Mặc dù có sự duy trì tập quán cư trú lâu đời từ quê gốc nhưng khi tạo dựng ngôi nhà những lưu dân người Việt vẫn có những thay đổi nhất định cho phù hợp với điều kiện môi sinh ở địa bàn mình đang sinh sống. Vì vậy việc lựa chọn địa bàn cư trú có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà còn phải an cư lạc nghiệp. Công việc của những lưu dân buổi đầu vào đây là khai hoang mở cõi, tìm cuộc đất tốt để dựng nhà, lập làng, rồi sau đó mới lập chợ xây đình. Trong buổi đầu khai phá, các lưu dân thường chọn cất nhà ở những nơi có bến sông để thuận tiện cho việc đi lại, đánh bắt thủy sản, có được một không gian thoáng đãng, có nước ngọt để sử dụng từ các con sông, kinh, rạch, tránh những nơi đầm lầy nê địa vừa không thuận tiện, vừa khó sinh nhai, lại thường xuyên đối mặt với bệnh tật và thú dữ.
Người Việt thường chọn bố trí nhà ở trên đất giồng, gò, đồi và nhà ở dọc theo sông rạch. Việc lựa chọn cách bố trí này vừa giúp cho họ dễ dàng trong việc lao động sản xuất cũng như trong các hoạt động bán buôn. Nhất cận thị, nhị cận giang. Vì có cùng mục đích là tìm đất sinh nhai nên những lưu dân sống nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc tối lửa tắt đèn. Họ thường sống tập trung thành một cụm dân cư mà cụm dân cư này không hề có sự phân chia ranh giới một cách rõ ràng giữa làng này với làng kia. Ranh giới giữa nhà này với nhà khác có khi chỉ là một con đường mòn nhỏ, hoặc là một con mương rộng độ vài mét. Nếu nhà nào có dựng hàng rào thì bất quá cũng chỉ là mang tính quy ước, tượng trưng cho ranh giới hơn là một sự xác định rạch ròi. Người ta làm cổng nhà là để trang trí, hoặc chỉ mang tính tượng trưng hơn là ý nghĩa thiết thực của nó là dùng để chống trộm. Cổng nhà của người dân đôi khi không cần đóng, làm bằng những vật liệu đơn giản như tre, hoặc là chủ nhà trồng hai bên ngõ hai cây bông giấy hoặc dâm bụt và uốn giao cành với nhau.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long bà con ta thường chọn những vật liệu có sẵn trong vườn, hoặc ở địa phương mình dùng để cất nhà, đó là các loại gỗ, cây, lá… như tràm, đước, lá dừa nước… Các loại cây này được xử lý qua quá trình hóa sinh tự nhiên bằng phương pháp ngâm nước dưới hầm, ao sẽ rất chắc chắn, dẻo dai, ít bị mối mọt đục khoét và lâu mục trong môi trường có độ ẩm cao. Một bộ cột bằng tràm được xử lý theo kinh nghiệm dân gian sẽ có khả năng sử dụng lâu đến hàng chục năm.
Lá cây dừa nước lợp nhà là nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ, phù hợp với điều kiện môi sinh và điều kiện kinh tế của những người nông dân. Loại cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được ở cả môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Có lẽ người xưa cũng đã tìm nhiều loại lá lợp nhà, cuối cùng mới chọn lá dừa nước làm vật liệu chính, bởi vì loại này tương đối bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu đặc thù miền nhiệt đới gió mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Vào mùa khô, lớp lá dừa nước bao bọc ngôi nhà, nhất là mái nhà trở thành lớp vật liệu cách nhiệt rất tốt. Những buổi trưa nóng bức, biên độ nhiệt giữa trong nhà và ngoài trời chênh lệch rất lớn nên trong nhà luôn rất mát mẻ. Do vậy, khi đời sống vật chất được nâng cao, nhiều ngôi nhà đúc mọc lên nhanh chóng, nhưng người ta vẫn cất thêm một mái lá để nghỉ trưa như một kiểu nhà hóng mát. Nếu như lá được chọn lọc và lợp kỹ, ngôi nhà có thể sử dụng được trung bình là năm năm mới phải thay lá mới.
Từ lá cây dừa nước, người ta có thể làm ra các kiểu lá dùng để lợp mái hay làm vách khác nhau. Mỗi một kiểu lá đều có cách buộc dây riêng khi sử dụng. Dây buộc gọi chung là dây lạt, chúng được làm từ bẹ hoặc chối lá non của cây dừa nước.
Nhà cửa của những người giàu có thì được cất bằng các loại gỗ quý và mái lợp ngói, hoặc là xây bằng bê tông cốt thép trang trí đẹp mắt, sang trọng và nhiều nội thất quý giá.
Nhà cửa của cư dân Nam bộ cất quay theo bất cứ hướng nào thuận tiện cho cuộc sống và công việc làm ăn của họ.
Nhà cửa thường gắn liền với thửa ruộng, miếng vườn. Những nhà trung nông thường có vườn, có sân với diện tích khoảng vài ba công đất. Vườn chủ yếu để trồng cây ăn trái, còn sân thì để trống cho thoáng, đôi khi tận dụng để phơi lúa, phơi củi. Hoặc có chủ nhà trồng ở đó năm bảy chậu kiểng để ngắm nhìn cho vui mắt, một ít cây thuốc nam để chữa bệnh thông thường, hoặc bụi sả, bụi hành, vài ba cây ớt. Cũng có khi là cây xoài, cây mít được trồng ở một góc nào đó để lấy bóng mát. Mép ngoài của sân thường được đặt một bàn thờ để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mua may bán đắt, gia đạo bình an. Mép trong của khoảng sân giáp mí với căn nhà thường có một cái hàng ba, rộng hay hẹp tùy nhà. Hàng ba này có tác dụng làm dịu cường độ ánh sáng, giảm oi bức vào mùa nắng và hạn chế mưa tạt. Hàng ba còn là nơi dành cho trẻ con chơi đùa, như nhảy dây, đánh chuyền chuyền, v.v… Là nơi để người lớn mắc võng nghỉ ngơi và cũng là nơi để bà con lối xóm tới lui chuyện trò trong quan hệ hằng ngày. Còn phía sau nhà thường là một vườn cây, nơi bố trí chuồng nuôi súc vật, có bến nước dùng làm nơi tắm giặt, đậu ghe xuồng, cũng như dùng trong các sinh hoạt khác.
Cấu trúc, kỹ thuật nhà của cư dân Nam bộ phần lớn là mô phỏng kiểu nhà truyền thống của người Việt ở miền Bắc, và chủ yếu là miền Trung. Một trong những điểm nổi bật là kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo kiểu guốc chèo. “Cấu trúc guốc chèo của kèo và đòn tay được xem như những điểm tựa chịu lực chắc chắn cho hệ thống mái nhà. (…) Kỹ thuật này được giới thợ mộc ở Nam bộ gọi là thả kèo đòn tay hai giàn, trong đó kèo và đòn tay được lắp mộng khít khao không dùng đinh. Chỉ có những người thợ mộc thời xưa giỏi và nhiều kinh nghiệm mới thi công được kỹ thuật này. Đòn tay guốc chèo còn là thông số cho biết căn nhà đã rất cổ xưa, bởi vì cấu trúc ấy chỉ thích hợp với loại ngói âm dương, hoặc cùng lắm là ngói vảy cá là hai loại ngói xưa, còn nếu lợp ngói móc thì hệ thống mái phải là cấu trúc đòn tay ba giàn như hiện nay chứ không phải hai giàn như đòn tay guốc chèo, bởi vì kỹ thuật đòn tay guốc chèo mà lợp ngói móc thì sẽ bộc lộ ngay nhược điểm, đó là mái nhà sẽ bị dột, vì chỉ cần bước chân của một con mèo cũng có thể làm xô lệch ngói. Xưa kia kỹ thuật kèo và đòn tay guốc chèo phần lớn chỉ thiết kế tại những nơi trang nghiêm như mái đình, miếu hoặc nhà từ đường của những dòng họ lớn, chứ hiếm khi thực hiện ở nhà dân”1.
Mỗi ngôi nhà là không gian riêng của từng gia đình, nên tùy vào sở thích và khả năng kinh tế mà người ta có cách bày trí cho ngôi nhà khác nhau. Thông thường, người ta chia ngôi nhà ra thành nhà trên và nhà dưới. Mỗi gian như vậy có chức năng khác nhau. “Phía trước của nhà trên là nơi thờ phượng ông bà tổ tiên và tiếp khách quan trọng. Nhìn đồ đạc bày trí (số lượng và chất lượng) ở đây, khách có thể đánh giá được phần nào hoàn cảnh kinh tế của gia chủ. Đối với gia đình khá giả, thì mỗi gian đều có tủ thờ, bàn đọc, trên vách, cột đều có hoành phi câu đối phủ vàng, tranh… trên đầu tủ thờ bày trí đồ thờ tự quý giá, như lư đồng, chân đèn, bộ chò, bát hương… trước bàn thờ ở gian giữa là bộ trường kỷ, đầu ngoài trường kỷ là bộ ghế nghi, trên đó có mấy chiếc bình cổ hay vài cổ vật quý giá khác. Hai bên trường kỷ là hai bộ đi-văng hoặc hai bộ ngựa (phản) bằng gỗ quý, trước bộ phản là bàn tròn.
Đối với gia đình có nếp sống trung bình, gian giữa là nơi đặt bàn thờ, phía trước là bộ ghế dài, hai bên là bộ ván ngựa, thường làm nơi ngủ cho người già (đàn ông). Phía trước hàng ba hay thảo bạt có đặt bàn tròn là nơi tiếp khách uống trà hàng ngày của gia chủ. Phía sau bàn thờ là buồng, nơi để đồ đạc có giá trị trong nhà dưới.
Nhà dưới là nơi diễn ra sinh hoạt hàng ngày của gia đình, nấu nướng, may vá, thêu thùa, ăn uống, tiếp khách thân quen, tu sửa nông, ngư cụ, cũng có thể là nơi đương đệm, chằm lá, sắc thuốc… Với gia đình nghèo, nhà một gian một chái, đồ đạc bày biện đơn giản; một bộ ván ngựa, một cái bàn gỗ tạp với vài chiếc ghế đẩu, vừa là nơi ăn cơm, tiếp khách, một tủ nhỏ đựng thức ăn, bếp núc, cùng với lu hủ đựng mắm muối… và một cái võng ở góc nhà. Trong gia đình khá giả, nhà dưới được ngăn thành nhiều buồng làm chỗ ngủ, sinh hoạt cho đàn bà, con gái. Bàn ăn, bàn ngủ với tủ chứa ly tách, chén bát (đồ kiểu, đồ sứ). Bếp ở đây không phải là cà ràng, ông táo (ông đầu rao) để trệt trên nền nhà như nhà nghèo, mà đặt trên nền cao vừa tầm nấu nướng, có nơi máng nồi đồng, chảo…”2
“Nhiều gia đình theo tân thời thích bày biện những món hàng nhập cảng: ghế mây tô-nê, bàn mặt cẩm thạch Ý Đại Lợi, tủ sắt, trên vách treo đồng hồ con ngựa, những bức tranh Thụy Sĩ với hồ xanh, núi tuyết. Hoặc những tĩnh vật quả tử với cá thu, tôm hùm hoặc trái nho, trái lê. Ngoài ra, còn tranh in nhiều màu, mua từ Sài Gòn, vẽ cảnh săn sấu lửa ở Phi Châu, săn cá nược, cá ông ở miền Bắc Cực.
Nhiều gia chủ thích liễn cẩn, biển thếp vàng hoặc thích những kiểu đèn treo có chụp bằng sành, bằng pha lê, muốn hạ cây đèn hoặc rút lên thì cứ nắm sợi dây xích mà kéo.
Nhà thuộc tầng lớp nghèo hoặc tiểu chủ thì xài đồ nội hóa: bàn ghế, tranh thờ theo kiểu sản xuất hàng loạt từ Lái Thiêu, Thủ Dầu Một. Tranh thờ tiêu biểu nhất là sơn thủy với con sông, trên bờ là nhà ngói, sông chảy ra biển, ngoài khơi lại ba hòn đảo với vài cảnh chim bay liễn đối ghi là: Sơn thủy hữu tình thiên lý ngoại…”3
Nhìn chung, nhà ở của người Nam bộ xưa rất phong phú và đa dạng. Ngôi nhà vừa là nơi để ở vừa là nơi để thờ cúng gia tiên, thể hiện được đạo lý uống nước nhớ nguồn; đồng thời ngôi nhà còn thể hiện được tính đoàn kết trong cộng đồng, tính hiếu khách của người Nam bộ qua việc cổng rào luôn rộng mở để đón khách và không có lũy tre làng bao bọc như các vùng miền khác.
Bài, ảnh: Trần Kiều Quang
Theo baocantho
(1) Ban Tuyên Giáo tỉnh Vĩnh Long, Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000). NXB Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh – 2003. Tr.140.
(2) Nguyễn Hữu Hiếu, Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười. NXB Văn nghệ – 2007. Tr.181-182.
(3) Sơn Nam, Văn minh miệt vườn. NXB Văn hóa – 1992. Tr.111-118.