Menu Đóng

Thơ, Ca Dao, Tục Ngữ hay về Bến Tre (Phần 1)

Thơ, Ca Dao, Tục Ngữ hay về Bến Tre (Phần 1)

Ca dao Bến Tre vô cùng phong phú, thường miêu tả và giới thiệu về quê hương, đất nước, con người, cũng như tình cảm của người Xứ Dừa.

Sau đây, bạn sẽ được trải nghiệm bộ sưu tập đa dạng những câu ca dao về Bến Tre mà chúng tôi đã thu thập trong nhiều năm từ các nguồn khác nhau.

CA DAO VỀ QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC VÀ LỊCH SỬ BẾN TRE

Ở phần 2, chúng tôi sẽ về về chủ đề khát vọng hạnh phúc và tình yêu đôi lứa. Tham khảo tại: Thơ, Ca Dao, Tục Ngữ hay về Bến Tre (Phần 2).

Ai từng sang Bảo, về Minh
Ghé qua Bình Khánh em xin đãi chè. (1)

Bến Tre dừa ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan.

Anh đây muốn hỏi thiệt nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?

Bến Tre biển rộng sông dài
Ao trong nuôi cá, bãi ngoài thả nghêu
Tôm càng xanh nước quơ râu
Rừng vàng biển bạc còn đâu phải tìm.

Bến Tre ruộng đất phì nhiêu
Nơi đây giàu lúa lại nhiều dừa khô.

Bến Tre giàu Mía Mỏ Cày
Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu Xoài Cái Mơn.

Bình Đại biển cá, sông tôm
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.

Bến Tre nhiều gái chưa chồng.
Không tin, xuống chợ Mỹ Lồng (2) mà xem.

Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm.

Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Xoài chua, am ngọt Ba Lai
Bắp thì chợ giữa, giồng khoai Mỹ Hòa
Mắm, bần ven đất phù sa
Bà Hiền, Tân Thủy hằng hà cá tôm
Quýt đường, vú sữa ngổn ngang,
Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri
Xẻo Sâu cau tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Muối khô ở Gảnh mặn nồng (3)
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.

Bến Tre trai lịch, gái thanh
Nói năng duyên dáng, ai nhìn cũng ưa.

Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

Cầu nào cao bằng cầu Cái Cối
Gái nào giỏi bằng gái Giồng Trôm…

Cha đời mấy đứa theo Tây
Mồ ông, mả bố voi dày biết chưa?

Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp nhau.

Chiều chiều én liệng trên trời
Rùa bò dưới đất, khỉ ngồi trên cây.

Chớ tham đồng bạc “con cò” (4)
Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa.

Đèo nào cao bằng đèo Châu Đốc
Gió nào độc bằng ngọn gió Gò Công
Một trận đông phong lạc vợ xa chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt tuôn rơi.

Đến đây đất nước lạ lùng
Con chim kêu phải sợ con cá vùng phải kinh.

Em là con gái Giồng Trôm
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Yêu em anh phải nhớ ghi
Đánh Tây giữ đất mới bì trượng phu.

Gặp nhau đây mới biết em còn
Hồi năm Thìn (5) bão lụt, anh khóc mòn con ngươi.

Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công.

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa.
Hòa Quý với tổng Hòa Thinh (6)
Dừa khô thổ sản nổi danh Nam Kỳ.

Làm cầu rồi lại làm cầu
Làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong.
Mắm trước, đước sau, tràm theo sát
Sau hàng dừa nước, mái nhà ai.

Một cây làm chẳng nên non
Giặc dốt hãy còn, chiến dịch chưa xong.
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Gái: Nghe anh đi đó, đi đây
Cho em hỏi hỏi vặn câu này
Bánh phồng, bánh tráng đất này đâu ngon?
Trai: Bánh tráng Mỹ Lồng (7)
Bánh phồng Sơn Đốc (8)
Măng cụt Hàm Long
Vỏ ngoài nâu trong trắng như bông gòn
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo.

Nước Cửu Long sóng dồn cuồn cuộn
Cửa Hàm Luông mây cuốn cánh buồm xuôi
Hương thơm tỏa khắp đất trời
Bác ơi ! Tên Bác sáng ngời Miền Nam
Phá cho bứt lộ thành mương,
Phá cho cầu sập hết đường Tây đi.

Quê anh có cửa biển sâu
Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.

Quê em hai dải cù lao
Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu.

Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong sao lại chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây.
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về.
Sông Ba Lai bên bồi, bên hẳm
Đất Ba Lai đỏ thẫm phù sa
Nàng về kết bạn cùng ta
Ăn cá thay bánh, uống nước trà thay cơm.

Sông Tiền sông Hậu cùng nguồn
Thuyền bè tấp nập buôn bán dập dìu.

Thấy bóng khăn rằn, anh biết là em đó
Màu khăn Đồng khởi của phụ nữ Bến Tre
Trên sông Hàm Luông, đuổi tàu Mỹ chạy re
Cầu Ba Lai (9) đó giặc lật xe chết hoài.

Quê hương Đồ Chiểu rạng ngời
Tinh thần Cách mạng đỏ trời vàng sao.

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông mía trắng nhớ quê Mỏ Cày.

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang.

Thương thay thân phận trái dừa
Non thì khoét mắt, già cưa lấy đầu
Trời mưa ướt đất lộ làng,
Uớt ai thời ướt, ướt chàng em thương.

Trời mưa ướt đất lộ làng,
Ướt em em chịu, ướt vệ quốc đoàn em thương.
Xa Cha, gần giặc mặc dầu
Lòng son dạ sắt con nào dám quên!

Chú thích:

  1. (1) Xã Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày ;
  2. (2) Mỹ Lồng, chợ lâu đời., lập từ năm 1892, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm ;
  3. (3) Gành: nơi tiếp giáp giữa giồng với đầm lầy, hoặc khu đất trũng do phù sa bồi đắp nên. Gảnh Mù u, Gảnh Bà Hiền, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri ;
  4. (4) Đồng bạc Mexico có hình con ó được lưu hành đầu thời Pháp thuộc ;
  5. (5) Trận bão lớn năm Thìn (1904) đã tàn phá nhiều tỉnh ở Nam Kỳ ;
  6. (6) Hai tổng đều thuộc Cù Lao Anh Hóa ;
  7. (7) Thị tứ nằm trên đường tỉnh 885 (thị xã Bến Tre- Ba Tri) thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm ;
  8. (8) Chợ thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm ;
  9. (9) Cầu bắc qua sông Ba Lai trên đường Rạch Miễu – Thị xã Bến Tre.

Bến Tre là một tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Khi đến Bến Tre, những người Việt di dân đã chọn các khu vực đất cao ráo để sinh sống. Ba Tri là vùng đất đầu tiên được khai phá, bởi nơi đây là điểm dừng chân của các di dân đi theo đường biển. Dần dần, dân cư ngày càng đông đúc, thành lập nên các thôn, trại, và làng.

Nhờ kinh nghiệm sản xuất từ quê nhà, khi đến vùng đất mới bao la, người dân đã xây dựng những cánh đồng mênh mông, những vườn dừa trải dài, và những vườn cây ăn trái tươi tốt.

Chỉ sau hai thế kỉ, từ những vùng đất hoang sơ đầy dã thú, các cù lao nằm ở cuối vùng sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, và sông Cổ Chiên đã trở thành nơi sản xuất dừa, trái cây, và gạo ngon nổi tiếng.

Posted in Ca dao - Tục ngữ

Bài tham khảo

1 Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *