Menu Đóng

Chợ Tro Trà Thôn

Gắn liền với sông nước Nam bộ, chợ nổi trên sông là nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Chợ nổi là nơi trao đổi, mua bán nhiều loại hàng hóa với những chiếc ghe, chiếc xuồng bồng bềnh trên mặt nước, dễ dàng di chuyển. Miền Tây nổi tiếng với những chợ nổi có quy mô lớn như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Long Xuyên (An Giang)… Ở huyện cù lao Chợ Mới (An Giang) có một chợ nổi chỉ buôn bán một thứ hàng hóa khá đặc biệt: tro. Đó là chợ tro Trà Thôn.

chotro

Huyện Chợ Mới là một trong bốn huyện cù lao của tỉnh An Giang, được sông Tiền, sông Hậu bao bọc và bồi đắp phù sa nên đất đai ở đây màu mỡ, thích hợp với việc trồng hoa màu. Vì thế, Chợ Mới luôn là địa phương dẫn đầu An Giang về cung cấp hoa màu cho thị trường trong và ngoài tỉnh, có khi xuất sang Campuchia. Huyện cù lao này từ xưa đã nổi tiếng với câu lục bát: Chiều chiều quạ nói với diều – Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm; và đã đi vào lời ca, làm say đắm lòng người: “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi? Mà ai cũng bảo rằng: Chợ Mới quê hương! Ở nơi đó, tôi có một người thương. Cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo…” (Chợ Mới – Trọng Nguyễn).

Trà Thôn là kinh nối liền sông Tiền với sông Ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mơi tỉnh An Giang, là con kinh do người dân đào đất mà thành. Hai bờ kinh thuộc hai ấp Long Quới 1 và Long Quới 2 (xã Long Ðiền B), nơi có nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề mua bán tro đã hơn 20 năm, tập trung đông nhất khoảng một cây số ở đoạn đầu kinh Trà Thôn thông với sông Ông Chưởng.

Lúc đầu, chỉ có mấy hộ gia đình nghèo, không có đất canh tác, bỏ công đi hốt tro về bán cho nhà vườn chung quanh kiếm lời. Mà đất ở đây tốt lắm, không cần sử dụng đến tro, nên cũng khó bán. Vì vậy, bà con lấy ghe chở tro sang các tỉnh khác bán.. Thấy có được chút lời, nhiều người xúm vào làm, dần dần đông đúc như ngày nay.

Ngày trước nhà ai cũng làm ruộng, cắt lúa bằng tay, máy suốt xong, rạ rơm chất thành đống, đốt đồng xong, mặc sức mà hốt tro. Và nhà nào cũng nấu lò củi hoặc lò trấu, rồi cây lá trong vườn, sau nhà rụng xuống, họ gom lại đốt, tro bỏ không, bay mù mịt. Có người hốt, họ mừng lắm! Đến lúc nguồn tro tại chỗ cạn thì họ đi các đồng lân cận, các huyện lân cận,… có người còn đi tới Bến Tre, Trà Vinh hốt tro. Cho nên mới có người đi hốt tro và người thu mua tro, dần dần hình thành chợ nổi tro Trà Thôn.

Về Trà Thôn những ngày cuối hè ta có thể thấy cả trăm chiếc ghe tro đậu dọc dài hai bên bờ kênh Trà Thôn và dòng sông Ông Chưởng để cất hàng. Không chỉ bán tro cho các chủ vựa ở Trà Thôn mà nhiều chủ vườn trồng hoa kiểng, cây ăn trái ở miệt Sa Đéc, Cái Mơn, Vĩnh Long… cũng tìm đến tận “thương cảng tro rơm Trà Thôn” để mua. Hiện nay ở Trà Thôn có hàng trăm chủ vựa tro lớn, nhỏ. Vựa tro lớn nhất có cả trăm ngàn giạ, nhỏ nhất cũng mười, hai mươi ngàn giạ…

Dưới kinh ghe nhỏ, tàu lớn buôn bán tấp nập. Ghe, tàu nào cũng lố nhố bóng người giậm tro, cào tro, đội tro… Còn hai bên đường, đi tới đâu cũng thấy những đụn tro chất đống, cao lêu nghêu được quây bạt để che mưa. Giữa trưa, có tiếng ca thiệt mùi của anh thanh niên nào đó cải biên bản vọng cổ Tình anh bán chiếu:

Tro Trà Thôn cắm sào khắp ngả
Thấy tôi đen đúa cô chớ vội cười
Tro này bán hổng mắc đâu
Ruộng vườn cô trúng chúng mình nên duyên….

Báo cần thơ

Posted in Thông tin

Bài tham khảo