1. Mở đầu
Thời gian là một vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống con người. Các cộng đồng dân tộc trên thế giới ít, nhiều đều chịu sự chi phối của yếu tố thời gian. Người Việt ở miền Tây Nam Bộ trong quá trình nam tiến, khẩn hoang lập ấp từ thế kỷ XVII cũng đã thể hiện những cách ứng xử riêng với thời gian, gắn với đặc điểm văn hóa tộc người.
Trong ứng xử với thời gian, nhân loại luôn tìm cách tận dụng đối tượng đặc biệt này cho cuộc sống của mình. Ở công cuộc khai phá đất mới, người Việt miền Tây Nam Bộ cũng đã thể hiện văn hóa tận dụng thời gian của mình thật rõ nét.
2. Nội dung
2.1.Tận dụng và văn hóa tận dụng thời gian
2.1.1.Tận dụng, về từ loại là động từ, trong các từ điển đều đề cập đến nét nghĩa biểu đạt là “sử dụng cho hết mọi khả năng có được, không bỏ phí. Ví dụ: tận dụng thời gian để làm việc” [Hoàng Phê 2007]. Trong tiếng Pháp, nghĩa của “tận dụng” cũng thể hiện rõ việc sử dụng ở mức độ cao nhất (utiliser au plus haut degré), sử dụng phần tốt nhất (tirer le meilleur parti de) của một đối tượng nào đó.
2.1.2.Tận dụng là một trong những cách ứng xử của con người với cuộc sống. Tác giả Trần Ngọc Thêm trong công trình Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam đã trình bày rõ “Trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên có thể xảy ra hai khả năng: những gì của tự nhiên có lợi cho mình thì con người phải hết sức tranh thủ tận dụng, nhưng những gì có hại thì phải ra sức đối phó” [Trần Ngọc Thêm 2001]. Khi con người sử dụng tối đa thời gian, dù là để lao động hay vui chơi, giải trí theo chiều hướng làm cho đời sống phát triển, có ý nghĩa thì chính là con người đã tận dụng được thời gian.
2.1.3. Người Việt miền Tây Nam Bộ ngay từ thời điểm ban đầu của quá trình khẩn hoang lập ấp đã phải đối mặt với môi trường đất mới đầy hiểm trở, bất trắc. Để sớm định cư, nhanh chóng tạo ra cái ăn, cái mặc ở không gian khẩn hoang rộng lớn, người Việt đã phải đẩy nhanh tốc độ và cường độ làm việc để tạo ra nông phẩm nhanh nhất. Đó cũng chính là cơ sở thực tiễn làm nên văn hóa tận dụng thời gian của người Việt ở vùng văn hóa này
2.2. Biểu hiện của văn hóa tận dụng thời gian ở người Việt miền Tây Nam Bộ
2.2.1. Tranh thủ thời gian
Ngay từ buổi đầu, công cuộc khai khẩn đất mới của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi từ chính sách khẩn hoang lập ấp của triều Nguyễn. Người nông dân có thể khai khẩn ruộng đất theo nhân lực, vật lực mà không bị giới hạn chặt chẽ về quy mô diện tích, không theo chế độ ruộng đất công của làng xã như ở Bắc Bộ nên mỗi hộ có thể khai khẩn hàng trăm mẫu đất. Khai khẩn nhiều, môi trường đất mới ban đầu chưa thích hợp hoàn toàn cho canh tác nên con người phải tập trung dốc sức vào công cuộc lao động vĩ mô trước mắt. Trong thời gian ngắn nhất, con người phải sớm tạo ra lúa gạo, hoa màu, những cơ sở tối cần thiết ban đầu cho cuộc sống cư dân nơi đây.
Trong hoàn cảnh đặt ra như vậy, người Việt Tây Nam Bộ đã tận dụng tối đa thời gian để có thể đạt được hiệu quả trước mắt. Có thể gọi kiểu ứng xử này là “tranh thủ” tức “ cố gắng tận dụng một cách tích cực cái bình thường có thể không sử dụng đến” về thời gian [Hoàng Phê 2007] .
2.2.1.1.Người Việt Tây Nam Bộ tranh thủ thời gian trong mọi hoạt động, lĩnh vực. Trong ăn uống thì ưu tiên cho cách nấu ăn nhanh, chế biến nhanh, ít mất thời gian với các món nướng (cá lóc nướng trui, rắn lướng lèo…), món luộc, hấp (cá lóc hấp bầu, tôm hấp nước dừa…), hoặc chế biến không cần nấu nướng (bò tái chanh, bò tái nước tiểu kiến vàng [Vũ Bằng 2002]. Cách ăn đơn giản, không cầu kỳ, ăn tại môi trường lao động (trên đồng ruộng, ngòai vườn tược, trên ghe xuồng…), tiết kiệm thời gian để lao động.
2.2.1.2.Trong nghề nghiệp mưu sinh, người Việt miền Tây Nam Bộ cũng luôn tìm cách thức để đạt hiệu quả nhanh nhất nhằm sớm hoàn thành việc canh tác trên diện tích lớn. Nghệ thuật phát cỏ nhanh mà dân gian hay gọi là “phát thế” đã ra đời và được trọng dụng trong bối cảnh như vậy. Sơn Nam, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, thường nhắc đến kiều phát cỏ này trong các tác phẩm viết về đồng bằng sông Cửu Long của mình. Đặc biệt trong truyện ngắn “Đóng gông Ông Thầy Quýt”, tác giả còn miêu tả cụ thể về nghề phát thế. Thầy Quýt là ông thầy võ nên phát cỏ rất nhanh, người bình thường “cứ phát đều đều mỗi ngày một công”, riêng thầy Quýt “phát ba công trong khoảng thời gian đó. Phát lẹ bằng ba lần. Đó là buổi tôi làm biếng. Nếu siêng thì mỗi ngày tôi phát sáu công liên tiếp, không cần ăn cơm trưa”, vì thế mà được trọng dụng và lấy nghề phát thế để mưu sinh[ Sơn Nam 2005].
Người Việt miền Tây Nam Bộ cũng nghĩ ra cách làm lúa đỡ tốn thời gian. Tư Cồ trong truyện ngắn Ruộng Lò Bom của tác giả Sơn Nam đã nghĩ ra cách làm ruộng Lò Bom và trồng loại lúa Xom Mà Ca. Ruộng Lò Bom được làm ở vùng đất trũng, ngập lụt, phèn chua. Làm lúa kiểu này đỡ phải tốn thời gian. Từ ngày gieo mạ đến lúc thu hoạch chỉ tốn có một ngày rưỡi: phát cỏ một buổi, gieo giống một buổi rồi bỏ đó, bốn tháng sau đến thu hoạch, tốn thêm một buổi nữa, thế là có lúa ăn [Trần Phỏng Diều 2007].
2.2.1.3.Trong ăn mặc, chỉ một kiểu áo bà ba giản tiện, người Việt miền Tây Nam Bộ mặc khắp các môi trường từ môi trường lao động (làm ruộng, làm vườn, chài lưới…), môi trường giải trí (đi coi hát, coi đám cúng đình…); thường mặc trong không gian thường nhật cũng như trong không gian long trọng (lễ cưới hỏi, đám tiệc…). Em thương anh em sắm cho anh cái áo bà ba trắng, không vắn cũng không dài. Sao anh đà không bận bận hoài cái áo vải đen[Bảo Định Giang1984].
2.2.1.4.Trong cư trú, ở buổi ban đầu khẩn hoang, kiểu nhà cất đơn sơ, giản tiện, không mất nhiều thời gian mà tận dụng vật liệu thô sơ sẵn có như lá dừa nước, đưng lác, tranh, tràm, đước được gọi là “nhà đá”, “nhà đạp” rất phổ biến ở vùng trũng, ngập nước, sình lầy, phèn chua, cỏ lác như ở Đồng Tháp Mười. Mặc dù nơi đây “nước bị nhiễm phèn nặng nhưng ban đầu nguồn lợi thiên nhiên ở Đồng Tháp Mười như cá, rùa, rắn, ong mật, lúa ma… vẫn nhiều vô kể. Chính do sống bằng nghề khai thác các nguồn lợi sẵn có này mà người dân phải thường xuyên thay đổi chỗ ở, rày đây mai đó. Họ di chuyển bằng xuồng ba lá với chiếc cà-ràng có đáy đặt trên xuồng đề nấu cơm. Đến nơi nào ưng ý, họ dọn sạch cỏ rồi cất tạm cái chòi bằng tràm, lợp bằng đưng lác hay dừa nước sẵn có. Một cái chòi đơn sơ như vậy làm chỉ 1 – 2 ngày là xong. Đến khi thấy nguồn lợi thiên nhiên đã cạn, họ lại bắt đầu bỏ đi nơi khác. Cái chòi kia bỏ không, hoặc chỉ cần co giò đá một phát là ngã sập, nên gọi là “nhà đá”, “nhà đạp” [Lê Công Lý 2009]. Bây giờ, “nhà đá”, “nhà đạp” ở Đồng Tháp Mười là những cái chòi hoang tạm bợ của những người làm công nhật, bắt chuột, bắt rắn hay nuôi vịt chạy đồng.
2.2.1.5.Trong đi lại, ngay từ buổi đầu đặt chân đến Tây Nam Bộ, với phương thức giao thông chính yếu là đường thủy, người Việt đã nghĩ đến việc rút ngắn thời gian đi lại của ghe xuồng trong hệ thống kênh rạch. Kênh rạch Tây Nam Bộ ban đầu phần lớn là những kênh rạch cạn, nhiều bùn, khó khăn cho ghe xuồng đi lại. Trước thời kênh xáng được đào bởi máy móc của người Pháp, dưới chủ trương của triều Nguyễn, người Việt đã cùng người Khmer, người Hoa đào, nạo vét kênh rạch để tiện đi lại bằng ghe xuồng không phải chờ con nước [Tôn Nữ Quỳnh Trân 2010].
Người dân Tây Nam Bộ cũng chuộng kiểu đi tắt, dù là đường sông hay đường ruộng. Đường ruộng, đi bộ thì ưa đi tắt băng đồng, lội ruộng đỡ mất thời gian, như tác giả Võ Đắc Danh đã kể trong ký sự Cá rô lội ngược: “Từ rạch Ráng, lội bộ hơn bốn cây số mới tới Trảng Cò. Nhưng những lần về thăm như vậy, ít khi tôi đi vòng theo xóm mà hễ tàu đò vừa ghé chợ Rạch Ráng là tôi cứ nhắm hướng rồi băng đồng. Ngay cả mùa mưa, dù phải lội mấy chục công đất cày nhưng tôi vẫn lội để rút ngắn thời gian” [Võ Đắc Danh 2010]. Đường sông thì tìm cách đi tắt theo các con rạch cắt ngang. Có không biết bao nhiêu kinh nghiệm đi tắt qua rạch, qua vàm mà người dân Tây Nam Bộ chỉ dẫn cho nhau. Có những con rạch, ngọn vàm người ta thường đi tắt nên thành tên gọi. Trong tiểu thuyết Cư Kỉnh, nhà văn Hồ Biểu Chánh có đề cập đến tên rạch Cái Tắc: “Con rạch nhỏ này người ta kêu là rạch Cái Tắc, có lẽ là tại người ở Ô Môn nhờ đường nước ấy mà đi tắt qua Ba Se, Cầu Nhiếm, Phong Điền được, khỏi phải đi vòng ngã Cần Thơ xa xôi cách trở”[Hồ Biều Chánh 2010].
2.2.1.6.Trong sinh hoạt tinh thần, đối với những hoạt động tinh thần thiêng liêng như lễ cúng kỳ yên, trong truyền thống, người Việt Tây Nam Bộ cũng không dám tập trung lâu, các nghi thức tiến hành rất nhanh gọn vì vừa hành lễ vừa sợ thú dữ rình rập. Cả đến những thú vui giải trí mà người Việt rất ưa thích là hát bội, người dân cũng tranh thủ coi hát ban đêm, ban ngày làm việc đồng áng, vừa coi vừa canh chừng cọp, sấu [ Sơn Nam 2005]. Người Việt miền Tây Nam Bộ cũng thể hiện sự tranh thủ thời gian cao độ khi vừa lao động vừa giải trí, vừa chèo ghe, chống xuồng vừa hò, lý, vừa cấy, gặt vừa hò, vè…Điều này thể hiện rõ ở tên điệu hò (hò chèo ghe, hò cấy lúa, hò mái dài, hò mái cụt…), bài lý (lý kéo chài, lý đương đệm…). Khác với môi trường diễn xướng của phần lớn loại hình nghệ thuật dân gian ở Bắc Bộ như hát quan họ, hát ả đào, môi trường diễn xướng của các loại hình nghệ thuật này luôn ở gắn với tư thế lao động của người Việt miền Tây Nam Bộ: “Em ôm bó mạ xuống đồng, Miệng hò tay cấy mà lòng nhớ anh” hay “Tay cầm bó mạ rẽ hai, Miệng hò tay cấy cẳng xà lai…quèo nàng” [Bảo Định Giang 1984].
2.2.2. Tận dụng thời điểm
Một kinh nghiệm quý báu về tận dụng thời gian của người Việt miền Tây Nam Bộ, đó là tận dụng đúng thời điểm. Con người đoán định những sự việc, hiện tượng xảy ra theo quy luật thời gian mang tính chu kỳ và đón đợi, tận dụng những điều đó để làm lợi cho cuộc sống của mình.
2.2.2.1.Tận dụng chu kỳ của con nước
Dựa vào chế độ bán nhật triều, người Việt Tây Nam Bộ xác định thời điểm con nước để tận dụng khoảng thời gian quan trọng ấy vào các hoạt động của mình. Tận dụng chu kỳ con nước hàng ngày (ví như nước lớn, nước ròng) để đi lại bằng ghe xuồng là vấn đề thiết yếu của cư dân nơi đây. Tận dụng chu kỳ con nước hàng tháng (ví như nước rong, nước kém) để đi lại, giăng câu, chài lưới, đăng đó, đánh bắt thủy sản. Trúng con nước là trúng mánh. Và đặc biệt, tận dụng chu kỳ con nước hàng năm – nước nổi để khai thác các sản vật đặc biệt từ cây (bông súng, rau dừa, điên điển..) đến con (cá linh, cá sặc, chuột đồng, hến…) mà quan trọng nhất là đánh bắt thủy hải sản với năng suất cao, quy mô lớn, thời gian kéo dài nhất trong năm. Chính vì vậy mà mùa nước nổi được người dân miền Tây Nam Bộ vô cùng mong đợi.
2.2.2.2. Tận dụng mùa
Với người Việt miền Tây Nam Bộ, mùa mưa hàng năm là một thời điểm thuận lợi cho cả công việc ruộng vườn lẫn đồ ăn thức uống. Mưa tốt cho vụ hè thu năng suất cao. Mùa mưa cũng là mùa thu hoạch trái cây ở Tây Nam Bộ. Những lễ hội trái cây tôn vinh văn minh miệt vườn cũng diễn ra trong thời gian này, thời điểm thu hoạch rộ là khoảng Tết Đoan Ngọ mùng năm tháng năm.
Mùa mưa cũng là mùa sinh sôi nảy nở của các loại rau đa dạng ở Tây Nam Bộ (cải trời, lá cách, rau đắng, đọt chiếc, đọt choại, đọt xoài…), các loại nấm đặc sản (nấm rơm, nấm mối), các loại “con” đặc biệt (ếch, rắn, chuột, tép bạc…). Tận dụng chu kỳ mùa và những sản vật của mùa mưa, người Việt Tây Nam Bộ tạo nên những món ăn đặc trưng văn hóa vùng như bánh xèo nhân nấm mối, bánh xèo nhân tép bạc củ hũ dừa, ếch xào lá cách nước cốt dừa, tép bạc rang nước cốt dừa, rắn hổ nấu cháo đậu xanh…
Mùa mưa cũng là mùa của các loại cá đồng. Người Việt miền Tây đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để tận dụng thời điểm này mà khai thác. Nhà văn Sơn Nam đã cung cấp một số kinh nghiệm như sau: “Phải có kinh nghiệm mới đỡ cực nhọc. “Con cá trương vi quạt đuôi ra biển Bắc thì còn mong gì cá ấy trở lại chốn cũ ao nhà”. Câu ca vọng cổ đó nói sai. Cá có hang ở sông Cái. Mùa mưa, cá tìm đường lên ruộng, vào rừng mà đẻ. Bắt đầu mùa hạn, cá bỏ ruộng, bỏ rừng quay trở về hang cũ ở sông. Sự khôn ngoan của con người là chặn chuyến về của loài cá. Chặn cho đúng nơi, đứng lúc. Vào đầu mùa, cá thường ăn mồi khi nước lớn. Giữa mùa, cá ăn lúc chạng vạng, lúc trăng sửa soạn mọc. Hừng sáng, chừng đâm mây ngang, cá trở lại ăn một lần chót” [Sơn Nam 2005 ].
Với nghề ruộng, mùa mưa là mùa nông nhàn vì đã xuống giống, cấy hái xong vụ hè thu. Con người tranh thủ tận dụng thời gian nông nhàn trong thời điểm mùa mưa mà khai thác, đánh bắt. “Hơn ba trăm năm trước, từ ngày mở đất cho tới giữa thế kỷ XX, người dân quê Nam Bộ, chiếm trên 90% dân số, có tập quán làm ruộng mỗi năm một vụ – từ lúc trời sa mưa cho đến lúc lúa chín khoảng 6 tháng – và còn lại 6 tháng mùa khô là thời kỳ nông nhàn. Thời gian này, ngoài việc đánh bắt cá đồng, rập chim, rắn, rùa, bắt chuột, đi “ăn ong”, họ còn tham gia đủ thứ các trò chơi, các dạng tiêu khiền, giải trí” [Thạch Phương 1993]. Các trò chơi phổ biến một thời mà bây giờ trở thành ký ức tốt đẹp về văn hóa Tây Nam Bộ đó là: đá gà, đá dế, đá cá lia thia…Về sau, các trò chơi này càng nâng dần tính chất “cá độ”, người Việt miền Tây Nam Bộ còn dùng thời gian nông nhàn này để chơi đánh bài Tây, bài tứ sắc..
Cuối mùa mưa là mùa nước nổi, đó là mùa mà con người đã tận dụng chu kỳ hàng năm lại đến của nó mà thu nhiều nguồn lợi lớn cho chính mình.
2.3. Hệ quả
Thói quen tranh thủ thời gian, biết tận dụng thời điểm gắn với tính cách người Việt miền Tây Nam Bộ, là nguồn gốc của một số hệ quả tích cực và tiêu cực sau:
2.3.1.Tâm lý không thích “câu giờ”
Đã hình thành từ mấy trăm năm kiểu tận dụng thời gian một cách tối đa, nên trong tâm lý, tính cách của mình “Người Nam bộ thích làm cật lực, làm cho xong việc rồi nghỉ để làm việc khác, không có tư tưởng “câu giờ”. Nhiều khi gắng làm xong để đờn ca, hát xướng hoặc ăn chơi nhậu nhẹt còn hơn để “trầm ê”. Mà đã nhậu thì thường là “nhậu tới bến”, thà “cắt cổ hơn đổ rượu”; nhậu đến lúc “quắc cần câu” với “thủ tục” nhập xuất là “vào ba, ra bảy”. Họ không thích những người “xìu xìu, ểnh ểnh” “rề rề”; họ chẳng ưa những kẻ”Ăn như xáng thổi, làm như chổi cùn”; “ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi” hay hạng người “Cà nhỏng chống xâm lăng” suốt ngày nhàn rỗi, toàn nói chuyện xa vời, không thiết thực…” [ Hồ Tĩnh Tâm 2009].
Ngay cả trong những ứng xử của quan hệ nam nữ, người Việt miền Tây cũng thể hiện “ngôn ngữ tri nhận” về tranh thủ, tận dụng thời gian thông qua bối cảnh cô gái “hối thúc” chàng trai thổ lộ tình cảm:
Trăng lên rồi đó anh kìa
Nói chi , nói lẹ , em ” dìa” kẻo khuya
2.3.2.Đánh giá cao tính lẹ làng, tháo vát:
Người Việt miền Tây Nam Bộ thường có thiện cảm, đánh giá cao những người có tác phong nhanh nhẹn mà dân gian hay gọi là “lanh lẹ”, “lẹ làng”, “mau mắn”…Trong phương ngữ đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều từ khác có liên quan tính chất này như : dọt lẹ, mau lẹ, lẹ lẹ, lẹ lên… Những người có tác phong “tác nghiệp” nhanh đều được nể trọng: phát cỏ nhanh, cấy lúa, cắt lúa nhanh, chèo mau, bơi giỏi…
Trong đặt tên con cái, người Việt cũng ưa chuộng những cái tên phản ánh tính cách mà mình mong đợi: Hai Nhanh, Ba Lẹ, Bảy Lanh, Tư Mau… Trong Truyện Trạng Bến Tre, có nhân vật ông Bảy Lẹ ở vùng Cẩm Sơn, Mỏ Cày nói trạng rất tài. Bảy Lanh cũng là một hình ảnh quen thuộc trong ca dao Nam Bộ
Bảy lanh để Bảy đưa đò
Lên doi xuống vịnh giọng hò Bảy lanh
2.3.3.Tư duy “Đi tắt đón đầu”
Từ thói quen đi tắt trong vận chuyển đi lại của giao thông sông nước, ruộng đồng, người Việt miền Tây còn cho thấy tố chất “đi tắt đón đầu” trong cách nghĩ, cách làm. Tố chất ấy thể hiện trong mỗi bản thân người nông dân “Hai Lúa” Tây Nam Bộ, những mô hình canh tác mới người nông dân tự nghĩ ra, táo bạo áp dụng cho ra những hiệu quả cao bước đầu như mô hình “con tôm ôm cây lúa”, “nuôi tôm mùa nước nổi”…Tố chất này cũng thể hiện rõ trong những vị lãnh đạo có cái nhìn “đón đầu” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người con của đất Vĩnh Long.
Đi tắt, nghĩ tắt, làm tắt, người Việt miền Tây Nam Bộ còn nói tắt. “Một đặc trưng nữa của ngôn ngữ Nam Bộ là tính rút ngắn. Người dân đi chợ không hỏi chỗ cá này bao nhiêu tiền, mà thường chỉ vào nó rồi hỏi: nhiêu hoặc bi nhiêu? Từ đó hình thành cách nói: bi dai, bi lớn, bi to, ế cum vầy nè, bự trảng thấy sợ, bành ky luôn, đẹp hết biết, hay hết xẫy, trúng ngay phóc, đụng ngay boong, nói ngay tróc, ngon hết ý… Nghĩa là chỉ cần nói chừng đó, chứ không cần mất công diễn tả, diễn giải dài dòng. Tìm cách để nói gộp tất cả lại cho nhanh là cách nói rất phổ biến. Chẳng hạn: người ta vầy mà nhỏ!” [Hồ Tĩnh Tâm 2009 ]
2.3.4. Chơi xả láng
Tâm lý tận dụng thời điểm nông nhàn để ăn chơi, để nhậu xả giàn, xả láng, xả cảng… “Tha hồ mà nhậu, mà vui, không câu nệ, không khách khí, không việc gì phải gò bó lẫn nhau” [Hồ Tĩnh Tâm 2009] là tâm lý thường thấy ở người Việt miền Tây Nam Bộ. Tâm lý này, hành động này tồn tại sâu sắc ở con người nơi đây, cả đến khi thời gian nông nhàn được rút ngắn, ruộng làm ba vụ, vườn làm quanh năm. Tâm lý này cũng làm ảnh hưởng nhiều đến hiện trạng đời sống kinh tế Tây Nam Bộ, một trong những vùng kinh tế nghèo của đất nước.
3. Kết luận
Thời gian là thứ tài sản quý báu mà không thể tìm vật ngang giá để trao đổi. Chủ thể nào tận dụng được thời gian thì cuộc sống sẽ có giá trị. Người Việt miền Tây Nam Bộ chỉ hơn ba trăm năm chinh phục đất mới nhưng bằng ý thức tận dụng thời gian, tranh thủ “đi tắt đón đầu”, cư dân vùng đất này đã bước thật nhanh, sớm bắt kịp nhịp độ phát triển của các vùng khác trong quốc gia và khu vực. Văn hóa tận dụng thời gian này cần được gìn giữ và phát huy.
Nguyễn Thị Phương Duyên
Nguồn: vanhoahoc.edu.vn