Menu Đóng

Làng Nghề Mộc Gia Dụng Long Giang-An Giang

Ðó là một làng nghề ở xã Long Giang ,Chợ Mới, An Giang ra đời từ việc tận dụng gỗ vụn để đóng thành những bộ lư hương thờ phụng, lọng trang trí khung cửa, trấn phòng, bao lam,… chủ yếu phục vụ người nghèo. Theo thăng trầm thời gian và nhu cầu xã hội, những nghệ nhân ngày nào nay chuyển sang nghề mộc gia dụng. Vậy nhưng, làng nghề ở xứ cù lao Ông Chưởng này vẫn trầy trật tồn tại trong rất nhiều khó khăn, trở thành một trong những làng nghề có tuổi đời lâu nhất của huyện cù lao Chợ Mới, An Giang, nằm giữa hai dòng sông Tiền – sông Hậu.

làng nghề mộc chợ mới-cuulong.org

Những người bắt đầu gây dựng làng nghề vốn ở xã Long Giang (Chợ Mới, An Giang) nhưng để tồn tại, phát triển hưng thịnh, trở thành làng nghề nổi tiếng khu vực thì Long Giang mới chính là “cái nôi” của làng nghề. Theo đó thì nghề mộc gia dụng xã Long Giang ngày nay ra đời từ những năm 1930 – 1940 của thế kỷ trước. Ông Ba Doãn (Nguyễn Văn Doãn, ấp Long Thạnh 1, xã Long Giang), một trong những người cố cựu theo nghề mộc từ thuở bé cho biết: “Thời tôi còn nhỏ đã thấy cha tôi (ông Nguyễn Văn Quốc, một trong những người đầu tiên đem nghề mộc về nơi đây) làm nghề mộc này. Trước, ở đây chủ yếu là cưa lọng, mài những bộ lư gỗ, khắc chân đèn, hoành phi, câu đối… để thờ. Sau mới phát triển thêm nghề đóng tủ bàn ghế”. Tâm sự về quá trình phát triển của làng nghề, rồi ông Ba Doãn trầm tư: “Dân ở đất Long Giang này trước nghèo khó lắm, bà con phần lớn là thợ làm công cho các chủ trại gỗ lớn bên làng mộc, điêu khắc Chợ Thủ. Làm công ăn lương mãi cũng chẳng khá lên, cho nên vài nhân công, trong đó có ba tôi quyết định ra làm riêng, làm thêm từng phần gia công như chân đế, lọng gắn vào phần đầu tủ thờ, rồi các bộ phận khác cần cắt, đẽo, khoan từng phần… như chân tủ thờ, bộ lọng cửa phòng, khung điêu khắc tranh kiếng… cho các chủ trại bên làng Chợ Thủ

Nói đến nghề mộc chạm trổ, điêu khắc, cắt lọng, so về kỹ thuật và sự tinh tế thì sản phẩm của những nghệ nhân vùng đất Long Giang không hề thua kém sản phẩm của các nghệ nhân vùng Chợ Thủ. Về điều này, ông Ba Doãn cho biết: nghề mộc chạm, trổ đất cù lao Long Giang phát triển mạnh với nào tranh tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), tứ linh (long, lân, quy, phụng), trúc mai, tùng lộc, quả lựu, đôi tượng hoặc câu đối… Ngoài ra, nghệ nhân còn có những kỹ thuật chạm khắc gỗ khác khá đa dạng, với bốn loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Chạm trổ phải tạo nên hình tượng không gian ba chiều và tách rời, có thể quan sát được hình tượng từ mọi hướng, thường áp dụng đối với hình người hay thú. Chạm lộng cũng tạo nên hình tượng không gian ba chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dãy, thường áp dụng đối với các hình tứ linh hay tứ quý trên các bao lam, thành vọng. Chạm nổi tạo hình tượng nổi một phần trên nền gỗ có hoa văn đính kèm, thường áp dụng đối với các bức phù điêu. Còn chạm âm là loại chạm đơn giản, khoét lõm vào bề mặt gỗ, thường áp dụng đối với các tấm liễn (câu đối bằng chữ Nho)…

Cũng từ dạo ấy, làng nghề mộc xứ này bắt đầu hình thành cùng làng mộc Chợ Thủ nức tiếng xứ miền Tây. Dần dà, từ làm công, những người thợ nơi đây bắt đầu làm ra những sản phẩm riêng biệt như bộ lư hương, chân đèn bằng gỗ giá rẻ, bàn thờ cắt lọng trang trí… Dân miền Tây ngày đó phần lớn còn nghèo, cuộc sống không mấy dư giả để có thể mua được bộ lư hương bằng đồng để đặt trên tủ thờ, nhất là khi con cái ra ở riêng, xây nhà cất cửa cần có bàn thờ tổ tiên với bộ lư hương, nên khi những chiếc lư hương, bộ chân đèn bằng gỗ giá rẻ nơi đây ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của bà con nghèo, làng nghề phát triển ngày một hưng thịnh. Và rồi, do nhu cầu xã hội, bên cạnh những sản phẩm phục vụ thờ tự, trang trí, bà con đóng thêm tủ chén, bàn ghế, giường ngủ… bằng gỗ. Từ dạo ấy, người này chỉ người kia rồi nghề mộc dân dụng phát triển nhanh thành làng nghề. Trớ trêu thay, từ khi nghề đóng mộc dân dụng từ phụ phẩm gỗ ra đời, hàng bán càng chạy thì những người vốn theo nghề mài lọng, lư hương, chân đèn, như ông Ba Doãn dần ít đi, rồi nghề cưa táng, lọng, mài chân đèn, lư hương cũng ít dần, mọi người chuyển sang làm đồ mộc gia dụng.

Lịch sử làng nghề là thế, cho nên ngày nay, nghề đóng tủ chén, tủ áo, bàn, ghế, giường, chõng ở đây cũng chuyển sang chuyên đóng các sản phẩm giá rẻ. Một chiếc tủ chén qua hàng trăm công đoạn cũng chỉ khoảng 300 nghìn đồng. Một chiếc tủ áo, tủ ấm chén, giường ngủ cho con cái cưới hỏi ra ở riêng cao lắm chỉ khoảng từ 500 đến 700 nghìn đồng là đủ. Cũng bởi cái nghèo cho nên hầu như chẳng gia đình nào ở làng nghề có vốn liếng để mua gỗ tốt. Ban đầu họ mua gỗ còng, xoài, châm, gáo… về đóng mấy cái ghế đôn thờ, cưa lọng, chạm trổ lam, liễng. Rồi người làng tìm mua gỗ vụn, gỗ mép của các trại cưa, trại mộc lớn khu vực nghề mộc điêu khắc tủ bàn ghế cao cấp Chợ Thủ, Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới, An Giang), Cao Lãnh (Ðồng Tháp) về tận dụng mà cưa, mà đóng, ghép. Dẫn chúng tôi thăm làng nghề, anh Nguyễn Thanh Triều cho biết: “Dân ở đây tuy cuộc sống đã có khá hơn trước nhưng vẫn còn nghèo. Có công ăn việc làm ổn định nhưng mức sống vẫn còn thấp. Bà con làm trước, trả sau là chủ yếu. Ðời thợ mộc là thế”. Thật vậy, dọc tuyến đường trên dưới một cây số, chẳng có mấy nhà xây khang trang nhưng hoạt động sản xuất thì vẫn tất bật. Ðang cặm cụi khoan ngàm đóng tủ, lúc ngơi tay, ông Út Dũng (Dương Minh Dũng, ở ấp Long Thạnh 1) nói: “Ba đời làm thuê, cái đời thợ mộc cũng chẳng khá giả gì. Ngày kiếm vài chục nghìn lo cơm nước trong nhà là may lắm rồi”. Ngôi nhà tuềnh toàng bên mép kênh Ông Chưởng của ông Út Dũng, nơi chúng tôi ngồi trò chuyện cũng đã lỗ chỗ “lỗ thông hơi”. Ông Út nói: “Tính là sửa lâu lắm rồi nhưng làm trước, trả sau chưa đủ tiền”.

Ðể đóng thành phẩm một chiếc tủ hay một giường phải qua rất nhiều công đoạn, thế nhưng vì đây là sản phẩm giá rẻ, bán cho người có thu nhập thấp nên tiền công cho một công đoạn cũng chỉ vài nghìn đồng nên thu nhập của nhân công theo nghề mộc nơi đây chỉ vài chục nghìn đồng/ngày. Một khó khăn khác mà bà con phản ánh chính là khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm đang gặp thế bí. Mặt hàng gỗ gia dụng khá nặng, thường vận chuyển bằng đường bộ (xe tải là nhanh nhất), nhưng tải trọng cầu, đò ngang dọc tuyến xã Long Giang không chịu được tải trọng lớn, đường thủy thì tốn thời gian và tiền vận chuyển lại nâng giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, hiện đầu mối tiêu thụ cũng chưa bảo đảm, lúc thế này, lúc thế khác nên bà con làm ra sản phẩm cứ thấp thỏm.

Ðược chính thức công nhận làng nghề từ năm 2008, thế nhưng nhiều năm qua, làng nghề mộc gia dụng Long Giang chưa được hỗ trợ, vay vốn ưu đãi để phát triển nghề. Thống kê cả làng có 116 hộ theo nghề, hơn 500 lao động làm việc thường xuyên, hàng nghìn lao động làm việc bán thời gian.

Khi xã hội phát triển, những bộ lư hương, chân đèn xưa kia không còn hưng thịnh. Những chiếc tủ, giường gỗ được đóng bằng gỗ vụn ngày một ít dần trong các gia đình trẻ do bị cạnh tranh khốc liệt với những sản phẩm giá rẻ hơn. Ông Ba Doãn chia sẻ: “Nhà cửa bây giờ đâu có mấy nhà còn cất kiểu nhà sàn gỗ truyền thống miệt sông nước miền Tây nên mấy cái lam cửa, lam phòng cưa lọng gần như không còn sản xuất đến cả chục năm rồi. Thêm mấy cái lư, liễn bằng gỗ cũng không được thịnh khi bộ lư đồng, câu đối, hoành phi bằng các chất liệu khác phát triển mạnh, giá rẻ, nên cả làng bây giờ sống nhờ mấy cái tủ chén, tủ đồ, giường… bằng cây tạm giá bèo này thôi”. Có lẽ thế nên những người thợ tâm huyết với làng nghề ngày một bỏ dần nghề khi mối tương quan giữa công việc và thu nhập không còn phù hợp. Âu đó cũng là cái khó chung của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay. Ðược biết, tỉnh, huyện và xã đang khẩn trương tiến hành các khâu thành lập tổ liên kết sản xuất, thành lập hợp tác xã ở làng nghề Long Giang. Theo anh Triều, để thành lập được tổ liên kết cần có sự gắn kết giữa mọi người trong làng nghề, người muốn vào tổ cần thấy được những ưu đãi thiết thực, bộ máy vận hành của tổ cần bảo đảm… Nếu giải quyết tốt các vấn đề này, sẽ tạo ra cơ sở cho tổ liên kết có thể hình thành, đứng vững và phát triển.

Theo NDĐT

Posted in Thông tin

Bài tham khảo