Menu Đóng

Di sản văn hóa Quốc gia: Hội đình Bình Thủy

Di sản văn hóa Quốc gia: Hội đình Bình Thủy

Đình Bình Thủy nằm trên một khu đất rộng, với diện tích chiếm hơn 5.000m2, cách trung tâm thành phố Cần Thơ 5 cây số. Nó nằm bên dốc cầu Bình Thủy trên tuyến quốc lộ 91. Đây là một ngôi đình được xây dựng trên mặt bằng cao ráo, thoáng rộng và mát mẻ. Trước cổng Tam quan có một bảng viết bằng chữ Hán to: “Long Tuyền Cổ Miếu,” còn gọi là đình Bình Thủy. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật có niên đại cổ xưa nhất tại miền Nam, và nó đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1989. Ngôi đình này có kiến trúc theo dáng hình chữ nhất và trên nóc có thiết kế cặp rồng uốn lượn tranh lấy trái châu, gọi là “lưỡng long tranh châu.”

Các gác mái đình được chạm trổ hình bát tiên, các con vật trong kiến trúc đền, chùa lăng tẩm, miếu mộ: Qui – phượng – hạc… rất sinh động. Cũng cần biết qua ý nghĩa các vật linh như: Qui là loài bò sát lưỡng cư có tuổi thọ cao, nhịn ăn uống lâu ngày mà vẫn sống nên được coi là con vật thanh cao, thoát tục, nhằm tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình tượng qui đội bia tiến sĩ còn lưu giữ nơi Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu hiện nền văn hiến của dân tộc Việt Nam. Chim phượng là báo hiệu sự thái hòa an lạc, kết tinh vẻ đẹp mềm mại thanh lịch duyên dáng trong các loài chim, tượng trưng cho nữ tính của tầng lớp quý tộc. Chim hạc, biểu thị sự hài hòa vũ trụ giữa âm – dương, tạo nên lòng chung thủy, tương trợ trong lúc thịnh suy. Trên các thanh xà dưới mái đình, một số hoành phi, liễn đối sơn son thếp vàng, từ trước đến sau trông uy nghi cổ kính.

Tại chánh điện, thờ hai tượng thần: Ông Ác- Ông Thiện đứng giữa hai hàng Lỗ bộ (loại binh khí ngày xưa, trông oai nghi đường bệ). Trước bàn thờ, có bộ đỉnh đồng to đặt trang trọng giữa cặp hạc đồng thẳng đứng. Chỗ bệ thờ to rộng ngay gian giữa là chân dung các vị thần Phúc Đức với phong thái trầm mặc. Đồng thời, đình còn thờ các anh hùng liệt sĩ có công làm rạng rỡ đất nước như Đức Trần Hưng Đạo – Phan Bội Châu – Bùi Hữu Nghĩa… Đặc biệt tại bàn thờ Hậu hiền gần nhà khách có thờ chân dung Bác Hồ.

Phương pháp bố cục thờ tự ngăn nắp hài hòa giữa các mảng đề tài trang trí rất đa dạng và phong phú qua các đường nét, màu sắc tinh tế tạo cho cảnh quan ngôi đình một nét sinh động, tôn nghiêm nổi bật trên nền trời xanh.

Đình Kỳ Yên tổ chức hai lễ hội lớn, trong đó Lễ Thượng Điền là sự kiện quan trọng nhất trong năm, diễn ra vào các ngày 12, 13, 14 âm lịch, thu hút sự tham gia đông đảo của cư dân làng. Trong những ngày lễ này, người dân tề tựu lại, kể cả những người đã ra xa làm ăn cũng trở về tham dự. Khu vực trang hoàng bằng cờ hoa rực rỡ, đèn đuốc sáng lung linh, và khói nhang thơm ngát. Các màn trình diễn tuồng hát cổ mang nét đặc trưng văn hóa dân tộc được diễn ra liên tục cho đến khi kết thúc lễ hội.

Ngoài ra, Lễ “Hạ Điền” chỉ tổ chức trong một ngày cố định, vào ngày 14 tháng Chạp hàng năm, với các nghi lễ như Chánh tế, thay khăn sắc thần, cúng thần và biểu diễn tuồng hát.

Nghi thức cúng tế:

  • Lễ Thượng điền: Cúng đất đai bắt đầu vụ mùa mới vào ngày 15 tháng 4 âm lịch.
  • Lễ Hạ điền: Tạ ơn và cúng ruộng đồng nghỉ ngơi vào ngày 15 tháng chạp âm lịch Nghi thức trong cả hai ngày lễ gần giống như nhau.Ngày đầu tiên gọi là lễ Túc Yết – ngày cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình. Kế đến là lễ Chánh Tế, được tiến hành vào giữa đêm thứ hai, có đọc văn tế với nội dung ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển sản xuất…

Thường thì, sau phần nghi thức lễ được tổ chức trang trọng là phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình nên dân làng tham gia rất đông. Mọi người ăn mặc nghiêm trang, chỉnh tề đến tham gia, thưởng thức, diễn trò, từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật… thể hiện được một nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.

Những người đến dự lễ hội đình làng được tự do xem hát, tham gia các trò chơi, trao đổi tâm tình và cùng nhau ăn uống vui vẻ, nhưng ăn uống có văn hóa, vui chơi có mức độ. Ai cũng cố gắng giữ tư cách, không say sưa, càn quấy hay nói tục, bởi trong những ngày này, mọi khía cạnh đời thường đã được nâng lên đời thiêng. Không gian thiêng liêng của đình cả năm im lìm nay được tái hiện trở lại bởi con người. Đèn, nến sáng trưng, cờ ngũ sắc tung bay, chiêng trống nổi lên, lòng người khắp nơi náo nức, rộn rã hướng về không gian thiêng liêng đó.

Đình Bình Thủy là di tích có giá trị nghệ thuật kiến trúc văn hóa cao, đây là nơi tập trung lòng tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Di tích này là trung tâm văn hóa cổ ở Nam bộ nơi từng là xứ đô hội và là nơi cường độ giao lưu văn hóa Việt Nam – Khơme – Hoa tương đối mạnh. Đình Bình Thủy là chứng tích lịch sử của buổi đầu ông cha ta khai cương thác địa vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ngày nay, đất nước đổi mới, các lễ hội về nguồn càng được quan tâm sâu sắc nên đình Bình Thủy càng ngày được tổ chức long trọng chu đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để hậu thế noi gương sáng các bậc tiền bối đã góp công khai hóa vùng đất Nam bộ. Điều này, chứng tỏ dân ta thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Posted in Lễ hội