Menu Đóng

Mùa Nước Mùa Hoa

Điên điển vàng bịn rịn mùa hoa
Xuồng ai đó lênh đênh đồng nước
Châu thổ lặn chìm sâu cả thuớc
Cho trồi lên rạo rực hoa vàng
Tình yêu nở thành hoa mùa nước
Suốt một đời ta mãi bâng khuâng

Lại một mùa nước nữa đổ về miền Tây và có lẽ cũng cuộn tràn trong ký ức của những ai đã từng đi qua vùng đất này với bao điều để nhớ mãi…Cố Nhạc sĩ – Nhà thơ Diệp Minh Tuyền cũng từng bâng khuâng trước vẻ đẹp của sắc hoa mùa nước mới có những câu thơ làm xao động lòng người như thế! …

Không biết từ khi nào, đất phương Nam lại có loài cây điên điển, chỉ biết mỗi khi mùa nước son tràn vào đồng bưng cũng là lúc những hàng cây điên điển lại vươn lên xanh biếc ven các bờ sông, gò đất…Có lẽ từ lâu lắm rồi, cái đồng bưng xa xưa ấy khi ông cha đi mở đất chỉ thấy có loài cây vượt lên mùa nước nổi và trổ rực sắc hoa vàng…

Trên hành trình khai phá đất hoang, người dân Nam bộ đã biết tận dụng những gì sẵn có của thiên nhiên để làm ấm lòng trong cơn đói rét. Từ đó mà hoa điên điển trở thành một trong những món ăn đậm đà hương vị phương Nam, làm cho những ai có dịp thưởng thức các món ăn từ loài hoa này dù có đi đâu xa cũng không thể nào quên, còn những con người đã sống và gắn bó với màu vàng điên điển lại càng nhớ, càng thương da diết…

Khi điên điển vừa đơm bông cũng là lúc cá linh non đổ về. Có lẽ vì thế mà mỗi khi nhắc đến mùa nước nổi người ta hay nhớ nhất món lá linh với bông điên điển. Nào là cá linh kho lạt, kho mía, nấu lẫu… tất cả đều có món rau ăn kèm – đó là bông điên điển. Cái loài hoa có sắc vàng gợi nhớ này còn được làm dưa, xào tép… và đặc biệt hơn còn làm nhân bánh xèo.

Giữa những ngày trời nước mênh mông, mưa gió mịt mù mà nhà có khách thì không gì hơn là chiêu đãi một bữa bánh xèo bông điên điển với tép chấu vùng lũ. Chắc hẵn bất cứ ai một lần được nếm thử sẽ nhớ mãi cái hương vị ngọt ngào của đồng đất quê nhà.

Có lẽ từ cái mộc mạc, thân quen ấy trên bưng biền mùa nước nổi đã lặng sâu vào tâm thức của những ai xa quê. Còn những loài hoa nơi đây vẫn nổi lên giữa biển nước mênh mông…

Ngoài bông điên điển, còn có bông súng – một loài hoa trắng hoang sơ trồi lên mặt nước giữa đồng bưng. Bông súng có rất nhiều loại: súng tím, súng trắng, súng chỉ, súng ma… Tuy nhiên, nhiều hơn cả là bông súng trắng, chúng mọc chen chúc nhau, nở hoa dày đặc, ngút ngàn cả cánh đồng.

Nước lũ dâng cao đến đâu thì cọng bông súng cứ vươn dài đến đó. Vì vậy khi nhổ bông súng, người ta phải quấn lại thành từng khoanh tròn để dễ chuyên chở và dễ bán mớ ở chợ quê.

Cọng bông súng nấu canh chua với bông điên điển cá rô đồng hoặc cá linh hay ăn sống với mắm kho đều ngon. Bông súng giòn, có vị ngọt xen lẫn chan chát có lẽ vì đã ngấm chất phù sa và cái vị chua phèn quanh năm của vùng đất bưng biền.

Thiên nhiên ưu đãi cho đất phương Nam những sản vật tuy đơn sơ mộc mạc nhưng ngọt ngào tình đất tình quê.Mùa nước nổi về đi cùng với nỗi lo lắng, phập phồng theo mực nước lên hằng ngày, nhưng không thể quên được cái hương vị đậm đà đã hằn sâu trong ký ức của con người đất phương Nam. Trong đó, không thể thiếu sự hiện diện của bông điên điển và bông súng khi con nước ngập đồng.

Dù chỉ là thứ hoa dại mọc lên theo mùa nước, nhưng sắc vàng của bông điên điển đã đi vào nỗi nhớ của biết bao người. Đặc biệt hơn là người dân vùng lũ còn gọi điên điển một cái tên mang ý nghĩa hàm ơn là “bông cứu đói” của bà con nghèo lúc giáp hạt. Và, những ai đã từng đi qua vùng đất này hẵn sẽ hiểu sâu hơn về loài hoa đã tiếp sức cha ông ta trên bước đường mở cõi đất phương Nam.

Cùng với điên điển, bông súng của đồng bưng cũng góp sức mình trên hành trình dài của người dân vùng đầu nguồn lũ. Và, nó cũng đã từng giúp bao thế hệ trẻ em quê nghèo có thêm quyển tập, cây viết để mà lớn lên thành người…

Cây điên điển vẫn còn đây bám rễ vào lòng đất của bưng biền và đợi nước về mà vươn cành nở rộ sắc hoa vàng…Những mầm bông súng chôn vùi trong đất và đợi hạt phù sa trôi về để vươn dậy, cho đồng bưng thay tấm áo mới…

Và cứ thế, cho dù năm tháng có qua đi, nhưng trong ký ức của mỗi người chúng ta vẫn còn mãi hoài  hình ảnh của những Mùa nước nước – Mùa hoa…./.

Nguyễn Thường

Posted in Ký Ức Miền Tây

Bài tham khảo