“Mấy đứa ơi nhanh lên, trời đang nắng tốt, nhớ xách theo can dầu luôn nghe.” – Tính tiền xong ly cà phê, chú Ba Gul – ngụ ấp 3, thị trấn Tràm Chim vội kêu các “đệ tử” (những người làm thuê cho chú) lên ghe bắt đầu chuyến làm ăn mới.
Hớn hở mùa cá ra
Trong phút chốc, hai chiếc ghe đục loại 2 tấn của chú Ba chạy cặp kè đã ra giữa kênh Đồng Tiến (khu vực gần thị trấn Tràm Chim, Tam Nông). Xác định được đoạn kênh có cá từ đồng ra nhiều nên mặc dù tàu lớn thường xuyên chạy qua lại, gây khó cho việc bủa lưới, nhưng chú Ba vẫn nhất quyết tìm cách bủa lưới xuống đoạn kênh này. Sau khoảng 10 phút, đoạn kênh không còn nghe tiếng máy nổ của tàu lớn, hai chiếc ghe chú Ba liền được tách ra chạy dọc 2 bờ kênh. Trong nháy mắt, tấm lưới loại “mắc lưới” một phân tám, dài 50m, ngang 45m đã được chú và các “đệ tử” bủa gọn xuống lòng kênh.
Vừa bủa xong tấm lưới, chú Ba Gul quay về phía tôi nói chắc nịch: “Chú em mày chờ xem, cứ đà dòng nước chảy ngon lành như vầy, tay lưới này sẽ trúng mánh, cá nhảy lên coi đẹp con mắt luôn”. Quả không sai, chưa đầy một giờ đồng hồ, lưới được kéo lên độ khoảng 40kg cá với đủ loại: cá linh, cá lăng, cá mè vinh, cá dảnh,… Nhìn thấy cá nhảy trắng lưới trông thật đã mắt.
Cá vừa đổ hết vào khoang ghe, thấy tôi háo hức nhìn mẻ cá, chú Ba quay ngang nheo mắt cười và nói như thúc giục: “Cá đánh được như vầy chưa đã đâu, chú em mày vô xã Hòa Bình mùa này mới thấy mê”.
Từ 25-9 (âl), nước lũ đầu nguồn đã rút nhanh. Cá từ đồng theo nước lũ ra kênh, sông nườm nượp. Mùa cá ra năm nay, người dân vùng lũ khá tất bật với công việc đánh bắt cá. Người thì quăng chài, bủa lưới, người thì đứng trên bờ nôn nao đón chờ những mẻ lưới nặng trĩu. Nhộn nhịp nhất là những chiếc ghe ra giữa kênh bủa lưới.
Xã Hòa Bình, huyện Tam Nông những ngày cuối tháng 10 âm lịch, nước ngoài đồng đã giựt nhiều. Tận dụng mùa cá ra, vào sáng sớm, tại nhiều đoạn kênh Phước Xuyên của xã, xuồng ghe đánh bắt cá tấp nập. Xã vùng sâu vốn hàng ngày im ắng nhưng từ khi con nước rằm tháng 10 xuất hiện, sinh hoạt của các hộ gia đình trong xã sôi động hẳn lên.
Tranh thủ ghé vào cái chòi được cất tạm ngoài bờ sông để ngồi đan lại tay lưới bị rách, Hai Hùng (ngụ ấp 4, xã Hòa Bình) – lão nông có thâm niên 40 năm làm nghề “bà cậu” hồ hởi bảo: “Ở đây năm nay mùa cá ra vui lắm! Từ sáng sớm đến tối người dân lấy xuồng ba lá giăng lưới suốt ngoài sông. Mọi người mê bắt cá, đem theo đèn, cơm nước lên xuồng đến tận khuya mới về. Lưới thả đặc sông, ghe lúa, sà lan chạy trên kênh từ xa đã bóp kèn inh ỏi – không bóp kèn là xuồng lưới không biết đường tránh. Hầu như nhà nào ở xóm này cũng bắt cá. Thương lái tứ xứ đêm ngày tấp nập đổ về đây mua cá”.
Suốt chục năm rồi cá đồng mới có nhiều như thế. Mùa cá ra năm nay bà con vùng lũ đánh bắt cá được “trúng mánh”.
Xuân sớm về với bà con vùng lũ
“Năm ngoái nước yếu, trước khi lũ về, người dân ở đây ai cũng đinh ninh nước năm nay tiếp tục nhỏ, không ngờ lũ đột ngột lên cao. Năm nay nước lớn, người dân thiệt hại tài sản cũng không ít, nhưng nhờ lũ rút, cá ra nhiều, mọi người bắt cá kiếm được bộn tiền.” Chú Ba Gul nhớ lại những mốc thời gian khi nước lên, nước rút mà có lẽ những ngày sau này chú không thể nào quên được. Theo nghề “bà cậu” được 5 năm, năm 2010 mùa cá ra không mạnh, vậy là cộng tiền mua dụng cụ, tiền mướn nhân công theo ghe, chú lỗ trên chục triệu đồng. Năm ấy số đất ruộng ít ỏi là tài sản duy nhất chú cũng đem bán.
Nghề “bà cậu” là vậy. Có khi không may thua lỗ phải bán hết của cải quý giá trong nhà, có khi lâm cảnh nợ nần, ấy vậy mà dân đánh bắt cá vẫn bám nghề.
Lấy miếng gạc y tế băng lại vết thương ở bàn chân còn ứ máu, chú Ba nhăn mặt nói: “Hôm rồi vừa lên bờ nghỉ trưa, tận dụng thời gian tui đi mua một ít đồ, ai ngờ chân xướt do bị va quẹt. Vết thương gặp nước đau rát nhưng không nghỉ được. Tiền mướn nhân công cả chục triệu đồng lỗ đã đành, tiếc nhất là mùa cá ra năm nay vô mánh mà nghỉ thì uổng lắm. Đà này chịu làm xuyên suốt, đến hết mùa cá ra, tui nhất định mua lại đất”.
Nhẩm tính thử, chú Ba mong kiếm được tiền từ mùa cá này để mua lại đất là có cơ sở. Chú cho biết, từ những ngày cuối tháng 9 âm lịch đến nay, mỗi ngày chú bủa lưới khoảng chục lần. Mỗi lần nếu lưới trúng thì được khoảng 50kg, cá rẻ nhất cũng được 15.000 đồng/kg. Ngày ít gì cũng kiếm được không dưới 4 triệu đồng.
Đó là chuyện của người nghèo vùng lũ có chút vốn liếng làm ăn lớn. Còn với những người chỉ có thể mua cái chài, vài tay lưới và dựa vào sức lực, kinh nghiệm làm nghề “bà cậu” thì mùa cá ra năm nay cũng mang đến cho họ niềm phấn khởi. Lão nông Hai Hùng (ngụ ấp 4, xã Hòa Bình) “không một “cục đất chọi chim”, quanh năm ai thuê gì làm nấy, mấy ngày nay lão gác lại chuyện khuân thuê vác mướn để cùng vợ bơi xuồng ra kênh giăng lưới bắt cá. Lão bảo: “Nhà nước thương thấy hoàn cảnh nghèo hỗ trợ nền nhà trong cụm tuyến dân cư, nhà đang cất sắp xong, mấy hôm nay ngày vô khoảng bốn năm chục ký cá, tui định mai mốt lấy tiền bán cá đi sắm đồ đạt, bàn ghế đem về nhà mới để chuẩn bị ăn Tết”.
Mùa cá đồng ra kênh, sông vẫn còn kéo dài đến giữa tháng 11 âm lịch. Dù còn vài ngày, nhưng nguồn cá tự nhiên sẽ tiếp tục hứa hẹn mang đến nhiều niềm vui cho dân nghèo vùng lũ. Mong sao cảnh người người cùng bơi xuồng thả lưới bắt cá đặc kênh; hình ảnh những đứa trẻ, bà mẹ mang bầu, cụ già ngồi làm cá, ủ mắm dọc hai bên đường sẽ tiếp tục được tái hiện trong những mùa lũ tới.
T.Dũng – H.Nghĩa
Nguồn: Baodongthap