Menu Đóng

NSƯT-Soạn Giả Viễn Châu

Huỳnh Trí Bá là tên thật của NSƯT Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu. Ông sinh năm 1924 trong một gia đình nho học trung nông tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Khi còn học ở trường, ông đã mê đờn ca, cả tân lẫn cổ, thường có mặt trong các buổi đờn ca tài tử, hoặc cùng bạn bè tổ chức đờn ca. Là đứa con thứ bảy trong gia đình nên khi thành danh nhạc sĩ, người trong xóm và các bạn trong nhóm đàn ca tài tử gọi ông là Bảy Bá.

NS viễn châu

Sự hiểu biết về bài bản cải lương là do ông học lóm chương trình ca cổ ở các dĩa nhựa và đài phát thanh, ngoài ra, ông được dịp làm quen, học hỏi nhiều về đờn ca với nghệ sĩ ở đoàn hát thời xưa như Văn Võ hí ban, bầu Lúa, bầu Phục, bầu Hùng mỗi khi đến địa phương lưu diễn. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, violon, guitar và được nhiều người khen ngợi. Ham vui, ông bỏ nhà lên Sài Gòn tìm đến các ban nhạc lừng danh lúc bấy giờ. Nhờ tài hoa nên ông có mặt trong một dàn nhạc cùng với rất nhiều nhạc sĩ tài danh lúc đó như Jean Tịnh (violon), Bảy Hàm (đàn cò), Hai Biểu (tranh), Chín Hòa (kìm)…, là một ban cổ nhạc có tiếng ở đài phát thanh bấy giờ, đàn cho các danh ca lúc đó như: Cô Năm Cần Thơ, Ngọc Nữ, Ba Vĩnh Long, Tư Bé,… Cái tên Bảy Bá được biết từ lúc đó.

Một kỷ niệm đáng nhớ của NS Bảy Bá trong những năm đầu vào nghề: ông thường lui tới những nơi có đờn ca tài tử và quen biết với nhạc sĩ Mười Còn, lúc đó đang đờn cho đoàn kịch Năm Châu. Bất ngờ, trước chuyến lưu diễn ra Hà Nội, nhạc sĩ đàn tranh của đoàn bị bệnh, NS Mười Còn thuyết phục Bảy Bá theo đoàn đi lưu diễn suốt hai tháng rưỡi… nhưng khi vừa về tới Sài Gòn thì một người anh của ông là Huỳnh Thanh Tòng bắt ông về quê, không cho theo đoàn hát nữa…

Trong sự nghiệp sáng tác đáng nể trọng đó, NS Bảy Bá, soạn giả Viễn Châu còn là cha đẻ của bản tân cổ giao duyên. Ông đã nói về những gian nan trong quá trình hình thành bài tân cổ giao duyên: “Lúc đầu có nhiều người không đồng ý, không chịu đưa bản nhạc cho tôi sáng tác lời vọng cổ. Thế là với hiểu viết về âm nhạc của mình, tôi đã tự mày mò viết lấy.

Tôi cũng không ngờ khi ra đời,tân cổ giao duyên lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Sau này, nhiều nhạc sĩ mới tin tưởng đưa sáng tác của mình cho tôi viết lời vọng cổ…”. Thế mới thấy, niềm đam mê âm nhạc (cả tân lẫn cổ) từ thuở thiếu niên đã giúp ông tạo nên một “kỳ duyên” cho hai loại hình tưởng chừng đối nghịch nhau.

Bảy Bá có khiếu viết văn, làm thơ và ham thích âm nhạc từ nhỏ. Sau khi học hết lớp năm, thi lấy bằng cấp sơ học ( CEPCI ) ông nghỉ học, ở nhà giúp cha mẹ quán xuyến việc làm ăn,những khi rỗi rảnh ông theo các bạn đi học đàn ca cổ nhạc.

Theo lời ông kể thì trong nhóm đờn ca tài tử trong xã của có một anh có tiền, thích đờn tranh, rước một ông thầy mù về dạy anh đờn tranh. Bảy Bá không tiền mua đàn nhưng rất thích đàn tranh nên mỗi khi ông thầy dạy cho anh bạn thì Bảy Bá đứng gần đó nghe, học lóm. Thời đó nhạc tài tử ở quê ông, người ta thường dùng đàn kìm, đàn cò, đàn guitare phím lõm, không mấy ai biết đàn tranh. Bảy Bá có năng khiếu âm nhạc, ông thầy dạy bạn anh, bạn ông học hoài mà không thuộc, ngón đờn lọng cọng khó khăn, Bảy Bá chưa từng rớ tới cây đàn tranh đó, chỉ nhìn theo ngón đờn của ông thầy, nghe lời dạy, nhớ chữ đờn, ông thuộc hết những bài bản, ngón đờn của ông thầy dạy và khi người bạn cho ông mượn cây đờn,ông đã đờn hay tới nỗi ông thầy đờn mù lắng nghe, tức giận, nói: Mầy đờn ngón đờn còn tươi mướt hơn tao mà mầy giả vờ rước tao về dạy cho mầy. Phải là mầy muốn giỡn mặt tao không ? . Ông thầy mù tưởng lầm người mới vừa đờn là người học trò mà ông đã dạy mấy tháng qua. Bảy Bá phải lên tiếng để ông nhận người vừa đờn là ai và Bảy Bá công nhận là anh đã học lóm của ông thầy mấy tháng qua. Người bạn ông chán ngán việc học đàn tranh vì thấy khó mà đờn cho hay nên anh cho Bảy Bá cây đàn. Từ đó Bảy Bá đêm ngày tự luyện ngón đờn, vì biết cổ nhạc sẵn, lại có năng khiếu và chuyên cần, Bảy Bá nổi tiếng danh thủ đàn tranh khi anh được 15 tuổi. Bảy Bá được anh em tôn lên làm nhạc trưởng dàn nhạc tài tử và được mời đến đờn ca trong các đám tiệc quan, hôn, tang, tế và các buổi hòa ca cổ nhạc ở địa phương. Nhạc sĩ Sáu Quí, danh thủ đàn tranh của đoàn cải lương Con Tằm, nhân dịp về Trà Vinh thăm nhạc sư Hai Phát, nghe tiếng đồn, bèn tìm đến nhà Bảy Bá ở Đôn Châu. Sáu Quí nghe Bảy Bá đờn và ông khen Bảy Bá là một nghệ sĩ có tài năng bẩm sinh, tương lai vô cùng rực rỡ trong lãnh vực cải lương và cổ nhạc.

Khi cha mẹ ông mất, ông để cho các anh chị thừa hưởng gia sản, một mình với cây đàn tranh, ông lên Sàigòn kiếm việc làm và tạo lập tương lai. Đến Sàigòn, nhờ có ngón đàn tươi mát, sắc sảo, ông được các bạn mới trong giới nhạc sĩ giới thiệu đi đờn ca trong các tiệc vui và đi đờn cổ nhạc ở Đài Pháp Á. Tuy thỏa mãn nỗi đam mê nghệ thuật nhưng cuộc sống của Bảy Bá thiếu thốn, đói rách như các nghệ sĩ nghèo khác. Sống lang thang, nay ngủ nhờ nhà bạn nầy, tháng sau đến xóm khác, chỉ có cây đàn tranh là bạn chung thủy chia sẻ với ông niềm vui nỗi buồn. Khi được báo chí phỏng vấn ông, hỏi ông có kỷ niệm nào sâu sắc nhứt trong buổi thiếu thời thì ông lấy ra một cái hộp gỗ cẩn ốc xa cừ mà anh cất trang trọng trong hộc tủ của bàn thờ cha mẹ ông. Trong hộp gỗ đó, ông cất giữ một tờ giấy « Một Đồng Bạc Đông Dương » mà ông đã gìn giữ như một báu vật đã nửa thế kỷ rồi. Ông xúc động, không ngăn được giòng lệ khi nhắc lại lai lịch của tờ giấy bạc một đồng Đông Dương đó: Năm 1940, khi mới tới Sàigòn được vài tháng, tôi được các bạn nhạc sĩ đưa đi đờn ca trong một tiệc cưới ở Giồng Ông Tố. Đêm đó đờn ca quá khuya, tôi mệt mỏi, ngủ quên, khi thức giấc thì các bạn nhạc sĩ đã trở về Sàigòn lúc nào không biết, tôi tới xứ lạ quê người, không biết đường biết xá, không quen biết ai cả mà trong túi lại không có tiền, không biết làm sao để trở về Sàigòn. Tôi vừa đói, khát, lại vừa sợ, không biết làm sao xoay sở, tôi ôm cây đàn tranh, đi loanh quanh từ chợ ra tới vệ đường, gần cây cầu đúc, hy vọng gặp một người quen biết nào đó có thể giúp tôi, nhưng thật là thất vọng. Tôi ôm cây đàn, ngồi trên bực xi măng của cây cầu đúc, gục mặt suy nghĩ coi phải làm sao đây. Bỗng có một người vỗ vai tôi, hỏi tôi có chuyện gì buồn mà ra ngồi ở trên cây cầu nầy? Có lẽ ông tưởng tôi thất tình hay buồn việc chi có thể nhảy xuống sông tự vận nên vừa hỏi chuyện tôi, ông vừa dìu tôi trở lại chợ. Ông nói ông muốn đi ăn hủ tiếu, ông mời tôi ăn với ông cho vui. Khi tôi nói thiệt hoàn cảnh bơ vơ của tôi, ông đãi tôi ăn rồi nhét vô túi tôi một đồng bạc, đồng bạc Đông Dương nầy đây, rồi ổng dẫn tôi lại một người đánh xe ngựa, trả tiền xe và biểu chở tôi về Sàigòn, chỗ bến xe ngựa, bên hông ga xe lửa. Về tới đó là tôi biết đường rồi, tôi mừng quá,cám ơn ông luôn miệng, nhưng sao tôi ngu quá hay là quá bối rối mà quên hỏi tên ông, cũng không biết là ông nhà ở đâu. Tôi về Sàigòn, không dám xài đồng bạc quí giá nầy, khi tôi được ông Sáu Quí giới thiệu vô đờn cho đoàn Việt Kịch Năm Châu, có công ăn chuyện làm, có chút đỉnh tiền bỏ túi, tôi trở về Giồng Ông Tố kiếm ông ân nhân của tôi nhưng mà không biết hỏi ai, anh đánh xe ngựa cũng đi đâu mất, thành ra không làm sao đền ơn đáp nghĩa được. Tôi có viết truyện ngắn, làm thơ đăng báo nên có đăng câu chuyện thật của tôi, hy vọng ông ân nhân của tôi đọc, biết mà liên lạc với tôi. Nhưng năm mươi năm rồi, tôi không kiếm được người đã gia ơn cứu giúp tôi trong cơn nguy khốn đó, tôi nghĩ có lẽ ông đã ra người thiên cổ rồi, tôi để Đồng Bạc ơn nghĩa nầy trong cái hộp như một gia bảo và để chung trong tủ thờ cha mẹ tôi, tôi thờ ông trong tâm tưởng của tôi. Những dịp làm công việc từ thiện, đờn ca gây quỹ cứu trợ người nghèo đói thương tật hoặc bị thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, tôi tham gia tích cực và coi như noi gương của người ân nhân ẩn danh của tôi

Năm 1943, Bảy Bá theo đoàn Việt Kịch Năm Châu lưu diễn từ Nam ra Bắc. Trong dịp nầy Bảy Bá được anh Năm Châu chú ý nhờ tài làm thơ, viết truyện ngắn đăng báo của anh nên khuyến khích và giúp đỡ anh trong việc soạn tuồng cải lương.

NGƯỜI TẠO DANH CHO NGHỆ SĨ
Năm 1959, nhân đi nghe ca ở quán, ông chú ý tới lối ca của NS Văn Hường. Thế rồi ông có sáng kiến viết bài vọng cổ hài cho Văn Hường thu đĩa. Sáng kiến này tạo sự mới mẻ và gây tiếng vang lớn về bản vọng cổ hài hước, đưa Văn Hường trở thành một ca sĩ vọng cổ hài duyên dáng và độc đáo. Đến nay nhiều người còn nhớ những bài: “Tôi đi làm rể”, “Ba chàng rể quý”, “Tư Ếch đi Sài Gòn”, “Vợ tôi tôi sợ”, “Văn Hường nể vợ”, “Tâm sự Văn Hường”, “Vợ tôi nói tiếng Tây”,…

Từ năm 1964, ông mạnh dạn làm một cuộc giao duyên giữa nhạc tân và nhạc cổ. Bản đầu tiên “Chàng là ai?”(Tân nhạc của Nguyễn Hữu Thiết), bản nhạc này do nữ NS Lệ Thủy ca.Ngay lập tức ông thành công với thể loại này vì đĩa bán rất chạy. Dù lúc đó có ý kiến không đồng tình với sự “giao duyên” này, nhưng nhiều thính giả ưa thích nên các hãng đĩa thay nhau ký hợp đồng mời soạn giả Viễn Châu cộng tác. Một số đoàn hát lúc đó cũng theo “mốt” tân cổ giao duyên mà thêm vào khi diễn viên ca vọng cổ.

Thời kỳ bản vọng cổ lên ngôi, các danh ca được người xem ưa thích nhờ làn hơi đẹp, mượt mà, nhưng nội dung bản vọng cổ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp cho người nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình. Soạn giả Viễn Châu được mệnh danh là “người tạo danh cho các nghệ sĩ”, bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được đông đảo người xem yêu thích, như: Mỹ Châu với bài “Hòn vọng phu”, Tấn Tài với “Mùa xuân của mẹ”, Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu”, Bạch Tuyết với “Hai sắc hoa Ti-gôn”, Thanh Nga với “Nguyệt Kiểu xuất gia” và “Hai lối mộng”,… Sau giải phóng, tác phẩm của ông vẫn được nhiều người ưa thích với các danh ca khó có người thay thế như: “Người mẹ miền Nam” (NS Thanh Nga), “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (Thanh Kim Huệ), “Nửa mảnh khăn rằn” (Út Bạch Lan),…

Viễn Châu là người đề xướng ra bài vọng cổ Tân Cổ Giao Duyên, đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các báo chí, trang kịch trường trong hai thập niên 60, 70.

Nhạc Sĩ Bảy Bá nổi danh trong lãnh vực soạn tuồng dưới nghệ danh Viễn Châu.

Năm 1950, Bảy Bá bắt đầu viết tuồng, vở tuồng đầu tiên tựa lá Nát Cánh Hoa Rừng, nghệ danh soạn giả Viễn Châu. Ông cho biết quê ông ở xã Đôn Châu, mà hiện nay thì xa quê, ở nơi viễn xứ, nên lấy chữ Viễn, chữ đầu của Viễn xứ, cộng với chữ chót trong tên xã Đôn Châu, thành ra Viễn Châu để mãi mãi nhớ về quê hương nguồn cội của ông.Vở Nát Cánh Hoa Rừng cảm tác từ chuyện đường rừng của Khái Hưng và được nghệ sĩ tiền phong Năm Châu đứng ra làm đạo diễn nên tuy là vở tuồng sáng tác đầu tay nhưng soạn giả Viễn Châu đã gặt hái được thành công rực rỡ. Kế tiếp, trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, các soạn phẩm của Viễn Châu như Tấm Cám, Khoai Lang Dương Ngọc, Thạch Sanh Lý Thông, Lâm Sanh Xuân Nương cũng đạt được doanh thu đáng kể cho đoàn Việt Kịch Năm Châu trong những năm 1950, 51, 52. Kể về kỷ niệm thời kỳ nầy, soạn giả Viễn Châu rất xúc động, nói: Tôi may mắn được gia nhập vào một sân khấu nghiêm túc, kỷ cương chặt chẽ, có nhiều nghệ sĩ tài hoa; được học hỏi nhiều ở các bậc đàn anh như Năm Châu, Năm Nở, cho nên con đường đến với sân khấu cũng được suông sẻ, mau nổi tiếng. 

Sau đó, ông tự nhận xét là khi mới bắt đầu viết tuồng, ông chưa nghĩ ra được cốt chuyện nên dùng những chuyện cổ tích mà mọi người đều biết giống như bên hát bội hay cải lương tuồng Tàu, người ta soạn tuồng dựa vào chuyện Tam Quốc, chuyện Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quí chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây. . . Với cốt truyện cổ tích được nhiều người biết,người viết chỉ cần có văn chương tươi mát, trữ tình và viết vui vui, hài hước một chút là dễ được khán giả chấp nhận thưởng thức.

Cuối năm 1955, khi bộ tứ giám đốc Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga hợp lại lập nên đoàn cải lương Kim Thanh – Út Trà Ôn thì soạn giả Viễn Chậu được mời về làm soạn giả thường trực. Trên sân khấu Kim Thanh, Viễn Châu thành công với các tuồng:Tình Vương Hoa Thắm, Sau Bức Màn Nhung, Đời Cô Nga, Tiếng Đàn Trong Ngục Tối, Tình Mẫu Tử, Hàn Mạc Tử…

Năm 1960, Viễn Châu về hợp tác với đoàn Thanh Minh rồi Thanh Minh Thanh Nga. Thời gian nầy anh Viễn Châu và tôi hợp soạn các tuồng Đời Hai Mặt, Thầy Cai Tổng Bồi, Chén Cơm Đô Thành, và theo yêu cầu của bà Bầu Thơ, chúng tôi không đứng tên trên ba soạn phẩm kể trên mà ghi là tác giả Bảo Quốc, vừa là kỷ niệm ông Bầu Nghĩa, người anh, người bạn của chúng tôi, vừa giúp quảng cáo cho Bảo Quốc khi cháu vừa chập chững bước lên sân khấu. Sau đó Viễn Châu hợp soạn với soạn giả Ngọc Huyền Lan tức ký giả Nguyễn Ang Ca các vở Hoa Mộc Lan, Con Gái Hoa Mộc Lan, Thiên Thần Trên Thiết Mã. . .

Khán giả ưa thích sản phẩm của Viễn Châu không phải vì cốt chuyện tình tiết ly kỳ mà vì câu chuyện tuồng tích quen thuộc với lời văn trau chuốt, trữ tình, dễ hiểu.

Dân ghiền cải lương thưỡng phong cho Út Trà Ôn là Vua Vọng Cổ, Văn Hường là Vua Vọng Cổ Hài, Út Bạch Lan là Nữ Hoàng vọng cổ, Viễn Châu được phong là Vua viết lời ca bài Vọng Cổ.

Quả thật là vậy, các nghệ sĩ thành danh, được phong ngôi vị vương giả trên sân khấu cải lương đều nhờ vào bài ca vọng cổ của Viễn Châu:Út Trà Ôn, Vua vọng cổ, khởi đầu được khán giả thích qua các bài Tôn Tẫn giả điên, Thái Sư Văn Trọng giáng thập điều, nhưng mãi về sau người ta nhớ và nhắc Út Trà Ôn qua các bài vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu, Ông Lão Chèo Đò, Sầu Vương Ý Nhạc của Viễn Châu ( và rất nhiều bài vọng cổ của Viễn Châu mà anh Út Trà Ôn ca, thu vô dĩa Asia, Hồng Hoa, Việt Hải, Continental. . . ).

Út Bạch Lan khi mới vào đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn thì chỉ làm thế nữ, quân hầu, Viễn Châu viết vọng cổ thêm vô tuồng Tình Vương Hoa Thắm, giới thiệu giọng ca của Út Bạch Lan.Sau đó Viễn Châu viết nhiều bài ca vọng cổ và hướng dẫn cho Út Bạch Lan ca trên các hãng dĩa Asia, Hồng Hoa, Continental, Việt Nam, Việt Hải. . . Từ đó Út Bạch Lan nổi danh là Nữ Hoàng Vọng Cổ.

Văn Hường cũng được Viễn Châu khám phá tài năng nhân buổi tiệc nhậu đàn ca trong giải trí trường Thị Nghè, sau đó Viễn Châu viết hơn 200 bài vọng cổ hài hước, tạo cơ hội cho Văn Hường chiếm ngôi vị độc tôn trong lãnh vực ca hài.Hề Sa cũng nhờ vào những bài vọng cổ hài của Viễn Châu mà nổi danh. . .

Các khôi nguyên vọng cổ từ thập niên 1960 trở về sau này như Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Tuấn đều ca các bài vọng cổ của Viễn Châu khi đi thi ca vọng cổ và nhờ đó mà đoạt các giải khôi nguyên.

Các lò dạy cổ nhạc của các nhạc sư, nhạc sĩ Út Trong, Hai Khuê, Văn Vĩ, Bảy Quới, Tấn Nhì, Văn Giỏi, Vũy Chỗ, Ba Tu, Kim Anh, Hoàng Huệ, Văn Còn, Thanh Hải. . . đều dùng các bài vọng cổ của Viễn Châu sáng tác làm bài mẫu để dạy ca cho học trò.

Các nghệ sĩ tài danh các thập niên 1960, 1970, 1980, ngoài những thành tích đạt được về ca và diễn trên sân khấu, còn nhờ vào việc ca thu thanh trên dĩa nhựa, được Đài Phát Thanh, Đài Truyền Hình loan tải đi khắp đến tận các làng mạc xa xôi. Khi ca vọng cổ thu dĩa, ba phần tư các bài được các nghệ sĩ đó thu thanh là sáng tác phẩm của Viễn Châu, có thể nói là nhờ vào các bài vọng cổ đó mà nghệ sĩ phát triển thêm khả năng ca, luyến láy, đánh bóng, điểm tô thêm vùng hào quang danh vọng của mình trong lãnh vực ca vọng cổ và trên sân khấu.

Người ta nhắc nhở và khen ngợi Hữu Phước và Thành Được trong bài vọng cổ Cao Tiệm Ly tiễn Kinh kha; Hữu Phước được mệnh danh giọng ca vàng qua các bài vọng cổ của Viễn Châu như Tần Quỳnh khóc bạn, Mục Liên tìm Mẹ, Nhựt Ký Đời Tôi, Lá Bàn rơi. Đêm Tái Ngộ. . . Thành Được và Út Bạch Lan được nhắc nhở hoài qua các bản Hoa Lan Trắng,Thương Về Xứ Huế, Vợ Tôi Đi Lấy Chồng. . . Hương Lan nổi danh trong bài Đời Nghệ Sĩ, . . . , Mỹ Châu, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Hải, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Thanh Tuấn, Tuấn Thanh, Hoài Thanh, Đỗ Quyên. . . , nói chung những nghệ sĩ cải lương tài danh các thập niên 1960, 1970, 1980 đều có ca các bài vọng cổ của Viễn Châu sánh tác, thu dĩa cho các hãng dĩa lớn như Asia, Hồng Hoa, Việt Nam, Sơn Ca, Việt Hải, Continental, Capitol, Quê Hương, Sóng Nhạc. . .

Sau này trong các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc, Sân Khấu vào Học Đường, Câu Lạc Bộ ca tài tử, các nghệ sĩ thế hệ thứ ba như Kim Tử Long, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền,Trinh Trinh, Hữu Quốc, Quế Trân, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Thoại Miêu, Thoại Mỹ. . . đều có ca các bài vọng cổ của Viễn Châu sáng tác trước và sau 1975.

Viễn Châu viết vọng cổ, mỗi vế ca đều viết theo khuôn khổ, có vần điệu, số chữ vừa theo chữ đờn; đó là điều cơ bản giúp cho việc dạy ca và học ca được dễ dàng và có kết quả.

Viễn Châu là nhạc sĩ và cũng là thi sĩ nên các bài vọng cổ là thơ và nhạc, có chất liệu văn học, mỗi câu hát lời ca, mỗi nhân vật của Viễn Châu đều được gởi gấm chút niềm tâm sự,một chút tình, thứ tình cảm lãng mạn trong một tâm hồn đa tình, lãng tử. Có khi là một chút hình ảnh của quê hương có ánh sáng lập lòe của bầy đom đóm, có tiếng gà trưa lẫn tiếng chuông chùa công phu văng vẳng, có khi là hình ảnh những người nông phu bình dị mà ông bất ngờ bắt gặp trên đường đời mà nỗi bất hạnh, nỗi buồn khổ của họ hay chuyện tình nên thơ mà dang dở của họ đã để lại trong tâm hồn ông nhiều ray rứt, cũng có khi là một chút cảm khái « dư nước mắt khóc người đời xưa.». Nói chung những nhân vật của ông trong tuồng, trong vọng cổ đều chuyên chở dùm cho Viễn Châu nỗi niềm hoài niệm một thời thơ ấu đa tình, một chút lãng mạn của một người yêu đời, yêu thơ văn và âm nhạc.

Tuy không mang danh là thi sĩ như Kiên Giang, như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, nhưng ông đã viết hàng ngàn câu thơ hay trong các bài ca vọng cổ của ông.Mỗi bài ca vọng cổ độc chiếc thường thường là có ít ra 8 câu thơ, 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1 và 4 câu thơ nói lối khi ca câu 5, câu 6, hoặc thơ trong lòng câu vọng cổ:

Trong bài vọng cổ « Hoa Đào Năm Ngoái », 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1:
Cánh chim về tổ chở mây xa
Liễu biếc sầu ai quạnh nắng tà
Người đẹp đâu rồi, cây nhớ bóng
Lan đình còn đọng dấu hài hoa.

Và 4 câu thơ khác, nói lối gát vô câu vọng cổ số 5:
Hương tóc mơ màng, hương cố nhân
Người xưa lưu lạc bước phong trần
Hồn thơ rũ rượi sầu ngăn cách
Lá chết rơi nhiều quyện gió đông.

Trong bài vọng cổ Phàn Lê Huê – Tiết Đinh San, 4 câu thơ tâm sự của Phàn Lê Huê gát vô câu vọng cổ 4:
Chăn gối hững hờ, chăn gối lẻ,
Phấn hương lợt lạt phấn hương tàn
Bao nhiêu thương nhớ bao nhiêu lệ
Mộng ước thôi rồi chịu vỡ tan.

Trong bài Cô Hàng Cà phê, 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1 :
Gió thổi tơi bời xác lá bay
Mưa rơi từng giọt mái hiên ngoài
Em ngồi lẳng lặng bên khung cửa
Hướng nẻo chân trời để nhớ ai.

Và đây 4 câu thơ gát vô câu 5, cũng bài Cô Hàng Cà Phê:
Chiều xuống lâu rồi mưa vẫn tuôn
Ngoài kia phố thị hắc hiu buồn
Tôi nghe rười rượi hồn du tử
Không kẻ mong chờ cũng nhớ thương.…….

Thơ trong tuồng, trong các bài ca vọng cổ của Viễn Châu thì nhiều lắm. Mặc dầu Viễn Châu biết rằng làm thơ không phải để trở thành thi sĩ, không phải để nổi tiếng với thơ, nhưng ông biết làm thơ nên lời ca các bài vọng cổ của anh cũng êm ả như thơ vậy. Đúng ra ông viết lời ca vọng cổ với một tâm hồn thi sĩ, tâm hồn lãng mạn đã yêu thơ từ thuở thiếu thời:
Mưa lạnh run run gió dật dờ
Thành đô bỗng chốc hóa tiêu sơ
Đôi dây khoan nhặt cười ray rứt
Năm ngón cung thương khóc sững sờ
Tháng lụn năm tàn già héo hắt
Quê người xứ lạ trẻ bơ vơ
Chiều nay có kẻ nhiều tâm sự
Nước mắt hòa trong nhạc với thơ.

Mỗi bài vọng cổ có ít nhất là 8 câu thơ, tính chung 2000 bài vọng cổ, Viễn Châu đã viết 16.000 câu thơ!

Mỗi bài vọng cổ được viết như một chuyện tình ngắn, một bài thơ tâm sự, mỗi bài đều có nhân vật khác nhau, tâm tình khác nhau, câu chuyện khác nhau, vậy thì 2.000 bài vọng cổ là 2.000 câu chuyện ngắn khác nhau. . .
cailuongvietnam.com

Posted in Nghệ thuật

Bài tham khảo