Sông sâu sào vắn khó dò
Muốn qua thăm bậu sợ đò không đưa…
Câu ca dao xưa có thể chỉ là một cái cớ, một cách rào đón, ngại ngùng trong bày tỏ tình cảm lứa đôi. Nhưng, qua đó cũng phần nào nói lên một thực tế về một vùng đất vốn đò giang cách trở. Sự cách trở ấy cũng có thể trở thành ký ức đối với những ai sinh ra và lớn lên trên miền sông nước – về hình ảnh của những con đò….
Miền Tây là nơi hội tụ những dòng sông, và dù có gắn bó suốt cuộc đời cùng sông nước thì cũng không ai biết được chính xác xứ sở mình có bao nhiêu dòng sông, con rạch. Chỉ biết rằng, dọc ngang trên miền sông nước ấy từ lâu đã xuất hiện các loại phương tiện đi lại công cộng – gọi là Đò…Cái từ “đò” nghe thật thân quen và gần gũi! Người miền Tây gọi là “đò” còn được hiểu là để chỉ chiếc đò ngang, còn đối với đò dọc thì gọi là “tàu đò”. Đó là cách gọi khá quen thuộc của cư dân miệt sông nước ngày trước.
Còn nhớ, hồi thời bao cấp, tất cả các tỉnh ở miền Tây đều có đò dọc vì giao thông đường bộ ở vùng sâu gần như không có. Chiếc tàu đò lúc ấy rất lớn, đóng bằng gỗ và chạy bằng máy dầu chậm chạp. Chặng đường của đò dọc có khi dài đến 50-60 cây số. Mà tàu đò hồi đó rất ít, mỗi ngày trên mỗi tuyến chỉ có 1 chuyến đi và về. Hành khách phải ra vàm kênh (nơi tiếp giáp với sông lớn) để chờ tàu đò chạy qua. Dịp tết thì có khi khách nhiều, tàu đò lại quá khẳm, đành bỏ khách không rước. Ai gặp cảnh ấy đành phải quay về nhà chờ đến ngày hôm sau ra bến đón đợi tiếp…
Thương em anh mới dặn dò
Sông sâu chớ lội, đò đầy đừng qua!
Thế rồi, vào những năm đất nước đổi mới, đường bộ tiếp tục vươn về vùng sâu, vùng xa… Để cạnh tranh với xe máy, xe hơi, người ta đã thay tàu đò bằng vỏ lãi chạy bằng máy xe và cao cấp hơn là cano cao tốc. Cái từ “tàu đò” dường như cũng ít ai gọi nữa và chiếc tàu đò cồng kềnh, chậm chạp ngày nào cũng dần lùi vào quá khứ. Nhưng hình ảnh về chiếc tàu đò xưa vẫn còn mãi trong ký ức của những ai từng một thời đi qua giai đoạn khó khăn của đất nước…
Với chiếc đò ngang cũng thế! Cái thời mà những chiếc cầu bê tông chưa có mặt ở vùng sâu, người ta muốn qua bờ bên kia chỉ có thể bằng cầu khỉ hoặc phải nhờ chiếc đò ngang. Hầu như ở khúc sông nào ở vùng sông nước miền Tây cũng đều có những bến đò ngang và hình ảnh của người chèo đò quen thuộc bất kể nắng mưa, sớm chiều. Tiếng gọi đò cũng dường như còn vẳng vẳng đâu đó trong tâm thức của chúng ta – một tiếng gọi như đưa con người trở về với nguồn cội, về với quê hương. Nhà thơ Trần Tế Xương từng để lại trong thi ca một tiếng gọi đò như thế!
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…
Biết bao người ở miền quê này suốt thời niên thiếu thường qua lại trên chiếc đò ngang để đến lớp. Bến đò cũng từng là nơi hò hẹn, mong ngóng của những đôi trai gái của hai làng mỗi khi chiều về… Rồi có người qua chuyến đò ngang rời quê, để lập thân, lập nghiệp… Để có một ngày, ai đó, khi quay lại bến đò xưa, được qua con đò cũ năm nào mà nghe trong lòng xôn xao nỗi nhớ!
Sông sâu nước chảy lửng lờ
Chuyến đò ngang dệt đôi bờ nhớ mong
Về thăm quê với dòng sông
Qua đò ngang thấy sóng lòng xôn xao…
Bến đò, dòng sông là ranh giới địa lý nhưng nó cũng là nơi để ngóng trông, chuyên chở những yêu thương và niềm chờ đợi. Trên bến sông quê đã có không ít những đôi lứa yêu nhau từng tiễn đưa người yêu ra tiền tuyến…
Ngày đất nước thống nhất, đây đó những cây cầu đẹp, vững chắc được xây dựng nhiều hơn thay cho bến đò ngang cho trẻ em an toàn hơn khi cấp sách đến trường. Nhưng không phải ở đâu trên miền sông nước dọc ngang này cũng làm được điều đó. Vì thế mà hình ảnh chiếc đò ngang dù vắng bóng ít nhiều, nhưng chưa thể chấm dứt cuộc hành trình của mình… Xã hội phát triển, đôi bờ sông quê cũng nhộn nhịp hơn khi những chiếc phà nhỏ ngày đêm nối nhịp đôi bờ.
Học sinh qua sông, hành khách qua lại không còn lo sợ trong mùa mưa lũ. Nhưng dẫu sao, hình ảnh con đò – với mái chèo – với tiếng gọi đò quen thuộc vẫn luôn ẩn hiện đâu đó trong tâm thức chúng ta…Cũng như chiếc tàu đò vẫn còn đâu đó ở vài địa phương của miền Tây để làm nhiệm vụ chở hàng hóa và hành khách nơi vùng sâu. Nhưng chắc chắc là còn rất ít, thay vào đó là vỏ lãi gắn máy xe và cano cao tốc. Cái từ “đò” dù “dọc” hay “ngang” bây giờ người ta cũng ít gọi tên hơn…
Không ở đâu trên đất nước này như ở miền Tây. Mỗi con người sinh ra đều gắn liền với một dòng sông, mà tất cả mỗi dòng sông đều có không dưới một bến đò. Mỗi đời người như một dòng sông chảy đi, chảy đi, rồi cũng có lúc trở về bến cũ với những kỷ niệm; hay ít nhất cũng giữ lại trong lòng bao ký ức không phai. Mộc mạc, chân quê thế thôi, nhưng bến nước, dòng sông, mãi cứ tắm mát trong tâm thức mỗi con người với hình ảnh của một thời để nhớ: Đò dọc – Đò ngang!
Nguồn : Nguyễn Thường