Menu Đóng

Lịch sử hình thành tỉnh Vĩnh Long

Vĩnh Long ngày nay là một phần của tỉnh Long Hồ, được thành lập từ năm 1732, bao gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ.

Năm 1732, Chúa Nguyễn thứ bảy là Ninh vương Nguyễn Phúc Trú (1696-1738) đã thành lập ở phía nam dinh Phiên Trấn một đơn vị hành chính mới là dinh Long Hồ, châu Định Viễn, hiện nay là tỉnh Vĩnh Long.

Ban đầu, trụ sở của dinh Long Hồ được đặt tại thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng, được gọi là đình Cái Bè. Tới năm Đinh Sửu (1757), trụ sở được chuyển đến xứ Tầm Bào, thuộc địa phận thôn Long Hồ, nay là thị xã Vĩnh Long. Thành Long Hồ được xây dựng tại xứ Tầm Bào, trở thành thủ phủ của một vùng rộng lớn.

Nhờ đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi và dân cư đông đúc, dinh Long Hồ đã trở thành một trung tâm quan trọng trong thời kỳ đó. Việc buôn bán thông thương phát đạt cùng vị trí trung tâm của nó đã đóng góp vào sự phát triển của nơi này. Nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, Chúa Nguyễn đã thành lập nhiều đồn binh tại đây, như Vũng Liêm, Trà Ôn và nhiều nơi khác.

Vào giữa thế kỷ 18, dinh Long Hồ trở thành thủ phủ của vùng đất phía nam và là đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn, có nhiệm vụ phòng thủ, ổn định và bảo vệ đất nước. Lịch sử còn ghi nhận rằng vào năm Canh Dần 1770, tại vùng đất này, lưu thủ dinh Long Hồ đã chặn và đánh tan tác quân Xiêm La do Chiêu Khoa Liên cầm quân, tiêu diệt 300 tên địch, từ đó đánh bại âm mưu xâm chiếm nước Việt của chúng. Nơi đây cũng từng diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Vào năm 1784, tại sông Mang Thít (Vĩnh Long), nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại liên quân Xiêm La do Nguyễn Ánh cầu viện.

Thay đổi hành chính qua các thời kỳ:

Ngày 27/6/1951, nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà. Huyện Tiểu Cần được nhập vào huyện Càng Long. Tỉnh Vĩnh Trà tồn tại đến năm 1954.

Trước 1948, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) thuộc tỉnh Vĩnh Long; sau đó giao cho Bến Tre; đến giai đoạn 1957–1965, huyện Chợ Lách giao về cho tỉnh Vĩnh Long. Năm 1966, tách huyện Chợ Lách về tỉnh Bến Tre.

Trước năm 1948, hai huyện Cầu Kè, Trà Ôn thuộc tỉnh Cần Thơ; từ 1948–1950, hai huyện này thuộc tỉnh Vĩnh Long; Từ năm 1951–1954, thuộc tỉnh Vĩnh Trà; Từ năm 1954–1971, huyện Cầu Kè, huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Trà Vinh. Thời kỳ 1971–1975 huyện Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 8/10/1957 chia tỉnh Vĩnh Long làm 6 quận, 22 tổng, 81 xã :

  • Quận Châu Thành Vĩnh Long có 5 tổng: Bình An, Bình Long, Long An, Phước An, An Mỹ Đông; quận lị: Long Châu.
  • Quận Chợ Lách (nay là huyện thuộc tỉnh Bến Tre) có 5 tổng: Bình Hưng, Bình Xương, Bình Thiềng, Minh Ngãi, Thanh Thiềng; quận lị: Sơn Định.
  • Quận Tam Bình có 3 tổng: Bình Định, Bình Phú, Bình Thuận; quận lị: Tường Lộc.
  • Quận Bình Minh có 3 tổng: An Ninh, An Khương, An Trương; quận lị: Mỹ Thuận.
  • Quận Sa Đéc có 4 tổng: An Thạnh, An Trung, An Thới, An Mỹ Tây; quận lị: Tân Vĩnh Hòa. Năm 1966 nhập vào tỉnh Sa Đéc mới lập.
  • Quận Lấp Vò có 2 tổng: Phong Thới, Phú Thượng; quận lị: Bình Thành Đông. Năm 1966 nhập vào tỉnh Sa Đéc mới lập.

Sau có thêm quận Cái Nhum do tách từ quận Chợ Lách ra, và ngày 31/5/1061, quận Cái Nhum đổi thành quận Minh Đức (nay là huyện Mang Thít), quận lị đặt tại xã Chánh Hội.

Ngày 11/7/1962 lập thêm 2 quận Đức Tôn (quận lị đặt tại Cái Tàu Hạ) và Đức Thành (quận lị đặt tại Hòa Long). Năm 1966 cả 2 quận nhập vào tỉnh Sa Đéc mới lập.

Ngày 2/8/1969 thì Vĩnh Long có 7 quận, 18 tổng, 65 xã:

  • Quận Châu Thành Vĩnh Long có 4 tổng: Bình An, Bình Long, Long An, Phước An; quận lị: Long Châu.
  • Quận Chợ Lách có 3 tổng: Bình Hưng, Bình Xương, Minh Ngãi; quận lị: Sơn Định.
  • Quận Tam Bình có 2 tổng: Bình Phú, Bình Thuận; quận lị: Tường Lộc.
  • Quận Bình Minh có 2 tổng: An Ninh, An Trương; quận lị: Mỹ Thuận.
  • Quận Minh Đức có 2 tổng: Bình Thiềng, Thanh Thiềng; quận lị: Chánh Hội.
  • Quận Trà Ôn có 2 tổng: Bình Lễ, Thạnh Trị; quận lị: Tân Mỹ.
  • Quận Vũng Liêm có 3 tổng: Bình Hiếu, Bình Quới, Bình Trung; quận lị: Trung Thành.

Năm 1976, Vĩnh Long đã sáp nhập với Trà Vinh thành tỉnh Cửu Long, đến ngày 26/12/1991 lại tách ra thành hai tỉnh riêng như cũ. Khi tách ra, tỉnh Vĩnh Long có diện tích 1487,34 km², dân số 975.281 người, gồm thị xã Vĩnh Long và 5 huyện: Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn.

Ngày 13/2/1992 tái lập huyện Mang Thít từ huyện Long Hồ.

Ngày 31/7/2007 thành lập huyện Bình Tân.

Đơn vị hành chính tỉnh Vĩnh Long (2023)

Ở thời điểm năm 2023, tỉnh Vĩnh Long gồm có 1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện. Bao gồm:

  • Thành phố Vĩnh Long ;
  • Thị xã Bình Minh ;
  • Huyện Long Hồ ;
  • Huyện Mang Thít ;
  • Huyện Vũng Liêm ;
  • Huyện Tam Bình ;
  • Huyện Trà Ôn ;
  • Huyện Bình Tân.
Làng gạch, làng gốm Vĩnh Long
Làng gạch, làng gốm Vĩnh Long

Nguời Vĩnh Long

Ngoài truyền thống lịch sử, Vĩnh Long còn là nơi hội tụ anh hào. Nhiều danh nhân được sinh ra ở đây. Tiêu biểu có: nhà nghiên cứu văn hóa Trương Vĩnh Ký, Bùi Hữu Nghĩa.

Trong lĩnh vực văn nghệ có Cố nghệ sỹ Út Trà Ôn: một ngôi sao sáng của bộ môn nghệ thuật cải lương. Ông sinh năm 1918 tại huyện Trà Ôn Vĩnh Long, tên thật là Nguyễn Thành Út, mất 13 tháng 8 năm 2001. Ông đã trải qua các sân khấu lớn như: Thống nhất, Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga… ca khúc để đời của soạn giả Viễn Châu: Tình anh bán chiếu.

Văn hóa, di tích lịch sử

Nhờ địa thế đặc biệt và lịch sử hình thành phong phú, Vĩnh Long đã hòa quyện ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, cùng sinh sống lâu đời ở đây, tạo nên một nền văn hóa đặc trưng cho vùng đất này. Với sự đa dạng văn học dân gian, Vĩnh Long có nhiều loại hình văn học truyền thống như nói thơ Vân Tiên, nói tuồng, nói vè, hát Huế Tình, và cải lương.

Ngoài ra, Vĩnh Long còn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa quan trọng như thành xưa Long Hồ, được xây dựng vào năm 1813, miếu Công thần, đình Tân Giai, và đình Tân Hoà. Đặc biệt, thị xã Vĩnh Long còn tự hào sở hữu Văn Xương các (còn gọi là Đền Văn Thánh hoặc Văn Thánh Miếu) do đốc học Nguyễn Thông (người gốc Phan Thiết) lập ra.

Posted in Lịch sử