Menu Đóng

Tản văn Hoài Anh: Quê Hương

Tản văn Hoài Anh: Quê Hương

“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Nghe văng vẳng đâu xa ca từ của bài hát, đã đánh động trong tôi một cảm giác lâu lắm rồi tưởng chừng quên lãng. Bất chợt, tôi nghe đau đáu một nỗi nhớ quê hương.

Ở nơi xưa, hàng ngày tôi thường xuống tắm sông, bơi ra nhặt ốc gạo trên một tòa miếu cổ đã chìm xuống đáy sông không biết từ đời nào. Rồi trèo lên lưng trâu đứng cao lên, thổi kèn thật to quấn bằng lá dừa, vừa theo trâu lội vào bờ.

Cái ngày xưa ấy, hồi tôi còn là một chú bé nhà quê chạy đuổi theo con chuồn chuồn óng ả bay dọc theo những đường làng. Có một con đường dài cặp bờ sông chạy thẳng chừng ba cây số, rẽ phải rồi vòng qua một cây cầu, thẳng tiến. Đó là mái trường làng nơi tôi và lũ bạn học ngày xưa.

Tuy đường sá đứt khúc, cầu khỉ lắc lư nhưng trời phú cho làng tôi có cánh đồng rộng mênh mông chạy dài tít tắp. Mùa gì ăn nấy, chứ không phải lo cơm gạo như bây giờ. Đến thời điểm nước kém, mực nước trên các con kênh xuống thấp, nước trên đồng lại khô cạn nên cá dồn hết xuống ao đìa, kênh rạch. Vậy là bà con rủ nhau đi nơm cá rọng để dành ăn.

Đi nơm thành từng đoàn rất vui, cha mẹ tôi nơm cá dưới kênh, còn tôi trên bờ có nhiệm vụ quảy giỏ theo lượm cá, có khi được cả mấy ký cá lóc, mặc sức mà ăn. Hồi nhỏ, ngoài làng tôi ra, tôi không còn sinh sống ở một nơi nào khác; và bao nhiêu nguồn cội văn hóa, bao nhiêu vốn kiến thức dân gian về văn chương, mỹ thuật… tôi thu lượm được trong cuộc sống đều đã được ươm mầm từ ngôi làng nhỏ bé ấy. Thời kỳ ấu thơ này tôi được che chở bởi làng quê kỳ diệu giống như một tổ chim bình yên. Ngày xưa ơi…

Chiều nay ra sân thượng hóng gió, nhìn bâng quơ về phía trời vô định. Tôi cảm thấy nhớ da diết tiếng hát đuổi chim muông của lũ trẻ con cất lên từ những nương rẫy khắp nơi trong làng. Nhớ cái con đường ngoằn nghèo cặp con sông tôi đi học. Nhớ… nhớ rất nhiều…

Bây giờ tôi đã đặt chân đến nhiều nơi trên trái đất, thế nhưng nhờ có làng, tôi đã không trở thành một vật vô định trong không gian, hay là đám rong rêu bồng bềnh trên mặt đại dương. Tôi đã thuộc về một “tọa độ” nào đó cụ thể trên mặt hành tinh. Tôi vẫn nghĩ rằng, một con người dù tiếng tăm lừng lẫy đến đâu, cũng không thể tự cho mình là lớn lao hơn quê hương của mình được. Tôi biết quê hương đã thay đổi, đã phát triển, phồn thịnh. Đường sá, trường học đã khang trang, sung túc,… Vui mừng mà sao nước mắt tôi rưng rưng.

Ngọn gió nào phía sau thổi đến mát rượi trong trẻo lạ thường, như một trời sương tỏa khắp không gian. Thầm nghĩ, kỷ niệm thơ ấu chỉ còn lẩn khuất đâu đó trong một góc tâm hồn, một mảng ký ức. Nó là một làn gió chỉ thổi qua một lần trong cuộc đời mỗi người, vì thế hãy biết trân trọng…

Posted in Văn học

Bài tham khảo