Như các địa phương ven biển khác ở miền Tây Nam bộ, vùng đất nay là tỉnh Trà Vinh được hình thành vào giai đoạn đầu công nguyên, do kết quả của quá trình biển thoái và quá trình bồi tụ phù sa lâu dài của các nhánh sông. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nơi đây là những cánh rừng hoang vu nê địa, “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, dân cư thưa thớt. Mãi đến giữa thế kỷ XVIII (1757), khi công cuộc khai hoang lập ấp của các thế hệ lưu dân người Việt, người Khmer, người Hoa đã tương đối ổn định, các chúa Nguyễn mới thiết lập thành lập đơn vị hành chính đầu tiên trên mảnh đất này mang tên phủ Lạc Hóa, trực thuộc Long Hồ Dinh. Phủ Lạc Hóa bao gồm hai huyện là Trà Vang (sau đổi thành Trà Vinh) và Tuân Ngãi.
Sau khi đánh chiếm Nam kỳ, Pháp bãi bỏ cấp phủ Lạc Hóa. Huyện Trà Vinh (có địa bàn dọc theo sông Cổ Chiên) đổi thành hạt tham biện Trà Vinh và huyện Tuân Ngãi (có địa bàn dọc theo sông Hậu) thành hạt tham biện Bắc Trang. Sau đó, hạt tham biện Trà Vinh và hạt tham biện Bắc Trang nhập lại thành hạt tham biện Trà Vinh,rồi hạt tham biện lại được đổi thành tiểu khu hành chánh. Đến năm 1900, tỉnh Trà Vinh chính thức ra đời. Tỉnh lỵ Trà Vinh đặt tại làng Long Đức, nay là nội ô thị xã Trà Vinh. Ban đầu, tỉnh Trà Vinh có các huyện Càng Long, Châu Thành, Bàng Đa, Ô Lắc, Bắc Trang. Đến năm 1928, giải thể huyện Bàng Đa và Ô Lắc để thành lập huyện Cầu Ngang và thành lập huyện Tiểu Cần trên cơ sở một phần huyện Bắc Trang và một phần huyện Càng Long. Năm 1940, đổi huyện Bắc Trang thành huyện Trà Cú. Năm 1948, tách huyện Cầu Kè từ tỉnh Cần Thơ nhập về Vĩnh Long, sau đó lại nhập về Trà Vinh. Cũng năm 1948, chính quyền kháng chiến thành lập thị xã Trà Vinh như một đơn vị hành chính cấp huyện. Năm 1951, thành lập huyện Duyên Hải.
Giai đoạn 1951 – 1954, chính quyền kháng chiến sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà.
Giai đoạn 1956 – 1958, thành lập tỉnh Tam Cần, bao gồm các huyện dọc sông Hậu, trong đó có huyện Cầu Kè và Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 1956 – 1975, đổi tên tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình.
Sau 1975 sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long. Tháng 12/1991, chia tách tỉnh Cửu Long. Tỉnh Trà Vinh được tái lập và ổn định địa giới hành chính cho đến ngày nay.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh là một trong 13 tỉnh thành ở khu vực ĐBSCL, có địa bàn nằm giữa sông Tiền, sông Hậu tiếp giáp với biển Đông với diện tích tự nhiên 2.244,22 Km2 và tổng dân số 1.041.002 người (Niên giám Thống kê năm 2006, Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh). Tỉnh Trà Vinh được chia thành 8 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Trà Vinh, huyện Càng Long, huyện Cầu Kè, huyện Châu Thành, huyện Tiểu Cần, huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải với 102 xã, phường, thị trấn.
Trong tổng số hơn 1 triệu dân, đa phần là cư dân người Việt, xấp xỉ 30% cư dân người Khmer và khoảng 2% còn lại là đồng bào Hoa. Từ xa xưa, cộng đồng các dân tộc cộng cư trên đất Trà Vinh vốn có truyền thống đoàn kết gắn bó keo sơn. Đây chính là cơ sở, là tiền đề hình thành sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để con người Trà Vinh đủ sức chiến đấu và chiến thắng kẻ thù cũng như hình thành, lưu giữ, truyền thừa những giá trị văn hóa độc đáo, góp phần làm đa dạng phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Có thể nói, đoàn kết – chiến đấu – xây dựng là cái trục xuyên suốt chi phối toàn bộ tiến trình lịch sử tỉnh Trà Vinh.
Đầu tiên và lâu dài nhất, cộng đồng các dân tộc Trà Vinh đã một lòng một dạ chung lưng đâu cật nhau trong công cuộc khai phá thiên nhiên. Dãy rừng hoang vu ngày nào nay đã trở thành những cánh đồng quanh năm vàng bông trĩu hạt, thành những xóm làng trù phú, những khu đô thị trẻ trung tràn đầy sức sống.
Con người Trà Vinh luôn cần cù, sáng tạo, năng động, vượt lên thử thách đói nghèo, cống hiến sức mình cho sự nghiệp chung. Tiêu biểu trong số đó là “Vua lúa giống” Dương Văn Châu (Thanh Mỹ, Châu Thành) sở hữu những bộ giống lúa mang tầm vóc quốc qua, “Kình ngư” Sáu Ngân (Hòa Thuận, Châu Thành) cùng cháu con rất thành công trong việc chuyển hướng đánh bắt xa bờ, “Vua măng cụt” Lưu Văn Nhiều (Tân Qui, Cầu Kè) có trong tay hàng chục giải thưởng trái cây ngon khu vực, “Nhà sáng chế chân đất” Trần Văn Dũng (Ngũ Lạc, Duyên Hải) với những chiếc máy đào hút bùn tầng nông cũng như tầng sâu hay chàng “Kỹ sư tay ngang” người Khmer Kiên Hùng (Mỹ Hòa, Cầu Ngang) mày mò chế tạo thành công chiếc máy bóc tách vỏ đậu phộng, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất cát Trà Vinh…
Nguồn:travinh.gov.vn