Kiên Giang, tên thật Trương Khương Trinh (1929–2014), là một danh nhân văn học đa nghiệp, bao gồm vai trò nhà thơ, ký giả và soạn giả cải lương. Ông nổi tiếng với bài thơ đặc biệt là “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”. Ông được coi là người thầy của hai tài năng soạn giả đáng chú ý khác là Hà Triều và Hoa Phượng. Ông cũng sử dụng bút danh Hà Huy Hà trong sự nghiệp văn học của mình.
Tôi đã tương tư màu mực tím
Từ ngày mới viết chữ A, B
Cong queo dòng bút tình thơ dại
Chữ nghĩa đẹp trong nét vụn về
Mỗi lần trái mồng tơi chín
Anh hái làm mực tím
Tặng cô bạn nữa ve bầu
Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ
Từ ngày nhuộm áo màu tim tím
Bè bạn gặp em ở cổng trường
Thường gọi : Này cô em áo tím
Cho anh nhểu mực viết văn chương
Mỗi lần tan học tung tăng bước
Em đụt mưa chiều trú nắng trưa
Dưới lá mồng tơi râm bóng mát
Ngồi nghe mẹ kể chuyện đời xưa
Mẹ nghèo chăm bón vồng khoai tím
Hái lá mồng tơi bán chợ làng
Đổi gạo mua đèn cùng giấy mực
Nuôi con ăn học , mấy năm trường .
Từ lúc em vào trường áo tím
Riêng anh thi học rớt trường tư
Khác trường, khác lớp, tình chưa ngỏ
Ký ức ngày xanh … lớp bụi mù .
Mẹ không phiền trách anh thi rớt
Nhưng thoáng nét buồn trong mắt sâu
Vẫn bán lá khoai mua giấy mực
Nuôi con chờ đợi mùa thi sau .
Để tự trách mình anh cạo trọc
Học trò thi rớt hoá nhà sư
Đèn chong từ đó soi trang sách
Chữ nghĩa tương tư mắt học trò .
Sợ lỡ mùa thi mẹ lại già
Gánh hàng oằn nặng, quãng đường xa
Bóng chiều nghiêng xế trên lưng mẹ
Con học đợi ngày chiếm thủ khoa .
Bên song cửa sổ ngôi nhà cổ
Khi mẹ gánh hàng họp chợ đông
Con ngỡ trong hồn , hoa phượng nở
Đẹp thay trang sách dưới đèn chong
Sương khuya rơi uớt cánh đồng
Ướt vai áo mẹ , ướt lòng sách đêm
Trăng mờ sáng tựa hoa đèn
Mẹ lo cơm áo , con tìm công danh .
Mùa thi ấy con vừa thi đỗ
Thì bóng từ thân đã khuất rồi
Ai đẩy xe tang chầm chậm lại
Chờ hoa phượng rụng phủ quan tài
Mẹ buông gánh nợ đời đi vội
Cát bụi quay cuồng theo bánh xe
Ví biết mẹ già sao mất sớm
Con tìm danh vọng để làm chi
Mây Tần từ đó thành mây trắng
Con ngỡ mây tan : tóc mẹ hiền
Ngước mắt nhìn mây con vẫn ngỡ
Mẹ mình họp chợ chốn cung tiên.
Nhà Thơ Kiên Giang (Trương Khương Trinh)