Nam bộ là vùng đất lành, chim đậu, mưa thuận, gió hòa. Có lẽ vì vậy mà hậu quả của “Năm Thìn bão lụt” (1904 và 1952) đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí người dân. Không phải vô cớ mà các bậc lão nông còn nhắc lại ký ức kinh hoàng của các trận lũ đã được lưu truyền suốt thế kỷ vừa qua. Câu truyền khẩu, cả trong dân ca, đều lặp lại các trận lũ lớn xảy ra đúng vào năm con rồng đến với vùng châu thổ sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản của người dân miền Nam thuở ấy…
“… Gặp em đây, mới biết em còn
Hồi năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi…”
“Năm Thìn bão lụt” là những năm nào?
Trận đại hồng thủy đến vùng châu thổ sông Mekong vào đầu thế kỷ thứ 20 là trận bão lụt năm 1904 – năm Giáp Thìn. Các cụ già kể lại một trận mưa bão dữ dội kéo dài suốt ngày 13-3 âm lịch làm trời đất tối âm u. Câu ca dao còn lưu truyền:
“Tháng ba, mười ba còn ghi
Nhựt thực giờ Ngọ, vậy thì tối tăm”
Nước mưa đổ không ngớt làm ngập tất cả các cánh đồng và làng mạc. Đến ngày 16-3 âm lịch (ngày 1-5 dương lịch), ngay kỳ nước triều cường ở biển Đông xuất hiện một trận bão – có giả thiết có một trận động đất ngoài khơi vùng biển của khu vực Tiền Giang hiện nay – khiến nước biển đột nhiên dâng cao, rồi tiến sâu vào đất liền với những đợt sóng cao hơn 3m. Con sóng cuốn trôi nhiều nhà cửa, sinh mạng và hoa màu. Liên tiếp đến ngày 23-3 thì lũ trên hai nhánh sông Tiền và sông Hậu dâng lên mãnh liệt:
“Hăm ba còn tái gió dông
Rồng kia lấy nước hai ông rõ ràng”
Thiệt hại lớn nhất tập trung ở vùng Gia Định, Gò Công, Tân An và Mỹ Tho. Đây là các cơn mưa bão rất bất thường vì miền Nam thường chỉ có bão hay ảnh hưởng bão vào những tháng cuối năm chứ ít khi xảy ra vào cuối mùa khô hoặc đầu mùa mưa. Các lưu truyền xưa cũng cho biết trong năm Thìn 1904, nhiều tỉnh miền Trung như Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An cũng bị những trận bão lụt gây thương vong cho người dân ven biển rất lớn.
Theo các nhà khoa học, trận bão lụt năm Giáp Thìn (1904) là trận sóng thần, địa bàn ảnh hưởng của nó hầu như khắp Việt Nam và sang tận Campuchia. Trong đó:
“Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào,
Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh.
Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh,
Thảy đều hư hại đành rành chẳng sai.
Vĩnh Long, Sa Đéc một vài,
Cần Thơ cây ngã, lầu đài vô can”
Tiếp theo những năm Thìn khác có xuất hiện bão lụt lớn như năm 1952 (Nhâm Thìn), 1964 (Giáp Thìn), 1976 (Bính Thìn), 2000 (Canh Thìn)… Những năm này thiên tai và bão lụt đều gây những thảm họa cho người dân Nam bộ.
Do quen sống trong vùng đất mà khí hậu quanh năm hiền hòa, đất trời chưa khi nào trở chứng nên người dân Nam bộ đâm ra chủ quan. Vả lại, họ cũng chẳng có mấy kinh nghiệm đối phó với bão lũ. Vì vậy, thiệt hại của cơn bão năm Giáp Thìn là hết sức nghiêm trọng. Nhà cửa nát tan, bờ ao ruộng lúa, gà vịt chẳng còn
” Trong hương doanh ngập hết cửa nhà
Ngoài viên địa gãy tan xoài mít”
Ở góc độ toàn xã hội, thiệt hại về cơ sở vật chất cũng rất to lớn:
“Xe lửa chạy tới Tân An
Tốp máy chẳng kịp, ngã ngang té nhào”
Giao thông liên lạc bị đình trệ:
“An Nam lại với người Tây
Chạy đánh giây thép, gió bay tróc rồi”
Giao thông đường thủy, nghề đánh bắt thủy hải sản, ghe thuyền trong dân cũng bị thiệt hại nặng nề:
“Tại kinh Nước Mặn chết nhiều
Ghe bầu, tàu khói tấp xiêu lên bờ
Đứt neo, gãy bánh nằm trơ
Tàu khói lên bờ huống luận là ghe”
(Tàu khói tức tàu ống khói, tàu có động cơ. Gãy bánh tức gãy bánh lái tàu).
Cả bốn bài vè đều có những dòng đau xót diễn tả cảnh tan đàn lạc nghé, vợ chồng ly tán… ở khắp các địa phương. Nhưng bi thảm nhất vẫn là khu vực từ Sài Gòn đến Mỹ Tho:
“Ghe bầu trôi tấp lên bờ
Thây ma trôi tới Cần Giờ quá đông”
Chỉ nội khu vực Gò Công, Tân An:
“Chôn rồi lại lấy lời khai
Tính trong sổ bộ một muôn hai rõ ràng
Tân An lại với Gò Công
Gẫm trong bão lụt không còn người ta”
Tất nhiên, do tính văn nghệ hóa của một bài vè, các chi tiết, nhất là những chi tiết mang tính thống kê chỉ là tương đối nên không thể khẳng định chỉ riêng Gò Công và Tân An đã chết đến 12.000 người. Nhưng qua đó, chúng ta có thể hình dung mức thiệt hại hết sức nghiêm trọng mà cơn bão đã hoành hành trên vùng đất Nam bộ.
Người dân Nam bộ vốn trọng nghĩa khí, vốn có truyền thống chung vai sát cánh tạo ra sức mạnh khai phá thiên nhiên, chống chọi với mọi kẻ thù, khắc phục tai ương. Cơn bão năm Giáp Thìn là một sự biến tai ác mà mỗi con người đều cảm thấy sức lực tự thân của mình quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Vậy nên, họ càng ra sức chung vai đấu cật, đoàn kết tương trợ để cùngh nhau vượt qua hoạn nạn tử sinh:
“Sáng ra tìm kiếm thăm nhau
Vậy mới biết kẻ còn người mất”
Nỗi đau của người khác cũng chính là nỗi đau của mình:
“Sống vất vả đọa đày thế đó
Ai hảo tâm xin ngó đến cùng
Giúp cho tiền bạc áo cơm
Trước là làm nghĩa, sau thơm danh mình”
Qua đó, hy vọng rằng:
“Chòi với trại nắng mưa che đỡ
Cuộc đói no chồng vợ bằng lòng”
Tổng hợp