Menu Đóng

Làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo Tịnh Biên An Giang

Làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo Tịnh Biên An Giang

Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo nằm tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Thổ cẩm Văn Giáo mang nét đẹp và chiều sâu văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Khmer.

Sản phẩm thổ cẩm Văn Giáo đa dạng và phong phú với màu sắc hài hòa và hoa văn tinh tế. Điều này nhờ sự kết hợp giữa phong cách truyền thống và kỹ thuật hiện đại của các nghệ nhân. Đặc biệt, kỹ thuật nhuộm của làng nghề Văn Giáo sử dụng các loại thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền từ thiên nhiên, giúp cho lụa bóng đẹp, mượt mà, trang nhã và bền chắc, không bị xù lông.

Trước khi nhuộm tơ, người thợ dệt phải hình dung sẵn những hoạ tiết hoa văn dự định dệt, sau đó treo những lọn tơ thành mành trên cột nhà để phân phối màu. Mỗi màu nhuộm cần đánh dấu một đoạn sợi tương ứng. Tiếp theo, dùng mảnh nilon buộc kín từng khúc và nhuộm từng màu. Sau khi nhuộm xong màu này, lại buộc lại đoạn đó và mở đoạn khác ra để nhuộm màu tiếp theo. Công đoạn nhuộm màu cho mỗi tấm vải thổ cẩm có thể mất cả tháng trời để hoàn thành.

Quy trình nhuộm tơ đã phức tạp như vậy, sang quy trình dệt còn rắc rối hơn nhiều. Để dệt lụa thổ cẩm thành xà rông hoặc khăn choàng, người Khmer thường sử dụng kỹ thuật dệt 3 lớp sợi tơ với 3 màu khác nhau. Loại thổ cẩm này khi nhìn ngang sẽ thấy màu xanh, nhìn nghiêng bên trái thấy màu cam, nghiêng bên phải thấy màu đỏ. Còn loại thổ cẩm dùng để làm bức hoạ hoặc khăn trải bàn, do mẫu hoa văn thường được lấy cảm hứng từ các tích truyện cổ (tuồng cổ) nên kỹ thuật dệt phức tạp hơn. Người giỏi nghề cũng phải mất cả năm để hoàn thành được một tấm thổ cẩm với cốt truyện sinh động.

Phụ nữ Khmer sử dụng thổ cẩm để may áo cưới, mặc khi đi chùa, trang trí nơi thờ phượng và làm khăn đội đầu. Khi khoác lên mình tấm lụa thổ cẩm, không chỉ có vẻ đẹp tôn lên mà còn cảm thấy như được đức Phật che chở và hưởng phước lành.

Hiện nay, thổ cẩm Văn Giáo không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác, bao gồm Mỹ, Úc, Pháp, Thái Lan và Campuchia, với thương hiệu Silk Khmer.

Posted in Làng nghề

Bài tham khảo