Menu Đóng

Mưa Ở Cù Lao

Ngoại rất quý chú Tòng, bởi cái tính chân thật, chất phát và quê mùa của chú. Ai mượn gì cùng làm, cần gì cũng giúp mà chẳng cần một lời cảm ơn. Người ở cù lao này, ai ai cũng quý chú. Từ người già đến trẻ con, cũng bởi cái bản chất con người chú Tòng hiền lành lại chịu thương chịu khó. Nó cũng quý chú Tòng và coi chú như người thân trong gia đình, sau ngoại…

muaoculaoNgoại kể, chú Tòng mồ côi từ nhỏ. Chú Tòng sống thui thủi một mình trong căn nhà lá tạm bợ ngoài rìa cù lao. Ba mẹ chú Tòng mất khi chú Tòng chưa được mười tuổi. Người cù lao thương chú Tòng không cha, không mẹ lại còn nhỏ, chưa thể làm việc để tự nuôi sống bản thân nên hễ ai có đồ ăn cũng mang qua cho chú, người có gạo cho gạo, người có rau cho rau…. Chú Tòng lớn lên từ sự thương yêu đùm bọc của người cù lao, nhờ vậy mà khôn lớn, trưởng thành nên chú Tòng biết ơn đất và người cù lao lắm.

Chẳng những thế mà nhà ai có việc chú đều xông xáo làm như đó chính là công việc của nhà mình. Chú làm mà chẳng cần cảm ơn, trả công. Chú mỉm cười với tất cả mọi người. Người ở cù lao chưa khi nào thấy chú Tòng buồn cả.

Ba mươi sáu tuổi, chú Tòng chưa một mảnh tình vắt vai. Có hỏi thì chú chỉ cười cho qua chuyện. Ở cái cù lao này, con gái, phụ nữ nhiều hơn đàn ông nhưng chú Tòng chẳng để ý ai hết ráo. Có lẽ do chú Tòng tự ái về số phận của mình hoặc là do chú Tòng chưa muốn lập gia đình vào lúc này chăng? Nó đoán già đoán non như thế.

Ngoại hay cho nó qua nhà chú Tòng chơi. Có món gì ngon cũng dành phần mang qua cho chú. Nhiều khi chú Tòng ngại, không dám nhận nhưng sợ ngoại buồn, ngoại giận nên chú cầm để ngoại vui. Ngoại coi chú như con cháu trong nhà, những lúc chú Tòng ốm đau, ngoại đều lầm lũi ngày vài bận qua thăm và chăm sóc. Chú Tòng cảm động, nói không ra lời. Những lúc như thế, nước mắt chú Tòng mới chịu rơi, chứ bình thường chú cứng rắn lắm. Hỏi sao thì chú Tòng bảo, lúc chú Tòng nằm bệnh, chẳng giúp đỡ được gì cho người ở cù lao mà lại khiến người ở cù lao lo lắng. Có người biết chú bệnh mang đủ thứ qua nhà cho, mắt chú Tòng lại ngân ngấn nước.

Bệnh chưa lành hẳn nhưng chú Tòng đã tự mình làm tất cả công việc ở nhà, rồi còn giúp đỡ người khác nữa. Ngoại biết, ngoại giận, không nói chuyện thì chú Tòng biện minh “Con sinh ra ở cù lao, cũng may nhờ đất và người cù lao cưu mang mà sống, mà trưởng thành. Con phải làm tất cả để trả ơn người cù lao má ạ. Con sợ đến một lúc nào đó, con nằm yên một chỗ, không thể báo đáp công ơn đất và người cù lao này thì khi đó cuộc sống của con coi như vô nghĩa mất rồi”.

Cù lao vào mùa gặt cũng chính là lúc chú Tòng bận rộn và vất vả nhiều hơn. Hết gánh lúa lên ghe đẩy về từng nhà cho mọi người, chú Tòng còn nhận trông lúa chưa thu hoạch kịp giùm. Có khi chú Tòng thức cả đêm không ngủ vì sợ lúa của người cù lao bị trộm. Nó xin ngoại cho nó ra canh lúa chung với chú Tòng, lúc đầu ngoại còn do dự nhưng rồi cũng đồng ý.

Khi ở gần chú Tòng, nó kể rất nhiều chuyện cho chú Tòng nghe. Từ chuyện nó để ý con nhỏ lớp trưởng da đen trên lớp đến chuyện sau này khi lớn lên, nó muốn sống ở trên thành phố, nó sẽ bỏ cù lao mà đi, vì nghe đâu trên thành phố hiện đại lắm, chứ không như cuộc sống ở cù lao này. Rồi thì cả chuyện nó bị thằng Mèo đánh vì cả gan ăn trộm xoài mang cho tụi con gái trên lớp. Nó còn bảo chú Tòng bữa nào đi trả thù thằng Mèo giùm nó nữa, chú Tòng nghe nó nói thì gật đầu cười cười. Sau đó, nó ngủ gục trong lòng chú Tòng lúc nào chẳng hay.

Có lần nó hỏi chú Tòng:

– Chú Tòng nè, hồi còn nhỏ chú không có ba mẹ, vậy chú có nhớ ba mẹ chú không?

Chú Tòng trả lời: – Nhớ chứ, ba mẹ là người sinh ra mình và nuôi nấng mình, sao lại không nhớ được.

Nó chợt suy nghĩ gì đó rồi bảo:

– Mà chú Tòng sướng, hồi còn nhỏ chú còn biết ba mẹ chú, chứ con á, đến giờ con còn chẳng biết ba mẹ con là ai. Con có hỏi ngoại, thì ngoại nói ba mẹ con đang sống trên thành phố. Vậy nên sau này lớn lên con cũng sẽ lên thành phố tìm ba mẹ con cho bằng được.

Chú Tòng nghe nó nói vậy thì chỉ biết ôm nó vào lòng, xoa đầu nó và hát ru nó ngủ. Chú Tòng coi vậy chớ, mà hát tân cổ giao duyên hay hết chỗ nói.

Bữa khác nó lại hỏi:

– Chú Tòng nè, chú đã yêu bao giờ chưa? Sao con chẳng thấy có cô gái nào đi chơi với chú hết vậy?

Chú Tòng cười: – Chú yêu rồi nhóc con ạ!

Nó ngạc nhiên: – Thế ạ? Vậy người yêu chú đâu sao không thấy qua thăm chú?

– Người yêu chú cũng đang sống trên thành phố.

– Vậy sao chú không đi tìm?

– Chưa tới lúc, nhóc con ạ. Khi nào đi chú sẽ đi.

– Hay là chú chờ con lớn rồi con và chú đi lên thành phố, con đi tìm ba mẹ, còn chú đi tìm người yêu.

– Ừ, như thế cũng được……

Vậy rồi mà nó cũng lớn dần theo thời gian. Chú Tòng vẫn sống vì cù lao, chưa một lần sống cho riêng mình. Nó thừa hiểu điều đó mỗi đêm nhìn vào mắt chú…

Ngày nó mười tám chú Tòng cũng đã ngoài bốn mươi. Việc học hành, phụ giúp ngoại bận rộn cả ngày nhưng nó vẫn giữ thói quen ghé nhà chú Tòng mỗi chiều. Chú Tòng cũng đã già, tóc chú đã lấm bạc, chú chẳng còn trẻ trung gì nữa nhưng vẻ ngoài của chú cũng chẳng thay đổi là bao. Chỉ có nó là thay đổi, từ suy nghĩ, cách nói chuyện đến hành động, ra dáng một chàng thanh niên cù lao lắm rồi. Càng lớn, suy nghĩ của nó càng có chiều sâu, nó suy nghĩ rất nhiều về lời ngoại nói, lời của chú Tòng và bất chợt nó thấy thương chú Tòng biết bao. Nó khâm phục chú Tòng. Rồi chẳng biết từ hồi nào nó gọi chú Tòng là ba, xưng con, chú Tòng vui vẻ chấp nhận cách gọi mới của nó dù lúc đầu hơi gượng gạo.

Ngày nó nhận ra mình trưởng thành cũng tới, nó xin phép ngoại cho nó được lên thành phố làm việc và tìm ba mẹ mình. Ngoại như đã đoán trước được sự việc này từ lâu nên ngoại đồng ý, không do dự. Và ngoại biết, đây có lẽ là lúc thích hợp để ngoại nói cho nó nghe những bí mật mà ngoại cất giữ suốt mười tám năm qua.

Ngoại đưa nó tấm hình chụp một người con gái trẻ và bảo đây là mẹ nó, người đã sinh thành ra nó, nhưng vì hoàn cảnh, mẹ nó phải bỏ cù lao lại và bỏ cả nó để đi. Ngoại bảo, ngoại không có con, ngoại cũng là đứa trẻ mồ côi được người cù lao và đất cù lao nuôi sống. Ngoại nhớ ơn suốt đời. Nó và ngoại chẳng quan hệ ruột thịt, ngoại nhận nó từ tay người thiếu nữ mười tám năm đó trẻ đẹp nhưng dễ tin người nên mang trong mình đứa con của kẻ bội tình. Ngoại lưỡng lự nhận nó từ tay người con gái ấy, rồi chính nước mắt và sự cầu khẩn của người con gái ấy khiến ngoại động lòng. Ngoại nhận nó về nuôi và coi nó như cháu ruột.

Nó òa khóc khi nghe ngoại kể. Nước mắt nó và cả tiếng nấc nghẹn từng hồi sao xót xa và đau đớn.

Ngoại bảo nó:

– Con có thể đi vì đó là quyết định của con. Hãy làm theo những gì con muốn. Hãy suy nghĩ và quyết định đúng đắn để sau này không phải hối hận về những việc mình đã làm.

Nó gật đầu. Nước mắt rưng rưng!

Đêm cù lao lộng gió, ngoài trời đổ mưa nặng hạt. Nó còn đang sắp xếp mấy bộ quần áo cũ bỏ vào ba lô thì chú Tòng đến, chú Tòng ngồi xuống cạnh bên, đưa cho nó ít tiền rồi bảo:

– Ba chẳng có nhiều, chút ít để con đi đường uống nước. Có bất cứ tin tức gì thì liên lạc về cho ngoại và cho ba biết.

Nó lưỡng lự cầm số tiền chú Tòng đưa:

– Ba Tòng không đi thành phố tìm người yêu với con à?

– Người yêu nào ta?

– Người yêu trên thành phố mà ngày xưa ba nói đó.

– À… à… – Chú Tòng ấp úng – người yêu ba lấy chồng rồi. Cô ấy nói ba hãy quên cô ấy đi!

– Vậy là ba sẽ không đi thành phố nữa?

– Ừ, ba phải ở lại cù lao để giúp đỡ mọi người, ba không thể vì chút riêng tư mà bỏ cù lao được. Cuộc sống và số mệnh của ba đã thuộc về đất và người cù lao từ lâu. Con lên đường may mắn. Nhớ giữ liên lạc thường xuyên.

Đêm cù lao trôi qua chầm chậm, nó không sao chợp mắt. Ngoài trời mưa vẫn rả rích rơi, mắt nó mở thao láo, tai vẫn lắng nghe tiếng gió lùa ngoài rìa cù lao rin rít, ràn rạt…

Chuyến đò đưa khách rời cù lao mới sáng sớm mà đông chật khách. Ngoại và chú Tòng cũng dậy từ sáng sớm để tiễn nó đi thành phố. Đò rời bến, ngoại và chú Tòng đứng nán lại thêm phút chốc đưa tay vẫy chào tạm biệt. Nó vội vàng quay mặt đi, sợ sự lưu luyến làm nó yếu đuối. Nước cù lao cứ thế gờn gợn theo từng vạt chèo nghiêng nghiêng.

Nó còn đang phân vân, mơ hồ trong mớ suy nghĩ hỗn độn hiện ra trong đầu nó thì có tiếng ngoại gọi nó khiến nó giật mình:

– Kìa Hùng, dậy mà đi cho kịp chuyến đò sáng, không lại trễ đò bây giờ.

Nó dụi dụi mắt, hóa ra nãy giờ nó nằm mơ. Vậy mà nó cứ tưởng mình đã rời cù lao đi rồi kia chứ.

– Dậy đánh răng rửa mặt, ngoại đi nấu cho miếng cơm ăn cho chắc bụng rồi hãy đi.

Vừa dứt lời, ngoại liền bỏ đi thì nó kéo tay ngoại:

– Thôi ngoại khỏi nấu đi ngoại. Con không muốn ăn đâu.

–  Ơ cái thằng này, không ăn sao có sức mà đi xe lên thành phố? Cả chục tiếng đồng hồ chứ ít ỏi gì.

– Con quyết định rồi, cả đêm qua con suy nghĩ rất kỹ. Con sẽ không đi thành phố nữa, con sẽ ở lại cù lao sống với ngoại, với ba Tòng và với mọi người.

– Thật hả? Mà con đã suy nghĩ kỹ chưa? Để sau này không phải hối tiếc về việc con đã quyết định ngày hôm nay.

– Dạ rồi! Con sẽ ở lại cù lao để sống cuộc sống như ngoại, như ba Tòng để trả ơn đất và người cù lao đã cưu mang con.

Nó vừa dứt lời, ngoại vội ôm nó, xoa xoa đầu nó mà cười. Ngoại cười nhưng nước mắt cứ đua nhau chảy ra. Nó đưa bàn tay lên lau từng giọt nước mắt cho ngoại, lâu lắm rồi nó mới thấy ngoại vui. Vui bằng nước mắt

Nguồn:hau giang điện Tử

Posted in Truyện ngắn

Bài tham khảo