Một tai hoạ thảm khóc vừa xảy đến cho gia đình ông cai tổng Hy. Hôm ngày cưới vợ của đứa con trai út, đoàn ghe rước dâu bị sấu cản mũi, bà con hai họ kêu la ỏm tỏi. Sấu lặn xuống rồi trồi lên đập đuôi ngay chiếc ghe chở cô dâu, chú rể.
Ai nấy trở về bình yên, trừ trường hợp đặc biệt của cô dâu. Nàng mất dạng sau khi quơ đôi chân ngược lên trời, lần cuối cùng, đầu và mình đều khuất dưới mặt nước xao động, trong miệng sấu.
Tôi đến chia buồn với ông cai tổng Hy. Ông nói giọng buồn bã:
– Nó mất xác. Bây giờ chỉ còn chờ báo thù.
Vì chưa biết rõ, tôi hỏi kỹ:
– Dạ thưa ông, ai báo thù?
– Sấu báo thù cho sấu… Theo tục lệ hồi xửa hồi xưa, sấu là loài thú bị đầy, mỗi con muốn thành tinh, để đầu thai kiếp khác cần phải nuốt… chín mươi chín nhơn mạng, thêm một người nữa là đúng một trăm chẵn. Nhưng mấy thầy câu sấu ở xứ mình quả quyết rằng họ có thể sửa đổi luật lệ của quỷ thần. Họ sẵn sàng giết sấu để báo thù cho người chết với điều kiện phải mướn bằng một số tiền khá cao.
– Ông mướn thầy câu sấu nào chưa?
– Họ đòi giá cao quá, dầu bắt được hay không, mình phải đặt tền tổ trước khi họ ra tay. Khổ lắm. Họ biết rằng kẻ bị“hùm tha, sấu bắt” chẳng bao giờ trở về nhà hưởng nhang khói nếu con sấu, con cọp sát nhân kia còn sống. Vì muốn cúng kiếng cho con dâu, bác dọ hỏi giá cả…. sơ sơ trên hai trăm đồng. Còn thêm điều kiện: bao nhiêu vòng vàng trong bụng sấu đều thuộc quyền của họ. Cách đây vài bữa, lão Năm Hên tới đây hỏi han kỹ lưỡng rồi xin phép bắt con sấu đó, không ăn một đồng xu nào hết.
– Người đâu mà tử tế quá vậy?
– Khó hiểu lắm. Ông ta nói rằng muốn bắt một con sấu cuối cùng, trước khi giải nghệ…
Rồi ông cai tổng Hy nói khẽ:
– Chắc ông ta biết con dâu tôi… nó mang theo hai chiếc neo đúng hai lượng vàng nên động lòng tham. Hễ bắt được con sấu. ông ta mổ bụng nó lượm trước hết rồi tri hô sau, hoặc chẳng thèm tri hô gì ráo. Như vậy, ông ta vừa… làm giàu, vừa được tiếng tốt với hậu thế!
*
* *
Ðể hiểu rõ hơn, tôi đến Ngã Ba Ðình để làm quen với ông Năm Hên. Biết tôi là người quen thuộc với gia đình ông cai tổng Hy, ông Năm tỏ vẻ ái ngại:
– Nguy lắm. Tốt hơn cháu về nhà chờ đợi. Khi nào bắt được nó, bác cho cháu hay.
Tôi nài nỉ xin phép ở lại căn chòi che tạm ấy. Ông mải im lặng. Tôi sanh nghi, liên tưởng đến hai chiếc neo hai lượng vàng còn nằm trong bao tử con sấu ác nghiệt. Gương mặt ông Năm Hên trông hiền nhưng bí hiểm lạ thường. Ông đi ra đi vào, quan sát bãi bùn, nhìn mấy giề lục bình trôi ngang qua rồi nói:
– Sợ cháu không đủ kiên nhẫn. Chuyện nguy hiểm này, bác muốn chịu đựng một mình. Nếu có mặt một người thứ nhì, bác e xảy ra nhiều tiến dị nghị. Hồi xưa, cháu nên nhớ rằng: bác làm nghề này vì miễn cưỡng. Hôm nay bác muốn tự ý bỏ nghề không trống, không kèn. Thôi, được rồi. Cháu ráng ở sớm hôm với bác. Ðiều quan trọng là cháu đừng làm điều gì mà bác ngăn cấm. Ðừng chàng ràng hỏi tới hỏi lui. Ðừng thắc mắc là tại sao cháu hỏi mà bác không trả lời. Bây giờ thì cháu ăn cơm rồi ngủ cho thẳng giấc.
Vì tò mò muốn điều tra những thủ đoạn của thầy câu sấu, tôi nhận lời và ngoan ngoạn ăn cơm. Ăn xong tôi lựa một nhánh bần cổ thụ, trèo lên nằm co mình. Gió thổi mát rượi. Ông Năm Hên cứ hút thuốc phì phà. Tôi vui sướng như nằm trên chiếc ghế dựa. Con sông Ngã Ba Ðình nổi tiếng có nhiều sấu hung ác nên ghe xuồng qua lại rất thưa thớt. Trời xế dần, chưa chi mà cò, diệc hay giăng hàng về rừng. Lục bình trôi hết giề này tới giề kia, mấy cây khô trốc gốc nổi lềnh bềnh quay qua quay lại như xác người rũ tóc.
Tôi ngủ từ bao giờ, không hay biết.
Bỗng nhiên, tôi giật mình thức dây. Một trái bần chín khá to, vừa rụng xuống bãi bùn. Tôi mừng quýnh, nhảy xuống đất, chạy ra ngoài bãi, cúi xuống lượm, chợt nghe nhiều tiếng động lạ lùng, giống như giọng cười the thé của cô hồn ma quái.
Trên chòi, ông Năm Hên vụt đứng dậy mỉm cười:
– Coi chừng. Không nguy hiểm nhưng đừng giật mình, đừng la lớn. Nó đó!
“Nó” là ma hay là con sấu ăn thịt đứa con dâu của ông cai tổng Hy? Tôi muốn hỏi to nhưng sực nhóo lời căn dặn. Vả lại, tôi muốn tỏ rằng mình đây chẳng phải thợ câu sấu nhưng vẫn đầy đủ bản lãnh.
Hai chân tôi đau điếng như đạp nhằm gai. Vừa ngó xuống, tôi hoảng hốt: Hàng chục con thú nhỏ – vóc dáng bằng con cắc kè – chạy tới bao vây, nhe răng, phóng mình cắn khỏi mắt cá. Tôi rút chân khỏi bùn, toan rút lui về phía cây bần để tìm một nhánh cây làm roi. Không cần suy nghiệm, tôi hiểu ngay! Ðó là bầy sấu con mới nở, dưới bụng mỗi con đều dính những bệt màu vàng – màu của tròng đỏ trứng sấu. Ông Năm Hên quát to:
– Chạy luôn đi!
Tới gốc bần, tôi leo lên thật cao rồi ngóng xuống bãi. Kìa, một con sấu dài hơn ba thước từ mé nước bò trườn, bao vây đàn con, lùa xuống mé nước.
– Xuống đi!
Nghe theo lệnh ông Năm Hên, tôi tới căn chòi. Ông cứ ung dung hút thuốc, nhìn mơ màng theo làn khói. Trên vách lá, hang chục cây mun – mũi tên bằng cây cau già phía trước có mũi nhọn bằng sắt – nằm im lìm trong cái ống tre khá to. Bỗng dưng, tôi nổi giận, thầm trách:
– Lão Năm Hên này quá ác, muốn nhử cho sấu ăn thịt kẻ khác. Ðã ác, lão còn nhát gan. Cớ sao ông chưa chịu phóng vài cây mun bịt sắt để giết con ác thú?
Tôi nói:
– Sao bác thờ ơ quá vậy!
Lão trợn mắt:
– Ðó là con sấu cái. Nó lo giữ bầy con. Con sấu đực mới là chánh phạm.
-“Nó” đâu rồi? Tại sao bác biết là“nó”?
– Cháu đừng hỏi.
Rồi ông nói lảng qua chuyện khác. Nào loài sấu đẻ hàng đôi ba chục trứng, đẻ xong khoét lỗ, sắp trứng từng lớp, cứ mỗi lớp trứn glà có một lớp lá cây mục, cỏ khổ. Ðâu đó xong xuôi, sấu kiếm lục bình, nhánh cây, rác rến mà phủ lên giống như mô đất, cao đến sáu bảy tấc. Khi trứng gần ngày nở, sấu mẹ bò quanh quẩn, nghiêng tai nghe tiếng động trong lòng trứng… Lúc mới nở, sấu con sống bằng chút ít tròng đỏ còn dính dưới bụng. Hằng ngày sấu mẹ cạnh chừng sấu con, sợ sấu cha trở về ăn thịt con…
Chúng tôi ăn cơm chiều. Trời sụp tối. Ông ngồi chồm hổ, bấm đốt tay, tính lẩm bẩm.
Ðến khoảng đầu canh hai, ông vỗ nhẹ vào vai tôi:
– Thức chưa hay còn ngủ?
Tôi trố mắt:
-“Nó” hả?
– “Người ta”hồi đầu mùa rồi, đừng hỏi nữa. Nếu buồn bực thì lại đây cói cái này cho vui.
Tôi bắt đầu lo ngại, nghĩ tới bao nhiêu giai thoại về hồn ma hiện về cỡi trên lưng loại sấu đội đèn. Ông Năm thúc hối:
– Mau mau!
Qua khi đìa, tôi thấy dưới này năm ba vật gì đen thui, giống như khúc củi nổi lều bều. Ông Năm giải thích:
– Tụi nó điếm đàng như vậy đó. Nó xuôi chân xuôi đuôi và cứ nổi phêu phêu trên mặt nước. Con sấu cái ở chính giữa, xung quanh là bầy sấu đực tới ve vãn. Sấu cái lội tới đâu, mũi“xạ” trong miệng nó hôi thúi tới đó, rù quến bầy sấu đực… Tụi đực rựa đánh mùi, giành“mèo”. Coi kìa!
Mặt nước xao động. Mấy“đốm đen” chuyển mình rượt nhau, đập đuôi nghe ầm ầm vang lên chấp choá dưới ánh trăng non. Chập sau, bầy sấu mất dạng.
Ông Năm Hên khép kín cánh liếp, nói nhanh:
– Cháu thấy nhãn tiền chưa? Con sấu cái này chờ“chồng”. Nó đánh bạt bầy sấu đực xấu máu. Bọn sấu đực giành mèo dữ tợn lắm. Bác gặp nhiều phen lạ lùng: sấu đực cắn lộn, con này cyui xuống bụng con kia để thiến lẫn nhau.
Rồi ông tắc đèn chui vào nóp ngủ.
*
* *
Ngày qua ngày, ông Năm Hên xuống bãi bùn, cắm nhánh cây để ghi mức nước lớn, nước ròng. Ðôi khi, thừa lúc tôi nằm lim dim, ông xách cây dao phay, đi ra sau nhà, khuất dạng trong vùng rừng tràm lưa thưa. Tôi sực nhớ tới tập quán của vài người mỗi lần vào rừng phóng uế,“bón phân cho cây” là họ mang theo cây dao để đào lỗ rồi lấp lại cho hợp vệ sinh. Nhưng tại sao ông Năm Hên che dấu cái nhu cầu đơn giản ấy? Mội buổi sáng, nghe tiếng quạ kêu sau rừng, lão hối hã chạy ra khỏi nhà, hò hét inh ỏi:
– Quả đùng! Quạ đùng!
Lão trở vào, hút thuốc, bấm đốt tay rồi chạy xuống bãi bùn. Hồi lậu, lão trở lên:
– Cháu ở nhà một mình nghe không? Bác qua bên kia chừng vài giờ đồng hồ. Ở nhà, nhớ đuổi quạ. Và đừng bao giờ ra sau nhà, phía rừng tràm.
Tôi gật đầu, hứa vâng lời. Chờ lão khuất dạng, tôi làm bài toán liều mạng. Ra sau rừng để xem thử. Tại sao lão ngăn cấm? Nhứt định lão chôn giấu một vật gì bí mật. Rủi lạo bắt gặp, tôi bị rầy, bị đuổi ra khỏi nhà là cùng. Vùng rừng tràm quá thấp, nước đọng quanh năm. Giữa ban ngày muỗi mòng cứ bay vo ve, từ mặt nước, bầy lăng quăng thoát xác bay lên nhu con ngài lột vỏ kén. Hồi lâu, tôi đến vùng đất cao ráo, in tỏ rõ dấu chân người. Tôi dừng bước, ngạc nhiên và sợ sệ, nhận ra một nấm đất vuông vức. Kho tàng chăng? Bùa phép hoặc cạm bẫy gì đây? Sau khi hái một nhánh cây khôn, tôi xới đất: Hai khúc xương lòi ra, xương ống chân và xương bắp đùi và mớ xương vụn khác. Lập tức, tôi lấp đất lại rồi chạy nhanh về chòi để tránh mùi hôi thúi. Té ra ông Năm Hên đã chôn nguyên cái chân của một người, người ấy phải chăng là cô dâu của ông cai tổng Hy?
Chừng hai giờ sau, ông Năm Hên trở về, nhìn thẳng vào mặt tôi như muốn nói điều gì… Ông vấn thuốc hút, mỉm cười:
– Hổm rày, cháu buồn bực, hồ nghi công việc làm của bác hả? Ráng ở thêm tối nay, tới trưa mai cháu về nhà được rồi.
– Xin lỗi bác. Lúc bác vắng mắt…
– Cháu đừng hiểu lầm. Bác mời cháu ở lại chớ đâu muốn đuổi. Cái gì bác cũng tha thứ được hết. À, tuổi trẻ, người ngoại cuộc như cháu ưa tò mò. Bác muốn cháu tò mò cho tới nơi tới chốn. Ðời bác quá già rồi. Bác làm rẫy khoai mì ở rạch Ngan Trâu, tính giải nghệ từ lâu nh; ưng chưa giải nghệ được. Bữa nay hoắc sáng mai, bác giết con sấu cuối cùng. Sanh nghề tử nghiệp, bác đều sợ, vì nếu “tử vì nghiệp” thì đó là luật quả báo. Bác sợ những người tò mò, mới xem nửa chừng rồi bỏ cuộc…
Tôi im lặng, cúi đầu nghe lời trách mắng quá nghiêm khắc ấy. Dường như ông Năm Hên muốn trút bao nhiêu bất mãn chồng chất từ bao nhiêu năm qua lên đầu tôi.
Lão day mặt, hỉ mũi, nói nghẹn ngào:
– Cháu nên ở lại. Bác sợ cháu đồn đãi… bậy bạ. Giờ phút này, cháu thấy sự thật khi đào lên sau rừng. Nhưng cháu có thể hiểu lầm… cũng như ông cai tổng Hy hiểu lầm.
Chiều hôm ấy, ông Năm Hên nhịn ăn, vì buồn bực. Tôi lục nồi cơm nguội, nuốt lua láo nửa chén rồi chun vô nóp.
Ông đốt đuốc lên, nói khẽ:
– Ðừng ngủ. Hễ nghe phía sau rừng có tiếng sấu“nghé” đừng giật mình nghe không! Nước ở cái lung bên kia cạn rồi. Tối nay nó về đó.
Tôi đứng lóm thóm bên ngoài cửa, nhướng mắt… Bỗng nhiên, ông Năm Hên chạy ra ngoài, ngoắt lia lịa:
– Ðừng sợ. Cháu coi kìa! Nó trườn lẹ ghê, giống của nó dữ lắm. Bữa hổm, sấu cái lo ấp trứng, nó rảnh rỗi sanh tật hung hăng đón ghe… đám cưới. Hôm nay, đoán chừng bày sấu con đã nở, nó bò về để ăn thịt con.
Dưới bãi bùn, con sấu hiện ra, đen ngòm giống như cái xuồng độc mộc. Trăng sáng vằng vặc. Con sấu trườn dài, dọc theo bờ sống, day mũi qua bên tả, bên hữu. Ông Năm Hên nói:
– Cháu cầm cây đuốc dùm bác. Ðừng la hoảng nghe không. Ðể bác giết nó. Cầm đuốc cho thật chắc!
Tôi nhận lấy bó đuốc…
Ông Năm Hên bước xuống bãi với hai bàn tay không…. Sực nhóo tới cái ống tre đựng mấy ngọn mun bịt sắt, tôi nói nhỏ:
– Ðem ngọn mun theo chớ?
– Khỏi cần. Chắc ăn lắm rồi. Nó đó. Nhất định là nó.
Con sấu tiến lần về cái ổ trứng – đúng nơi tôi bị bầy sấu con bao vây hôm nọ. Bầy sấu con hoảng chạy… Sấu đực lướt tới đớp con. Nhanh như chớp, ông Năm Hên nhảy lên sấu mà cỡi… Ông cúi đầu xuống, hai tay cựa quậy… Sấu day mũi xuống nước rồ8i quẹo lên bãi, trở mình, vật ông Năm Hên nằm ngửa dưới bải… Trong phút giây, người và sấu chỉ là một đống đen thui. Khói từ bó đuốc thổi tạt ngang mặt tôi… Gió thổi hù hù. Ông Năm Hên hò hét, làm vang động khu rừng tràm sau hè. Tôi đứng không vững vì dường như mặt đất rung rinh. Bỗng dưng ông Năm Hên đứng dậy, chạy bò càn lên bờ đến bên cạnh tôi rồi quỵ xuống, thở hổn hển:
– Nó gần chết rồi kìa.
Dưới bãi bùn lấp lánh ánh trăng, con sấu đen ngòm nằm im. Tôi hỏi:
– Tại sao bác không kéo xác nó lên. Hay là… để cháu tiếp sức với bác.
Ông khoát tay:
– Kìa! Con sấu cái với bầy sấu đực bữa hổm trườn lên đó. Tụi nó kéo xác con sấu chết, ngâm vùi dưới đáy sông rồi chia phần với nhau. Mình giành cái xác đó làm gì?
Lão nhìn trưòng trừng vào mắt tôi:
– Bộ cháu tiếc hai lượng vàng trong bụng của nó hả?
Tôi im lặng, cúi đầu:
– Xin lỗi bác.
– Lỗi phải gì? Bác giải nghệ rồi. Cháu tưởng bác vì tham hai lượng vàng mà liều mạng, cỡi trên lưng sấu hả? Thôi mình vô nhà, nói vài lời nữa rồi ai về nhà nấy.
Ánh đuốc tàn rụi dần. Ông Năm Hên nói:
– Sợ ma không? Nếu sợ thì cháu cứ dỡ cái nóc nhà lá này mà bó lại làm đuốc.
Ánh lửa tắt. Tôi lính quýnh chưa biết ứng phó ra sao. Thật ra tôi sợ ma, vì sực nhớ tới hai khúc xương chânchôn vùi sau hè. Giọng ông Năm Hên trổi lên trong bóng tối, ghê rợn như giọng nói của ma:
– Ông cai tổng Hy hiểu lầm. Bữa nay, bác ra nghề lần chót… Ồ, sức bác còn dẻo lắm, cháu thấy không? Bác cỡi lên lưng sấu, lật hai cái chân trước của nó cho trở ngược lên lưng rồi bác điều khiển như người cầm cương ngựa. Nó phải quẹo lên bãi như ý muốn của bác. Rồi bác thọt cho nó đui hai con mắt. Kỳ sau, nếu muốn bắt sấu, cháu làm theo cách đó. Bốn mươi năm kinh nghiệm của đời bác!
– Dạ, cháu không dám. Ðể cháu thuật lại cho ông cai tổng Hy biết đầu đuôi.
Ông Năm Hên nói gắt:
– Ðừng cho ổng biết gì ráo. Hồi cỡi trên lưng sấu bác đâu nhớ tới hai lượng vàng? Bác ra nghề lần chót đâu phải vì ông cai tổng Hy mà vì lý do khác. Nếu tiếc hai lượng vàng, ổng cứ mướn thợ chài tới đó mà vãi… mò lên. Trời đất chứng minh cho bác.
Bầu không khí trở nên nặng nề. Dưới mé sông, sấu quậy đùng đùng, con sống giành xác con chết. Ông Năm Hên vụt đứng dậy:
– Cháu ở đây ngủ, bác về liền bây giờ. Tới đây là dứt.
– Trời đất! ban đêm, bác đi đâu? Tội nghiệp cháu.
Ông Năm Hên ra khỏi cửa, mắt đăm đăm hướng về phía bãi bùn:
– Nhắn với ông cai tổng: cứ cúng cơm trên bàn thờ, vì người chết đã ngậm cười.
Tôi lính quýnh, tìm cách cầm chân ông Năm:
– Thưa bác, còn cái ống tre đứng mấy ngọn mun nè!
Nhưng ông Năm mất dạng trong bóng tối. Tiếng nói của ông, ngày càng nhỏ rí nói vọng về căn chòi:
– Bỏ đi. Hay là cháu muốn giữ làm kỷ niệm để khoe khoang với bà con rằng ta đây… dám bắt sấu như ai kìa. Nếu muốn kỷ niệm, tốt hơn cháu nên ra về, im lặng, với hai bàn tay không, trong bóng tối.
SƠN NAM