niềm hy vọng nối lại bản tình ca dở dang mà chàng cứ tưởng mãi mãi lỡ nhịp! Dẫu rằng dì Hai đã một lần bước xuống thuyền hoa..,nhưng tình yêu của chàng vẫn đầm thắm như ngày nào dệt mộng yêu đương đã khiến xiêu lòng người thiếu phụ mang nặng nỗi sầu phiền muộn vì số phận lỡ duyên.
“Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa.
Trăm năm hội ngộ tình cờ
Đàn cầm anh gẩy câu thơ anh đề.

Muốn cho thuận nẻo đi về
Anh sang làm rể, em về làm dâu.
Số giàu lấy khó cũng giàu
Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo.

Phải duyên phải kiếp thì theo,
Khuyên em chớ nghĩ giàu nghèo làm chi.
Em ơi! Chữ vi là vì
Chữ dục là muốn, chữ tùy là theo.

Ta yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát giang cũng lội, tam thập lục đèo cũng qua”

Chờ một thời gian cho dì Hai phôi phai, lắng đọng nỗi sầu riêng, chàng cậy nhờ mối mai đến xin cưới dì Hai. Làm thân con gái, đường tình nhịp cầu gẩy đổ bị vấp ngả, nay có người thiết tha đưa tay níu lấy bàn tay mình để dìu bước đi tới..thôi thì:
“Phận gái bến nước mười hai
Gặp nơi trong đục, may ai nấy nhờ..
Biết rằng đâu đã hẳn hơn đâu
Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia
Bắc thang lên thử hỏi ông trăng già
Phải rằng phận gái hạt mưa sa giữa trời ?
May ra gặp được giếng khơi
Vừa trong vừa mát lại nơi thanh nhàn
Chẳng may số phận gian nan
Lầm than cũng chịu, dễ phàn nàn cùng ai!
Đã yêu nhau giá thú bất luận tài.”
Lần nầy dì Hai không còn bị ám ảnh bước xuống thuyền hoa trôi đi về một phương trời vô định nữa, mà cô dâu sánh bước bên cạnh chú rễ, bách bộ, đi về nhà chồng chỉ cách nhà mình có khoảng vài trăm mét…
Trong lúc hai họ đang hân hoan tưng bừng mừng hôn lễ, không ai để ý đến một người đàn ông cô đơn như chết lặng ngồi trước mũi con thuyền cắm sào đậu ở bên kia bến sông…Những ngày sau đó, nơi bến sông nhà dì Hai người ta thường thấy xuất hiện một người khách thương hồ xuôi ngược, chèo ghe lảng vảng, có khi đậu bến, có khi cho ghe thả trôi theo con nước. Người hiếu kỳ, tìm tòi dọ hỏi mới biết được, người đó chính là chồng trước của dì Hai, ông trở lại tìm người vợ năm nào, sau khi mẹ ông qua đời và người chị vì hối hận đã a tòng với mẹ của mình gây ra cảnh tan nát cho gia đình em trai nên khoác áo nâu sòng nương náo cửa từ bi. Nhưng đã muộn màng! Con thuyền năm ấy tách bến không hẹn ngày trở lại. Bến sông xưa không còn chờ đợi con đò năm cũ!
“Ai đem con sáo sang sông
Ðể cho con sáo sổ lồng bay xa…
Ai về anh gởi bức thơ
Hởi người bạn cũ bây giờ nơi nao
Non kia ai đắp mà cao
Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?”
Ông tiếc nuối cho duyên phận ngắn ngủi với người vợ thương yêu vì định mệnh trớ trêu của cuộc đời chia cách; ông thả thuyền trôi theo dòng nước, như thả trôi thân trai bềnh bồng để mặc cho dòng đời đưa đẩy trên con thuyền đã lỡ bến vẫn còn lưu luyến bến sông xưa…

“Ruộng ai thì nấy đấp bờ
Duyên ai nấy gặp, đừng chờ uổng công..
Con thuyền không bến trôi theo dòng nước đi biệt dạng …
Ðôi vợ chồng son, một túp lều tranh, hai quả tim vàng thương yêu và khắn khít bên nhau bù lại những ngày hôn nhân trước của dì, hạnh phúc lúc nào cũng bị rình rập, trù ẻo, đe dọa và khủng bố tinh thần của hai người đàn bà, một già một trẻ.

Dì dượng Hai không có sinh con. Ngày xưa thời loạn lạc, những người dân ở vùng giao tranh phải bôn ba tìm nơi an toàn. Bữa nọ có gia đình của một thiếu phụ tản cư từ vùng lửa đạn, chồng bà đã chết, bà chở bốn đứa con đi trên chiếc xuồng nhỏ đến đậu ở bến sông nhà dì. Thấy người gặp hoàn cảnh khổ nên dì dượng giúp đỡ. Cảm kích ân nghĩa của người dưng nước lã không họ hàng thân thuộc, nên khi dì Hai có nhã ý muốn san sẻ, nuôi bớt dùm bà một đứa con, bà đồng ý cho dì dượng một người con gái. Ðó là chị Hai, con Cả của dì dượng Hai.

Thuở nhỏ, ba má tôi bận công việc đi làm ăn xa, tạm gởi mấy chị em tôi về quê, tôi được có dịp chung sống với gia đình dì dượng. Nhà dì dượng Hai lúc đó thu gọn nhỏ lại hơn về phía sau, sân trước đấp nền cao để chuẩn bị cất nhà. Mùa nước lũ, nước sông Cửu Long tràn ngập theo ngỏ sông Hậu, đổ vào các sông rạch nhỏ, ngập lênh láng. Con đường đất ở hai bên bờ sông nước ngập lên đên thắt lưng của người lớn. Dì dượng Hai không cho mấy chị em đi đâu, vì sợ nước cuốn, bắt phải ở trong nhà. Ngồi trong nhà nhìn ra chung quanh, tưởng tượng như đang ở trên hoang đảo. Thấy mấy chị em ở nhà buồn, bữa nào ra đồng về sớm, anh Ba chất mấy chị em lên xuồng, chống ra ruộng chơi. Anh Ba chống xuồng thật tài tình, tôi nhìn mà thán phục! Cây sào dài chừng 5m, tay anh uyển chuyển cây sào, đẩy chiếc xuồng lướt nhanh trên mặt ruộng loáng nước. Tôi nghe gió ù ù thổi hai bên lỗ tai mình. Mấy chị em nắm chặt lấy be xuồng, sợ bị lọt xuống nước.

Anh Ba từ nhỏ lớn lên với ruộng đồng, rẫy bái, anh quen với đời sống cực khổ, làm việc của người của người dân quê chân lắm tay bùn. Anh Ba mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, được một nông dân mang về cho ăn ở trong nhà, anh phụ trách trông nôm cái chuồng trâu, bò cho gia chủ, làm việc cực nhọc. Một hôm dượng Hai đi mua trâu về cày ruộng, ghé ngang qua chổ anh đang ở, gặp anh và nói chuyện hỏi thăm. Ðược biết hoàn cảnh của anh, nên xin với gia chủ cho dượng nhận anh làm con nuôi. Nay dì dượng có thêm một người con trai nữa, người dân ở miền Nam gọi con đầu lòng là thứ Hai; tính theo thứ bậc kế tiếp là thứ Ba. Anh Ba tính tình hiền lành, ít nói khiến chị Ba vợ của anh hay phàn nàn. Ðôi vợ chồng quê suốt ngày cần cù làm việc, đem sức lao động của mình ra đổi lấy hạt gạo, chén cơm. Bữa nào mà anh Ba nói chuyện với chị, chị mừng lắm, chị nói:“Bữa nay Cóc mở miệng rồi!”. Dì Hai giờ có được hai người con, một nàng dâu là chị Hai, anh Ba và chị Ba. Dì dượng tậu được mấy chục công đất ở vùng cách đó khoảng trăm cây số, nên mỗi năm đến đó làm ruộng rẫy. Có một năm, dì Hai bận công việc nhà, dượng Hai “độc hành” một mình đi chăm nom công việc đồng áng. Hết mùa lúa, thu hoạch xong, dượng Hai trở về báo tin kết quả trúng mùa “đặc biệt” là một bé Gái. Có dịp được “độc thân tại chổ”, dượng Hai “văn nghệ” với một thôn nữ ở địa phương và được nàng đáp lại chút tình tri kỷ để đời. Dì Hai được tin vui bèn tốc hành đi xem sự tình. Thấy tình trạng người tình bé bỏng của dượng Hai nghèo túng không đủ khả năng chăm sóc em bé được chu đáo, nên động lòng đề nghị rước hai mẹ con về nhà mình. Bạn tình của dượng không bằng lòng, mà chỉ trao em bé cho dì Hai ẵm về làm con gái Út; Chị Út bằng tuổi tôi. Khi chị Út được khoảng 6 tuổi, mẹ ruột của chị có tới thăm con, bà ở chơi vài ngày với gia đình dì dượng Hai. Bà đã được chào đón và săn sóc yêu thương thân mến như người trong nhà, dì Hai còn có nhã ý cho hai người một thời đã thương yêu nhau, có những gần gũi thân mật đặc biệt để bù lại những ngày dài xa cách, nhưng đôi tình nhân đều ngại ngùng không dám nhận món quà tình cảm quí giá đó. Khi về bà cũng được vợ chồng dì tặng tiền bạc, quà cáp và đưa tiễn bịn rịn. Vài năm sau, một lần nữa bà trở lại thăm con. Lần nầy chị Út ..không dám gặp mẹ ruột vì sợ bà bắt đi theo, vì chị đã yêu mến không muốn xa rời người mẹ đã nuôi dưỡng mình từ lúc lọt lòng. Lần đó bà từ giã ra đi và vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa. Dì dượng Hai nghe tin đã đến tận nơi để chung lo hậu sự và tiễn đưa bà đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Buổi sáng, dượng Hai bơi xuồng ra đồng dỡ lờ, lộp, mang về đầy khoang xuồng đủ loại tôm, cá. Có hôm dượng Hai bận ra đồng sớm thì anh Ba thay thế đi dỡ lộp, gở cá dính câu. Mấy chị em ngồi nhà chờ…Khoái nhất là được nhìn xuồng trở về, tôm cá đầy, vẫy vùng, bơi lội trong khoang xuồng. Chị Ba, hay lựa ra những con tôm càng lớn, có gạch đỏ ao đem đi kho tàu trong cái nồi đất, rồi nấu cơm với gạo lúa thơm. Mấy chị em ngồi chờ, ngửi mùi cơm bốc hơi thơm phức mà thấy bụng đói cồn cào không chịu nổi. Mỗi ngày, sau khi ăn cơm sáng xong, chị Ba bơi xuồng chở mấy chị em đi học. Dì Hai thường ra chợ rất sớm. Tôi ngồi trên xuồng nhìn hai bên bờ sông, thấy có con nít cùng trang lứa với mình, quần áo, sách vở quấn trong miếng vải nylon, lặng ngụp, lội nước đến trường, tôi trong lòng thèm muốn được như vậy, thấy vui vui, nhưng chị Ba không cho phép, nên không dám.

Nước rút xuống, dì dượng Hai cuốc nền nhà chưa cất lên thành luống hàng dọc, trồng cà tô-mát. Mỗi ngày dì dượng Hai hoặc anh chị Ba đi xuống sông múc nước lên tưới cà. Mấy chị em đi theo xem, dì Hai không cho làm gì. Những cây cà đâm chồi xanh mượt, lớn mạnh, thoáng chốc đã đơm bông kết trái. Mấy chị em đi tới lui đi tới lui nhìn những quả cà tròn trịa, màu xanh ửng đỏ.. Cà chín đỏ, quằng cành nằm rạp xuống đất. Anh Ba đi ra đồng chở về một xuồng đầy rơm, mang lên sân. Mấy chị em phụ giúp lấy rơm kê ở bên dưới những trái cà để bảo vệ cho nó đừng bị dập, hư thúi. Rồi đến lúc thu hoạch, mỗi buổi chiều, mấy chị em cầm cái rổ theo sau dì Hai và chị Ba ra sân hái những trái cà hờm chín để hôm sau dì Hai mang ra chợ bán.

Thỉnh thoảng dì dượng Hai và anh chị Ba cùng đi làm mùa vài tuần lễ, gởi mấy chị em ở lại nhà nhờ người hàng xóm dòm ngó dùm. Dì dượng Hai và anh chị Ba trở lại sau vụ mùa, xuồng chở đầy cá mắm. Mấy chị em tôi, cùng một số người ở lối xóm ra bến sông đón, lăng xăng phụ mang lên nhà đủ thứ. Ðược trúng mùa, dì dượng Hai và các anh chị ai ai cũng hớn hở vui mừng trên gương mặt còn lấm tấm mồi hôi sau chuyến trở về mệt mỏi, bơi xuồng hơn hai ngày đường. Thời đó chưa có sắm sửa máy “đuôi tôm” chạy xăng. Nhìn thấy những sinh hoạt ở miền quê cực khổ quá! Tất cả đều phải dùng sức người, đổ mồ hôi đổi lấy chén cơm manh áo. Tôi thấy thương vô cùng khi nhìn những người thân của mình cả đời dầm sương giải nắng. Sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh khốn đốn của xã hội phong kiến, của thời cuộc, khiến cuộc đời cũng bị liên lụy, ảnh hưởng, vất vả lầm than cả một kiếp người. Thời của các ông bà, dì dượng, chú bác, sống dưới ách thực dân đô hộ của người Pháp, đại đa số người dân sống ở miền quê cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm thì làm sao có tiền đủ để đến trường học chữ nghĩa, để mở rông tầm sống và hiểu biết với đời! Lớn lên cuộc sống gắn liền với con trâu, thửa ruộng, đem công sức ra làm quần quật, chống chọi với mưa nắng hai mùa, đổ mồ hôi để đổi lấy miếng ăn và đến khi sức mỏn hơi tàn thì gục chết…hết một kiếp người! Ðại đa số các thế hệ ông bà, cha mẹ mình đã sống và chết như thế trên mảnh đất quê hương thân yêu.

Phía sau nhà Dì Hai, đường đi ra bờ ruộng, có cây ô-môi to và cao, cành lá xum xuê. Anh Ba thỉnh thoảng trèo lên cây ô-môi hái trái chín cho mấy chị em tôi. Trái ô-môi thân tròn, đường kính đo khoảng từ 4-5 centimét, dài khoảng nửa thước. Sau khi dùng dao rọc lớp vỏ ở hai bên, dùng tay đẩy hai cái đường sống xê dịch rồi bốc ra từng lát ô-môi có mầu xám, vị ngọt chát, ở giữa có cái hột nhỏ bằng ngó tay, hình trái tim. Ăn ô-môi, còn hột thì dành lại, phơi khô để dùng cho trò chơi “bún” hạt ô-môi. Trẻ con ở thôn quê nghèo nàn, cha mẹ đâu có đủ tiền bạc để mua sắm cho đồ chơi như con nít sống ở thành thị. Ngoài những trò chơi nhảy cò cò, đánh thẻ, bún hột ô-môi, chơi cút bắt, nhảy dây, và đồ chơi tự sáng tạo bằng những vật dụng có được…

Cả làng chỉ có một trường Tiểu học, hai dãy nhà lợp lá, mỗi bên ba gian dùng làm lớp học. Học trò từ những vùng lân cận, cha mẹ phải dậy từ sáng sớm, nấu cơm nước chuẩn bị cho con mình ăn no bụng để đến trường cho kịp giờ. Ði bộ, đi xuồng len lỏi theo những bờ đê, kinh rạch để đến trường. Ðã có biết bao nhiêu những đứa trẻ học nửa chừng, chưa hết Tiểu học, vì một hoàn cảnh nào đó phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ mẹ cha, và rồi khi lớn lên, thân phận sao khỏi gắn liền với cày sâu cuốc bẩm, con trâu, thửa ruộng nơi quê nhà, nối tiếp cái nghiệp vất vả của ông bà cha mẹ truyền lại.

Học xong lớp Nhất (lớp 5) trường làng là thấy khó khăn rồi. Nhiều học sinh ở thôn quê đã dừng chân ở đó. Muốn tiếp tục học lên Trung học thì phải sang tỉnh thành, nơi có trường Trung học dạy từ lớp đệ Thất (lớp 6) cho đến lớp đệ Tứ (lớp 9) hay cao hơn nữa. Một người học trò ở nhà quê, nếu được ra tỉnh học, cha mẹ phải dư thừa chút ít tiền bạc mới đủ lo trang trải tiền ăn ở, sách vở cho con mình. Còn không thì..thôi! Ðành chịu dốt nát, làm nông dân đến hết kiếp!

Nếu một người học trò được ra tỉnh học hết lớp đệ Tứ, thi lấy bằng Trung học đệ Nhất cấp, đậu được bằng cấp nầy cũng hãnh diện với xóm làng. Ðã có được bao nhiêu phần trăm những người học trò ở thôn quê đậu được bằng Trung học đệ Nhất cấp? Chuyện tiếp tục học lên đệ Nhị cấp, để thi tú tài cũng giống như một người học trò ở thành phố lớn mơ được đi du học ra nước ngoài. Nghèo khó thường đi đôi với dốt nát. Hễ dốt thì chịu nghèo, không biết chữ nghĩa, không có kiến thức thì làm sao có được một cuộc sống hiểu biết, rộng rải để hội nhập vào thế giới cộng đồng? Chỉ còn chấp nhận cái số phận hẩm hiu nơi đồng ruộng!

“Gia đình trên thuận dưới hoà,
Quý hơn tiền của ngọc ngà muôn xe”
Cây cổ thụ gia đình nhà dì Hai bắt đầu đâm chồi nẩy lộc cành lá xum xuê đơm bông kết trái sau khi người con gái lớn vu quy. Ba năm sau dì dượng có cháu Ngoại ẵm bồng. Rồi đến là anh Ba, người con trai kế thành hôn. Chỉ còn chị con gái Út còn đang trong tuổi vị thành niên. Dì Hai giờ đây đã có một mái gia đình hạnh phúc, tuy không giàu có của cải vật chất, nhưng đầy ấp tình yêu thương giữa những người cùng chung sống với nhau, cùng chia cơm sẻ áo, cùng chung chia những nỗi lận đận buồn vui thăng trầm trong cuộc sống. Dì mãn nguyện được hưởng ấm êm vui vầy bù lại những ngày trong quá khứ thời làm thân con gái mười hai bến nước, dì đã không may gặp nhầm bến đục. Ðôi lúc bất chợt, dĩ vãng của một thời khổ đau lại chập chờn thoáng hiện trong tâm tư…Người chồng “vô tội vạ” vì chữ hiếu đáng thương đã không thể bảo vệ được cho vợ mình trước nghịch cảnh. Hơn hai năm chăn gối vợ chồng cũng là tình là nghĩa khó phai còn ghi đậm nét trong trang giấy quá khứ đời mình; nỗi niềm còn ít nhiều vương đọng trong lòng mà một con người bình thường nếu đã trải qua khó tránh khỏi. Dì tự hỏi:“Không biết người ấy bây giờ ra sao…?!” khi ván đã đóng thuyền, mọi sự việc được tạo hóa an bài và thời gian trôi qua đã cuốn đi ít nhiều quá khứ, mang đến những mới mẽ trong cuộc sống. Ðễ giải tỏa những nỗi niềm riêng còn bồn chồn thôi thúc còn ẩn hiện trong tận cùng cõi riêng tư của mình, dì Hai đem chuyện lòng ra trải bài với người bạn đời, muốn ngỏ ý cùng chồng trở về thăm lại nơi “địa ngục” trần gian đã giam hãm đời con gái mới lớn của mình. Dượng Hai tán đồng ý kiến; tôn trọng những riêng tư của vợ, không muốn tháp tùng đi..
Trở lại chốn cũ sau bao năm vật đổi sao vời. Bỡ ngỡ trước cảnh lạ, dì Hai lần mò dọ hỏi và tìm lại được ngôi nhà ngày nào. Người xưa sau vài giây phút đã nhận ra nhau, mừng mừng, tủi tủi, không ngăn được nước mắt. Hai mái đầu tóc lấm tấm điểm sương nghẹn ngào nhìn nhau qua mắt lệ nhạt nhòa, người đàn ông luống tuổi ngậm ngùi âm thầm thổn thức:
“Anh biết yêu em đã muộn màng
Nhưng mà ai cưỡng được tình thương!
Ngậm ngùi tặng trái tim lưu lạc
Anh chỉ xin về một chút thương
Một chút hương phai của ái tình
Mà em không thể gửi cùng anh
Để lòng ướp với tình phai ấy
Anh tưởng từ đây bớt một mình

Mắt ướt trông nhau, lệ muốn tuôn
Gượng cười anh phải khóc thầm luôn
Em là người của ai ai đấy
Lưu luyến chi nhau để xót buồn

Dầu chiếm tay em , anh vẫn hay
Rằng anh chỉ nắm cánh chim bay
Bao giờ có được người yêu dấu!
Chất chứa trong lòng vạn đắng cay”
(Thơ Xuân Diệu)

Người đàn bà đáp lại qua ánh mắt dòng lệ tuông chảy:
“Anh ơi anh nếu tình đã phai phôi
Có gặp lại cũng tình đôi đã nhạt
Em chúc anh có một niềm vui khác
Chuyện chúng mình như nước lạc –thuyền xa

Anh ơi anh hãy đừng lắm thiết tha
Ngày tháng cũ những trăng hoa lãng mạn
Giờ tất cả đã như là mây trắng
Vỡ tan rồi khi trời lắng giọt mưa
Anh ơi anh những ngày tháng đón đưa
Ta bên nhau sớm trưa nồng ân ái
Nếu lúc trước biết chỉ là ngang trái
Thì chuyện lòng đã gác ….lại phải không ..
Anh ơi anh xin đừng mãi chờ mong
Có những khi em cũng không quên được
Kỉ niệm nhiều cũng như là biển nước
Có khi nào về lại…một đại dương..?!”
(Thơ Bãng Nguyệt)

Không gian im lìm như nín thở! Cảnh vật trước mắt hai người lung linh qua ngấn lệ ràn rụa…Bàng quàng như một giấc mơ! Hình ảnh ngày xưa của đôi vợ chồng son bừng sống lại. Chuỗi ngày dài biền biệt luyến lưu tiếc nhớ tưởng đã nghìn trùng xa cách … Hình ảnh của ngày nay.. bụi thời gian đã ít nhiều mang đi hương sắc hoa mộng của một thời thanh xuân; nơi khóe mắt, làm môi, mái tóc, khuôn mặt, hình dáng người tình giờ uớm thấy ẩn hiện những nét hằn héo úa… Ngày gặp lại cố nhân, tuy đang được ở cạnh kề nhau, nhưng đã có một bức tường định đời ngăn cách chia đôi ngả. Buồn hay vui? Chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được những cảm xúc bồi hồi lâng lâng luân lưu từ tận đáy lòng mình, theo từng nhịp đập của con tim thổn thức:

“Hôm nay đã đến thu chưa
Trên sân đầy những lá vừa rơi qua
Nghiêng nghiêng bóng ánh trăng tà
Tàn phai từ độ người xa…chưa về
Mưa rơi làm ướt câu thề
Giàn hoa tím cũng bốn bề gió bay
Khi nào mới tỉnh giấc say?
Luyến lưu gì nữa còn ai..?–nhớ mà….!

Gom đầy kỉ niệm đôi ta
Mà đem hoả táng lệ nhoà tim đau
Tro tàn còn cất được sao?
Mỗi khi gió cuộn hạt nào…!? đã rơi….

Tiếc gì nữa cũng một thời
Tiếc gì nữa một khoảng trời ..đã xa
Giữa trời với biển bao la
Thời gian chìm lắng cho ta–quên mình….!
( Thơ Bãng Nguyệt)

Dì Hai bước vào căn nhà năm xưa mà người ta đã đón mình bằng những tràng pháo cưới nổ ròn…và cũng chính nơi đây mình đã hớt hải chạy trốn không dám quay đầu nhìn lại! Dì cảm động rưng rưng đến nghẹn ngào không thốt lên được lời khi nhìn thấy bức ảnh bán thân của mình ngày trước treo trong phòng tân hôn nay đã đỗi màu héo úa, ngự trị nơi phòng khách, ở một nơi trang trọng. Dì ngỡ tưởng khi xa rời ngôi đó, tất cả cũng đã chết theo từ buổi chia ly vội vã của đôi vợ chồng lỡ duyên không một lời hứa hẹn tái ngộ. Một chút nhói đau trong tim như có ai cầm vật nhọn đâm chạm vào mình! Cố nhân vẫn vương vấn hình bóng của dì, thảo nào con đò năm cũ tìm lại bến sông xưa vào đúng lúc xác pháo hồng bay lả tả theo con đường đất đưa tiễn dì về vui duyên mới…

Con thuyền lỡ bến lênh đênh sau những tháng ngày lắc lư trên sóng nước rồi cũng tìm chổ ghé bến. Thời gian là hồi thuốc tiên hàn gắn, xoa dịu những vết thương lòng. Hạnh phúc cho những kẻ lỡ bến lỡ thuyền, trôi theo giồng đời rồi cũng có được một ngày dừng chân.

“Hoa nở rồi hoa sẽ tàn
Tình yêu say đắm có khi tan
Chỉ riêng tình bạn là cao cả
Không tan không héo cũng không tàn”
Hai người đứng lặng nhìn nhau hồi lâu, không ai nói nên lời…Gia chủ gọi vợ con ra chào và giới thiệu người khách đặc biệt trong bức ảnh mà đã từ lâu những người trong gia đình được nghe kể lại câu chuyện như là một huyền thoại, nay xuất hiện bằng xương bằng thịt, đang đứng trước mặt mọi người.
“Cũng thì bạn gái với nhau
Gánh nước một bàu, đôi đục đôi trong.”
Hai người phụ nữ có thiên duyên gặp gỡ thương mến nhau như chị em một nhà. Các con trong gia đình được cho phép gọi dì Hai là Mẹ.

Gia đình giữ khách ở lại vài hôm chuyện trò tâm sự đầy vơi nỗi niềm xa cách. Sau đó cả gia đình ông tháp tùng dì Hai đến thăm viếng gia đình dì. Hai người đàn ông cảm kích tấm lòng hào hiệp của nhau, ngay từ phút đầu, tay bắt mặt mừng, càng đổi trao tâm tình, lại càng cảm thông của hai kẻ đồng hội đồng thuyền. Họ nhận nhau làm anh em kết nghĩa. Người chồng cũ của dì Hai là một người thác vác, có nhiều sáng kiến trong công việc cải thiện canh tác, sau ngày mẹ ông qua đời chẳng bao lâu, nông trại của ông phát triển lớn mạnh, mang lại cho ông nguồn lợi tức dồi dào. Ông nay trở thành một người giàu có trong vùng. Ông đã khuyến khích và tận tình giúp đỡ cho gia đình dì dượng về mọi phương diện, cho nên qua một thời gian ngắn gia đình dì Hai đã có những thay đổi tốt trong đời sống và sinh hoạt.

Các con của hai gia đình thương yêu kính trọng các bậc sinh thành dưỡng nuôi, cả hai bên cha mẹ. Họ thân thiện với nhau, giúp đỡ, chia sẽ vui buồn lẫn nhau trong tình gia đình thân thuộc anh chị em một nhà trải qua nhiều nghịch cảnh khó khăn đã xảy đến cho quê hương đất nước và nhất là sau cuộc đổi đời tháng Tư năm 1975. Những người đã có tuổi, sức mỏn hơi mòn sau gần cả một đời lầm than lận đận, nay vẫn tiếp tục gắng gượng đứng lên, góp hết tàn lực còn lại để nuôi dưỡng đám con cháu, thay thế cho cha mẹ của chúng đang chịu cảnh tù đày vì sự khác biệt ý thức hệ của những người “chiến thắng” từ miền Bắc nước Việt. Bốn cha mẹ của họ lần lượt qua đời. Họ lập bàn thờ chung để cho những người quá cố lúc sinh thời thương yêu nhau được mãi mãi ở gần nhau. Một đại gia đình kết hợp bởi những người không cùng chung máu mủ huyết thống đã sống với nhau trong tình người khó mà tìm được.

Tất cả những gì có trên cõi đời nầy rồi cũng tàn lụng tan biến sau chuỗi ngày ngắn dài nào đó. Có còn chăng là tình nghĩa vô hình không bị mất đi do luật đào thải tự nhiên của trời đất. Những người có đầy tâm hồn vị tha bao la gặp gở và sống với nhau trong tình người hiếm có, họ đã vượt qua mọi trở ngại phiền phức lẩn quẩn do chính người đời tạo nên để tự ràng buột làm khổ đau cho nhau từ đời nầy sang đời khác./.

Viễn Hương
Nguồn:xaydunghouston.com

Posted in Truyện ngắn

Bài tham khảo