Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973, còn được gọi là Ba Huy) là một người ăn chơi nổi tiếng tại Sài Gòn và miền Nam trong những năm 1930 và 1940. Ngày nay, “Công tử Bạc Liêu” được dùng như một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi.
Thành ngữ này xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp đã ổn định tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, nhiều đại điền chủ đã xuất hiện ở vùng đất này. Khi đó, dân gian đã tạo ra câu “Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch” để chỉ bốn vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ.
Theo xu hướng thời đó, các đại điền chủ và hào phú quyền quý ở Nam Kỳ thường cho con em mình lên Sài Gòn học tại các trường Pháp hay thậm chí du học tại Pháp. Tuy nhiên, hầu hết những công tử giàu có này, bị ảnh hưởng bởi không khí phồn hoa của đô hội và dư dả tiền bạc, thường dẫn đến lối sống ăn chơi để khoe khoang. Trong số những công tử này, không ai tiêu xài tiền bạc ngang bằng các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ “Công tử Bạc Liêu” được hình thành từ đó. Sau này, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ riêng công tử Trần Trinh Huy, bởi không có công tử nào sánh kịp với ông về khả năng tài chính và độ phóng túng. Từ đó, “Công tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng đặc biệt của Ba Huy, không ai có thể cạnh tranh.
Ông tên thật là Trần Trinh Quy, sinh ngày 22 tháng 6 năm 1900. Tuy nhiên, do cho rằng tên “Quy” không sang, ông đã đổi lại thành “Huy”. Ngoài biệt danh Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn có nhiều tên gọi khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, mặc dù sự thật là Ba Huy không là thành viên của hội đồng nào) và Hắc công tử (bởi vì làn da ngăm đen của ông, giúp phân biệt với Bạch công tử).
Trần Trinh Huy là con trai của ông Trần Trinh Trạch, còn gọi là Hội Đồng Trạch, một người từng là thư ký làng. Ông Trạch đã cưới cô Tư, con gái của ông bá hộ Phan Văn Bì, người sở hữu nhiều đất ruộng nhất tỉnh Bạc Liêu và được mệnh danh là “Vua lúa gạo Nam Kỳ”. Ông Bá hộ đã chọn rể cho cô con gái thứ Tư một cách đặc biệt. Hằng năm, ông đến Tòa Bố (tòa Hành chánh) tỉnh để đóng thuế điền địa. Sau nhiều năm quan sát, ông phát hiện thư ký điền địa Trần Trinh Trạch là người đứng đắn, đàng hoàng và chưa có vợ. Ông đã mời ông Trạch về nhà chơi và tạo điều kiện để hai người gặp gỡ. Sau nhiều lần tiếp xúc, hai bên đã yêu thương nhau. Ông Bá hộ tổ chức đám cưới cho cặp đôi và tặng cho họ một sở đất để ra riêng.
Thư ký Trạch nghỉ công chức điền địa để quản lý đất của mình. Nhờ trình độ văn hóa khá và sự giúp đỡ từ gia đình vợ, ông nhanh chóng phát triển kinh tế. Ông mua thêm đất điền từ lợi nhuận hàng năm. Tuy nhiên, ông Bá hộ không hài lòng khi thấy đất của các con mình lần lượt chuyển sang tay con rể thứ tư. Lý do là các con ông say mê cờ bạc và đã cầm cố đất điền cho anh rể. Đất cầm cố lâu năm không chuộc lại coi như mất. Ông Bá hộ tự an ủi rằng ít nhất đất cũng không rơi vào tay người ngoài và vẫn ở trong gia đình. Nhờ đó, Hội Đồng Trạch càng ngày càng giàu có, sở hữu một đồn điền ruộng lúa hàng đầu miền Nam thời bấy giờ. Lại có câu:
Nghèo đến thằng mình còn chạy quýnh
Giàu như ông Trạch cũng buồn thiu
Trần Trinh Trạch sở hữu 74 sở điền, bao gồm 110.000 ha đất trồng lúa và gần 100.000 ha ruộng muối. Theo cháu chắt của ông, tỉnh Bạc Liêu thời bấy giờ (bao gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có tổng cộng 13 lô ruộng muối, trong đó 11 lô thuộc sở hữu của ông Hội Đồng Trạch, một lô của cha sở và một lô dành cho dân thường. Ông Trạch có tổng cộng 7 người con, gồm 4 con gái và 3 con trai. Trong số 3 người con trai của ông Trạch (Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương), Ba Huy (Trần Trinh Huy) là người ăn chơi nhất.
Hắc Công Tử
Trần Trinh Huy từng du học tại Pháp, nhưng sau ba năm trở về nước không một mảnh bằng, để lại một người vợ người Pháp và một đứa con tại Paris. Khi Huy trở về, ông Trạch cùng gia đình đưa đón tại Sài Gòn. Dù chiếc xe Ford đang sử dụng tốt, nhưng ông Trạch quyết định mua thêm một chiếc xe mới để xứng đáng với học hàm, học vị của Huy và tôn vinh danh tiếng gia đình Trần.
Trần Trinh Huy có thân hình cao lớn, khoảng 1,70 m, khỏe mạnh nhưng không thô kệch, lại có dáng điệu thanh thoát và sang trọng. Với làn da ngăm đen, lông mày rậm, Huy tràn đầy sinh lực. Huy có tính tình hoà đồng và hào phóng, luôn nhẹ nhàng với người trong nhà. Khi bà con từ xa đến thăm, Huy luôn chia sẻ tiền bạc. Tá điền Bàu Sàng hiếm khi ghét bỏ Huy, vì anh không đòi nợ và thỉnh thoảng còn giảm bớt lúa ruộng cho người nghèo. Trong mối quan hệ, Huy rất thoải mái, không để ý hay tính toán.
Thời đó, nhiều công tử và điền chủ thường kết giao với người Pháp theo cách “khúm núm” và nịnh nọt. Riêng Huy, lại có mối quan hệ ngang hàng, không phân biệt địa vị. Trong mắt giới giang hồ, Huy là người nổi tiếng nhất Nam Bộ, còn trong mắt người Pháp, anh được tôn trọng vì có vợ người Pháp và thuê người Pháp làm công. Huy có tánh rộng lượng và coi tiền không quan trọng. Chữ viết của anh không đẹp nhưng bay bướm, cho thấy một người thông minh.
Ba Huy là người cởi mở, không cổ hủ hay cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh bằng 13.000 giạ lúa. Công tử Bạc Liêu cũng tỏ ra tự trọng, luôn giữ lời hứa với Chính phủ. Ông đã cam kết với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu rằng sẽ giảm tô, không hợp tác với Pháp, đồng thời gửi vải vóc và thuốc men hỗ trợ kháng chiến – và ông đã thực hiện đúng như đã hứa.
Yêu thích tổ chức các hoạt động hội hè, Ba Huy có lẽ là người đầu tiên tổ chức hội chợ và cuộc thi “Hoa hậu miệt đồng” tại đồng bằng sông Cửu Long.
Ba Huy đã có tổng cộng bốn người vợ cùng nhiều nhân tình. Người vợ đầu tiên là người Pháp, kết hôn khi Ba Huy du học ở Paris. Trở về nước, ông kết hôn với Ngô Thị Đen tại Bạc Liêu, và họ có một con gái là cô Hai Lưỡng, sau này cô sang Pháp sinh sống. Từ năm 1945, Ba Huy chuyển về Sài Gòn và kết hôn thêm với bà Nguyễn Thị Hai, họ có ba con là Thảo, Nhơn, và Đức.
Khoảng năm 1968, Ba Huy chuyển đến căn nhà phố đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Một ngày nọ, ông nhìn thấy một cô gái đẹp gánh nước đi qua và tìm hiểu ra rằng cô là con gái của một người làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến xin “đổi” căn nhà lấy cô gái và sau khi bàn bạc, họ đồng ý. Đây chính là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém ông 50 tuổi, và họ sống chung thủy đến cuối đời. Họ có ba con trai và một con gái tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.
Ngoài ra, Ba Huy còn có nhiều con với các nhân tình. Mặc dù họ không phải là vợ chính thức, nhưng con cái của họ đều được gia đình Trần công nhận. Ba Huy qua đời vào năm 1973 tại Sài Gòn và được an táng tại phần mộ gia đình ở ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.
Những giai thoại
Ông Trạch đã giao cho Ba Huy nhiệm vụ quản lý điền sản. Ba Huy thường đi đến các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Đây là một sự kiện đặc biệt, khiến người dân tá điền xôn xao, vì họ chưa từng thấy xe hơi hay ca nô trước đây. Khi đi đòi nợ ở các tỉnh, Ba Huy sử dụng chiếc Ford Vedette, còn khi đi chơi ông dùng chiếc Peugeot thể thao sản xuất năm 1922. Loại xe này chỉ có hai chiếc ở miền Nam, chiếc còn lại thuộc sở hữu của vua Bảo Đại. Ba Huy còn thuê một người Pháp tên Henri, chồng bà Tư Nhớt – một thành viên trong gia tộc Trần Trinh, để quản lý và điều hành gia sản của ông Hội Đồng Trạch dưới quyền Ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưởng 10% trên tổng lợi tức hàng năm. Vì vậy, ông Henri mới chịu rời quê hương sang làm việc cho gia đình vợ và chỉ trở về nước vào tháng 4 năm 1975.
Ba Huy rất đam mê võ thuật. Trong nửa đầu thế kỷ 20, học võ trở thành mốt với ý nghĩa nâng cao khí phách và phẩm chất của người anh hào. Thay vì học võ phương Tây hay võ phương Đông, Ba Huy chọn học võ Xiêm. Ông đã bỏ công qua Xiêm để thuê một võ sư thượng thừa về dạy võ cho mình và Tám Bò, em út của ông.
Một sự kiện gây chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Lúc ấy, cả Việt Nam chỉ có hai chiếc máy bay tư nhân, một của Công tử Bạc Liêu và một của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Ba Huy quyết định bay ra biển Hà Tiên chơi, nhưng lại bay quá xa đến khi hết nhiên liệu, buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Hậu quả, Ba Huy bị mắc kẹt ở nước Xiêm, bị bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội Đồng Trạch đã phải điều động một đoàn ghe chở lúa dài đến Xiêm để chuộc con trai về. Ba Huy là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay và sân bay tư nhân.
Cuộc sống của Ba Huy vô cùng sang trọng và xa hoa. Khi ra đường, ông mặc veston đắt tiền nhất thời đó. Thói quen ăn uống của Ba Huy gồm ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, và chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần đi từ Bạc Liêu đến Sài Gòn, ông ngồi trên chiếc xe cáu cạnh do tài xế lái. Khi đến Sài Gòn, Ba Huy thường không ở biệt thự của gia đình mà chọn các khách sạn sang trọng nổi tiếng. Đôi khi, ông thuê cả chục xe kéo để đi dạo mát: một chiếc cho ông, còn lại chở đồ như mũ, cây can…
Công tử Bạc Liêu là một người luôn thích dịch chuyển và ham vui, thường tham gia những bữa tiệc xa hoa với rượu sâm banh. Mỗi Chủ Nhật, ông thường đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ba Huy cũng là một người đam mê cờ bạc, đôi khi ông đã từng đánh một ván bài lên tới 30.000 đồng, trong khi giá lúa chỉ 1,7 đồng một giạ và mức lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa đến 3.000 đồng một tháng.
Bạch Công Tử
Bạch công tử, tên thật là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, là con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người đến từ làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng thời đó, với làn da trắng nên được gọi là Bạch công tử để phân biệt với Ba Huy. George Phước yêu thích cải lương và từng sang Pháp học về sân khấu. Trở về nước, Phước cùng một người bạn đã bỏ tiền lập hai đoàn hát Phước Chương và Huỳnh Kỳ nổi tiếng với cô đào chánh đệ nhất tài sắc đương thời là cô Bảy Phùng Há và một cô đào tài sắc khác là Năm Phỉ. Bạch công tử và Hắc công tử cùng nổi tiếng ăn chơi, trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau.
Bạch công tử, tên thật là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, là con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người đến từ làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang). Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng thời đó, với làn da trắng nên được gọi là Bạch công tử để phân biệt với Ba Huy. George Phước yêu thích cải lương và từng sang Pháp học về sân khấu. Trở về nước, Phước cùng một người bạn đã bỏ tiền lập hai đoàn hát Phước Chương và Huỳnh Kỳ nổi tiếng với cô đào chánh đệ nhất tài sắc đương thời là cô Bảy Phùng Há và một cô đào tài sắc khác là Năm Phỉ. Bạch công tử và Hắc công tử cùng nổi tiếng ăn chơi, trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau.
Khi cô Ba Trà, một người đẹp khiến Bạch công tử mê mẩn, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp, Bạch công tử liền lái xe đến nhà cô Ba Trà, mời cô xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc. Hai người vừa đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa kịp nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc công tử cũng tới. Cả hai đối mặt với tình huống khó xử, chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân để chiếm được tình cảm của cô Ba Trà. Cả ba cùng vào khách sạn. Bạch công tử để chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng trên bàn trước khi vào phòng tắm. Khi trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử chiếc cà rá, Bạch công tử liền tặng luôn. Sau đó, Hắc công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn có giá trị gấp đôi…
—
Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ cùng cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu biểu diễn, Bạch công tử mời Hắc công tử đến xem. Đang xem, Bạch công tử móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công (tờ 5 đồng thời đó), Bạch công tử cuối xuống tìm kiếm. Hắc công tử thấy vậy hỏi:
- Chú kiếm gì vậy?
- Tôi kiếm tờ con công.
Hắc công tử mỉm cười nói:
- Để tôi đốt đuốc cho chú kiếm.
Nói rồi Hắc công tử móc tờ giấy bạc bộ lư (tờ 100 đồng) châm lửa soi cho Bạch công tử kiếm. Bị một vố quá nặng, vãn tuồng, Bạch công tử mới nói:
- Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng? – Hắc Công Tử đáp “Chú cũng vậy nữa kìa! Ấy dà, Chú muốn chơi hả? Được,vậy để tôi chơi cho chú chết luôn!”
Tối hôm sau, Hắc công tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của Bạch công tử. Cuộc thi được tổ chức ở đại sảnh nhà lớn của Trần gia. Lửa của tiền giấy thì rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế họ nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của rất nhiều người chứng kiến. Trán ai cũng rịn mồ hôi hột, nhất là những người trong gia đình họ Trần. Cuối cùng, nồi chè Bạch công tử sôi trước, Hắc công tử đành thua cuộc. Nhưng Ba Huy tuyên bố rằng ông ta thua trong danh dự.